CHẮP LẸO

Lẹo là một áp xe của tuyến Zeiss ở ngay chân lông mi, viêm mủ tuyến bã ở bờ mi hoặc trong chiều dầy của mi phát bệnh cấp, thích tái phát.

Chắp là tuyến sụn mi bị viêm nhiễm.

YHCT: Gọi là Thâu Châm, Du Thâu Châm, Thổ Âm, Thổ Dương, Nhãn Đơn, Châm Nhãn, Mạch Lạp Thủng.

Lẹo tương đối dễ khỏi hơn Chắp.

Triệu chứng

Lẹo: Mi mắt mọc lên những mụt dính vào mi mắt trên hoặc dưới, sưng nóng đỏ, đau, tiến triển nhanh, có khi sưng ít, có khi sưng nhiều, to cả mắt và ứ phù màng tiết hợp, nhẹ từ 3 – 5 ngày sau lẹo làm mủ rồi vỡ, dập mủ thì có thể khỏi. Thường hay tái phát hết mi này sang mi khác. Đây là trường hợp viêm cấp.

Chắp: Như mụn bọc, cứng, nhỏ, u tròn, nằm sâu trong sụn mi, không sưng đỏ, ít đau khi sờ nắn, khi lật mi ra thấy màu tím đỏ hoặc trắng màu mủ nằm ở trong ăn lấn vào sụn mi và lan rộng. Đây là trường hợp viêm bán cấp.

Nguyên nhân

Theo Y học hiện đại:

Lẹo: Viêm, áp xe mủõ tuyến Zeiss.

Chắp: Tắc hạch Mêbomius.

Theo Đông Y: Do nhiệt độc lẫn thức ăn cay nóng quá ở Tỳ Vị bốc lên gây bệnh, vì theo nhãn chẩn mi mắt thuộc về Tỳ.

Điều trị:

Thanh nhiệt, tiêu độc.

Huyền Địa Hoàng Cúc Thang 39, Long Đởm Cầm Liên Thang 51, Mạch Thoái Tán 56, Thanh Giải Tán 104, Tiêu Thủng Tán Kết Thang 124, Tiêu Thủng Thang 125.

Thuốc nhỏ mắt: Long Não Hoàng Liên Cao 54.

CHÂM CỨU

Dùng huyệt Thâu Châm. Người bệnh đứng hoặc ngồi ngay lưng, vắt tay ngược với bên mắt bệnh mắt trái thì vắt tay phải qua vai bên mắt lành, khủy tay sát vào cằm, các ngón tay sát vào nhau đưa hết sức ra sau lưng, đầu ngón tay giữa chạm vào cột sống chỗ nào đó là huyệt để châm thường vào khoảng đốt sống lưng 3-6. Thầy thuốc dùng tay vuốt dọc từ vai gáy lưng vùng huyệt Kiên tỉnh tới điểm để châm, đến khi da đỏ ửng, sát trùng rồi dùng kim to Kim tam lăng chích nông, nặn ra ít máu. Làm đúng lẹo mới mọc sẽ tiêu ngay, lẹo đã mưng mủ sẽ mau vỡ.

Một cách thức khác cũng giống như trên: dùng tay bên bị bệnh mắt bên phải dùng tay phải vắt chéo qua vai bên trái và ngược lai, mắt bên trái dùng tay trái vắt chéo qua vai bên phải, cố hết sức cho tay giữa chạm vào cột sống, đánh dấu điểm đó. Sau đó kẻ 1 đường thẳng tưởng tượng giữa vai và gáy vùng huyệt Kiên Tỉnh, giữa huyệt Đại Chùy và huyệt Kiên Ngung xuống và 1 đường ngang từ chỗ đã đánh dấu ở cột sống ra, 2 đường này gặp nhau ở đâu, đó là huyệt để châm. Châm ra máu như cách trên.

Sách Châm Cứu Học Thực Hành giải thích như sau: Theo Nội Kinh, tất cả bệnh về đinh nhọt nhiệt độc đều thuộc Tâm hỏa. Huyệt này nằm trong đoạn từ đốt sống lưng 3-6, tương ứng với 2 huyệt Thần Đạo và Linh Đài. Huyệt Thần Đạo có Tác dụng thanh tâm, an thần nằm ở ngang đốt sống thứ 4, huyệt Linh Đài có Tác dụng thanh Tâm ở ngang đốt sống lưng thứ 5. Châm nặn máu 2 huyệt này có Tác dụng thanh tâm hỏa, trừ nhiệt độc. Ngoài ra, theo nguyên tắc Mẫu bệnh tử cập bệnh ở mẹ truyền sang cho con tức là bệnh ở Tâm mẹ truyền sang cho Tỳ con theo nguyên tắc Ngũ hành tương sinh Hỏa sinh thổ. Do đó, huyệt trên cũng trị được nhiệt ở Vị.

Châm huyệt Phế Du bên bệnh, nặn ra ít máu hoặc châm tả, kích thích mạnh. Có thể giải thích như sau: Theo nguyên tắc Kinh lạc sở qua chủ trị sở cập kinh lạc vận hành qua vùng nào, trị bệnh ở đó, đường kinh Bàng quang có liên hệ với mắt vì huyệt Tinh Minh là huyệt khởi đầu của kinh Bàng quang nằm ở góc khóe mắt trong, do đó, dùng huyệt Phế Du của kinh Bàng quang để trị bệnh ở mắt. Huyệt Phế Du là điểm rót kinh khí vào tạng Phế Phế = tạng Phế, Du = rót vào. Theo Đông Y, Phế chủ bì mao, lẹo là hình thức da ở mi mắt sưng lên, vì thế, chọn huyệt Phế Du có Tác dụng tốt trong điều trị lẹo mắt. Ngoài ra, khi lẹo mắt, ấn vào huyệt Phế Du thấy có cảm giác đau, như vậy, có thể coi Phế Du là A Thị Huyệt hoặc Thiên Ứng Huyệt, có Tác dụng sơ thông kinh khí vùng đau.

Dùng kim nhỏ châm huyệt Nhĩ Tiêm bên bệnh, lưu kim 10 phút hoặc châm nặn máu cũng có Tác dụng trị lẹo mắt tốt vì huyệt Nhĩ Tiêm và mi mắt đều có liên hệ với tiết đoạn thần kinh sọ não số V. Cùng 1 tiết đoạn thần kinh đều có Tác dụng điều chỉnh như nhau.

Theo sách Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học: Sơ phong, thanh nhiệt, lợi thấp.

Tỳ Vị có thấp nhiệt: Châm tả huyệt Hợp cốc, Thừa khấp, Tứ bạch, Âm lăng tuyền.

Ngoại cảm phong nhiệt: Châm tả huyệt Tinh minh, Toàn trúc, Hành gian, Thái dương.

Hợp cốc hợp với huyệt Thừa khấp, Tứ bạch và Âm lăng tuyền để thanh thấp nhiệt ở Tỳ Vị; Tinh minh, Toàn trúc hợp với Hành gian và huyệt Thái dương [Ngoài kinh để sơ phong, giải nhiệt] Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học.

NHĨ CHÂM: Dùng các huyệt Mắt, Can, Tỳ, Nhĩ tiêm. Kích thích mạnh, lưu kim 20 phút, thỉnh thoảng lại vê kim. Mỗi ngày một lần Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học.

Phụ Lục: PHÂN BIỆT CHẮP VÀ LẸO

Tính Chất

CHẮP

LẸO

Hình dáng

Có chất mỡ nhờn gây ra 1 dị vật trong tổ chức bề dầy của sụn, chung quanh chắp có cục u tròn, sâu trong sụn mi, không sưng đỏ. Lật mi ra thấy mầu tím đỏ hoặc trắng trắng là có mủ.

Như 1 mụn nhọt, sưng, nóng đỏ và cương to dần lên, có thể có mủ.

Thường mọc ở bờ mi.

Phát triển rất nhanh.

Tính Chất Đau

Đè hoặc sờ vào không đau hoặc ít đau.

Rất đau nhức.

Nguyên Nhân

. Tắc hạch Mebomius.Do nhiệt của Vị bốc lên hợp với thấp tụ lại ở trong mi mắt.

Viêm, áp xe mủ tuyến Zeis.

Do Nhiệt độc ở Vị bốc lên.

Biến Chứng

Loại chắp có mủ tấy lên làm sưng mi mắt, có thể gây sùi ở kết mạc, phát triển ra 2 phía da mi và bể ra, có thể gây nên lác, lé.

Viêm tấy nhanh, gây đau nhức. Vỡ mủ ra thì xẹp đi nhưng có thể tái phát hết chỗ này đến chỗ khác.

Tra Cứu Các Bài Thuốc

39- HUYỀN ĐỊA HOÀNG CÚC THANG Hồ Nam Trung Y Tạp Chí 1 1987: Huyền sâm, Sinh địa đều 20g, Cúc hoa, Hoàng cầm, Thiên hoa phấn, Ngưu tất đều 12g, Chỉ xác, Đơn bì, Đại hoàng đều 9g, Cam thảo 6g, Tần bì 30g, Thuyền thoái 5g. Trừ Đại hoàng, các vị thuốc đem ngâm nước 15 phút, sau đó đun cho sôi rồi mới cho Đại hoàng vào. Mỗi ngày uống một thang, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Tư âm, tả hỏa, thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, khứ phong, lý khí, tiêu thủng. Trị chắp, lẹo mắt.

51- LONG ĐỞM CẦM LIÊN THANG Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn: Long đởm thảo, Hoàng cầm, đều 6g Hoàng liên 3g, Chỉ xác 3 – 4g, Cam thảo sống 3g. Sắc uống còn bã, để cho nguội, đắp vào mắt.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc. Trị lẹo mắt.

Trị 272 ca, khỏi 170. Có 11 ca tái phát, còn lại hoàn toàn khỏi. Đạt 93,53%.

56- MẠCH THOÁI TÁN Nhãn Khoa Lâm Chứng Lục: Long đởm thảo, Đại hoàng sống, Hoàng bá, Kim ngân hoa, Cam thảo, Hoàng cầm, Tri mẫu. Lượng bằng nhau. Tán nhuyễn. Thêm Địa du phấn 20%, trộn đều. Lấy nước lạnh trộn bột thuốc, đắp vào chỗ lẹo, khoảng 7 – 8 giờ thay một lần thuốc.

Tác dụng: Tiêu nhiệt, tả hỏa, tiêu thủng, chỉ thống. Trị lẹo mắt vỡ mủ.

104- THANH GIẢI TÁN Thiên Gia Diệu Phương, Q. Hạ: Toàn yết 4g, Đại hoàng 2g, Song hoa 12g, Cam thảo 1,2g. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1g.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc. Trị mắt lẹo.

124- TIÊU THỦNG TÁN KẾT THANG Quảng Tây Trung Y Dược 4, 1986: Hạ khô thảo, Phục linh đều 15g, Bán hạ, Khô hồng, Hải tảo đều 12g, Hương phụ, Triết bối mẫu đều 10g. Sắc uống.

Tác dụng: Hóa đờm, tán kết, thanh nhiệt, tiêu thủng. Trị lẹo mắt.

Trị 15 ca, khỏi 9, đỡ 4, không khỏi 2. Đạt kết quả 86,7%.

125- TIÊU THỦNG THANG Nhãn Khoa Thực Nghiệm: Kim ngân hoa, Bồ công anh đều 15g, Thiên hoa phấn, Hoàng cầm, Xích thược, Kinh giới, Phòng phong đều 9g, Cam thảo 3g. Sắc uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tán phong, hành huyết. Trị chắp, lẹo mắt.

Thuốc nhỏ mắt:

54- LONG NÃO HOÀNG LIÊN CAO Chứng Trị Chuẩn Thằng: Hoàng liên 320g, Long não 4g. thái nhỏ Hoàng liên ra, cho 600ml nước vào trong bình sành, bỏ Hoàng liên vào rồi đun nhỏ lửa, còn lại 300ml. Lọc bỏ bã, chưng cách t cho thành cao chừng 100ml. Khi dùng, hòa 4g Long não vào, nhỏ vào mắt.

Tác dụng: Trị lẹo mắt.

Bài trướcChứng Chảy Nước Mắt Trong Đông Y
Bài tiếp theoChàm Thấp Chẩn – Eczema Trong Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.