KINH NGUYỆT

Con gái khoẻ mạnh thường 13 – 14 tuổi đã có kinh. Thiên ‘Thượng Cổ Thiên Chân Luận’ (Tố Vấn 1) viết: “Người con gái đến khoảng 14 tuổi, mạch Nhâm thông, âm huyết của mạch Thái xung vượng, kinh nguyệt theo đó mà phát ra”. Trong 1-2 năm đầu, kinh nguyệt có khi bị dao động chưa ổn định, nhưng sau đó kinh nguyệt đến đều, chu kỳ kinh thường là 28 ngày, có khi sớm hơn hoặc trễ hơn, vì vậy còn được gọi là Nguyệt Tín, Nguyệt Kinh. Tuy nhiên sách ‘Phụ Nhân Đại Toàn Lương Phương’ cũng đề cập đến trường hợp đặc biệt của kinh nguyệt như Tính Nguyệt, hai tháng có một lần; Cư Kinh ba tháng có một lần; Tỵ Niên một năm có một lần; Ám kinh suốt đời không có kinh lần nào. Những trường hợp này, không gọi là bệnh kinh nguyệt, đó là hiện tượng sinh lý bẩm sinh, không cần phải điều trị.

Thời gian hành kinh thường từ 3 – 5 ngày, lượng trung bình 50-100ml. Mầu kinh lúc bắt đầu đỏ nhạt, rồi đỏ đậm dần và sau cùng là đỏ nhạt, không có huyết cục, không mùi hôi. Mỗi lần hành kinh, người mệt mỏi, chân tay rã rời, lưng đau nhẹ, bụng dưới đầy tức, ăn không biết ngon, vú hơi căng, đều là hiện tượng sinh lý bình thường. Phụ nữ thường tắt kinh vào lứa tuổi 48, 49 tuổi.

Nguyên Nhân

Nguồn gốc gây ra rối loạn kinh nguyệt thường do ba nguyên nhân chính là Nội nhân, Ngoại nhân và Bất nội ngoại nhân.

Nội nhân: Do xáo trộn thất tình bên trong. Tiết Lập Trai nói: “Tâm Tỳ điều hoà thì chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nếu bị thất tình nội thương thì kinh nguyệt rối loạn”.

Ngoại nhân gây nên bởi lục dâm. Trần Lương Phủ nói: “Phụ nữ kinh nguyệt không đều do phong, hàn thừa lúc cơ thể suy yếu xâm nhập vào trong bào cung làm tổn thương hai mạch Nhâm và Xung”.

Không do nội ngoại nhân: Như do ăn uống không điều độ, lao nhọc quá sức, phòng dục quá độ… gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt.

Theo Đông y, kinh nguyệt của phụ nữ có liên hệ rất nhiều đến mạch Xung, Nhâm và các tạng khác.

Chẩn Đoán

Cần dựa vào Tứ chẩn và Bát cương để chẩn đoán.

Vấn Chẩn

Cần chú ý đến chu kỳ, lượng nhiều hoặc ít, mầu sắc, các chứng trạng toàn thân để quyết định:

Trước kỳ: lượng kinh nhiều, tím bầm, có cục, mặt đỏ, khát, sợ nóng là huyết nhiệt, thực nhiệt.

Sau kỳ: lượng ít, không hôi, đỏ sẫm hoặc nhạt, thích nóng, sợ lạnh, đau hạ vị, chườm nóng bớt đau là thuộc hàn.

Lượng nhiều và đậm: thực chứng.

Mầu tía, đỏ tươi, hồng hoặc đen tím thuộc về nhiệt.

Sắc bầm là hoả quá vượng, đôi khi do hư hàn.

Lượng ít mà sắc hồng nhạt thuộc về huyết hư.

Sắc nhạt mà hơi có chất nhầy như mũi thuộc về đờm.

Sắc vàng và đục là do thấp đờm.

Mầu tía đen hoặc thuần đen thuộc về hư hàn.

Ngưng đọng lại thuộc về khí hư hoặc huyết hư.

Kinh đến trước kỳ thường thuộc về nhiệt, kinh đến sau kỳ thường do hàn.

Kinh nguyệt khi trước khi sau không nhất định thuộc do Can khí uất kết.

Sách ‘Y Tông Kim Giám’ viết: “Ứ đọng sắc sẫm mà tía đen, gần đến ngày hành kinh thấy có dấu hiệu hàn thuộc về hàn ngưng. Ứ đọng sắc sáng mà tía đen, gần đến ngày hành kinh mà thấy nhiệt thuộc về nhiệt kết”.

Đau bụng sắp hành kinh thường do khí trệ, huyết ứ.

Đang hành kinh, sau hành kinh mà đau bụng thường do khí hư.

MẠCH CHẨN

Sắp hoặc đang hành kinh, mạch bộ Thốn phải Phù Hồng.

Đang hành kinh mà mạch Hoạt Sác hoặc Huyền Sác là dấu hiệu mạch Xung và mạch Nhâm có nhiệt. Nếu mạch Trầm Trì, tế là dương hư nội hàn hoặc huyết hải bất túc. Mạch Tế Sác là âm hư, huyết nhiệt, tân dịch hao tổn…

Kinh bế không ra mà mạch bộ xích hơi Sáp là chứng hư do huyết kém. Mạch bộ xích Hoạt mà đứt nối không đều, đó là chứng hư do huyết thực, khí thịnh.

Chứng băng huyết đa số do hư, mạch thường Hư đại hoặc Huyền Sác. Nếu lâu ngày không dứt, mạch đáng lý phải Tế, Tiểu, Khâu, Trì, nếu chỉ thấy Hư, Sáp, Sắc là không tốt.

BÁT CƯƠNG

Hàn:

Do phong hàn sẽ xuất hiện kinh ra sau kỳ, tím đen, bế kinh, ứ huyết, có khi thống kinh.

Do hàn thấp xuất hiện: Kinh sau kỳ, tía nhạt, nhiều.

Nhiệt

Do Thực Nhiệt: Kinh ra trước kỳ, đỏ sẫm, nhiều hoặc thành băng huyết.

Do hư nhiệt: Kinh ra trước kỳ, đỏ nhạt, ít hoặc hơi nhiều hoặc băng huyết, rong huyết.

Do thấp nhiệt: Kinh ra trước kỳ, đặc dính, vàng đục.

Khí hư (Tỳ hư): Kinh kỳ kéo dài hoặc ra sớm, ra nhiều, sắc kinh nhạt, có thể bị băng huyết.

Huyết hư: Sắc kinh nhạt, hành kinh đau bụng, số lượng kinh giảm dần, dẫn đến vô kinh.

Âm Hư: Kinh ra trước kỳ, nhiều, có thể rong huyết, ít có thể thành bế kinh.

Dương Hư: Kinh phần nhiều kéo dài, nhạt, ít, đau bụng lâm râm.

Thực

Huyết ứ: Kinh rối loạn, phần nhiều ra sớm, một tháng có thể ra 2-3 kỳ, tím, cục, khó ra, bụng dưới căng, nhức đầu, không thích xoa bóp. Trước khi hành kinh thì đau tăng, khi huyết ra thì bớt đau. Có thể bị bế kinh hoặc băng huyết, bụng dưới cứng đau.

Khí Uất: Kinh rối loạn, tím, không thông, bụng dưới đau tức, chướng, đau lan ra 2 bên sườn, vú đau. Nếu uất hoá nhiệt thì kinh ra trước ngày.

Đàm Thấp: Kinh kéo dài, nhiều, nhạt, có khi tắt kinh. Nếu đàm nhiệt thì kinh sắc đỏ.

Nguyên Tắc Điều Trị

Về cách dùng thuốc trong thời kỳ hành kinh, sách ‘Phụ Nhân Đại Toàn Lương Phương’ viết: “Kinh nguyệt đang hành thường dùng vị nhiệt mà không nên dùng vị hàn. Thuốc hàn làm huyết dừng lại khiến các chất Đới, Lâm, Hà, Mãn sinh ra”. Sách ‘Nữ Khoa Bí Yếu’ viết: “Trong lúc hành kinh, cấm không được dùng các vị thuốc đắng, hàn, cay, tán”. Đó là quy luật thông thường, tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, có những trường hợp bệnh chứng phải dùng đến các vị thuốc đáng, hàn, cay, tán, chứ không nhất thiết phải giữ đúng như các sách trên nêu.

Phù Tỳ: trong trường hợp nguồn ích huyết để kiện Tỳ, thăng dương là chính, tuy nhiên không nên dùng những vị thuốc cam nhuận hoặc tân ôn để tránh làm tổn thương đến Tỳ dương hoặc Tỳ âm.

Bổ Thận trong trường hợp bổ ích chân thuỷ của tiên thiên để chấn tinh, bổ huyết là chính. Tuy nhiên, cũng cần kết hợp với thuốc dưỡng hoả để làm cho thuỷ hoả đều đầy đủ, tinh huyết đều vượng thì kinh nguyệt tự điều hoà.

Hành Khí Giải Uất (vì khí hay gây rối loạn kinh nguyệt).

Nên dùng phối hợp thuốc hành khí như Thanh bì, Mộc hương với thuốc bổ huyết và thuốc bổ âm.

Nếu khí nghịch thì dùng thuốc giáng khí, khí hàn thì ôn khí, khí hư thì bổ khí. Đồng thời mỗi trường hợp phải phối hợp với thuốc dưỡng huyết, điều kinh.

Bổ Tỳ Vị để điều kinh (vì Tỳ Vị là gốc bổ cho huyết).

Chữa các bệnh gây rối loạn kinh nguyệt như thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh…

Bài Thuốc Dùng Điều Trị KINH NGUYỆT

(Theo tập ‘Phụ Đạo Xán Nhiên’ trong ‘Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh’)

Chưa đến kinh kỳ đã ra là có hoả, dùng bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn.

Chưa tới kỳ mà kinh ra nhiều, cũng dùng bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn thêm Hải phiêu tiêu, Sài hồ, Bạch chỉ, Ngũ vị tử, Bạch thược.

Mới 10 ngày hoặc ½ tháng kinh đã ra là do khí bị hư yếu, dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang.

Quá kỳ kinh mới ra là hoả suy, hư hàn, uất hoặc đờm, dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang thêm Ngải cứu, Hương phụ, Bán hạ.

Kinh đến chậm mà mầu nhạt dùng Bổ Trung Ích Khí Thang thêm Nhục quế.

Sau khi thấy kinh, cơ thể đau nhức: do khí huyết suy và không điều hoà hoặc huyết hải không đủ thì khi đến kỳ, huyết toàn thân bị tổn thương, cho nên kinh muốn ra là cơ thể bị đau trước. Nếu kinh ra rồi thì đau bụng là khí huyết đều hư, nên dùng bài Bát Trân Thang. Nếu đã hư mà có nhiệt, nên dùng bài Bát Vị Tiêu Dao Tán.

Vì khí trệ mà kinh chưa ra hết nên dùng bài Tứ Vật Thang thêm Mộc hương.

Sau khi có kinh bị phát sốt, mỏi mệt, mắt như bị che lấp, do Tỳ âm bị thương. Mắt là chủ huyết mạch, nên dùng bài Bổ Trung Ích Khí Thang, Quy Tỳ Thang, không được dùng thuốc thanh lương để làm sáng mắt.

Trước khi hành kinh, bị tiêu chảy, mạch Nhu Nhược, do Tỳ Thận đều hư, nên dùng Quy Tỳ Thang gia giảm để bổ Tỳ Thận.

Kinh ra quá nhiều, có khi có huyết trắng, ngày nhẹ đêm nặng, tiêu chảy bất thường, do dương hư hạ hãm, thoát dương nên dùng bài Thập Toàn Đại Bổ hoặc Bổ Trung Ích Khí Thang.

Kinh không đều, nên dùng Tứ Vật Thang làm chủ và tuỳ theo hàn, nhiệt, hư, thực mà gia giảm. Vì đàn bà thuộc quẻ Khôn cho nên chữa đàn bà lấy âm làm chủ. Do đó, trong bài Tứ Vật có Quy, Thược, Thục đều là thuốc có vị hậu, vị hậu là âm ở trong âm, cho nên nó bổ ích cho huyết. Ngoài ra Quy vào Tâm, Thược vào Can, Thục vào Thận, Khung vận hành khí ở trong huyết. Do đó, Tứ Vật là chủ để điều kinh.

Khi kinh ra mà trong bị bệnh do ăn uống sống lạnh, ngoài bị hàn thấp sinh ra ứ huyết, nên dùng bài Ngũ Tích Tán bỏ Ma hoàng thêm Mẫu đơn, Hồng hoa.

Kinh lạc bị trở ngại do bên ngoài bị phong hàn, trong bị uất kết, nên dùng bài Ôn Kinh Thang thêm Trạch lan, Đương quy, Mạch môn.

Kinh không ra do Tâm khí uất kết, nên dùng bài Phân Tâm Hí Ẩm bỏ bớt Khương hoạt, Bán hạ, Thanh bì, Tang bì thêm Xuyên khung, Hương phụ, Nga truật, Huyền hồ. Nếu có hoả thêm Hoàng cầm hoặc dùng bài Tiểu Điều Kinh Thang hoặc Đơn Hương Phụ Hoàn.

Kinh không ra mà bụng sôi do Vị bị hư, dùng bài Đơn Thương Truật Cao hoặc dùng độc vị Hậu phác uống lúc đói.

Kinh bế do thấp đờm dính ở huyết hải, nên dùng bài Đạo Đờm Thang thêm Xuyên khung, Hoàng liên.

Kinh ra sau kỳ là huyết ít, dùng bài Tứ Vật Thang thêm Hoàng cầm, Hoàng liên.

Kinh kỳ trồi sụt ít hoặc nhiều, 1-2 tháng ra một lần, nên dùng Đương Quy Thang hoặc Điều Kinh Tán.

Kinh lúc có lúc không, dây dưa, bụng đau nhói là do hàn khí, nhiệt tà lưu ở bào thai, huyết hải ngưng trệ.

Nếu khí ở dưới rốn nghịch lên ngực làm cho nôn, nên dùng bài Đào Nhân Tán.

Nếu Đau eo lưng, bụng và rốn nên dùng Ngưu Tất Tán.

Kinh lúc lúc không mà đau tim dùng bài Thất Tiếu Tán.

Kinh lúc ra lúc dứt, lúc nóng lúc rét: Trước hết cho uống Tiểu Sài Hồ Thang thêm Địa hoàng. Sau đó dùng Tứ Vật Thang.

Kinh ra lắt nhắt: dùng bài Tứ Vật Thang, tăng gấp đôi Bạch thược, thêm Hoàng cầm.

Kinh ra không ngừng: dùng bài Tứ Vật Thang thêm Địa du, A giao, Kinh giới (sao). Nếu có nhiệt, bội Hoàng cầm hoặc uống bài Cố Kinh Hoàn.

Kinh ra sắc tía là có phong, dùng Tứ Vật Thang thêm Phòng phong, Kinh giới, Bạch chỉ.

Kinh ra sắc đen là nhiệt, dùng dùng bài Tứ Vật Thang thêm Hoàng cầm, Hoàng liên, Hương phụ.

Kinh ra đen như khói như bụi, dùng bài Nhị Trần Thang thêm Tần giao, Phòng phong, Thương truật.

Kinh ra sắc nhợt là hư, dùng Cổ Khung Quy Thang thêm Sâm, Kỳ, Thược, Hương phụ.

Kinh ra kèm theo đờm, tích nước, dùng bài Nhị Trần Thang thêm Khung, Quy.

Kinh ra như nước đậu nành dùng bài Tứ Vật Thang thêm Hoàng cầm, Hoàng liên.

Kinh ra có hòn có cục là khí trệ dùng bài Tứ Vật Thang thêm Huyền hồ, Hương phụ, Trần bì, Chỉ xác.

Kinh ra mà nóng hâm hấp từng cơn nhất định là ngoại cảm thực nhiệt dùng bài Tứ Vật Thang thêm Hoàng cầm, Sài hồ.

Bài trướcLâm Chứng | Đông Y
Bài tiếp theoKinh Nguyệt Ra Quá Nhiều | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.