ĐẠI CƯƠNG

Giang mai là một bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum (được Shaudin và Hoffmann tìm ra năm 1905) gây nên. Đặc điểm của bệnh là tiến triển mạn tính và rất lây lan. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng và nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây ra các biến chứng trầm trọng về tim mạch, thần kinh, xương… Điều trị đúng và sớm sẽ phòng tránh được các biến chứng của bệnh.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH

Là một loại vi khuẩn có hình xoắn ốc thuộc Bộ (Order) Spirochaetales, Họ (Family) Tre- ponemataceae, Giống (Genus) Treponema, Loài (Species) T. pallidum, có chu kỳ tự phân chia mỗi 30-33 giờ và không nuôi cấy được.

Nhuộm Giemsa, xoắn khuẩn sẽ bắt màu lợt nên có tên là Pallidum (= nhợt nhạt).

Xoắn khuẩn thường được tìm bằng cách nhuộm Bạc hoặc xem dưới kính hiển vi nền đen (thấy được hình dạng kích thước, sự chuyển động đu đưa và chuyển động tự xoắn mình).

CƠ CHẾ SINH BỆNH

Xâm nhập qua da và niêm mạc từ các vết trầy sướt xảy ra trong khi quan hệ tình dục. Có thể gây nhiễm qua đường máu do tiêm truyền tĩnh mạch hoặc từ máu mẹ sang thai nhi xuyên qua nhau.

Lan truyền rộng trong cơ thể: Bằng đường mạch bạch huyết vào các hạch vùng lân cận và sau đó vào máu đi khắp cơ thể.

DỊCH TỄ HỌC

Nguy cơ bị lây nhiễm sau mỗi lần quan hệ là 30%, đường lây nhiễm từ mẹ sang con cũng còn xảy ra nhưng ít hơn nhờ chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các thai sản phụ.

Tỷ lệ nam bị nhiễm thường cao hơn nữ: 2/1 và càng ngày lứa tuồi bị nhiễm cũng thấp dần. Nhiều nhất là ở lứa tuổi 30.

Sự xuất hiện của dịch AIDS hiện nay đã ảnh hưởng nhiều đến Giang mai như làm bệnh dễ tiến đến thời kỳ 3 hơn, làm bệnh khó trị hơn, khó chẩn đoán hơn (do thử máu thấy âm tính) và ngược lại, khi bị loét hay săng Giang mai thì cũng dễ bị nhiễm HIV hơn.

CÁCH PHÂN CHIA BỆNH THEO LÂM SÀNG (DÙNG CHO CHẨN ĐOÁN)

Dựa vào diễn tiến lâm sàng của bệnh Giang mai không điều trị người ta phân chia Giang mai ra thành các thời kỳ sau đây:

Giang mai thời kỳ 1

Sau thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 3 tuần thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của Giang mai thời kỳ 1.

Giai đoạn tiền huyết thanh

Săng ở da hoặc niêm mạc.

Hạch.

Phản ứng huyết thanh âm tính.

Giai đoạn huyết thanh: Khoảng từ 4 đến 7 ngày sau khi săng xuất hiện, phản ứng huyết thanh bắt đầu dương tính.

Giang mai thời kỳ 2

Xuất hiện từ 2-4 tháng sau khi bị lây hoặc 45 ngày sau khi săng xuất hiện.

Kéo dài 4 tháng đến 2 năm.

Là giai đoạn nhiễm khuẩn toàn thân.

Có triệu chứng tổng quát.

Có thương tổn da, niêm mạc và nội tạng: đa dạng, nông, khi lành không để lại sẹo.

Các thương tổn này có thể tái phát trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 2 năm.

Hạch luôn luôn có.

Phản ứng huyết thanh dương tính 100%.

Giang mai tiềm ẩn

Xuất hiện sau khi thương tổn Giang mai 2 đã biến mất và có thể kéo dài suốt đời.

Không có triệu chứng lâm sàng.

Phản ứng huyết thanh dương tính.

Giang mai thời kỳ 3

Xuất hiện từ 3 đến 10 hoặc 15 năm sau khi có săng.

Thương tổn da, niêm mạc: ít dạng nhưng sâu và có tính hủy hoại nên lành để lại sẹo.

Nội tạng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất: Tim mạch và thần kinh.

Không có hạch.

Phản ứng huyết thanh dương tính 95%.

CÁCH PHÂN CHIA DÙNG CHO ĐIÊU TRỊ

Để tiện cho việc điều trị, người ta phân chia Giang mai thành các giai đoạn sau:

Giang mai sớm

Gồm Giang mai 1, Giang mai 2 và Giang mai tiềm ẩn trước 1 năm (hoặc trước 2 năm).

Điều trị còn hiệu quả.

Giang mai muộn

Gồm Giang mai tiềm ẩn sau 1 năm (hoặc sau 2 năm) và Giang mai thời kỳ 3.

Điều trị ít hiệu quả.

Tiến triển tổng quát của Giang mai

ủ bệnh GIANG MAI sớm GIANG MAI muộn
GIANG MAI 1 GIANG MAI 2 GIANG MAI tiềm ẩn sớm <2 năm GIANG MAI tiềm ẩn muộn >2 năm GIANG MAI 3
Im

lặng

Săng ở da hoặc niêm mạc Thương tổn ở da + niêm mạc + nội tạng Không triệu chứng lâm sàng Thương tổn da

+ niêm mạc + nội tạng

Thương tổn tim mạch

Thương tổn thần kinh

Kéo

dài

3 tuần 6-8 tuần 4 tháng-2 năm 3-10 năm Kéo dài vô hạn định
Phản

ứng

huyết

thanh

(-) (-)

(giai

đoạn

tiền

huyết

thanh)

(+)

(giai

đoạn

huyết

thanh)

(+)

100%

(+)

100%

(+)

95%

CÁC DIỄN TIẾN LÂM SÀNG CỦA GIANG MAI

Thời gian ủ bệnh

Trung bình: 3 tuần (có thể 10 ngày – 90 ngày).

ở giai đoạn này, vi khuẩn đã có trong máu nên có thể lây nhiễm cho người khác qua truyền máu.

Giang mai thời kỳ 1

Săng Giang mai

Xuất hiện nơi vi khuẩn đã xâm nhập (thường ở bộ phận sinh dục lây do giao hợp).

Có 6 đặc tính do Alfred Fournier mô tả như sau:

  1. Là vết lở tròn hay bầu dục, đường kính từ 0,5cm đến 2cm.
  2. Giới hạn rõ và đều đặn, thường không có bờ.
  3. Đáy vết lở: Sạch, trơn, bóng láng, màu đỏ như màu thịt tươi.
  4. Nền: Cứng.
  5. Bóp: Không đau.
  6. Hạch đi kèm.

Hạch

Xuất hiện khoảng 1 tuần sau khi săng xuất hiện.

Vị trí: ở 1 bên bẹn (cũng có thể ở 2 bên).

Đặc tính:

+ Nhiều hạch tụ lại thành nhóm.

+ Kích thước lớn nhỏ không đều trong đó có một hạch lớn nhất gọi là hạch tổ trưởng. + Không viêm, không đau, không làm mủ.

+ Chắc, lay chuyển được.

Tiến triển

Nếu không điều trị, Giang mai thời kỳ 1 sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tuần, sau đó:

+ Săng sẽ lành tự nhiên không để lại sẹo.

+ Hạch cũng biến mất tự nhiên.

Nếu điều trị:

+ Xoắn khuẩn sẽ biến mất trong vòng 24-48 giờ.

+ Săng sẽ lành trong 1-2 tuần.

Biến chứng do săng

Hẹp bao qui đầu (phimosis).

Sưng da qui đầu nghẽn (paraphimosis).

Dạng lâm sàng đặc biệt của săng

Săng loét.

Săng viêm ở lỗ tiểu: Gây chảy mủ đường tiểu.

Săng viêm ở môi lớn của âm hộ: Gây sưng cứng giống Viêm tuyên Bartholin.

Chẩn đoán xác định

  • Lâm sàng: Dựa vào

Thời gian ủ bệnh.

Các đặc tính của săng.

Các đặc tính của hạch.

  • Vi khuẩn hoc: Tìm xoắn khuẩn nơi săng và khảo sát dưới kính hiển vi nền đen.
  • Huyết thanh hoc: Phản ứng huyết thanh chỉ dương tính sau 4-7 ngày kể từ khi có sự xuất hiện của săng.

Chẩn đoán phân biệt Săng Giang mai với

  • Loét do Ha cam mềm: vết loét Hạ cam mềm có các đặc điểm sau:

Thời gian ủ bệnh ngắn hơn (3 ngày).

Bờ không đều, không dính, giới hạn bằng 2 vòng màu vàng và đỏ.

Đáy dơ, bị ăn nát.

Nền mềm, đau.

  • Herpes sinh duc:

Là chùm mụn nước.

Ngứa hoặc đau rát.

Thường không có hạch.

Lành tự nhiên trong 1-2 tuần, nhưng thường hay tái phát.

  • Ghẻ:

Nhiều vết lở, ngứa nhiều về ban đêm.

Có kèm thương tổn ở vị trí khác.

Có nhiều người trong gia đình bị ngứa.

Giang mai thời kỳ 2

Xuât hiện khoảng 2-4 tháng sau khi bị lây hoặc 45 ngày sau khi săng xuất hiện và kéo dài từ 4 tháng đến 2 năm. Thời kỳ này xoắn khuẩn đã lan tràn khắp cơ thể. Phản ứng huyết thanh luôn dương tính trừ một số trường hợp có nhiễm thêm HIV.

Không điều trị, các thương tổn da có thể biến mất tự nhiên nhưng sau đó lại tái phát với số lượng ít hơn trước.

Lâm sàng

  • Triệu chứng tổng quát: Mệt, sốt, nhức đầu, đau xương, đau khớp…
  • Thương tổn da, niêm mạc: Thường xuất hiện tuần tự như sau:

Đào ban:

+ Là những thương tổn xuất hiện đầu tiên.

+ Là những dát tròn hay bầu dục, màu hồng nhạt, đường kính từ vài mm đến l-2cm.

+ Không ngứa, không đau.

+ Xuất hiện ở thân khoảng 8 ngày rồi biến mất không để lại sẹo.

Hạch:

+ Nhiều, nhỏ, cứng, di động, không đau.

+ Xuất hiện khắp các vị trí hạch (nhất là ở cổ và khuỷu).

Thương tổn niêm mạc: Là những thương tổn rất lây vì chứa đầy xoắn khuẩn gồm:

+ Mảng niêm mạc:

. Là những vết sướt không đau.

. Thường ở vị trí môi, miệng, lưỡi (cũng có thể ở bộ phận sinh dục và hậu môn).

+ Sẩn ướt (Condyloma latum; số nhiều: Condylomata lata)

. Là những sẩn có màu thịt tươi hoặc giảm sắc tố: Bề mặt ẩm ướt, có thể láng hoặc sùi lên như bông cải.

. Vị trí thường gặp là vùng hậu môn, sinh dục nhưng có thể ở nếp mũi-má,nêp khuỷu tay, nếp dưới vú…

Các thương tổn sẩn ở da: Rất đa dạng

+ Sẩn hoặc dát-sẩn.

+ Có vảy hoặc tăng sắc tố.

+ Không ngứa, không đau.

+ Dạng đa cung.

+ Dạng Mụn trứng cá.

+ Dạng Lichen.

+ Dạng Vảy nến.

+ Dạng loét.

+ Vị trí xuất hiện: Mặt, vai, hông, lòng bàn tay, lòng bàn chân (là những vị trí điển hình nhất), hậu môn, sinh dục.

Rụng tóc: Rụng từng đốm tròn hay bầu dục rải rác khắp da đầu như bộ lông thú bị mọt gặm khiến toàn bộ da đầu bị thưa tóc (nên còn được gọi rụng tóc kiểu rừng thưa). Lông mày, lông mi, râu cũng có thể bị rụng.

Chẩn đoán xác định

  1. Dựa bệnh sử: Có quan hệ tình dục không bảo vệ với người có bệnh.
  2. Dựa vào lâm sàng:
  3. Dựa vào sự hiện diện của xoắn khuẩn nơi các thương tổn trợt sướt, thương tổn niêm mạc.
  4. Dựa vào huyết thanh dương tính (nhưng coi chừng ở các bệnh nhân có HIV dương tính, phản ứng huyết thanh Giang mai có thể âm tính).

Chẩn đoán phân biệt

Đào ban với các hồng ban của các bệnh nhiễm siêu vi (Ban đỏ, Rubéole…) của các bệnh dị ứng thuốc.

Thương tổn niêm mạc với các trường hợp:

+ vết trợt do chấn thương.

+ vết trợt của Herpes.

+ Bệnh Aphte.

+ Bệnh Lưỡi hình bản đồ.

+ Hồng ban đa dạng.

Các thương tổn sẩn với:

+ Lichen + Vảy nến + Chốc loét

+ ở các nếp gấp: Phân biệt với bệnh Sùi Mào gà, Pemphigus sùi.

Điều trị:

Các thương tổn sẽ biến mất nhanh chóng và không còn khả năng lây lan.

Giang mai tiềm ẩn hay Giang mai huyết thanh

Sau khi Giang mai thời kỳ II biến mất, bệnh nhân đi vào giai đoạn tiềm ẩn hay giai đoạn huyết thanh và kéo dài nhiều năm, có thể vô hạn định.

ở giai đoạn này, bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ phát hiện được nhờ tầm soát.

Huyết thanh dương tính ở giai đoạn này cần kiểm tra lại bằng nhiều phản ứng. Cần khám kỹ bệnh nhân để loại trừ trường hợp Giang mai thần kinh hay Giang mai tim mạch.

Giang mai thời kỳ 3: Hiện nay rất hiếm gặp.

Triệu chứng ở da và niêm mạc là:

Củ: là những cục thượng bì-bì, chắc, màu đỏ đồng, có vảy hay loét có mài, tụ nhau lại thành hình đa cung, vằn vèo, tạo thành sẹo cộm lên.

Gôm: là những cục bì-hạ bì, lúc đầu chắc sau đó mềm yà loét ra, chảy dịch và làm thành sẹo: có thể xuất hiện ở da, niêm mạc, nội tạng, xương.

Các nội tạng có thể bị các thương tổn của Giang mai 3 là: Tim mạch và động mạch chủ, thần kinh (gây Tabes hoặc liệt toàn thể), ống tiêu hóa, gan, lách, phổi, bộ phận sinh dục.

Chẩn đoán phân biệt Giang mai 3:

Củ : với Lupus lao, Phong, Sarcoides de Boeck.

Gôm : Tùy giai đoạn tiến triển với :

+ Kén (nang) thượng bì

+ Gôm lao

+ Gôm do nấm Sporotrichose + Sarcoides + Một số lymphome

Đa số các trường hợp chẩn đoán được nhờ phản ứng huyết thanh dương tính.

GIANG MAI BẨM SINH

Là Giang mai của trẻ sơ sinh do mẹ truyền qua khi còn là bào thai.

Hiện nay hiếm thấy do sự tầm soát hệ thống các sản phụ và điều trị cho họ.

Phôi bắt đầu bị nhiễm vào tháng thứ tư khi hàng rào nhau thai có thể dễ bị thấm.

Nếu bị nhiễm và không điều trị cho người mẹ, thai có thể bị hư, sinh ra trẻ chết, bị nát ra hoặc bị dị dạng.

Nếu thai sống được, sau khi sinh được nhiều ngày hoặc nhiều tuần, trẻ sẽ có các biểu hiện đa dạng của “Giang mai bẩm sinh sớm” như:

+ Thương tổn da:

. Nứt sâu khóe môi, để sẹo.

. Sẩn, hồng ban ở thân, mông.

. Bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

+ Thương tổn niêm mạc:

. Sổ mũi có mủ.

. Trợt sướt ở miệng.

+ Thương tổn nội tạng:

. Gan + lách to, vàng da.

. Viêm thận.

. Viêm màng não (co giật).

. Đầu các xương dài bị tróc vỏ gây giả liệt Parrot.

. Viêm xương và sụn.

Viêm màng xương.

  • Các triệu chứng của “Giang mai bẩm sinh muộn”: Xuât hiện từ 7 tuổi trở lên, gồm

Thương tổn loạn dưỡng xương, trán vồ, mũi yên ngựa.

Xương chày hình lưỡi kiếm, thủng vòm hầu, vòm hầu hình thoi.

Răng Hutchinson: Răng cửa trên hình lưỡi cưa (nếu có thêm Viêm giác mạc kẽ + điêc sẽ có tam chứng Hutchinson).

Viêm khớp gối có nước (hydarthrose).

Các thương tổn nội tạng khác, các thương tổn hệ nội tiết, các gôm và củ ở da.

  • Chẩn đoán Giang mai bẩm sinh sớm

Dựa yếu tố Giang mai ở cha mẹ.

Dựa vào phản ứng huyết thanh của trẻ (dương tính).

Chẩn đoán phân biệt với:

+ Chốc bóng nước do tụ cầu.

+ Ghẻ ở lòng bàn tay-lòng bàn chân.

+ Tổn thương xương, màng xương ở trẻ sơ sinh.

+ Gan, lách to do nhiễm siêu vi.

Chẩn đoán Giang mai bẩm sinh muộn: Dựa vào các biến dạng của xương, răng, tam chứng Hutchinson, viêm giác mạc kẽ, viêm 2 khớp gối có nước.

CÁC PHẢN ỨNG HUYẾT THANH GIANG MAI

Các phản ứng không dùng xoắn khuẩn Giang mai làm kháng nguyên như:

Phản ứng RPR (Rapid Plasma Reagin) và phản ứng VDRL (Veneral Disease Research Laboratory): được dùng để tầm soát bệnh và đánh giá điều trị. VDRL, RPR có thể chưa dương tính ở Giang mai thời kỳ 1 hoặc âm tính giả khi bệnh nhân đã dùng kháng sinh, nên cần được kiểm chứng bằng các phản ứng có dùng xoắn khuẩn Giang mai làm kháng nguyên (như FTA-Abs, TPHA). VDRL hoặc RPR có thể trở thành âm tính nếu Giang mai được điều trị sớm. Nếu điều trị muộn, hai phản ứng này sẽ luôn dương tính và được gọi là sẹo huyết thanh.

Các phản ứng có dùng xoắn khuẩn Giang mai làm kháng nguyên như:

Phản ứng TPHA (Treponema Pallidum Haemagglutination Assay = phản ứng ngưng kết hồng cầu với xoắn khuẩn Giang mai).

Phản ứng FTA-Abs (Fluorescent Treponemal Antibody Absorption = phản ứng miễn dịch huỳnh quang có triệt hút).

Hai loại phản ứng này là loại phản ứng đặc hiệu, có thể dùng để xác định bệnh. Khi một loại phản ứng này dương tính, cần được xác định lại bằng một phản ứng đặc hiệu thứ hai. Khi các phản ứng đặc hiệu này dương tính, chúng sẽ dương tính suốt đời dù đã được điều trị đầy đủ. Do đó các phản ứng này không được dùng để đánh giá điều trị.

Phản ứng FTA-Abs là phản ứng dương tính sớm nhất sau khi bị nhiễm bệnh (khoảng 25- 30 ngày), kế đến là phản ứng TPHA (sau 30-40 ngày).

ở Giang mai thời kỳ 1, 85%-90% trường hợp có phản ứng FTA-Abs dương tính nhưng chỉ 60% có phản ứng TPHA dương tính.

Đa số các trường hợp Giang mai ở bệnh nhân có nhiễm HIV sẽ có các phản ứng huyết thanh khá đặc biệt sau điều trị như có thể dương tính cao một cách bất thường hoặc thấp một cách bất thường. Ớ các bệnh nhân này, nếu có biểu hiện lâm sàng Giang mai rõ ràng nhưng phản ứng huyết thanh âm tính, cần làm thêm các xét nghiệm khác như sinh thiết, xem kính hiển vi nền đen.

Giang mai thần kinh thường khó chẩn đoán vì không thể nào chỉ dùng một test mà có thể chẩn đoán được mọi dạng của Giang mai thần kinh.

Khi thử nghiệm dịch não tủy có thể thấy: Bạch cầu tăng (>5 tế bào/mm3), tăng protein (>4g/l), VDRL (+), FTA-Abs (+) và TPHA (+). Tuy nhiên các test này không nhạy lắm và có thể cho âm tính giả. FTA-Abs nhạy hơn và thường cho dương tính giả.

ĐIỀU TRỊ GIANG MAI

Ở người lớn

Giang mai sớm (GM 1, GM 2, GM tiềm ẩn < 2 năm)

Thuốc khuyến cáo:

Benzathine Penicillin G 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp, liều duy nhất.

Thuốc thay thế:

Aqueous Procaine Benzyl Penicillin G 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp mỗi ngày X 10 ngày liên tiếp.

  • Trường hợp bị dị ứng Penicillin

ở bệnh nhân không có thai, có thể dùng:

Tetracycline 500mg, uông X 4 lần/ngày X 14 ngày, hoặc Doxycycline lOOmg, uống X 2 lần/ngày X 14 ngày, hoặc Ceftriaxone lg tiêm bắp/ngày X 8-10 ngày.

Ở bệnh nhân có thai, có thể dùng:

Erythromycine 500mg, uống X 4 lần/ngày X 14 ngày.

Giang mai muộn (GM muộn lành tính, GM tiềm ẩn > 2 năm hoặc không rõ thời gian)

Thuốc khuyến cáo:

Benzathine Penicillin G 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp/lần mỗi tuần X 3 tuần liên tiếp.

Thuốc thay thế:

Aqueous Procaine Benzyl Penicillin G 1,2 triệu đơn vị tiêm bắp/lần/ngày X 20 ngày liên tiếp.

  • Trường hợp dị ứng với Penicillin, có thể dùng

ở bệnh nhân không có thai

Tetracycline 500mg uống X 4 lần/ngày X 30 ngày liên tiếp, hoặc Doxycycline 100mg uống X 2 lần/ngày X 30 ngày liên tiếp.

ở bệnh nhân có thai có thể dùng:

Erythromycine 500mg X 4 lần/ngày, uống, X 30 ngày liên tiếp.

Giang mai tim mạch

Aqueous Procaine Benzyl Penicillin G 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp/lần/ngày X 20 ngày liên tiếp.

Trường hựp dị ứng với Penicillin

ở người không có thai: Có thể dùng Tetracycline hoặc Doxycycline liều như ở Giang mai muộn.

ở người có thai: Dùng Erythromycine liều như ở Giang mai muộn.

Giang mai thần kinh

Aqueous Crystalline Benzyl Penicillin G 12-24 triệu đơn vị, tiêm tĩnh mạch/ngày X 14 ngày (chia thành liều 2 hoặc 4 triệu/4giờ), hoặc

Aqueous Procaine Benzyl Penicillin G 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp/lần/ngày + Probénécid 500mg, uống X 4 lần/ngày.

Cả hai thuốc trên được dùngtrong 10-14 ngày.

Trường hựp dị ứng Penicillin: Dùng Tetracycline,Doxycycline hoặc Erythromycine giống trong điều trị Giang mai muộn.

Giang mai bẩm sinh

Giang mai bẩm sinh sớm (< 2năm)

ở trẻ có dịch não tủy bình thường

Benzathine Penicillin G 50.000 đơn vị/kg cân nặng, tiêm bắp, liều duy nhất.

ở trẻ có dịch não tủy bất thường

Aqueous Procaine Benzyl Penicillin G 50.000 đơn vị/kg/lần tiêm bắp/ngày X 10 ngày hoặc Aqueous Crystalline Benzyl Penicillin G 50.000 đơn vị/kg/ngày tiêm bắp (hoặc tiêm tĩnh mạch) chia 2 lần/ngày X 10 ngày.

Giang mai bẩm sinh muộn (>2 năm)

Aqueous Crystalline Benzyl Penicillin G 200.000-300.000 đơn vị/kg/ngày tiêm bắp (hoặc tiêm tĩnh mạch), chia nhiều lần trong ngày X 10-14 ngày (Tổng liều không được quá liều của Giang mai muộn ở người lớn).

Nếu dị ứng với Penicillin: Erythromycine 7,5-12,5mg/kg, uống, chia 4 lần/ngày X 30 ngày. (Điều trị Giang mai thần kinh phải dùng liều cao Penicillin mới vào dịch não tủy được)

Lưu ý:

Một số tác giả khi điều trị các bệnh nhi bị Giang mai bẩm sinh thường xem các trẻ như có dịch não tủy bất thường.

Các kháng sinh khác Penicillin (như Erythromycine) không được khuyến cáo dùng cho bệnh nhi Giang mai bẩm sinh trừ các trường hợp dị ứng với Penicillin. Chống chỉ định dùng Tetracycline cho trẻ em.

THEO DÕI BỆNH NHÂN SAU ĐIÊU TRỊ

Thử máu (thường dùng VDRL) trong vòng 2 năm (sau 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng).

Đối với trường hợp Giang mai sớm, VDRL phải có hiệu giá kháng thể giảm 4 lần (tương đương 2 độ pha loãng) trong vòng 6 tháng. Nếu không giảm, coi như điều trị thất bại và phải trị lại và nên kiểm tra thêm dịch não tủy.

Nếu triệu chứng lâm sàng không biến mất hoặc tái xuất hiện hoặc VDRL có hiệu giá kháng thể tăng 4 lần (hoặc hơn) thì coi như bị tái nhiễm hoặc tái phát. Trường hợp này cần kiểm tra lại dịch não tủy trước khi trị lại.

Đối với Giang mai thời kỳ 1, xét nghiệm máu sẽ âm hóa trong vòng 12 tháng. Trường hợp Giang mai thời kỳ 2 và Giang mai tiềm ẩn sớm thì chậm hơn, trong vòng 24 tháng. Đôi với Giang mai muộn thì xét nghiệm máu khó âm tính, mà thường là để lại một hiệu giá kháng thể thấp, coi như sẹo huyết thanh.

Đối với các bệnh nhân được điều trị Giang mai thần kinh, cần theo dõi cả đời mỗi 6 tháng. Nếu lúc đầu bạch cầu trong dịch não tủy có tăng thì nên kiểm tra lại dịch não tủy mỗi 6 đến 12 tháng cho đến khi đếm tế bào thây bình thường lại.

QUẢN LÝ CÁC BẠN TÌNH CÓ TIẾP XÚC

Các bạn tình có nguy cơ là những người có tiếp xúc với người bệnh 3 tháng trước đó (nếu là Giang mai thời kỳ 1), 6 tháng trước đó (nếu là Giang mai thời kỳ 2) và 1 năm trước đó (nếu là Giang mai tiềm ẩn sớm), cần điều trị dịch học cho các người bạn tình này.

GIANG MAI Ở THAI PHỤ

Tất cả các thai phụ cần phải được tầm soát Giang mai ngay khi lần đầu đến khám thai. Nếu bản thân họ hoặc hôn phối của họ có hành vi nguy cơ cao thì cần xét nghiệm lại các lần sau đến khám.

Khi điều trị bằng Penicillin, nên khuyên thai phụ đi khám thai nếu thấy có cơn co bất thường hoặc thai nhi máy yếu.

Điều trị thai phụ bằng Erythromycine sẽ không bảo đảm cho thai nhi vì thuốc qua màng nhau thai kém, do đó khi trẻ sinh ra cần điều trị lại bằng Penicillin.

Thai phụ khi bị Giang mai 1 cần theo dõi VDRL mỗi tháng sau điều trị trong suốt thời gian mang thai.

XỬ TRÍ GIANG MAI BẨM SINH

Cần điều trị cho trẻ nếu:

Mẹ bị Giang mai

Nhưng chưa điều trị.

Mẹ chỉ được điều trị 1 tháng trước khi sinh.

Mẹ có điều trị Giang mai nhưng chưa đủ liều.

Mẹ có điều trị Giang mai nhưng với thuốc không phải là Penicillin.

Mẹ có điều trị Giang mai nhưng hiệu giá kháng thể không giảm.

Mẹ có điều trị Giang mai nhưng không được theo dõi kỹ về huyết thanh học.

Trẻ

Có huyết thanh Giang mai dương tính và có triệu chứng lâm sàng hoặc X-quang của Giang mai bẩm sinh.

VDRL của dịch não tủy dương tính.

Dịch não tủy bất thường (bạch cầu > 5/cm2 hoặc protein > 50mg/ml).

Trẻ có FTA-Abs, IgM dương tính.

Hiệu giá kháng thể của VDRL trẻ cao hơn của mẹ gấp > 4 lần.

Hiệu giá kháng thể của VDRL trẻ tăng dần.

THEO DÕI TRẺ

Trẻ có huyết thanh Giang mai dương tính hoặc mẹ có huyết thanh Giang mai dương tính cần được theo dõi huyết thanh mỗi 2-3 tháng cho đến khi huyết thanh âm tính. Hoặc hiệu giá kháng thể giảm 4 lần.

VDRL của trẻ sẽ giảm trong vòng 3 tháng và âm tính trong vòng 6 tháng nếu trẻ bệnh có kháng thê truyền thụ động từ mẹ hoặc trẻ được điều trị đầy đủ.

Kháng thể của mẹ truyền thụ động qua con có thể tồn tại 15 tháng ở trẻ. Nếu sau 18 tháng, mà xét nghiệm huyết thanh (có dùng xoắn khuẩn Giang mai) dương tính thì đó là trường hợp Giang mai bẩm sinh và trẻ cần được điều trị.

CÁC TRƯỜNG HỢP CẦN ĐIỀU TRỊ

Các triệu chứng lâm sàng không giảm hoặc tái phát.

Hiệu giá kháng thể của VDRL/RPR tăng gấp 4 lần (thí dụ từ R4 lên RI6).

Hiệu giá kháng thể rất cao ngay từ đầu (thí dụ R32 hoặc hơn) và không giảm trong cả năm.

Giang mai sớm đã điều trị nhưng sau 1 năm vẫn không giảm 4 lần.

Đối với thai phụ bị Giang mai sớm và sau điều trị 3 tháng, hiệu giá kháng thể vẫn không giảm 4 lần.

 

 

Bài trướcGiảm thính lực trẻ em và người lớn – Chẩn đoán và điều trị
Bài tiếp theoLiên quan giữa nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.