Bệnh lậu do Neisseria gonorrhea, một song cầu khuẩn, gây nên. Điển hình thì vi khuẩn định khu ở niêm mạc đường tiết niệu-sinh dục, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra qua đường miệng hay hậu môn. Lây truyền hầu như là hoàn toàn thông qua hoạt động tình dục (ngoại trừ: viêm kết mạc trẻ sơ sinh), và thời kỳ ủ bệnh khoảng từ 2 đến 10 ngày. Đồng nhiễm với Chlamydia xảy ra thường xuyên.

Triệu chứng

Ở đàn ông, các triệu chứng đầu tiên là rối loạn tiểu tiện và đau niệu đạo. Một dấu hiệu điển hình là tiết dịch mủ từ niệu đạo, đặc biệt là vào buổi sáng (“bonjour-drop”; tạm dịch: “giọt sương ban mai”). Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan lên trên và gây nên viêm tiền liệt tuyến hay viêm mào tinh hoàn, dẫn đến những triệu chứng như là đau ở vùng tầng sinh môn hay đau vùng bìu hoặc là sưng nề bìu.

Ở phụ nữ, diễn biến bệnh lậu đôi lúc không có triệu chứng, dù rằng vẫn có thể có tiết dịch âm đạo hay đái ra mủ xảy ra. Tổn thương cổ tử cung và phần phụ hiếm có, nhưng nếu bệnh không được chữa, bệnh có thể dẫn đến bệnh lý viêm nhiễm tiểu khung với di chứng vô sinh về sau.

Những biểu hiện ngoài sinh dục của bệnh lậu có khi là viêm họng hay viêm trực tràng. Những bệnh nhiễm toàn thân với các triệu chứng như là rét run,sốt, viêm khớp hay viêm nội tâm mạc hiếm khi xảy ra (Rompalo 1987).

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh lậu được xác định bằng kính hiển vi. Khi nhuộm xanh methylene hay nhuộm gram, người ta có thể tìm ra dấu vết của song cầu nội bào Neisseria gonorrhea. Cách chẩn đoán này có thể được trực tiếp thực hiện trong vòng vài phút ở rất nhiều nơi. Những phương pháp khác, như là huyết thanh chẩn đoán, PCR hay nuôi cấy trong labô cũng rất chính xác, nhưng phức tạp hơn và tốn kém hơn.

Điều trị

Một bệnh lậu đơn thuần thường được điều trị với một liều duy nhất ciprofloxacin 500 mg, uống. Những kháng sinh khác có hiệu lực là Levofloxacin 250 mg hay Ofloxacin 400 mg.

Gần đây, các chương trình giám sát quốc tế đã báo cáo một con số ngày càng tăng các vi khuẩn đề kháng fluoroquinolone được phân lập. Do đó, CDC gợi ý một liều duy nhất cefĩime 400 mg, uống hay ceftriaxone 125 mg, tiêm bắp để điều trị bệnh lậu ở những người bệnh có nguy cơ cao. Tiêm bắp spectinomycin cũng là một lựa chọn, nhưng nó chỉ có hiệu quả trong nhiễm trùng niệu- sinh dục hay nhiễm trùng hậu môn- trực tràng, chứ không hiệu quả trong viêm họng do lậu (CDC 2004). Vì những lý do này, một trị liệu thực dụng và vừa đủ có vẻ là một liều duy nhất azithromycin 1 g, hoặc là doxycycline 100 mg mỗi ngày 2 lần, trong 7 ngày. Những lựa chọn điều trị đó cũng chữa được đồng nhiễm với các chủng chlamydia (xem chương sau).

Trong tất cả mọi trường hợp bệnh lậu, những người bạn tình nên được xem xét khả năng mắc bệnh và điều trị khi cần thiết.

Bài trướcBệnh giang mai ở nam giới – triệu chứng, chẩn đoán, điều trị
Bài tiếp theoBệnh nhiễm Chlamydia – triệu chứng, điều trị

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.