Cơ sở lý luận về sinh lý sinh dục của Y học cổ truyền

Học thuyết tạng phủ:

Tạng thận có nhiều chức năng, trong đó có chức năng quan trọng là: thận tàng tinh, chủ về sinh trưởng và phát dục của cơ thể.

– Tinh là vật chất cơ bản để cấu tạo nên cơ thể. Có tinh của cha mẹ truyền cho (tinh tiên thiên), có tinh của thức ăn uống để nuôi dưỡng tinh tiên thiên (tinh hậu thiên). Cả hai đều tàng ở thận. Tinh tiên thiên là gốc, tinh hậu thiên là để nuôi dưỡng cái gốc đó.

– Thận chủ tinh tuỷ, nó tiếp thu tinh khí của lục phủ ngũ tạng mà hoá thành thận khí, cho nên năm tạng vượng thì thận mới có thể sinh được tinh dịch, phóng xuất được tinh dịch. Công năng sinh dục của thận dựa vào sức khoẻ của cơ thể, nó với lục phủ ngũ tạng có quan hệ mật thiết.

Công năng sinh dục và phát dục của tinh:

Công năng sinh dục: tinh của nam nữ giao hoà nhau thì sinh ra bào thai, “lưỡng tinh tương bác, hợp nhi thành hình”.

ở người công năng sinh dục này của tinh không phải có ngay khi lọt lòng mẹ, mà phải đến khi ” thiên quý đến ” mới có khả năng sinh con đẻ cái. Đó là tuổi mà thận khí thịnh (14 tuổi ở nữ, 16 tuổi ở nam) lúc đó ở nữ “thiên quý đến có con”, ở nam ” thiên quý đến “, tinh khí đầy tràn tiết ra, nếu âm dương hoà hợp với nhau thì có con.

Và cũng không phải năng lực sinh tồn tại đến 100 tuổi, ở nam 56 tuổi thiên quý kiệt, tinh ít, thận suy, ít khả năng có con. Điều này nói lên “thiên quý” là vật chất có tác dụng thúc đẩy công năng sinh dục phát dục, nam và nữ đều có.

Vì thận là gốc của tiên thiên, thuộc thuỷ, quý là một thiên can, cũng thuộc thuỷ, cho nên chất đó gọi là thiên quý, tinh của nữ (trứng) và tinh của nam (tinh trùng) mới rời chỗ của mình và khi có điều kiện (âm dương hoà hợp) thì gặp nhau để thành con. “nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh”.

Công năng phát dục: trong quá trình phát dục, tinh giữ vai trò quyết định. Vì tinh tàng ở thận, nên tác dụng của tinh tiên thiên được “Nội Kinh” gọi là thận khí và người đời sau nói: “thận là gốc của tiên thiên”.

Thận khí có tác dụng cả ở giai đoạn phát triển (lúc thận khí thịnh: 8-16 tuổi) giai đoạn trưởng thành (lúc thận khí quân bình 24- 40 tuổi) và giai đoạn suy thoái (lúc thận khí suy 42-64 tuổi). Thận khí thịnh là tinh khí tàng ở trong thận đã thịnh, thiên quý đã đến đủ làm cho cơ thể phát triển mạnh. Thận khí quân bình là thiên qúy tàng ở trong thận đã luôn đầy đủ và điều hoà ý là ở mức cao nhất, con người sung sức nhất. Thận khí suy là tinh khí tàng ở thận không đủ đã giảm đi so với giai đoạn trước, thiên quý đã kiệt và cũng biểu thị là thận đã suy và con người suy yếu dần.

Vô sinh nam theo lý luận của Y học cổ truyền

Trung Y gọi bệnh này bằng nhiều từ khác nhau: vô tự, toàn bất sản, tuyệt tự…

Người xưa, có sách quy về năm nguyên nhân, gọi là ngũ bất nữ (loa, văn, cổ giác , mạch). Nhưng thực ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh không con: tạng phủ, kinh lạc, huyết không bình thường…

Hư chứng:

Thận khí hư nhược: do tiên thiên bẩm thụ không đầy đủ hoặc do phòng dục quá độ làm thận tinh hao tổn nhiều.

+ Thể thận âm hư: tinh trùng ít, có thể lượng tinh dịch cũng ít, thiểu năng sinh dục, váng đầu, ù tai, hay quên, ngũ tâm phiền nhiệt, mệt mỏi, đau lưng, mỏi gối, đại tiện khô táo, tiểu vàng, khát nước, hay ra mồ hôi trộm, mạch tế sác, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

+ Mệnh môn hoả suy: liệt dương, xuất tinh sớm, chất lượng tinh trùng kém, tinh trùng có thể chết nhiều, có khi gặp số lượng ít, sắc mặt trắng bệch hoặc ám tối, sợ rét, chân tay lạnh, lưng gối mỏi mềm, tinh thần mệt mỏi, mất sức. Tiểu trong dài, phân nát, mạch trầm tế hoặc trầm trì, chất lưỡi nhợt, rêu trắng.

Khí huyết lưỡng hư: do suy nghĩ quá độ, lao động quá sức dẫn đến mệt mỏi làm tổn thương tâm tỳ, khí huyết suy cạn. ăn uống thiếu thốn cũng là nguyên nhân gây ra bệnh này ” vị mạnh thì thần đầy đủ mà tinh khí vưọng, vị bại thì tinh tổn thương mà dương sự suy yếu”. Hoặc do bệnh lâu cơ thể suy nhược mệt mỏi quá làm tổn thương tỳ, hoặc do thận dương không đủ không ôn ấm được tỳ dương làm không vận hoá được thuỷ cốc, hậu thiên mất điều hoà, tinh chất thức ăn không thể hoá sinh khí huyết làm thận tinh suy yếu.

Triệu chứng: tinh trùng ít, mệt mỏi, sắc mặt vàng úa, mất sức, đầu váng, mắt hoa, đêm ngủ không yên, ăn kém, cảm giác đầy trướng bụng, đại tiện phân nát, chất lưỡi bệu, nhớt, có vết hằn răng, rêu lưỡi trắng, mạch vô lực.

Can uất, khí trệ huyết ứ: tinh trùng yếu, chết nhiều, hay nhói đau tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh, bất lực, ngực sườn đầy trướng, hay cáu gắt, chất lưỡi tối có chấm ứ huyết, mạch huyền sáp hoặc huyền khẩn.

Thực chứng ( đàm thấp ứ trệ, thấp nhiệt hạ chú):

Tinh trùng chết quá nhiều, số lượng tinh trùng có thể ít, tiểu tiện đỏ, cảm giác nóng rát niệu đạo khi đi tiểu hoặc khi phóng tinh, đau tức chướng ở hội âm hoặc tinh hoàn, bụng dưới tức mỏi,đầu váng, miệng khô đắng mà không muốn uống nước, đại tiện táo kết, rêu lưỡi vàng nhờn, chất lưỡi đỏ, mạch huyền hoạt hoặc nhu sác.

Bài trướcĐiều trị vô sinh nam trên thế giới và trong nước
Bài tiếp theoQuá trình sinh tinh trùng

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.