BỆNH SÙI MÀO GÀ

Sùi mào gà là các nhú mềm, màu đỏ thịt hay màu da bình thường, xuất hiện ở niêm mạc miệng, da, hậu môn – sinh dục do nhiễm HPV

(Human Papilloma virus). Bệnh sùi mào gà là một trong các BLTQĐTD khá phổ biến ở cả 2 giới nam và nữ. Hiện nay có mối liên hệ giữa sùi mào gà sinh dục và gia tăng nhiễm HIV, đặc biệt một số type HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Đa số nhiễm HPV không có triệu chứng.

1.1. Nguyên nhân

HPV là loại DNA papovavirus sinh sôi nảy nở trong nhân các tế bào biểu mô bị nhiễm vi rút. Trên 20 type của HPV có thể gây nhiễm ở hệ sinh dục : thường gặp nhất là típ 6, 11; cũng có thể gặp các típ 16, 18, 31, 33. Các típ 16, 18, 31,33, 35 có liên quan chặt chẽ với loạn sản và ung thư biểu mô. Người có nhiều bạn tình có khả năng nhiễm các type HPV không có các biểu hiện lâm sàng.

1.2. Đường lây

Chủ yếu do quan hệ tình dục:

– Sinh dục – sinh dục

– Miệng – sinh dục

– Hậu môn – sinh dục

Các đường lây khác có nhưng ít gặp hơn: trẻ sơ sinh lây từ mẹ, do các thủ thuật như đốt điện…

Trong khi sinh mẹ bị nhiễm HPV vùng hậu môn – sinh dục có thể truyền HPV sang trẻ sơ sinh, gây hạt cơm sinh dục ngoài và bệnh u nhú thanh quản ở trẻ. HPV có thể tồn tại suốt đời dưới trạng thái nằm im (không hoạt động) và trở thành từng đợt nhiễm vi rút.

1.3. Tuổi và các yếu tố nguy cơ

1.3.1. Tuổi

Thành niên và trưởng thành (thời kỳ hoạt động tình dục), tỷ lệ mắc bệnh cao ở ngoài tuổi 20.

1.3.2. Các yếu tố nguy cơ

– Có nhiều bạn tình và số lần tiếp xúc sinh dục tăng.

– Bạn tình bị nhiễm Bệnh sùi mào gà ngoài.

– Bạn tình có nhiều bạn tình khác.

– Nhiễm các BLTQĐTD khác

TRIỆU CHỨNG BỆNH SÙI MÀU GÀ

2.1 Thời gian ủ bệnh: Từ nhiều tuần đến nhiều tháng /năm

2.2. Các triệu chứng ở da

Thường không có triệu chứng cơ năng, tình cờ phát hiện được. Có thể có các triệu chứng ngứa, nóng rát, xuất huyết khi đụng chạm vào, tiết dịch âm đạo / niệu đạo, giao hợp đau trong trường hợp kích thước lớn hoặc điều trị không thích hợp.

2.3. Khám thực thể

2.3.1. Các tổn thương da – niêm mạc

Có 4 loại tổn thương hay gặp:

– Sẩn nhỏ

– Sùi “súp lơ”

– Hạt cơm sừng

– Mảng / sẩn phẳng (thường gặp ở cổ tử cung)

Các tổn thương có màu nâu, nâu nhạt, đỏ hồng hay màu da. Tổn thưong có thể là một, rãi rác hay hợp lại, đôi khi tạo thành một khối lớn vài cm đường kính, đặc biệt ở những người bị suy giảm hay ức chế miễn dịch tổn thương thường rất lớn.

Hình 1. Nhiễm HPV với mồng gà ( hình ảnh đã không được hiển thị)

2.3.2. Vị trí

Nam giới:

– Dây hãm

– Rãnh quy đầu

– Quy đầu

– Da bao

– Thân dương vật

– Da bìu

Nữ giới:

– Môi bé, môi lớn

– Âm vật

– Vùng quanh lỗ niệu đạo

– Tầng sinh môn

– Âm đạo

– Cổ tử cung ( tổn thương phẳng )

Cả 2 giới:

– Tầng sinh môn

– Quanh hậu môn

– Ống hậu môn

– Trực tràng

– Lỗ niệu đạo

– Niệu đạo

– Bàng quang

– Miệng – họng

– Dây thanh âm ( trẻ < 5 tuổi , người lớn > 20 tuổi ).

CHẨN ĐOÁN

3.1. Chẩn đoán xác định

Chủ yếu dựa vào lâm sàng vì các tổn thương sùi mào gà sinh dục rất đặc hiệu.

3.2. Chẩn đoán phân biệt

Các tổn thương sẩn / cục ở cơ quan sinh dục ngoài :

– Tuyến bả

– Sẩn sinh lý quanh vành quy đầu

– Gai sinh dục

– Dày sừng bả nhờn

– U mạch sừng hoá (angiokeratoma )

– U mềm lây

– Sẩn phì giang mai

– Viêm nang lông

– Cục ghẻ

CẬN LÂM SÀNG:

– Nghiệm pháp Acetic: bôi dung dịch acetic acid 5% lên vùng nghi ngờ ( cổ tử cung, quy đầu, hậu môn ), sau 5 – 10 phút quan sát bằng kính lúp hay đèn soi cổ tử cung thấy các sẩn nhỏ màu trắng. Chủ yếu phát hiện tình trạng nhiễm HPV không có biểu hiện lâm sàng.

– Phiến đồ cổ tử cung hay Pap smear: nên khuyến cáo tất cả các phụ nữ làm phiến đồ cổ tử cung 1lần / năm vì HPV là tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung.

– Giải phẫu bệnh, DNA, huyết thanh: nếu cần.

TIẾN TRIỂN VÀ DỰ HẬU

HPV có thời gian ủ bệnh từ 3 tuần đến 8 tháng. Đa số các bệnh nhân nhiễm HPV đều phát triển Bệnh sùi mào gà sau khi nhiễm khoảng 2 – 3 tháng. Khỏang 10 -30% các trường hợp mắc bệnh có thể thoái lui một cách tự nhiên trong vòng 3 tháng và tình trạng nhiễm HPV không có triệu chứng tồn tại gần như suốt đời.

Sự tái phát có thể xảy ở những người có chức năng miễn dịch bình thường cũng như suy giảm miễn dịch. Các tổn thương có thể tái phát ngay cả khi được điều trị đúng do sự tồn tại và tái hoạt của HPV ở vùng da bình thường quanh các tổn thương.

Phụ nữ mang thai các tổn thương Bệnh sùi mào gà thường gia tăng kích thước, số lượng và tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát của Bệnh sùi mào gà. Nếu sinh qua đường âm đạo thì trẻ có nguy cơ phát triển bệnh u nhú đường hô hấp sau này.

Chú ý các type 16, 18, 31và 33 là các tác nhân chính gây loạn sản và ung thư biểu mô tế bào gai của cổ tử cung.

ĐIỀU TRỊ

6.1. Nguyên tắc

– Hiện nay chưa có thuốc diệt HPV nên các phương pháp điều trị chỉ là điều trị triệu chứng .

– Phải điều trị sùi mào gà sinh dục cho cả 2 người .

– Sùi mào gà sinh dục phải được điều trị từ tuyến huyện trở lên.

– Cần phải thực hiện phiến đồ cổ tử cung cho các đối tượng nhiễm HPV hàng năm.

– Bắt buộc thử nghiệm HIV, HBV và huyết thanh giang mai.

6.2.Các phương pháp điều trị

– Phẫu thuật cắt bỏ bằng dao điện.

– Bôi hoá chất:

+ Imiquimod, kem 5% ( Aldara ).

+ Podofilox ( Condylox) dung dịch / gel 0,5 %.

+ Ni tơ lỏng.

+ Podophyllin 10-25 %.

+ TCA 80 -90 %.

– Laser C02.

TƯ VẤN

HPV có nguy cơ lây nhiễm cao do vậy cần phải :

– Khám, theo dõi và điều trị khi phát hiện bạn tình / chồng / vợ có triệu chứng Bệnh sùi mào gà.

– Tái khám định kỳ vì HPV có nguy cơ tái phát.

– Khuyến cáo bệnh nhân bị Bệnh sùi mào gà cổ tử cung cần làm phiến đồ cổ tử cung hàng năm để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

– Xét nghiệm HIV khi bị nhiễm Bệnh sùi mào gà.

– Phụ nữ có thai cần phải được điều trị Bệnh sùi mào gà trước khi sinh vì nguy cơ lây bệnh cho trẻ sơ sinh. Bệnh sùi mào gà ở phụ nữ có thai: chuyển tuyến trên để điều trị ở bất kỳ giai đoạn nào.

– Khuyến cáo sử dụng bao cao su đúng cách và thường xuyên .

Bài trướcTiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm HIV
Bài tiếp theoSự thụ tinh và thụ thai

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.