Quá trình hình thành thai nhi

Về phương diện tổ chức quá trình phát triển của trứng được chia làm hai phần:

– Phần trứng sau này trở thành thai

– Phần trứng sau này trở thành các phần phụ của thai.

Về phương diện thời gian quá trình phát triển của trứng được chia làm hai thời kỳ:

– Thời kỳ sắp xếp tổ chức: bắt đầu từ lúc thụ tinh đến hết tháng thứ hai.

– Thời kỳ hoàn thiện tổ chức: từ tháng thứ ba trở đi. .

4.1. Thời kỳ sắp xếp tổ chức

4.1.1. Quá trình hình thành bào thai

Trong quá trình di chuyển từ nơi thụ tinh đến nơi làm tổ, trứng đã thụ tinh tiếp tục phát triển qua giai đoạn phôi dâu và đến khi làm tổ ở giai đoạn phôi nang. Các tế bào mầm to tiếp tục phân chia và phát triển thành bào thai với hai lớp tế bào: lá thai ngoài và lá thai trong. Vào ngày thứ 6-7 sau thụ tinh bắt đầu biệt hoá thành lá thai trong, ngày thứ 8 biệt hoá thành lá thai ngoài, vào tuần thứ 3 giữa hai lá sẽ phát triển thêm lá thai giữa. Các lá thai này tạo ra phôi thai và từ tuần lễ thứ 8 phôi thai được gọi là thai nhi.

Ở phôi thai mới thành lập người ta phân biệt 3 vùng: vùng trước là đầu, vùng giữa nhô ra để trở thành bụng, lưng có rãnh thần kinh, vùng sau là phần đuôi và có mạng lưới thần kinh. Vùng trước và sau dần dần phình ra để tạo hình chi trên và chi dưới. Cuối thời kỳ phôi thai phần đầu phôi to một cách không cân đối, đã có phác hình của mắt, mũi, miệng, tai ngoài; tứ chi trở nên rõ nét (có chồi ngón), các bộ phận chính như tuần hoàn tiêu hoá cũng được thành lập ở thời kỳ này. Bào thai cong hình lưng tôm, phía bụng phát sinh ra nang rốn để cung cấp các chất dinh dưỡng. Từ các cung động mạch của thai các mạch máu phát ra đi vào nang rốn, đem chất dinh dưỡng nuôi thai. Đây là hệ tuần hoàn thứ nhất hay còn được gọi là hệ tuần hoàn nang rốn. Về sau ở phía đuôi và bụng bào thai mọc ra một túi khác gọi là nang niệu, trong nang này có phần cuối của động mạch chủ.

Nguồn gốc Hình thành các bộ phận
Lá thai ngoài – Hệ thần kinh- Da
Lá thai giữa – Hệ xương- Hệ cơ- Mô liên kết

– Hệ tuần hoàn

– Hệ tiết niệu

Lá thai trong – Hệ tiêu hoá- Hệ hô hấp

Nguồn gốc và sự hình thành các bộ phận
Nguồn gốc và sự hình thành các bộ phận

Hình 5. Nguồn gốc và sự hình thành các bộ phận

4.1.2. Quá trình phát triển của phần phụ

Nội sản mạc: về phía lưng của bào thai một số tế bào của lá thai ngoài tan đi, tạo thành một buồng gọi là buồng ối, trong chứa nước ối, thành của màng ối là một màng mỏng gọi là nội sản mạc.

Trung sản mạc: các tế bào mầm nhỏ phát triển thành trung sản mạc, bao gồm hai lớp: lớp ngoài là hội bào, lớp trong là các tế bào Langhans, trung sản mạc tạo thành các chân giả bao quanh trứng, được gọi là thời kỳ trung sản mạc rậm (thời kỳ rau toàn diện).

– Ngoại sản mạc: trong khi trứng làm tổ niêm mạc tử cung phát triển thành ngoại sản mạc. Người ta phân biệt 3 phần:

+ Ngoại sản mạc tử cung: chỉ liên quan đến tử cung

+ Ngoại sản mạc trứng: chỉ liên quan đến trứng

+ Ngoại sản mạc tử cung – rau: là phần ngoại sản mạc nằm giữa lớp cơ tử cung và trứng.

4.2. Thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức

4.2.1. Quá trình phát triển của thai

Thời kỳ này phôi thai được gọi là thai nhi, bắt đầu có đủ các bộ phận và tiếp tục phát triển tới khi hoàn chỉnh tổ chức. Bộ phận sinh dục được nhận biết rõ rệt vào tháng thứ 4, thai cũng bắt đầu vận động vào cuối tuần thứ 16. Cuối tháng thứ 6 da thai còn nhăn, được bao bọc bởi chất gây, sang tháng thứ 7 da bớt nhăn do nhiều mỡ dưới da; xuất hiện móng tay và móng chân. Các điểm cốt hoá ở đầu dưới xương đùi xuất hiện vào tuần thứ 36 và ở đầu trên xương chày vào tuần thứ 38.

Trong thời kỳ này thai sống bằng hệ tuần hoàn thứ hai hay hệ tuần hoàn nang niệu. Nang niệu lôi kéo dần các mạch máu của nang rốn sang, nang rốn teo dần đi. Cuối cùng tuần hoàn nang niệu thay thế hoàn toàn tuần hoàn nang rốn, rối dần dần nang niệu cũng teo đi, chỉ còn lại các mạch máu, đó là động mạch rốn và tĩnh mạch rốn.

Kích thước thai phát theo tuổi thai
Kích thước thai phát theo tuổi thai

Hình 6. Kích thước thai theo tuổi thai

4.2.2. Quá trình phát triển của các phần phụ

– Nội sản mạc: ngày càng phát triển, buồng ối ngày càng rộng ra và bao quanh thai nhi, thai nhi như con cá nằm trong nước.

Trung sản mạc: các chân giả sẽ tan đi, trung sản mạc trở thành nhẵn, chỉ còn lại phần bám vào tử cung sẽ tiếp tục phát triển thành gai rau với hai loại tế bào là hội bào và tế bào Langhans; trong lòng gai rau có tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn. Lớp hội bào đục thủng niêm mạc tử cung tạo thành các hồ huyết, chứa hai loại gai rau:

+ Gai rau dinh dưỡng lơ lửng trong hồ huyết, có nhiệm vụ trao đổi chất giữa thai và mẹ.

+ Gai rau bám sẽ bám vào nóc hoặc vách hồ huyết, giữ cho rau bám vào niêm mạc tử cung.

Ngoại sản mạc: ngoại sản mạc trứng và ngoại sản mạc tử cung teo mỏng dần, đến gần đủ tháng hai màng này hợp làm một và chỉ còn ở một số vùng. Ngoại sản mạc tử cung – rau tiếp tục phát triển và bị đục thành các hồ huyết, có máu mẹ từ các nhánh của động mạch tử cung chảy tới; sau khi trao đổi dinh dưỡng máu theo các nhánh của tĩnh mạch tử cung trở về tuần hoàn mẹ.

Bài trướcSự thụ tinh và thụ thai
Bài tiếp theokhung chậu nữ trong sản khoa

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.