Cũng giống như thăm khám các bộ phận khác, khám một bệnh nhân về khớp gồm hỏi bệnh, khám thực thể, chụp X quang và xét nghiệm.
I.THĂM KHÁM LÂM SÀNG
A.Khai thác các dấu hiệu cơ năng:
1.Đau khớp: Là triệu chứng chủ yếu khiến bệnh nhân đi khám bệnh, có 2 điểm cần lưu ý:
Phân biệt với đau ở phần không phải khớp như cơ, xương, thần kinh, thường bệnh nhân hay phản ảnh nhầm là đau khớp.
Phân biệt với đau mỏi mình mẩy: đau không có vị trí xác định mà lan tỏa cả bộ máy vận động (cơ xương khớp), hay gặp trong các bệnh toàn thân (cảm cúm, sốt rét …).
Cần khai thác các yếu tố: vị trí khớp bị đau, tính chất, mức độ, hướng lan và sự diễn biến. Người ta chia đau khớp thành 2 loại:
a.Đau do viêm(nhiễm khuẩn, dị ứng, miễn dịch …): thường đau liên tục, tăng nhiều về đêm, nghỉ ngơi bớt ít.
b.Đau không do viêm(hay đau kiểu cơ giới: thoái hóa, dị dạng …):
đau tăng khi vận động nhiều, giảm khi nghỉ ngơi, giảm về đêm.
2.Các rối loạn vận động:
a.Dấu hiệu “phá gỉ khớp”: bệnh nhân thấy hạn chế vận động khi khởi động, phải làm một số động tác hiện tượng hạn chế này mới hết, khớp như là bị két gỉ phải lay chuyển vài lần mới hoạt động được. Dấu hiệu này hay gặp trong bệnh Thoái hóa khớp, hư cột sống (thoái hóa).
b.Dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng: lúc mới ngủ dậy vào buổi sáng, bệnh nhân cảm thấy khớp xương cứng đờ, khó vận động, phải sau một thời gian từ 1 đến vài giờ mới thấy khớp mềm, cử động dễ dàng, dấu hiệu này thường biểu hiện rõ ở các khớp hai bàn tay, khớp gối. Cứng khớp buổi sáng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
c.Hạn chế các động tác: tùy theo vị trí khớp, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà khớp có hạn chế vận động ít hay nhiều, liên tục hay từng lúc, được thể hiện bằng các hạn chế đi lại, đứng, ngồi, ngồi xổm, cầm nắm, giơ tay … Hạn chế vận động do nhiều nguyên nhân khác nhau như tổn thương ở khớp, cơ, xương, thần kinh cần phân biệt trong chẩn đoán, hạn chế vận động có thể hồi phục hoặc không hồi phục.
3.Khai thác các biểu hiện bệnh lý trong tiền sử:
Tiền sử cá nhân: chú ý các chấn thương, nghề nghiệp, các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các thói quen, các bệnh khớp …
Tiền sử gia đình: khá nhiều bệnh khớp có yếu tố gia đình như viêm cột sống dính khớp, Thoái hóa khớp nguyên phát, bệnh gút …
B.Triệu chứng thực thể
Khi thăm khám phải kết hợp giữa quan sát, sờ nắn và làm các động tác, do đó nhất thiết phải được cởi bỏ quần áo, khám ở các tư thế đứng, nằm, khám thứ tự từ trên xuống, đối chiếu so sánh hai bên, không quên khám các khớp ít được chú ý nThoái hóa khớp hàm, ức đòn, cùng chậu, khớp vệ …
Thăm khám theo trình tự quan sát màu da bên ngoài, những thay đổi hình thái của khớp, các biến dạng, các tư thế bất thường, sờ nắn tìm những thay đổi của tổ chức phần mềm quanh khớp, đầu xương, khe khớp, các điểm đau, dấu hiệu phù nề, dấu hiệu viêm, dấu hiệu có nước trong khớp … có thể dùng thước đo chu vi khớp để so sánh với bên lành.
Liệt kê các khớp cần thăm khám, nếu có thể sử dụng các sơ đồ vị trí các khớp: cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt, cùng chậu. Chi trên với các khớp ức đòn, vai, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay, ngón tay gần, ngón tay xa. Chi dưới với các khớp háng, gối, cổ chân, bàn ngón chân. Các khớp khác nThoái hóa khớp hàm, khớp vệ, sườn ức, sườn cột sống.
Dưới đây là những tổn thương thực thể thường gặp:
1.Sưng khớp: là dấu hiệu hay gặp nhất, khớp sưng có thể dễ thấy khi khớp ở nông: ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân, khó phát hiện khi khớp ở sâu nThoái hóa khớp háng, vai … Muốn xác định cụ thể hiện tượng sưng khớp người ta dùng thước dây đo chu vi và so sánh với bên lành.
Các đặc điểm của sưng khớp cần khai thác:
a. Vị trí và số lượng: sưng một hay nhiều khớp, người ta phân ra 3 loại: một khớp, vài khớp (<4), và đa khớp. Các vị trí của sưng khớp có nhiều giá trị gợi ý chẩn đoán: sưng các khớp nhỏ 2 bàn tay hay gặp trong viêm khớp dạng thấp, sưng khớp bàn ngón chân cái trong bệnh gút …
b. Tính chất: chú ý các biểu hiện kèm theo: nóng, đỏ, đau, thể hiện các đặc điểm của viêm khớp. Tính chất đối xứng (viêm khớp dạng thấp có viêm khớp đối xứng, lao khớp thường bị một bên …) Tính chất cân đối của khớp bị sưng: đều cả các bên hay lồi lõm dị hình …
c. Diễn biến của sưng khớp (viêm khớp) chia làm 4 loại:
Di chuyển: viêm từ khớp này sang khớp khác, khớp cũ khỏi hoàn toàn, thời gian tương đối ngắn. Đây là đặc điểm của bệnh thấp khớp cấp.
Tiến triển tăng dần: viêm ở một khớp tăng dần, viêm tiếp thêm ở các khớp khác (khớp cũ không khỏi). Dấu hiệu này hay gặp ở bệnh viêm khớp dạng thấp.
Cố định: chỉ ở một vài vị trí, nặng dần lên, không sang các vị trí khác: viêm khớp nhiễm khuẩn, Thoái hóa khớp.
Hay tái phát: bị từng đợt, kéo dài một thời gian rồi khỏi, sau lại tái phát: thấp khớp cấp, bệnh gút cấp tính, Schonlein – Henoch …
2.Biến dạng: Là tình trạng thay đổi hình thái hoặc lệch trục của khớp, là hậu quả của những thay đổi của đầu xương, diện khớp, dây chằng, gân và bao khớp. Biến dạng có thể kèm theo các rối loạn như lỏng lẻo khớp, hạn chế vận động hoặc dính hoàn toàn.
Ở cột sống biến dạng thể hiện bằng những thay đổi đường cong sinh lý gây nên gù, vẹo, quá ưỡn …
Bàn tay: các biến dạng ở cổ tay, bàn ngón và ngón tay với các hình thái (ngón tay hình búa, hình nút, hình chữ chi, bàn tay gió thổi …) thấy trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
Khớp gối: biến dạng và lệch trục ra ngoài.
3.Hạn chế động tác:
Khi thăm khám, để đánh giá một cách khái quát, có thể yêu cầu bệnh nhân làm một số động tác có tính chất tổng hợp như: đi lại, ngồi xuống đứng lên, co gập khuỷu, nắm mở bàn tay, cúi ngửa cột sống.
Khi thăm khám cần phân biệt 2 loại động tác: vận động chủ động (do bệnh nhân tự làm) và vận động thụ động (do thầy thuốc tác động). Thường thì vận động chủ động và thụ động cùng hạn chế như nhau (do dính khớp hay tổn thương đã lâu), nhưng có khi chủ động hạn chế mà vận động thụ động vẫn tiến hành được.
Đối với từng khớp, phải tiến hành làm tất cả các động tác và so sánh với bên lành, hoặc so sánh với người bình thường. Có 3 động tác cơ bản cho đa số các khớp là: gấp duỗi, nghiêng hai bên (khép giạng) và quay (sang 2 bên), ở một số khớp có thể đơn giản hơn (khớp gối) hay phức tạp hơn (khớp vai).
Để cụ thể hóa mức hạn chế vận động người ta sử dụng các thước đo góc và đánh giá góc vận động, so sánh với người bình thường. Một vài số liệu bình thường:
+ Khớp cổ tay: gấp 90o, duỗi 80o, giạng 20o, khép 30o.
+ Khớp háng: gấp 130o, duỗi cố 35o, quay 30o, khép 30o, giạng 60o
Dính khớp: được biểu hiện bằng hạn chế vận động nhiều, cả chủ động và thụ động, muốn xác định tình trạng dính khớp cần chụp phim X quang.
4.Các dấu hiệu thực thể khác:
a.Tràn dịch khớp: Thường chỉ thấy ở khớp gối, được thể hiện bằng các dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè, các khớp khác khi tràn dịch khó thấy hơn nThoái hóa khớp vai, khớp háng, cổ chân. Nhiều khi phải chọc dò mới xác định được hiện tượng tràn dịch.
b.Dấu hiệu lỏng lẻo khớp: các khớp lỏng lẻo thể hiện bằng các động tác vượt quá mức bình thường, nhất là những vận động thụ động, lỏng lẻo khớp thường là hậu quả của các tổn thương giãn, đứt các dây chằng, gân, bao khớp … thường gặp ở trong bệnh khớp do mất cảm giác sâu (bệnh Tabès, bệnh xơ cột bên teo cơ), bệnh loạn sản sụn xương Morquio, di chứng của một số trường hợp viêm khớp dạng thấp … nhưng cũng có thể là tình trạng sinh lý.
c.Dấu hiệu lắc rắc, lạo sạo ở khớp: bệnh nhân có thể tự cảm thấy khi vận động hoặc do thầy thuốc phát hiện khi thăm khám, có thể gặp trong các tình trạng Thoái hóa khớp (do mặt sụn của khớp bị thoái hóa, do các mảnh sụn rơi vào ổ khớp), nói chung ít giá trị trong chẩn đoán.
d.Những thay đổi ở ngoài da và phần mềm quanh khớp: nhiều khi có giá trị giúp cho chẩn đoán:
Sẹo và lỗ rò chảy mủ, dịch: gặp trong lao khớp, viêm khớp mủ, gút mãn tính.
Khối abcès lạnh cạnh cột sống, khối u kén nước vùng khoeo chân.
Các hạt, u, cục đặc hiệu ở quanh khớp: hạt Meyne trong thấp khớp cấp, hạt dưới da của bệnh viêm khớp dạng thấp, hạt Tophi trong bệnh gút mãn tính.
Hiện tượng teo cơ: những bệnh khớp có diễn biến kéo dài (nhiều tuần) đều gây nên tình trạng teo cơ, teo cơ ở đây là do vận động ít hoặc bất động, do đó có thể hồi phục hoàn toàn. Teo cơ ứng với các khớp tổn thương, ví dụ teo cơ mông và đùi khi tổn thương khớp háng, teo các cơ cạnh cột sống trong bệnh viêm cột sống dính khớp, teo các cơ ở mu bàn tay trong viêm khớp dạng thấp.
C.Biểu hiện toàn thân và các dấu hiệu liên quan
1.Chú ý các đặc điểm chung:
Giới và tuổi: khá nhiều bệnh khớp có liên quan đến giới và tuổi như thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút …
Cơ địa: một số bệnh khớp hay gắn với một số cơ địa như béo bệu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch thường cùng cới bệnh gút, thoái hóa khớp … Bệnh tạo keo hay gặp ở các cơ địa dị ứng.
Tính chất di truyền của một số bệnh: bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút …
2.Những biểu hiện toàn thân: Một số bệnh khớp ảnh hưởng nhiều đến toàn thể trạng như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp nhiễm khuẩn … Chú ý đến các dấu hiệu sốt, tình trạng gầy, sút cân …
3.Thăm khám các bộ phận liên quan: Thăm khám toàn thân, chú ý tất cả các bộ phận đối với bệnh nhân bị bệnh khớp là điều cần thiết, có rất nhiều bệnh nội khoa có dấu hiệu ở khớp và cũng là một số bệnh khớp có biểu hiện hay biến chứng nội tạng.
a. Tim mạch: Tổn thương tim thấy trong bệnh thấp khớp cấp, các bệnh tạo keo … Ngược lại trong bệnh Osler bệnh nhân có triệu chứng sưng đau khớp.
b. Phổi: Các khối u phế quản có thể có dấu hiệu viêm khớp (hội chứng Pierre Marie), bệnh bụi than phổi hay kết hợp với viêm đa khớp mãn tính (hội chứng Caplan).
c. Thần kinh: Các bệnh của khớp cột sống có thể có các biến chứng thần kinh: ép tủy, chèn ép rễ và dây thần kinh. Bệnh thần kinh có mất cảm giác sâu gây lỏng lẻo khớp (Tabès).
d. Ngoài da: Viêm khớp gặp trong bệnh tạo keo, bệnh vảy nến, bệnh phong.
e. Các bộ phận khác: Các tổn thương ở mắt (viêm kết mạc, viêm mống mắt), các bệnh tiêu hóa (viêm đại trực tràng chảy máu, viêm gan), các bệnh về máu và cơ quan tạo máu (Hemophilie, Leucemie …) đều có thể có các dấu hiệu ở khớp.
II.THĂM DÒ XÉT NGHIỆM TRONG CÁC BỆNH KHỚP
A. Đại cương:
Xét nghiệm cận lâm sàng được ứng dụng trong các bệnh khớp chủ yếu được thực hiện với máu và dịch khớp. Các xét nghiệm này gồm các hội chứng chính như sau:
B. Lâm sàng:
1.Hội chứng viêm:
Tốc độ lắng máu tăng.
Protein C phản ứng (CRP: Creactive Protein) tăng.
Fibrin và Fibrinogen tăng.
Tăng các Globuline huyết thanh.
Hội chứng thiếu máu do viêm.
+ Thiếu máu hồng cầu nhỏ.
+ Ferritin tăng.
+ Tốc độ máu lắng tăng.
2.Hội chứng miễn dịch:
Tìm yếu tố dạng thấp.
Tìm kháng thể kháng nhân.
Tìm phức hợp miễn dịch.
Các yếu tố khác: bổ thể, Interleukin, TNFγ …
Định nhóm HLA.
C. Các xét nghiệm máu
1.Thăm dò hội chứng viêm:
Tốc độ máu lắng tăng: Là một xét nghiệm quan trọng để xác định quá trình viêm khớp, theo dõi tiến triển của bệnh và đáp ứng điều trị bệnh khớp.
Tốc độ máu lắng tăng là triệu chứng quan trọng trong hội chứng viêm.
Tốc độ máu lắng tăng trong các bệnh khớp có viêm, nhiễm khuẩn hoặc u (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, gút, bệnh hệ thống, bệnh đa u tủy xương (Kahler), ung thư nguyên phát hoặc thứ phát …
Protein C phản ứng (CRP Creactive Protein): Vai trò như tốc độ lắng máu, song thay đổi nhanh và nhạy hơn. Protein C phản ứng (CRP) là một trong các chất thuộc pha phản ứng nhanh, xuất hiện sớm và tăng cao trong các phản ứng viêm khớp. Các phương pháp xác định CRP: các test chẩn đoán nhanh (quicks test), phương pháp hấp thụ enzyme miễn dịch ELISA.
Fibrin và Fibrinogen tăng là các Protein tăng trong quá trình viêm, hiện ít làm do có các marquer khác nhạy hơn.
Thăm dò Protein huyết thanh.
Điện di Protein huyết thanh:
Tăng γ globuline huyết thanh, giảm albumine tương đối: hội chứng viêm do các quá trình viêm do nguyên nhân miễn dịch.
Nồng độ Protein huyết thanh và tỷ lệ mỗi loại

Các Protein Điện di Protein huyết thanh
Đơn vị: g/l Tỷ lệ so với Protein toàn phần
(%)
Protein toàn phần 65- 80
Albumine 40 -50 50- 60
Các Globuline 25- 30 40- 50
α 1 2- 5 3- 6
α 2 6- 8 6- 12
β 6- 9 6- 15
γ 8- 14 15- 21

Các thăm dò miễn dịch:
Yếu tố dạng thấp(RF): có bản chất là 1 globuline miễn dịch có chức năng kháng thể, thường là IgM, một số ít trường hợp RF có thể là IgG hoặc IgA. Yếu tố dạng thấp có tính chất kháng đặc hiệu với phân đoạn Fc của globuline miễn dịch IgG. Yếu tố dạng thấp là 1 tự kháng thể được tổng hợp trong đáp ứng miễn dịch của một số bệnh lý khớp. Yếu tố dạng thấp RF có tỷ lệ dương tính cao ở bệnh viêm khớp dạng thấp (75- 90%), Lupus ban đỏ hệ thống (30%), xơ cứng bì (15- 20%).
Nguyên lý cổ điển của phương pháp xác định RF là phản ứng ngưng kết thụ động giữa RF và IgG người gắn trên hồng cầu người, cừu, thỏ (phản ứng Waaler – Rose) hoặc hạt nhựa Latex. Hiện nay đã có nhiều phương pháp huyết thanh khác để xác định và định lượng RF sử dụng trong lâm sàng: Bentonite flocculation, nephelometry, ELISA, miễn dịch phóng xạ …
Tỷ lệ yếu tố dạng thấp RF được phát hiện trong một số bệnh

Tên bệnh Tỷ lệ RF + (%)
Viêm khớp dạng thấp 75 – 90
Hội chứng Gougerot – Sjogren 80 – 90
Lupus ban đỏ hệ thống 30
Xơ cứng bì toàn thể 15 – 20
Viêm khớp thiếu niên thể đa khớp 10 – 15
Người bình thường trên 60 tuổi 2 – 25

Ngoài ra yếu tố dạng thấp còn có thể được phát hiện ở một số bệnh như sau:
+ Bệnh nhiễm trùng: viêm nội tâm mạc Osler, giang mai, lao, hủi.
+ Bệnh lý phổi: bụi phổi, xơ phổi tiên phát.
+ Bệnh lý gan mật: viêm gan, xơ gan mật tiên phát, viêm gan virus …
+ Bệnh máu đa globuline huyết thanh, u lympho …
Kháng thể kháng nhân: là các globulin miễn dịch có vai trò tự kháng thể kháng lại các thành phần của nhân tế bào. Kháng thể kháng nhân có giá trị chẩn đoán trong các bệnh hệ thống. Có nhiều loại Kháng thể kháng nhân, giá trị của mỗi loại được tóm tắt như sau:
Tỷ lệ % kháng thể kháng nhân (ANA) và kháng thể kháng các thành phần của nhân trong một số bệnh

Bệnh Anti nuclear Anti –
dsDNA
Anti –
Sm
Anti –
RNP
Anti –
Ro(SSA)
Anti –
La(SSB)
Lupus (SLE) 95 20 – 30 30 30 – 50 30 15
Sjogren 75 < 5 0 10 10 5
Ra 15 < 5 0 10 10 5
Xơ cứng bì 50 0 0 30 5 1
SLE do thuốc 100 0 < 5 < 5 < 5 0

Các phương pháp xác định Kháng thể kháng nhân miễn dịch huỳnh quang gián tiếp, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, miễn dịch phóng xạ, ELISA, phương pháp Farr (tỷ lệ anti-DNA liên kết bằng với thể tích của bổ thể không hoạt hóa trong huyết thanh và chuỗi đôi DNA ds-DNA của Escherichia coli …). Các kỹ thuật này có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau tùy vào từng cơ sở xét nghiệm.
Bổ thể: Hệ thống bổ thể bao gồm trên 18 protein huyết thanh giữ vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của người. Bổ thể tham gia vào quá trình hình thành phức hợp miễn dịch trong cơ thể. Sự hoạt hóa hệ thống bổ thể do các phức hợp miễn dịch hoặc polysaccharide có thể xảy ra theo con đường cổ điển hoặc đường nhánh. Lượng bổ thể giảm trong các bệnh có hình thành phức hợp miễn dịch như bệnh Lupus, bệnh viêm khớp dạng thấp …
Các kỹ thuật xác định nồng độ bổ thể huyết thanh: xác định độ tan máu của bổ thể toàn phần (đo bằng đơn vị CH50), kỹ thuật khuếch miễn dịch.
Bình thường 42,5 đơn vị CH50.
Tìm phức hợp miễn dịch lưu hành trong huyết thanh.
Các kỹ thuật huyết thanh khác.
3.Các xét nghiệm trong hội chứng Antiphospholipid:
+ Xét nghiệm BW-Wasserman: dương tính ở các bệnh nhân Lupus có hội chứng Antiphospholipid. Gọi là dương tính giả, vì các xét nghiệm tìm kiếm sự có mặt của giang mai đều âm tính.
+ Kháng thể Cardiolipin.
+ Kháng thể chống đông Lupus (lupus anticoagulant): amtiprothrombinase.
4.Các xét nghiệm chứng tỏ có nhiễm liên cầu:
Hiệu giá antistreptolysine (ASLO) có giá trị hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi tiến triển của bệnh thấp khớp cấp.
5.Tế bào Hagraves – Tế bào LE(Lupus Erythemateur):
Là các đại thực bào có thành phần đồng nhất ở giữa, có tỷ lệ cao ở máu bệnh nhân Lupus và một số bệnh khác, hiện nay ít ứng dụng trên lâm sàng do độ nhạy và độ đặc hiệu thấp.
6.Nhóm HLA(Human Leukocyte Antigen):
Nhóm HLA là một kháng nguyên bạch cầu của hệ thống hòa hợp tổ chức, có nhiều dưới nhóm. Mỗi dưới nhóm có mối quan hệ chặt chẽ với một số bệnh khác nhau.
Kỹ thuật xác định HLA: kỹ thuật độc tế bào Terasaki, kỹ thuật phân tích gen …
Nhóm HLA và mối quan hệ với một số bệnh

Bệnh Nhóm HLA Tỷ lệ (%)
Viêm cột sống dính khớp B27 90
Hội chứng Reiter 70 – 80
Viêm khớp phản ứng 50 – 90
Viêm khớp vảy nến 53
Viêm khớp dạng thấp DR4 20 – 50
Viêm khớp thiếu niên thể đa khớp DR5 20
Lupus ban đỏ hệ thống DR3 – DR4 48
Lupus do Hydralazine DR4 73
Hội chứng Gougerot-Sjogren B8, DRW52 58 – 80

Các thăm dò huyết học và sinh hóa khác:
+ Công thức máu:
Hội chứng thiếu máu: một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống có thể thiếu máu do tình trạng viêm khớp. Ngoài ra, nếu thiếu máu hồng cầu nhỏ, cần phải tìm nguyên nhân mất máu (chảy máu đường tiêu hóa ..)
Số lượng bạch cầu và tiểu cầu: giảm số lượng bạch cầu là tiêu chuẩn chẩn đoán trong bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Ngoài ra còn có thể có các triệu chứng kèm theo: giảm số lượng tiểu cầu, thiếu máu huyết tán, trong quá trình điều trị thuốc ức chế miễn dịch trong một số bệnh khớp, nếu số lượng BC dưới 1,5×109cần ngừng các thuốc này. Tăng số lượng BC gặp trong tình trạng nhiễm khuẩn kết hợp hoặc trong bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh Still’s (số lượng BC có thể trên 1,5×109/l).
+ Các xét nghiệm sinh hóa khác:
Định lượng acid uric: tăng acid uric máu thường kèm theo các rối loạn chuyển hóa khác: đường, mỡ. Cần phân biệt tình trạng tăng acid uric máu với bệnh Gút (bệnh Gút là có biểu hiện lâm sàng).
Enzyme cơ: các enzyme tăng trong quá trình hủy hoại cơ: Creatinine phosphokinase (CPK), Cholinesterase, Aldolase, Transaminase … rất cần thiết cho chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý cơ.
Điện cơ: có giá trị phân biệt tổn thương cơ do nguyên nhân thần kinh hoặc cơ mà không cho phép chẩn đoán xác định loại bệnh cơ gì.
C. Xét nghiệm dịch khớp
Các thông tin về dịch khớp có thể giúp cho thầy thuốc chẩn đoán bệnh. Chọc hút dịch khớp không những là 1 phương pháp để chẩn đoán mà còn là 1 phương pháp điều trị bệnh khớp có hiệu quả. Chỉ định xét nghiệm dịch khớp khi có viêm khớp và tràn dịch khớp do bất kỳ một nguyên nhân nào (nhiễm khuẩn, chấn thương, viêm không đặc hiệu …). Không có chống chỉ định tuyệt đối. Thận trọng trong trường hợp rối loạn chảy máu và đông máu. Phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Dịch khớp cần phải được xét nghiệm trong vòng 8 giờ ở nhiệt độ phòng và trong 24 giờ nếu bảo quản dịch ở nhiệt độ 4 – 8oC.
Các xét nghiệm dịch khớp bao gồm:
1.Xét nghiệm đại thể:
Số lượng: dịch khớp gối bình thường khoảng 1 – 4 ml. Trường hợp khớp bị viêm hoặc tràn dịch do nguyên nhân nào đó, số lượng dịch khớp tăng nhiều, đôi khi tới 60 – 80 ml tại một khớp gối.
Màu sắc dịch khớp: dịch khớp bình thường trong suốt, màu vàng nhạt, khi viêm dịch khớp có màu vàng đậm, vàng ánh xanh hoặc màu đỏ khi có chảy máu ổ khớp. Dịch khớp của viêm khớp dạng thấp đôi khi đục như nước dừa.
Độ trong: dịch khớp bình thường trong suốt, đặt ống nghiệm chứa dịch khớp lên tờ báo, có thể vẫn đọc được các chữ đằng sau. Dịch khớp bị viêm thường đục, dịch khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp đôi khi bị đục như nước dưa. Dịch khớp mủ đục như nước vo gạo.
Độ nhớt: dịch khớp bình thường có độ nhớt như lòng trắng trứng, từ bơm tiêm nhỏ xuống, có thể tạo thành 1 dây dài khoảng 2-3 mm, khi viêm độ nhớt giảm (không nhỏ thành dây như dịch khớp bình thường mà có thể nhỏ thành giọt như giọt nước).
Test Mucin (Mucin clot): cho vào ống nghiệm 1ml dịch khớp và 3 ml acid acetic 2%, nếu dịch khớp bình thường cục mucine được tạo thành dải rắn chắc và không tan, nổi trên mặt nước và nước bên dưới trong vắt. Trường hợp dịch khớp viêm, cục mucine không còn chắc và to như bình thường mà bị “bở” ra, tan ra khi lắc và nước bị đục. Dịch khớp càng viêm, cục mucine càng nhỏ và nước càng đục. Xét nghiệm này hiện nay ít ứng dụng trên lâm sàng vì có thể định lượng được lượng mucine trong dịch khớp.
2.Xét nghiệm vi thể:
Đếm số lượng tế bào dịch khớp.
Xác định thành phần tế bào dịch khớp: trong dịch khớp của các bệnh khớp viêm, số lượng tế bào dịch khớp BCĐN rất cao, tỷ lệ tế bào trung tính cũng rất cao, song không có nghĩa là viêm khớp nhiễm khuẩn.
Viêm khớp nhiễm khuẩn: BCĐNTT thoái hóa (tế bào mủ), tế bào hình nho trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tế bào mang dịch vùi trong dịch khớp của bệnh Reiter.
Xác định các vi tinh thể (urat sodium, phosphat calci bằng kính hiển vi phân cực).
Xét nghiệm vi khuẩn.
Nhuộm Gram, nhuộm Giemsa
Nuôi cấy trên các môi trường tìm vi khuẩn
Xét nghiệm ELISA, PCR chẩn đoán bệnh lao khớp, nhiễm Chlamydia.
Các xét nghiệm khác.
Tìm yếu tố dạng thấp RF trong dịch khớp.
Định lượng Protein, Glucose, bổ thể, acid uric … hiện nay các xét nghiệm này ít áp dụng trên lâm sàng.
Phân tích dịch khớp trong một số bệnh

Bệnh Protid (g/l) Mucine test Tế bào
/ ml
Công thức Vi khuẩn Tinh thể Yếu tố RF
Bình thường < 25 (−) < 500 Hỗn hợp
Thoái hóa < 25 (−) < 500 Đa nhân
Viêm khớp < 25 (+) Đa nhân
VKDT < 25 (+) >
10.000

15.000
Đa nhân Ragocyte +
Gút < 25 (+) >
10.000

20.000
Đa nhân +
Viêm khớp mủ < 25 (+) >
10.000

20.000
Đa nhân thoái hóa VK
Lao khớp < 25 (+) >5.000 Lympho VK

Mô bệnh học

Các phương pháp thăm khám trong bệnh khớp (Phần 2)

Để xét nghiệm mô bệnh học, người ta sử dụng các kỹ thuật sinh thiết: sinh thiết “mù”, sinh thiết qua nội soi, sinh thiết mở … sinh thiết xương thường phải tiến hành dưới màn tăng sáng.
Sinh thiết màng hoạt dịch: Sinh thiết màng hoạt dịch giúp cho chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố, lao màng hoạt dịch.
Sinh thiết da: có giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh xơ cứng bì, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
Các sinh thiết khác: sinh thiết thận trong bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, sinh thiết tuyến nước bọt trong hội chứng Sjogren, sinh thiết xương để chẩn đoán bệnh lao xương khớp, K xương nguyên phát hoặc thứ phát, bệnh Paget và một số bệnh xương khác.
E. Nội soi khớp
Nội soi khớp là một thủ thuật cho phép quan sát trực tiếp ổ khớp nhờ hệ thống thấu kính với nguồn ánh sáng lạnh qua một ống dẫn nhỏ. Hình ảnh được phóng đại nhiều lần và có thể nhìn trên màn hình. Do đó, ta có thể chẩn đoán và điều trị, chụp ghi lại hình ảnh … mà không phải bộc lộ toàn bộ ổ khớp.
Nội soi khớp lần đầu được tiến hành vào năm 1918, đến nay đã nhanh chóng phát triển với các loại nội soi chẩn đoán và nội soi can thiệp. Ngoài ra, nội soi khớp còn được chỉ định nhằm mục đích đánh giá sự tiến triển và kết quả điều trị nội khoa hoặc kiểm tra hiệu quả sau các thủ thuật trên.
Nội soi khớp được thực hiện với nhiều khớp: gối, vai, khuỷu, cổ tay, cổ chân và các khớp nhỏ ngón tay … trong đó phổ biến nhất là khớp gối. Đây là một thủ thuật gọn, nhẹ, ít gây tai biến, tránh được mổ lớn, rút ngắn thời gian phục hồi chức năng khớp.
1.Chỉ định của nội soi khớp:
Nhờ nội soi khớp gối, chẩn đoán lâm sàng được khẳng định trong 70,6%, soi khớp thay đổi chẩn đoán của lâm sàng trong 20% trường hợp.
a.Giá trị chẩn đoán của nội soi khớp gối:
Chẩn đoán các viêm khớp, đặc biệt hiệu quả với viêm 1 khớp (khẳng định chẩn đoán trong 50% trường hợp nhờ hình ảnh đại thể, vi thể và cấy tìm vi khuẩn. Có thể chẩn đoán các bệnh sau:
Viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố, viêm khớp dạng thấp.
Viêm màng hoạt dịch do lao, do vi khuẩn.
Thoái hóa khớp.
Chẩn đoán các tổn thương khác:
Bệnh lý sụn chêm: u sụn, chấn thương, thoái hóa …
Bệnh lý dây chằng: chấn thương …
b.Điều trị nội khoa một số bệnh lý khớp gối: rửa khoang khớp, chỉ định đối với:
Thoái hóa khớp
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp mủ.
c.Điều trị ngoại khoa với nội soi khớp gối:
Lấy các dị vật trong khớp, cắt các u có cuống.
Sửa chữa các vết nứt rạn sụn khớp, tái tạo, phục hồi dây chằng.
Cắt bỏ màng hoạt dịch, gọt giũa, sửa chữa mâm chày.
Sửa chữa sụn chêm: một phần, bán phần và hoàn toàn.
d.Nội soi các khớp khác:
Chỉ định với các khớp cổ chân, khuỷu, cổ tay, vai và các khớp nhỏ ngón tay.
Chẩn đoán các gãy vỡ xương sụn khó chẩn đoán bằng X quang, các dị vật.
Điều trị ổn định khớp.
Viêm màng hoạt dịch (chẩn đoán và điều trị). Cắt màng hoạt dịch do viêm hoặc u lành tính.
2.Chống chỉ định: các bệnh lý rối loạn đông máu, chảy máu.
III.CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN BẰNG HÌNH ẢNH
Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhau được áp dụng trong thăm dò các bệnh xương khớp nội khoa bao gồm:
A. Các phương pháp chụp:
1.Chụp X quang quy ước(XQ thương quy)
Hình ảnh X quang được tạo ra như sau: chùm tia X được phát ra, xuyên qua cơ thể người và bị hấp thụ một phần. Phần bị hấp thụ này tỷ lệ thuận với chiều dày, tỷ trọng và số nguyên tử của vùng bị xuyên qua. Khi ra khỏi cơ thể, chùm tia X bị suy giảm không đồng đều và có thể ghi lại được bởi các hệ thống khác nhau.
Trong X quang thường quy, phim chụp X quang là biểu hiện của sự hấp thụ của chùm tia X sau khi xuyên qua cơ thể: độ đen của phim thay đổi tỷ lệ nghịch với sự hấp thụ tia X; do đó mật độ một tổ chức được biểu diễn trên thang nhìn màu xám, có 4 loại mật độ mà độ trong sẽ giảm dần như sau: khí, mờ, nước và xương. Như vậy, tổ chức khí thì rất sáng (có màu đen trên phim XQ dương bản) và tổ chức xương thì rất mờ (có màu trắng trên phim XQ dương bản).
Tùy theo từng khớp mà có tư thế thẳng, nghiêng, chếch hoặc các tư thế đặc biệt khác.
2.Chụp X quang với thuốc cản quang, khí:
Nhằm tăng độ tương phản của các phần không cản quang (arthrographie): phát hiện đứt gân (khớp vai, kén Baker), sụn chêm (chụp khí).
3.Chụp bao rễ cản quang(Sacco – radiculographie):
Chụp bao rễ cản quang cho phép nhìn rõ rễ thần kinh của một đoạn tủy nhờ tiêm vào khoang dưới nhện một chất cản quang. Các chế phẩm thường dùng hiện nay thường là các sản phẩm có chứa Iode, hòa tan trong nước, có thể tự hấp thụ không bị ion hóa: đó là Metrizamid (Amipaque)R, Iopamidol (Iopamiron)R. Các thuốc này có thể dùng đối với mọi đoạn tủy. Bệnh nhân phải nằm tại bệnh viện ít nhất 24 giờ.
Đối với vùng thắt lưng cùng, chụp bao rễ cản quang được chỉ định trong các trường hợp chẩn đoán nguyên nhân đau kiểu rễ không điển hình ở chi dưới, hẹp ống sống, đau thần kinh tọa gây liệt, hội chứng đuôi ngựa hoặc nghi ngờ u nội tủy.
4.Chụp tủy cản quang(Myelographie):
Chụp bao rễ cho phép nhìn rõ toàn bộ hoặc một đoạn tủy và khoang cạnh tủy nhờ tiêm vào khoang dưới nhện một chất cản quang hòa tan trong nước không bị ion hóa. Nhờ các chất mới này mà không cần dùng đến các chất cản quang Lipid hóa hoặc khí để chụp như trước.
Đối với vùng cột sống thắt lưng thường được chỉ định trong các trường hợp ép tủy hoặc ép nón cùng, đau lưng hoặc đau rễ điều trị không kết quả, nguyên nhân chưa được xác định. Do giá tiền không cao, nên chụp tủy cản quang được dùng nhiều ở các nước đang phát triển, song đây là 1 thăm dò chảy máu, gây đau nên còn nhiều hạn chế.
5.Chụp cắt lớp thông thường(Tomographie):
Được sử dụng từ 1930 nhằm phát hiện các tổn thương nhỏ ở sâu trong các xương hoặc đốt sống.
6.Chụp khô(Xeroradiographie):
Làm nổi bật các bè xương và các phần mềm quanh khớp, dễ phát hiện các bệnh có rối loạn cấu trúc xương (Paget).
7.Chụp động mạch cản quang(Angiographie):
Chỉ định với các vùng cột sống và quanh khớp, phát hiện u mạch (angiome) hoặc các u có tăng sinh mạch máu.
B. Siêu âm(từ 1958)
Kỹ thuật hình ảnh không dùng đến tia X. Sóng siêu âm có một số đặc tính:
Trong một môi trường đồng nhất, chùm siêu âm truyền đi theo đường thẳng và cường độ giảm dần theo bình phương khoảng cách. Siêu âm gần như truyền đi hoàn toàn trong nước.
Trong một môi trường không đồng nhất, sóng siêu âm gặp môi trường có âm trở khác sẽ cho sóng phản xạ theo một góc bằng góc tới. Sóng phản xạ gọi là sóng dội lại (echo).
Tỷ lệ sóng dội lại càng tăng nếu âm trở (acoustic impedance) của 2 môi trường chênh lệch nhau càng lớn. Đó là trường hợp siêu âm gặp xương, vôi hoặc không khí, chùm siêu âm gần như phản xạ hoàn toàn.
Dựa trên nguyên lý tần suất năng lượng phát ra càng lớn, độ hấp thụ của mô càng nhiều, độ đậm xuyên qua mô càng thấp. Như vậy về tần số, nếu như để thăm dò các tạng sâu trong ổ bụng và lồng ngực cần đầu dò 3,5 MHz, thì đầu dò để thăm dò hình thái xương khớp cần đạt 5- 7,5 MHz hoặc cao hơn nữa.
Dùng một đầu dò vừa phát vừa thu siêu âm, ta chỉ nhận được những sóng phản xạ vuông góc với đầu dò, một phần lớn echo khác sẽ đi theo các hướng khác nhau và chùm siêu âm sẽ suy yếu. Muốn thu được hình ảnh siêu âm có độ phân giải cao (hình ảnh đẹp), cần 2 điều kiện:
+ Tần số của đầu dò phù hợp với độ sâu của mô cần thăm dò.
+ Độ khuếch đại (nhằm mục đích tăng trị giá các sóng echo ở xa) phải được điều chỉnh cho thích hợp.
Các kỹ thuật khám siêu âm chia ra: kiểu A (Amplitude), kiểu B (Brightness), kiểu TM (Time Motion) và kiểu D (Dynamic), trong đó thiết bị siêu âm cắt lớp kiểu B rất thích hợp và thuận tiện cho khám xét phần mềm.
Tóm lại, để thăm dò các cấu trúc phần mềm ở nông như phần mềm xương khớp, da … cần dùng các đầu dò có các đặc điểm sau:
Độ phân tán cao, vì các cấu trúc thăm dò có khoảng cách nhỏ.
Độ phân tán đồng nhất từ da cho đến độ sâu 5 – 6 cm.
Thực hiện dễ dàng để đảm bảo đánh giá được hết tổn thương.
Độ rộng của trường đủ để phân biệt rõ các cấu trúc.
Như vậy, hợp lý nhất là dùng đầu dò quét với tần số ít nhất 5 – 7,5 MHz hoặc cao hơn nữa càng tốt. Có tác giả dùng đầu dò từ 20 đến 30 MHz, cần thiết phải đạt được tiêu cực cơ học có độ sâu 3 – 4 cm theo chiều dày của mặt phẳng cắt, và một tiêu cực điện tử theo trục quét để đạt được độ phân tán có độ đồng nhất tối đa có thể đạt được trong toàn bộ trường thăm dò.
Điểm qua một số bệnh lý có phần mềm có thể thăm dò bằng siêu âm:
Các bệnh của cơ: abcès cơ, bệnh lý cơ (myophathie), bệnh Duchesne, thiếu máu cục bộ cơ, các u cơ (lành hoặc ác tính), thoái hóa xơ, thoái hóa mỡ.
Bệnh lý về gân: viêm gân, đứt gân (rất giá trị với các trường hợp viêm quanh khớp vai).
Bệnh lý bao khớp và khớp: u nang màng hoạt dịch, kén thanh mạc, nhiễm khuẩn khớp và kén thanh mạc ở khớp, phát hiện trật khớp háng ở trẻ mới đẻ và nhũ nhi
Bệnh lý các bộ phận khác: độ dày của da và mô dưới da để chẩn đoán, theo dõi và để tiên lượng bệnh xơ cứng bì toàn thể.
C. Chụp cắt lớp vi tính(Tomodensitometrie)
Dùng máy vi tính để xử lý kết quả do sự hấp thụ của chùm tia X, có thể phát hiện tổn thương sớm và nhỏ của xương và sụn khớp. Ngoài những thay đổi về giải phẫu học bình thường, tổn thương được nhận biết bởi thể tích của nó và bởi tỷ trọng so sánh với tỷ trọng biết sẵn của cấu trúc bình thường. Như vậy, tổn thương sẽ làm giảm, đồng hoặc tăng tỷ trọng chụp cắt lớp vi tính cho phép đo tỷ trọng tổn thương theo đơn vị Hounsfirl nên biết được đó là mỡ (100 đv), dịch (0-20), đặc (30-90), máu tỷ trọng tăng lên sau khi tiêm thuốc cản quang tan trong nước.
Phương pháp cho phép phát hiện chính xác hình thái tổn thương. Đặc biệt các tổn thương về xương.
D. Chụp nhấp nháy đồ(Scintigraphie)
Dùng đồng vị phóng xạ và chụp nhiệt cũng được xếp vào các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh. Thường dùng technetium pyrophosphate 99 (hoặc gallium citrate trong trường hợp phát hiện các ổ nhiễm trùng, bởi tính đặc hiệu tốt nhất của gallium). Đặc biệt ích lợi trong các phát hiện ung thư không rõ nguồn gốc, phương pháp cho biết tổn thương có lưu lượng máu đến nhiều hay ít.
E. Chụp cộng hưởng từ(MRI)
Nguyên lý cộng hưởng từ: các phân tử H2có nhiều trong cơ thể người khi được đặt trong một từ trường mạnh và được kích thích bằng một sóng vô tuyến điện có tần số thích hợp sẽ phát ra tín hiệu, một hệ thống tin học hiện đại sẽ biến các tín hiệu trên thành hình ảnh (không dùng tia X), thu được ảnh theo 3 mặt phẳng trong không gian. Như vậy, tạo ảnh bằng cộng hưởng từ gồm 5 bước cơ bản:
1.Đặt người bệnh vào một từ trường mạnh.
2.Phát sóng radio.
3.Tắt sóng radio.
4.Từ người bệnh sẽ phát ra những tín hiệu. Hệ thống máy ghi lại những tín hiệu đó.
5.Dựng lại ảnh bằng các tín hiệu thu được.
Phương pháp cho phép phát hiện chính xác tổn thương về hình thái và cấu trúc, đặc biệt tổn thương phần mềm (dây chằng, sụn chêm, tủy sống ….) nhờ vào 2 khái niệm chính là T1và T2(T1: thời gian thư duỗi dọc và T2: thời gian thư duỗi ngang).
T1và T2phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là loại cấu trúc trong cơ thể và từ lực của từ trường bên ngoài. Vậy loại tổ chức khác nhau thì có thời gian thư duỗi khác nhau.
Ví dụ: nước/dịch: T1và T2cùng dài, mỡ: T1và T2ngắn hơn so với của nước. Các tổ chức chứa nhiều nước có T1và T2dài, phần lớn các cấu trúc bệnh lý đều chứa nhiều nước hơn cấu trúc lành, nên có khả năng phân biệt được hai loại cấu trúc sinh và bệnh lý theo T1và T2.
Ta có thể tóm tắt như sau:
T1dài hơn T2.
T1thay đổi theo từ trường bên ngoài: từ trường mạnh thì T1dài hơn.
Đối với T1đã xử lý, T1của tổ chức càng ngắn, tín hiệu càng lớn. Theo cường độ của tín hiệu, cường độ giảm dần từ màu trắng (lớn nhất) sang màu đen (nhỏ nhất). Các tổ chức có thể được xếp như sau:
Trắng
Mỡ
Tủy xương
Mạch máu dòng chảy chậm
Sụn
Gân, dây chằng
Vỏ xương
Khí
Đen
Với hình ảnh đã xử lý ở T2, T2của tổ chức dàng dài, tín hiệu càng lớn. Theo cường độ của tín hiệu, cường độ giảm dần từ màu trắng (lớn nhất) sang màu đen (nhỏ nhất). Các tổ chức có thể được xếp như sau:
Trắng
Dịch và mạch máu dòng chảy chậm
Mỡ
Tủy xương

Gân và dây chằng
Vỏ xương
Khí
Đen
Xương có thể coi như một thành phần bao gồm Calci (không có tín hiệu), mỡ, nước và Protein (tủy xương, mạch máu). Tùy theo các chất chứa trong xương với tỷ lệ nhiều hay ít mà tín hiệu sẽ thay đổi.
Phần tủy xương giàu mỡ, là nguyên nhân làm cho cường độ tín hiệu mạnh (hypersignal) ở T1. Sự phát triển của các quá trình bệnh lý trong xương làm giảm số lượng mỡ, do đó làm cho xương trở nên giảm cường độ tín hiệu (hyposignal) ở T1. Còn ở T2, tín hiệu tùy thuộc vào bản chất hóa học của quá trình bệnh lý (chứa nước, cứng hay chứa dịch). Các quá trình bệnh lý chứa nhiều nước, sẽ là nguyên nhân gây tăng cường độ tín hiệu, quá trình bệnh lý nào cứng chắc, nhất là khi chúng chứa calci, sẽ có cường độ tín hiệu giảm.
Nói chung, hình ảnh đã xử lý ở T1được sử dụng để chẩn đoán các tổn thương về mặt giải phẫu, còn ở T2dành cho các thông tin hóa học về bản chất của tổn thương.
Các phần mềm thường là các cơ. Ở T1, các cơ có tín hiệu yếu, giống như quá trình bệnh lý. Khi độ tương phản kém, khó mà phân biệt được tổn thương. Ở T2, các tín hiệu của đa số quá trình bệnh lý thường mạnh hơn tín hiệu của cơ. Độ tương phản giữa cơ và mô tổn thương rõ, quá trình phân lập tổn thương có thể thực hiện được, thống kê tổn thương được làm chính xác hơn so với các kỹ thuật hình ảnh khác.
Các tổn thương giàu calci, ngược lại, là nguyên nhân gây tín hiệu yếu, làm cho việc phân biệt về giải phẫu khó thực hiện.
a.Chỉ định công hưởng từ: các bệnh lý cần quan sát hình thái, trừ xương: u, thoát vị đĩa đệm, dây chằng, sụn khớp … (với tổn thương xương, sung CT có hiệu quả hơn).
b.Chống chỉ định:
Chống chỉ định tuyệt đối: có kim loại trong người (đặt máy tạo nhịp tim, kẹp mạch máu nội sọ, van tim giả … bằng kim loại).
Chống chỉ định tương đối: khớp giả ở tai vĩnh viễn (chỉ gây hại vật liệu), thai kỳ 3 tháng đầu (dù chưa có trường hợp nào gây quái thai).
IV.CÁC XÉT NGHIỆM ĐẶC BIỆT
A. Xét nghiệm dịch khớp
Dịch khớp thường được lấy ở khớp gối, nhưng có thể chọc lấy được ở khớp háng, khớp vai, các khớp khác không lấy được vì lượng dịch quá ít.
1.Dịch khớp gối bình thường:
Trong, không màu, nhớt như lòng trắng trứng, lượng từ 3-5 ml, pH = 7,3.
Lượng tế bào < 500/mm3, đa số là BC đơn nhân và tế bào của màng hoạt dịch.
Lượng albumine khoảng 2g%
Lượng mucine 800mg% (acid hyaluronic).
2.Phản ứng đông mucine(mucine test): Dịch khớp sau khi quay ly tâm lấy 1ml ở trên, cộng thêm 4 ml nước cất, lắc đều, nhỏ vào ống nghiệm này 0,13 ml dung dịch acid acetic 7N, sau đó đọc kết quả.
Bình thường: mucine kết tủa từng đám sợi to, xù xì, nước trong.
Viêm nhẹ: kết tủa nhỏ, nhẵn, mềm, nước hơi đục.
Viêm vừa: kết tủa nhỏ, nhiều, lắc tan, nước đục.
Viêm nặng: kết tủa rất nhỏ, nước đục nhiều.
3.Các xét nghiệm khác:
Tìm vi khuẩn trong dịch khớp.
Tìm các hạt vùi trong tế bào của dịch khớp (hội chứng Reiter).
Tìm các tinh thể acid uric, tinh thể pyrophosphat Ca trong dịch khớp (bệnh gút, bệnh vôi hóa sụn khớp).
Tìm tế bào hình nho (ragocyte): là những bạch cầu đa nhân trong bào tương có chứa nhiều hạt nhỏ, đó là các phức hợp miễn dịch. Trong viêm khớp dạng thấp, tế bào hình nho thấy trên 10% tổng số tế bào trong dịch khớp.
Dùng dịch khớp tiến hành phản ứng Waaler – Rose hay Latex, với viêm khớp dạng thấp phản ứng dương tính sớm hơn so với huyết thanh.
Các xét nghiệm định lượng Protein, Glucose, bổ thể, acid uric trong dịch khớp.
4.Một số hội chứng dịch khớp bệnh lý:

Bệnh Màu sắc Test mucine Tế bào Xét nghiệm đặc biệt
Thoái hóa khớp Bình thường Không viêm < 500
Viêm khớp dạng thấp Vàng Viêm rõ > 1000 Waaler-Rose Tế bào hình nho
Bệnh Gút Vàng Viêm > 1000 Tinh thể acid uric
Viêm khớp mủ Vàng đục Viêm rõ > 10.000 (đa nhân trung tính) Thấy vi khuẩn
Lao khớp Vàng đục Viêm > 5000 Thấy BK, lympho bào, tế bào bán liên, tế bào khổng lồ.

Nội soi khớp
Những năm gần đây cùng với sự phát triển của phương pháp nội soi chung, người ta dùng các ống soi cứng hoặc soi mềm đưa vào ổ khớp để quan sát màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương, khi soi có thể chụp ảnh, sinh thiết, lấy các dị vật (mảnh vụn), cắt các dây xơ dính. Nội soi khớp được sử dụng với khớp gối, có thể soi ở khớp háng và vai. Thủ thuật khá phức tạp vì phải gây mê bệnh nhân và tiến hành ở phòng mổ khoa ngoại.
C. Xét nghiệm HLA và các bệnh khớp
Năm 1958, J.Dausset (Pháp) tìm ra hệ thống kháng nguyên HLA (Human leucocyte antigen), ngoài những ứng dụng hệ thống này trong ghép cơ quan và xác định chủng tộc, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh HLA có liên quan đến một số bệnh, nhất là các bệnh khớp.
1.HLA B27 và bệnh viêm cột sống dính khớp được nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, tất cả các kết quả đều thấy tỷ lệ HLA B27 rất cao trong bệnh viêm cột sống dính khớp (từ 80-90%) trong khi ở người thường (chứng) tỷ lệ dương tính từ 4-6%, gần đây còn thấy HLA B27 ở các bệnh khớp khác có biểu hiện ở cột sống như: viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, viêm khớp sau viêm đại trực tràng chảy máu. Có người coi HLA B27 là yếu tố “viêm cột sống” (ở Việt Nam là 87% so với chứng 4%).
2.Nhiều công trình còn tìm thấy tỷ lệ cao rõ rệt của yếu tố HLA DR4 trong bệnh viêm khớp dạng thấp (70% so với chứng 30%) và yếu tố HLA DR3 trong bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
3.Có nhiều giả thuyết về vai trò HLA trong các bệnh nhưng cho đến nay chưa có kết luận nào chắc chắn, vấn đề còn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Bài trướcĐộc hoạt tang ký sinh (Độc hoạt ký sinh thang)
Bài tiếp theoChán ăn, buồn nôn và nôn – Các nguyên nhân và chẩn đoán bệnh

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.