BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Trong y học cổ truyền không có bệnh danh đái tháo đường. Với biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh này là: ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều thì bệnh này nằm trong phạm vi chứng Tiêu khát của Y học cổ truyền.

Tiêu khát là một chứng bệnh đã được ghi lại lần đầu tiên trong y văn cổ của Y học cổ truyền là sách “Nội kinh” dưới các bệnh danh như: Tiêu khát, Tiêu đản, Cách tiêu, Phế tiêu… Trong sách “Ngoại đái bí yếu” đã nêu rõ “Khát mà uống nhiều nước đi tiểu nhiều… thuộc chứng bệnh tiêu khát… và còn ghi rõ do Thận hư, nước tiểu ngọt”.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền của đái tháo đường

Y học cổ truyền cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu gây chứng bệnh tiêu khát là do bẩm tố cơ thể của người bệnh là âm hư, ngũ tạng suy nhược, còn những yếu tố thuận lợi đưa đến là do căng thẳng về mặt tinh thần như uất giận kéo dài dẫn tới khí uất hóa hỏa làm tổn thương phần âm của phế vị… do ẩm thực bất tiết như ăn nhiều thức ăn béo, ngọt dẫn đến tỳ vị tích nhiệt đưa tới vị hỏa và nhiễu loạn lên trên cũng làm tổn thương phần âm của Phế. Những người lao lực quá độ do công việc hay quan hệ nam nữ không điều độ… đều đưa đến tổn thương tân dịch, làm thận âm hư, thận thủy là gốc của phần âm trong cơ thể, hậu quả sẽ là Thận hư, Phế táo, Vị nhiệt mà dẫn đến chứng tiêu khát.

Như vậy, vấn đề then chốt dẫn đến chứng bệnh Tiêu khát là Phế táo, Vị nhiêt, Thận hư mà bản chất là phần âm bị suy giảm.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền đái tháo đường

Bản chất của chứng bệnh này theo Y học cổ truyền là miệng khát dấn đến uống nhiều, ăn nhiều mà người gầy sút, người bệnh đi tiểu nhiều. Trên lâm sàng Y học cổ truyền lấy ba bộ vị: Thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu mà phân tích để đưa ra phương pháp điều trị: Nhưng trên thực tế lâm sàng, triệu chứng của ba bộ vị này thường kết hợp với nhau, chỉ biểu hiện các triệu chứng này nặng, nhẹ khác nhau ở mỗi thể.

Đái Tháo Đường Thể Thượng Tiêu

Triệu chứng: Bệnh nhân thường có cảm giác khát, muốn uống nước nhiều, miệng khô, lưỡi khô, đi tiểu lượng nhiều, bên thành lưỡi và đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hồng sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, nhuận phế sinh tân chỉ khát.

Bài thuốc: “Tiêu khát phương” hợp “Bạch hổ gia Nhân sâm thang”

Hoàng liên 8g Nhân sâm 12g

Thiên hoa phấn 12g Tri mẫu 6g

Sinh địa 12g Thạch cao 10g

Ngưu tất 16g Ngạnh mễ 20g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Nếu biểu hiện phế âm hư rõ gia Thiên môn, Mạch môn để nhuận phế thanh nhiệt.

Đái Tháo Đường Thể Trung Tiêu

Triệu chứng: Người bệnh ăn nhiều mà vẫn đói, hình thể gầy mòn, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng khô, mạch thực và có lực.

Pháp điều trị: thanh vị hỏa, dưỡng âm tăng dịch

Bài thuốc: Ngọc nữ tiễn

Thạch cao 20g Mạch đông 12g

Ngưu tất 16g Sinh địa 16g

Tri mẫu 8g

Nếu bệnh nhân can hỏa vượng mạnh có thể gia thêm Hoàng cầm, Chi tử để thanh can tả hỏa.

Tất cả các vị thuốc trên làm thành thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đái Tháo Đường Thể Hạ Tiêu

Triệu chứng: Người bệnh đi tiểu nhiều lần với số lượng nhiều, nước tiểu như cao, mỡ hay ngọt, lưỡi khô, miệng khô khát, uống nước nhiều. Ngũ tâm phiền nhiệt (lòng bàn tay, bàn chân nóng và ngực có cảm giác nóng), đầu váng đau, lưng gối đau mỏi, mạch trầm tế sác.

Pháp điều trị: Tư bổ thận âm, sinh tân thanh nhiệt

Bài thuốc: Tri bá địa hoàng thang gia giảm

Thục địa 12g Sơn thù 10g

Sinh địa 16g Trạch tả 12g

Phục linh 12g Phục linh 12g

Đan bì 12g Hoàng bá 8g

Gia thêm: Sa sâm 12g, Mạch môn 10g. Ngưu bàng tử 6g

Nếu bệnh nhân mệt nhiều, thở ngắn biểu hiện tình trạng khí âm lưỡng hư gia Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật.

Nếu bệnh nhân mắt mờ, ù tai gia: Kỷ tử, cúc hoa, thạch xương bồ.

Nếu bệnh nhân hay hồi hộp, mất ngủ gia thêm: Toan táo nhân, Bá tử nhân.

Nếu cả thận âm dương lưỡng hư thì chuyển sang dùng bài Kim quỹ thận khí hoàn

Chứng tiêu khát tuy có phân chia thành 3 thể: thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu tương ứng với Phế táo, Vị nhiệt và Thận hư: Nhưng đặc điểm chung của ba thể đó là âm hư và nhiệt táo. Trong đó đặc biệt chú ý tới Thận âm hư, khi điều trị thì phải được coi trọng. Ngoài điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền ta cần chú ý đến chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường, cũng như tránh căng thẳng về mặt tinh thần. Đồng thời trên quan điểm kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền thì hãy coi Y học cổ truyền là một phương pháp tham khảo để điều trị, để tìm phương thức kết hợp với Y học hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả điều trị căn bệnh mang tính xã hội này.

Bài trướcĐiều trị béo phì bằng y học cổ truyền
Bài tiếp theoTâm căn suy nhược – Suy nhược thần kinh trong y học cổ truyền – Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.