XUẤT HUYẾT

Xuất huyết là hiện tượng máu thoát khỏi thành mạch và xuất hiện ở dưới da dạng: ban, mảng xuất huyết, nếu xuất huyết ở niêm mạc thì có hiện tượng nôn ra máu, đại tiện ra máu, khạc ra máu….

Các yếu tố có vai trò trong xuất huyết:

Yếu tố thành mạch

Yếu tố tiểu cầu

Yếu tố đông máu trong huyết tương

Yếu tố tan Fibrin

Theo lý luận của Y học cổ truyền khi huyết dịch không lưu chuyển bình thường trong mạch lạc để tràn ra các khiếu: mũi, miệng dẫn đến chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu…phía dưới xuất ra theo đường nhị tiện: tiểu ra máu, đại tiện ra máu… hay thâm nhập bì phu dẫn đến các chấm xuất huyết, các ban xuất huyết dưới da. Những biểu hiện lâm sàng này nằm trong phạm vi huyết chứng.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền

Nguyên nhân đưa đến xuất huyết đa phần là do hỏa vượng và khí hư dẫn đến. Vì hỏa vượng tất bức huyết vong hành, khí là soái của huyết, là động lực cho huyết vận hành, cho nên khí nghịch thì huyết động, khí ngưng thì huyết ứ.

Những nguyên nhân gây xuất huyết thường gặp:

Ngoại cảm phong hàn từ bên ngoài xâm phạm vào Phế dẫn đến Phế có táo nhiệt, làm phế mất chức năng thanh túc, mạch lạc của Phế bị tổn thương đưa đến ho ra máu, chảy máu cam.

Uống rượu quá độ, ăn nhiều thức ăn cay nóng, đưa đến táo nhiệt đình tích trong vị trường, lâu ngày hóa hỏa, làm tổn thương mạch lạc của vị, dẫn đến nôn ra máu, đại tiện ra máu.

Do lao lực quá mức, hay tình chí bị kích động thường xuyên đều gây tổn thương tạng can và tạng tỳ. Lao lực quá độ làm tổn thương tỳ, làm cho tỳ bất nhiếp huyết dẫn đến nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu hay xuất huyết dưới da. Khi uất giận làm tổn thương đến tạng can, can hỏa phạm vị, gây tổn thương vị lạc, nhiệt bức huyết mà thượng nghịch dẫn đến nôn ra máu.

Bệnh nhân bị mắc bệnh mạn tính hay sau khi mắc các bệnh ôn nhiệm làm cho thận âm bị hư tổn, nên hư hỏa động vượng lên trên, dẫn đến nhiệt bức huyết mà hạ hành xuống dưới, dẫn tới đi tiểu ra máu.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Khái huyết

Triệu chứng: Ngứa họng, ho, khạc đờm, trong đờm có lẫn máu, miệng khô, lưỡi khô, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. Có thể kèm theo sốt.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ huyết

Bài thuốc cổ phương: Tang hạnh thanh gia giảm

Tang diệp 12g Hạnh nhân 12g

Xuyên bối mẫu 8g Sa sâm 12g

Chi tử 8g Biển đậu 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu trong đờm có máu nhiều gia thêm: Mao căn, Đan bì, Trắc bách diệp sao đen để tăng cường lương huyết, chỉ huyết.

Nếu bệnh nhân sốt cao, ho ra máu nhiều có thể gia thêm: Hoàng cầm, Tri mẫu, Tỳ bà diệp, A giao để thanh phế, chỉ huyết.

Nục huyết

Triệu chứng: Mũi khô và chảy máu cam, có thể kèm theo sốt, ho rát họng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch sác.

Pháp điều trị: Thanh tiết phế nhiệt, lương huyết chỉ huyết

Bài thuốc cổ phương: Tang cúc ẩm gia vị

Tang diệp 12g Cúc hoa 12g

Liên kiều 16g Đan bì 10g

Bạc hà 8g Hạnh nhân 12g

Cát cánh 12g Hạn liên thảo 12g

Cam thảo 6g Lô căn 6g

Mao căn 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu không có biểu hiện phát sốt của biểu chứng mà phế nhiệt bên trong mạnh thì bỏ Bạc hà, Cát cánh gia Hoàng cầm, Chi tử.

Nếu mất máu nhiều làm âm dịch bị tổn thương, trên lâm sàng bệnh nhân miệng khát, lưỡi đỏ thì gia thêm: Huyền sâm, Mạch môn, để tư âm dưỡng huyết

Nếu kèm biểu hiện của Can hỏa vượng: đau đầu, mắt đỏ thì gia thêm: Long đởm thảo, Hoàng liên, Chi tử để thanh can, tả hỏa.

Thể khí huyết lưỡng hư

Triệu chứng: Chảy máu cam, có thể kèm theo chảy máu chân răng, trên da xuất hiện các ban, mảng xuất huyết. Sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mỏi mệt, đầu váng, tai ù, mất ngủ. Chất lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế vô lực.

Pháp điều trị: Bổ khí nhiếp huyết.

Bài thuốc cổ phương: Thập toàn đại bổ hoặc Quy tỳ thang.

Tiện huyết

Triệu chứng: Bệnh nhân đi đại tiện ra máu tươi hoặc là đầu tiên ra máu, sau ra phân, đại tiện thường táo bón, khó đi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác.

Pháp điều trị: Trừ thấp hòa dinh, thanh nhiệt, chỉ huyết

Bài thuốc cổ phương: Hòe hoa tán phối hợp Địa du tán

Hòe hoa (sao) 12g Trắc bách diệp (sao) 12g

Kinh giới (sao đen) 12g Chỉ xác (sao) 12g

Địa du 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Niệu huyết

Triệu chứng: Đi tiểu nhiều lần, nước tiểu đỏ, có lẫn máu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, hơi vàng, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư âm, thanh hỏa, lương huyết, chỉ huyết

Bài thuốc cổ phương: Bát vị tri bá kết hợp bài Tiểu kế ẩm tử gia giảm

Sinh địa 12g Sơn thù 8g

Hoài sơn 16g Tiểu kế 12g

Hoạt thạch 10g Trạch tả 8g

Đan bì 10g Phục linh 12g

Mộc thông 12g Bồ hoàng (sao) 12g

Tri mẫu 6g Hoàng bá 8g

Ngẫu tiết 12g Đương quy 12g

Chi tử 8g Chích cam thảo 4g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Nếu thận âm hư nặng dẫn đến âm hư hỏa vượng thì chuyển sang dùng bài Đại bổ âm hoàn có tác dùng tư âm thanh hỏa kiêm chỉ huyết:

Hoàng bá 16g Tri mẫu 10g

Thục địa 20g Quy bản 20g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, hoặc sao giòn, tán bột làm hoàn. Mỗi ngày uống 12g chia 2 lần. Đây là bài thuốc tiêu biểu vừa bổ thận âm và tả hư hỏa ở can thận.

Những bài thuốc Y học cổ truyền điều trị các loại xuất huyết khác nhau nhưng cơ bản là điều trị triệu chứng. Vì vậy muốn điều trị xuất huyết có hiệu quả lâu dài phải vận dụng kiến thức và phương tiện Y học hiện đại để tìm nguyên nhân, trên cơ sở kết hợp Y học hiện đại với Y học cổ truyền trong trị liệu mới nâng được hiệu quả điều trị lên một bước.

Bài trướcHOÀNG ĐẢN LÀ GÌ – HỘI CHỨNG VÀNG DA TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài tiếp theoThiểu năng tuần hoàn não mạn tính – Đông y – Y học cổ truyền

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.