HEN PHẾ QUẢN

Hen phế quản là một hội chứng có những cơn khó thở rít kịch phát, thường xảy ra vào ban đêm, về phương diện chức năng có biểu hiện một hội chứng tắc nghẽn, một sự tăng hoạt tính của toàn bộ các phế quản, khi chúng bị các yếu tố kích thích khác nhau tác động, đặc biệt là các chất trung gian tiết Cholin

Trong Y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm vi của chứng Háo suyễn

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh theo Y học cổ truyền của Hen phế quản

Ngoại tà xâm nhập:

Thường gặp nhất là phong hàn và phong nhiệt. Phong hàn xâm phạm vào phế làm phế khí mất tuyên thông dẫn đến khí thượng nghịch tạo thành háo suyễn. Phong nhiệt trực tiếp xâm phạm vào phế hoặc phong hàn uất lại mà hóa nhiệt làm cho phế khí chướng mãn, đẫn đến khí nghịch mà tạo thành háo suyễn.

Đàm thấp ở bên trong mạnh.

Do ăn uống không điều hòa, tỳ mất sự kiện vận, tích thấp lại sinh đàm, đàm từ trung tiêu đưa lên phế, làm phế khí không tuyên thông được mà dần hình thành chứng Háo suyễn.

Phế thận hư nhược

Ho và khó thở lâu ngày làm tổn thương đến chức năng của tạng phế làm phế khí không túc giáng được dẫn đến khí đoản mà hình thành háo suyễn. Hoặc bệnh lâu ngày ảnh hưởng tới chức năng nhiếp nạp khí của tạng thận, thận không nhiếp nạp khí, và yếu tố này cũng làm tình trạng bệnh lý của chứng Háo suyễn nặng thêm.

Phân loại các thể lâm sàng theo y học cổ truyền Hen phế quản

Hen phế quản Thực chứng

Thể hen hàn

Triệu chứng: người bệnh xuất hiện cơn khó thở, khó thở thì thở ra, tức ngực, có thể có ho và khạc đờm loãng trắng. Người có cảm giác lạnh, đau đầu, không ra mồ hôi, miệng không khát, chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế.

Pháp điều trị Ôn phế tán hàn, trừ đàm định suyễn

Bài thuốc: Tiểu thanh long thang gia giảm

Ma hoàng 8g Quế chí 8g

Bán hạ chế 10g Cam thảo 6g

Can khương 4g Tế tân 4g

Ngũ vị tử 6g Hạnh nhân 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu đờm nhiều gây khó thở, rêu lưỡi dầy dính: bỏ Ngũ vị tử, Cam thảo, gia Hậu phác, Bạch giới tử, Tô tử.

Nếu ho nhiều bỏ Quế chi gia Tử uyển, Khoản đông hoa, Bạch tiền

Châm cứu:

Châm bổ các huyệt Thiên đột, Chiên trung, Phong môn, Định suyễn, Liệt khuyết, Tam âm giao, Phong long, Túc tam lý.

Cứu các huyệt: Phế du, Cao hoang, Thận du

Châm loa tai: Châm các huyệt Bình suyễn, Tuyến thượng thận, Giao cảm, Thần môn, Phế.

Thể hen nhiệt

Triệu chứng: Người bệnh xuất hiện cơn khó thở, khó thở thì thở ra, tiếng thở thô, thậm chí cánh mũi phập phồng, ho, khạc đờm vàng, dính, đặc, miệng khát, thích uống nước mát, ngực tức, phiền táo, ra mồ hôi.

Toàn thân có thể sốt, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, tuyên phế, hóa đàm, định suyễn

Bài thuốc: Ma hạnh thạch cam thang gia vị

Ma hoàng 8g Hạnh nhân 12g

Bán hạ chế 10g Thạch cao 16g

Cam thảo 6g Hoàng cầm 12g

Tang bạch bì 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu đờm nhiều gia thêm Xạ can, Đình lịch tử

Châm cứu:

Châm tả các huyệt: Trung phủ, Thiên đột, Chiên trung, Định suyễn, Phế du, Xích trạch, Thái uyên, Phong long, Hợp cốc.

Châm loa tai các huyệt như hen hàn

Thể phế đàm

Triệu chứng: Người bệnh xuất hiện cơn khó thở, khó thở thì thở ra. Ho đờm nhiều và dính, khó khạc, thậm chí nghe thấy trong họng có tiếng đờm lọc xọc, ngực đầy tức, nôn mửa, ăn kém, miệng nhạt, chất lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt.

Pháp điều trị: trừ đàm, giáng khí, bình suyễn

Bài thuốc cổ phương: Tam bảo thang hợp Nhị trần thang gia giảm

Ma hoàng 8g Hạnh nhân 12g

Cam thảo 6g Phục linh 16g

Bán hạ chế 12g Trần bì 8g

Tô tử 10g Bạch giới tử 12g

Lai phúc tử 12g Thương truật 16g

Hậu phác 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu thấp đàm hóa nhiệt dẫn tới ho đờm vàng, đặc lượng nhiều, mặt đỏ, miệng khô, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác, thì dùng bài Tả bạch tán gia Tri mẫu, Qua lâu.

Nếu đờm nhiều gây khó thở, không nằm được thì gia thêm Đình lịch tử để tả phế, trục đàm.

Hen phế quảnHư chứng: Tương ứng với Hen phế quản ngoài cơn hen

Thể phế hư:Thường gặp ở những người hen phế quản lâu ngày dẫn đến tình trạng khí phế thũng, chức năng hô hấp giảm, thường là thời kỳ đầu của tâm phế mạn tính.

Triệu chứng: khó thở, tiếng nói, tiếng ho, tiếng thở nhỏ, yếu, ho có thể khạc ra đờm trắng loãng, sắc mặt trắng khi thay đổi thời tiết dễ tái phát cơn hen, tự ra mồ hôi, sợ gió, hay chảy nước mũi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu hoãn, vô lực. Nếu thiên về phế âm hư thì ho khan, ít đờm, miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Bổ phế, định suyễn

Bài thuốc cổ phương: Sinh mạch tán gia vị

Đẳng sâm (Nhân sâm) 16g Mạch môn 12g

Ngũ vị tử 6g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu thiên về phế âm hư gia Sa sâm, Ngọc trúc, Xuyên bối mẫu để nhuận phế, hóa đàm

Nếu như nôn ra đờm loãng, cảm giác cơ thể lạnh, miệng không khát là tình trạng phế hư có hàn thì bỏ Mạch môn gia Hoàng kỳ, Quế chi, Cam thảo để ôn phế, ích khí.

Nếu ăn ít, đại tiện phân nát… thì chuyển sang pháp điều trị bổ ích phế tỳ, dùng bài Bổ trung ích khí thang.

Châm cứu:

Nếu nghiêng về phế khí hư thì cứu các huyệt: Phế du, Cao hoang, Chiên trung, Thận du, Tỳ du, Quan nguyên

Nếu thiên về phế âm hư: Châm bổ các huyệt trên

Thể thận hư

Triệu chứng:

Do thận âm hư hay thận dương hư làm suy giảm chức năng nạp khí của thận

Triệu chứng chung: Bệnh hen phế quản kéo dài, người bệnh thường xuyên có cảm giác khó thở khi vận động, lao lực một chút thì khó thở tăng lên, người gầy, tinh thần mệt mỏi.

Nếu thiên về dương hư: tay chân lạnh, sắc mặt xám trắng, đại tiện nát, có thể phù nhẹ, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.

Nếu thiên về thận âm hư: Đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ù tai, miệng khô, họng khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, đại tiện nát, chất lưỡi đỏ khô, ít rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Bổ thận nạp khí

Thận âm hư: Tư bổ thận âm

Thận dương hư: Ôn thận nạp khí

Bài thuốc cổ phương:

Thận dương hư: Bát vị quế phụ

Thục địa 12g Phục linh 12g

Hoài sơn 12g Nhục quế 6g

Sơn thù 8g Đan bì 8g

Hắc phụ tử 8g Trạch tả 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Thường dùng dưới dạng viên hoàn, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần uống.

Thận âm hư: Lục vị hoàn

Thục địa 12g Phục linh 12g

Hoài sơn 12g Sơn thù 8g

Đan bì 8g Trạch tả 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Thường dùng dưới dạng viên hoàn, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần uống.

Nếu triệu chứng âm hư rõ thì gia thêm Ngũ vị tử 8g, Mạch môn 10g (Bát tiên thang).

Trong thể thận dương hư khi dùng bài Bát vị quế phụ dưới dạng thang sắc có thể gia thêm Nhân sâm, Ngũ vị tử, Bổ cốt chỉ… để trợ dương, nạp khí. Hoặc phối hợp với Sâm giới tán để nạp khí, quy thận.

Nếu bệnh nhân ho, đờm nhiều, có phù hai chi dưới thì dùng bài “Chân vũ thang” để ôn dương lợi thủy.

Trong thể thận âm hư nếu biểu hiện họng khô, miệng khát, khó thở, mặt đỏ mà chân tay lạnh, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác là tình trạng âm bất liễm dương, làm cho khí mất nhiếp nạp có thể dùng bài: Thất vị đô khí hoàn kết hợp với bài Sinh mạch tán để tư âm, nạp khí.

Châm cứu

Thận dương hư: Cứu các huyệt: Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Phế du, Chiên trung.

Thận âm hư: Châm bổ các huyệt trên và thêm huyệt Tam âm giao, Thái khê.

Hen phế quản là một chứng bệnh thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường. Trên quan điểm kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại, vai trò Y học cổ truyền có thể hỗ trợ trong cắt cơn hen nhẹ, nhằm hạn chế cơn hen tái phát và suy giảm chức năng hô hấp. Vấn đề luyện tập khí công trong Y học cổ truyền nếu phát huy được cũng sẽ đóng vai trò tích cực trong điều trị hỗ trợ chứng bệnh này.

Bài trướcTÂM PHẾ MẠN TÍNH TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoSUY NHƯỢC CƠ THỂ TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.