SUY NHƯỢC CƠ THỂ

Suy nhược cơ thể là một danh từ chung để chỉ trường hợp mà cơ thể con người không còn đủ khả năng đảm bảo chức năng bình thường trong mọi tình huống. Phạm vi hẹp và cụ thể của danh từ này còn dùng để chỉ một bộ phận chức năng nào đó trong cơ thể con người bị suy giảm như thần kinh suy nhược, thiểu năng tuần hoàn não… nhưng nghĩa thường dùng nhiều trên lâm sàng để chỉ suy nhược cơ thể là sự suy giảm về dinh dưỡng dẫn đến bệnh gày mòn.

Trong Y học cổ truyền, những biểu hiện tình trạng bệnh lý trên lâm sàng tương đồng với tình trạng suy nhược cơ thể là chứng Hư lao. Hư lao là chỉ các loại bệnh chứng mà bản chất là do suy giảm chức năng của các tạng phủ – lâu ngày không hồi phục mà phát sinh ra, thường gặp ở những người sức khỏe suy yếu do bẩm sinh (Tiên thiên bất túc), hoặc trong các loại bệnh mạn tính, hoặc trong thời kỳ hồi phục sau khi mắc bệnh cấp tính nặng. Ngoài ra còn do điều kiện sống kho khăn kéo dài, làm việc lao lực nhiều.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền.

Do thể chất hư nhược

Do thể trạng hư yếu, người gầy dẫn đến ngoại tà xâm nhập vào cơ thể, Phế là tạng đầu tiên dễ bị tổn thương do vậy bệnh từ ngoại cảm dẫn đến nội thương. Từ một tạng đầu tiên bị tổn thương, sẽ ảnh hưởng đến các tạng khác và dần phát triển thành chứng hư lao. Ngoài ra còn có thể do những khuyết tật bẩm sinh, hay trong quá trình phát triển trẻ không được nuôi dưỡng đầy đủ, đến khi trưởng thành thể chất hư nhược, dương khí và âm huyết ngày một tiêu hao, ngũ tạng bị tổn thương mà hình thành chứng hư lao.

Do lao lực quá độ

Ở những người kết hôn sớm hay sinh hoạt tình dục quá nhiều, từ đó làm tổn thương tới thận và tinh. Tâm – Thận là hai tạng đầu tiên bị thương tổn, lâu ngày chức năng của ngũ tạng mất điều tiết, phần âm của các tạng bị suy tổn, dẫn đến hình thành chứng hư lao.

Do ăn uống thất thường

Ăn uống thất thường, không đầy đủ, làm việc nhiều làm tổn thương khí của tỳ vị, tỳ hư không hóa sinh ra các chất tinh vi ảnh hưởng đến sự sinh hóa của khí, huyết. Do đó bên trong tạng phủ không được nuôi dưỡng, bên ngoài dinh vệ không được bền chặt, tình trạng này kéo dài sẽ hình thành chứng hư lao.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Thể khí hư: thường hay gặp ở hai tang Phế và Tỳ

Thể phế khí hư

Triệu chứng: Khí đoản, khi nóng khí lạnh, thường có ho, tự ra mồ hôi, người mệt mỏi, vô lực, dễ bị cảm mạo, sắc mặt trắng, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược.

Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở những người bị suy hô hấp mạn tính do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn

Pháp điều trị: ích khí, cố biểu

Bài thuốc cổ phương: “Bổ phế thang” gia giảm

Đẳng sâm 16g Tử uyển 12g

Hoàng kỳ 16g Thục địa 12g

Tang bạch bì 12g Ngũ vị tử 10g

Nếu ra mồ hôi nhiều (tự hãn) có thể kết hợp bài thuốc “Cáp giới tán” để ích khí, cố biểu mà liễm hãn.

Ngoài ra, có thể dùng bài cổ phương “Bảo nguyên thang”

Đẳng sâm 16g Cam thảo 6g

Hoàng kỳ 16g Nhục quế 6g

Nếu ra nhiều mồ hôi gia Mẫu lệ

Nếu ho nhiều gia thêm Tử uyển, Tang bạch bì

Châm cứu: chủ yếu là cứu các huyệt: Phế du, Cao hoang, Túc tam lý, Chiên trung, thời gian từ 15 – 30 phút.

Thể tỳ khí hư

Triệu chứng: ăn ít, mệt mỏi, đại tiện phân nát, sắc mặt úa vàng, chán ăn, ăn kém, chậm tiêu, hay đầy bụng, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi nhờn, mạch nhu hoãn.

Pháp điều trị: Ích khí, kiện tỳ

Bài thuốc cổ phương: Sâm linh bạch truật tán gia giảm

Nhân sâm (đẳng sâm) 8 – 12g Liên nhục 16g

Bạch truật 16g Ý dĩ 12g

Phục linh 16g Cát cánh 8g

Hoài sơn 16g Sa nhân 6g

Biển đậu 12g Cam thảo 6g

Nếu thanh khí hạ hãm, đại tiện lỏng thường xuyên gia Thăng ma, Sài hồ để thăng thanh khí

Nếu tỳ dương hư, bụng sôi đau, ỉa chảy gia Nhục quế, Bảo khương để ôn trung tán hàn

Châm cứu: chủ yếu là cứu các huyệt: Túc tam lý, Thái bạch, Tỳ du, Quan nguyên, Tam âm giao.

Thể huyết hư

Thể tâm huyết hư:

Triệu chứng: tâm phiền, hay ra mồ hôi, đánh trống ngực, ngủ ít, mất ngủ, hay nằm mê, giấc ngủ không sâu, sắc mặt không tươi, chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: Dưỡng huyết an thần

Bài thuốc cổ phương: Quy tỳ thang gia giảm

Đẳng sâm 16g Hoàng kỳ 16g

Bạch truật 16g Cam thảo 4g

Đương quy 12g Long nhãn 12g

Táo nhân 12g Viễn chí 6g

Bắc mộc hương 6g Sinh khương 3 lát

Đại táo 10g Phục thần 12g

Châm cứu: Cứu các huyệt Cao hoang, Cách du, Tâm du.

Châm bổ các huyệt Nội quan, Thần môn, Tam âm giao

Thể can huyết hư:

Triệu chứng: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, đau vùng mạn sườn, tinh thần bất an, nữ giới kinh nguyệt thường rối loạn, sắc mặt nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch huyền tế.

Bệnh thường gặp ở bệnh nhân lão suy, phụ nữ sáu khi sinh, rong kinh…

Pháp điều trị: Bổ huyết dưỡng can

Bài thuốc cổ phương: Tứ vật thang gia vị

Xuyên khung 8g

Đương quy 12g

Thục địa 16g

Bạch thược 12g

Nếu đau đầu hoa mắt, ù tai nhiều gia thêm: Nữ trinh tử, Cáp giới để tư âm tiềm dương

Nếu tinh thần dễ kích thích, không yên gia: Táo nhân, Viễn chí, Long cốt để trấn tâm, an thần.

Nếu đau nhiều ở vùng mạn sườn gia Uất kim, Hương phụ… để sơ can giải uất

Nếu phụ nữ kinh bế thì gia thêm Đào nhân, Hồng hoa… để hoạt huyết hóa ứ

Châm cứu: cứu các huyệt Can du, Tỳ du, Tâm du, Thận du, Huyết hải, Túc tam lý, Tam âm giao…

Thể dương hư

Thể tỳ dương hư:

Triệu chứng: Ăn kém, người lạnh, mệt mỏi, đau bụng, sôi bụng, đại tiện phân nát, có thể kèm nôn, nấc, chườm nóng thì đỡ đau, tay chân lạnh, sắc mặt úa vàng hay xạm trắng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ

Bài thuốc cổ phương: Phụ tử lý trung thang gia giảm

Đẳng sâm 16g

Bào khương 6g

Bạch truật 12g

Phụ tử chế 4g

Chích cam thảo 6g

Nếu đau bụng, đại tiện phân nát kéo dài có thể gia thêm Nhục đậu khấu để ôn thận, chỉ tả.

Nếu sau khi ăn lại nôn mửa gia thêm Bán hạ chế, Trần bì để hòa vị giáng nghịch.

Châm cứu: cứu các huyệt Tỳ du, Thận du, Túc tam lý, Công tôn, Tam âm giao, Quan nguyên, Khí hải.

Thể thận dương hư:

Triệu chứng: sợ lạnh, tay chân lạnh, đại tiện phân nhão, nát, ngũ canh tả, tiểu tiện nhiều lần. Nam giới có thể kèm di tinh, liệt dương, sắc mặt xám trắng, giọng nói trầm yếu, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì.

Thể này hay gặp ở bệnh nhân lão suy, hội chứng ruột kích thích, tâm căn suy nhược thể hưng phấn giảm…

Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương

Bài thuốc cổ phương: Hữu quy hoàn gia giảm

Phụ tử chế 6g Thỏ ty tử 12g

Nhục quế 8g Xuyên quy 12g

Lộc giác giao 12g Thục địa 16g

Hoài sơn 16g Sơn thù 8g

Đỗ trọng 12g Kỷ tử 12g

Nếu đại tiện phân nhão, nát thường xuyên thì gia thêm Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Cam thảo…

Châm cứu: Cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Thái khê, Túc tam lý.

Thể âm hư

Thường gặp ở những người suy nhược cơ thể do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Thể phế âm hư:

Triệu chứng: miệng khô, họng khô, hay chảy máu cam, thậm chí mất tiếng, sốt âm ỉ về chiều, đạo hãn, ho khan có khi ho kèm theo ít đờm dính máu, người gầy, sắc mặt đỏ, lưỡi khô mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư âm dưỡng phế

Bài thuốc cổ phương: Sa sâm mạch đông thang gia giảm

Sa sâm 16g Mạch môn đông 12g

Ngọc trúc 12g Tang diệp 16g

Thiên hoa phấn 12g Cam thảo 6g

Nếu có sốt về chiều gia thêm Địa cốt bì, Sài hồ, Miếp giáp

Nếu ra mồ hôi nhiều (đạo hãn) gia thêm Long cốt, mẫu lệ, Ngũ vị tử

Nếu có ho ra máu gia thêm: A giao, Bách bộ, Xuyên bỗi mẫu, Bạch cập…

Thể tâm âm hư: thường gặp ở phụ nữ sau đẻ mất máu, bệnh nhân thiếu máu mạn tính

Triệu chứng: hay hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, hay quên, ra mồ hôi trộm, miệng lưỡi hay có mụn nước loét, mặt ửng đỏ, lưỡi đỏ sẫm, miệng khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi khô, ít rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư âm thanh hỏa, dưỡng tâm an thần

Bài thuốc cổ phương: Thiên vương bổ tâm đan gia giảm

Sinh địa 10g Thiên môn 10g

Huyền sâm 10g Đẳng sâm 16g

Mạch môn 10g Đan sâm 12g

Ngũ vị tử 6g Viễn trí 6g

Đương quy 12g Cát cánh 6g

Táo nhân 8g Phục linh 12g

Bá tử nhân 8g

Nếu tâm âm hư làm tâm hỏa vượng lên bệnh nhân có cảm giác bất an buồn bực, miệng lưỡi sinh mụn nước hay loét có thể gia thêm: Hoàng liên, Mộc thông, Trúc diệp.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt về chiều, ra mồ hôi trộm (đạo hãn) thì điều trị như Phế âm hư.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt Tâm du, Thần môn, Nội quan, Thiếu hải

Thể tỳ vị âm hư:

Thường hay gặp ở những bệnh nhân sau mắc các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính

Triệu chứng: Miệng khô, môi khô, chán ăn, đại tiện táo, có khi còn nôn khan và nấc, có thể kèm theo sốt nhẹ kéo dài, chất lưỡi hơi đỏ, ít rêu, trên mặt lưỡi có thể có các vết nứt, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Dưỡng vị, kiện tỳ, tư âm, nhuận trường.

Bài thuốc cổ phương: Ích vị thang gia giảm

Sa sâm 12g

Sinh địa 12g

Mạch môn 12g

Ngọc trúc 12g

Đường phèn 20g

Gia thêm đường phèn mang ý nghĩa dưỡng vị hòa trung.

Nếu đại tiện táo bón nhiều, có thể dùng thêm mật ong để tăng nhuận tràng.

Nếu như miệng loét, nôn nấc có thể gia thêm Nhân sâm, Thạch hộc để dưỡng khí vị.

Chú ý: khi phần âm dịch của tỳ, vị bi tổn thương thì tránh dùng các thuốc ôn táo.

Châm cứu: châm bổ các huyệt Túc tam lý, Tỳ du, Thận du, Tam âm giao, Vị du, Thái khê.

Thể can âm hư

Thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, tăng huyết áp, tâm căn suy nhược và xơ vữa động mạch ở người cao tuổi.

Triệu chứng: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mắt khô, sợ ánh sáng, khả năng tự kiềm chế kém, dễ cáu giận, gân gối mỏi mệt, lưỡi khô hoặc đỏ tím, mạch huyền tế sác.

Pháp điều trị: Tư dưỡng can âm, tiềm dương giáng hỏa.

Bài thuốc: “Bổ can thang” gia giảm

Thục địa 12g Táo nhân 8g

Xuyên khung 8g Mạch môn 12g

Xuyên quy 12g Mộc qua 12g

Bạch thược 12g Cam thảo 6g

Nếu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai tương đối nặng, chân tay co duỗi khó khăn thì gia thêm: Thạch quyết minh, Cúc hoa, Câu đằng để bình can, tiềm dương.

Nếu mắt khô, nhiều rử, sợ ánh sáng, nhìn mọi vật không rõ, có thể gia thêm Kỷ tử, Nữ trinh tử, Quyết minh tử,… để dưỡng can, minh mục.

Nếu bệnh nhân tính tình hay cáu giận, nước tiểu đỏ, đại tiện táo có thể gia thêm Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử để thanh can, tả hỏa.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt Thái xung, Can du, Đởm du, Thái khê, Khâu khư.

Thể thận âm hư

Thường gặp ở những bệnh nhân bị tâm căn suy nhược, tăng huyết áp, rối loạn chất tạo keo (Lupus ban đỏ, xơ cứng bì) và thời kỳ hội phục của các bệnh nhiễm khuẩn.

Triệu chứng: đau mỏi lưng, đau đầu, khô họng, gò má đỏ, ù tai, nghe kém, lòng bàn tay bàn chân nóng, hay ra mồ hôi trộm (đạo hãn), đau nhức có cảm giác nóng trong ngực (Cốt trưng), hai chân yếu mỏi, nam giới có thể di tinh, chất lưỡi đỏ khô, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: bổ thận, phù nguyên, tư âm, giáng hỏa.

Bài thuốc cổ phương: Lục vị hoàn gia vị

Thục địa 16g Đan bì 12g

Hoài sơn 12g Trạch tả 8g

Sơn thủ 12g Phục linh 10g

Gia thêm Địa cốt bì, Ngũ vị tử…

Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày uống một thang.

Châu cứu: Châm bổ các huyệt Thần du, Cao hoang, Tam âm giao, Quan nguyên, Nội quan, Thần môn.

Trong thực tiễn lâm sàng, tình trạng suy nhược cơ thể có thể quy nạp vào 4 chứng trạng trên trong Y học cổ truyền. Nhìn chung những bệnh chứng diễn biến ngắn, đa phần làm tổn thương tới khí, huyết. Có thể thấy chứng khí hư, huyết hư hoặc khí huyết đều hư. Nếu loại bệnh chứng diễn biến tương đối dài, bệnh tình tương đối nặng, thì đa phần tổn thương tới âm dương, có thể thấy trên lâm sàng bệnh chứng âm hư, dương hư hoặc âm dương đều hư.

Bài trướcHEN PHẾ QUẢN TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài tiếp theoBài thuốc chữa trị ho hiệu quả cho trẻ em

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.