TÂM CĂN SUY NHƯỢC

Suy nhược thần kinh còn gọi là bệnh Tâm căn suy nhược. Đây là một bệnh phổ biến nhất trong các bệnh Tâm căn (Nhóm bệnh tổn thương chức năng do tác động của những sang chấn tâm lý lên những nhân cách, những cấu trúc đặc biệt trong những điều kiện cụ thể, môi trường không thuận lợi).

Chiếm 60% bệnh tâm căn, thường gặp ở những người lao động trí óc nhiều hơn lao động chân tay, thành thị nhiều hơn nông thôn, nam nhiều hơn nữ. Tuổi thường gặp từ 20 – 50 tuổi.

Tâm căn suy nhược được mô tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh của Y học cổ truyền: Kinh quý, chính xung, kiện vong (quên), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)…

Bệnh nguyên Tâm căn suy nhược

Thường do những stress tâm lý như thất vọng, bị tước đoạt, lo nghĩ, hoạt động thần kinh căng thẳng. Những sang chấn này thường là nhiều sang chấn tích lại, tác động trường diễn, kéo dài làm cho người bị sang chấn luôn ở trạng thái lo âu, căng thẳng nội tâm. Trạng thái đó không tìm ra phương hướng giải quyết, người bệnh ở trạng thái ức chế, lúc đầu còn bù trừ được, nhưng về sau do một yếu tố không thuận lợi, bệnh phát sinh.

Nhân cách đóng vai trò là yếu tố chủ quan, bệnh thường gặp ở những người có loại hình thần kinh trung gian yếu hay loại mạnh không thăng bằng.

Môi trường có thể đóng vai trò khởi phát tác động:

Khởi phát thúc đẩy giai đoạn còn bù đi đến mất bù

Làm suy yếu cơ thể và hoạt động thần kinh cao cấp, tạo điều kiện cho stress tác động gây bệnh.

YHCT cho rằng do thất tình (lo nghĩ, căng thẳng tinh thần quá độ), cơ địa thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) dẫn tới công năng (tinh, khí, thần) của các tạng phủ đặc biệt là tâm, can, tỳ, thận bị rối loạn.

Thể lâm sàng Tâm căn suy nhược

Thể can khí uất kết:

Triệu chứng: Tương ứng với giai đoạn hưng phấn tăng và do người bệnh bị tác động bởi sang chấn với tính chất kéo dài hay kế tiếp nhiều sang chấn gây bệnh

Pháp điều trị: Sơ can, lý khí, an thần

Bài thuốc: Tiêu dao tán gia giảm

Sài hồ 12g Thanh bì 8g Hương phụ 8g

Hoàng cầm 12g Cam thảo 6g Chỉ xác 8g

Bạch truật 12g Bạc hà 8g Táo nhân 8g

Phục linh 12g Uất kim 8g Đại táo 12g

Bạch thược 12g

Sắc uống ngày 1 thang

Nếu mắt đỏ, miệng đắng (uất lâu hóa hỏa), hưng phấn tăng nhiều gia thêm: Đan bì 12g, Chi tử 8g

Nếu hồi hộp, ngủ mê, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoạt (đàm hỏa uất kết) gia thêm: Trúc như 6g, Bán hạ chế 8g.

Nếu khó thở tức ngực, nuốt khó (đàm khí trở trệ) gia thêm: Tô ngạnh 8g, Hậu phác 8g, Bán hạ chế 8g.

Châm cứu:

Châm tả Thái xung, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, A thị…

Nhức đầu: châm Phong trì, Bách hội, Thái dương.

Đàm hỏa, đàm uất: châm thêm Túc lâm khấp, Đởm du.

Can tâm, thận âm hư

Tương ứng với giai đoạn ức chế thần kinh giảm, chia làm mấy thể sau:

Âm hư hỏa vượng:ức chế giảm nhưng hưng phấn tăng (âm hư dương xung)

Triệu chứng: Hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, dễ xúc động, vui buồn thất thuờng, ngủ ít, hay mê, miệng khô, họng khô, có cơn bốc hỏa, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch huyền tế sác.

Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương, an thần

Bài thuốc cổ phương: Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị

Kỷ tử 12g Trạch tả 8g Mạch môn 12g

Cúc hoa 12g Đan bì 8g Hắc táo nhân 10g

Thục địa 10g Phục linh 12g Bá tử nhân 8g

Sơn thù 8g Câu đằng 12g Hoài sơn 12g

Sa sâm 12g

Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu tinh thần hay hoảng hốt, hay xúc động gia Trân châu mẫu 40g, Mẫu lệ 12g.

Nếu triệu chứng thiên về thận âm hư gây hội chứng tâm thận bất giao: Mất ngủ, hồi hộp, nhức trong xương, đau lưng, di tinh, ù tai, hay quên… thì dùng bài: Lục vị địa hoàng thang gia thêm: Ngũ vị tử 8g, Hắc táo nhân 8g, Thạch hộc 8g, Hoàng liên 4g.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt Thận du, Thái khê, Tam âm giao, Thái xung, Nội quan, Thần môn.

Tâm can thận âm hư

Nặng về ức chế giảm, ít triệu chứng về hưng phấn tăng (nặng về triệu chứng của thận âm, can huyết, tâm âm hư, ít triệu chứng về dương xung)

Triệu chứng: Đau lưng, ù tai, di tinh, ít ngủ, hồi hộp, nhức đầu, tiểu tiện trong, đại tiện táo, miệng khô, mạch tế.

Pháp điều trị: Bổ thận âm, bổ can huyết, an thần cố tinh.

Bài thuốc: Tả quy hoàn gia giảm

Thục địa 12g Thỏ ty tử 12g Hắc táo nhân 8g

Hoài sơn 12g Lộc giác giao 12g Bá tử nhân 8g

Sơn thù 8g Ngưu tất 12g Kỷ tử 12g

Quy bản 8g

Có thể gia thêm một số thuốc trợ dương như Ba kich, Tục đoạn, Cẩu tích

Sắc uống ngày 1 thang.

Châm cứu: như thể trên

Tâm tỳ hư

Triệu chứng: Ngủ ít, dễ hoảng sợ, ăn kém, sút cân, người mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, hồi hộp, tức ngực, ít nhức đầu, rêu lưỡi trắng, mạch nhu tế hoãn.

Pháp điều trị: Kiện tỳ, dưỡng tâm an thần

Bài thuốc: Quy tỳ thang

Hoàng kỳ 12g Viễn chí 6g

Bạch truật 12g Long nhãn 10g

Đẳng sâm 12g Phục thần 12g

Đương quy 12g Cam thảo 6g

Hắc táo nhân 10g Mộc hương 6g

Sắc uống ngày 1 thang.

Châm cứu: châm bổ Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.

Thận âm, thận dương hư

Tương ứng với thể ức chế và hưng phấn thần kinh đều giảm

Triệu chứng: Sắc mặt trắng, tinh thần ủy mị, lưng gối mỏi yếu, nam giới có thể di tinh, liệt dương, sợ lạnh, lưng và chân tay lạnh, ngủ ít, tiểu tiện trong dài, nhiều lần, lưỡi nhợt, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: Ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh.

Bài thuốc: Thận khí hoàn gia vị (Bát vị quế phụ gia vị)

Thục địa 12g Phục linh 8g

Sơn thù 8g Nhục quế 4g

Hoài sơn 12g Phụ tử chế 4g

Trạch tả 8g Hắc táo nhân 10g

Đan bì 4g Viễn chí 6g

Kim anh tử 12g Khiếm thực 12g

Ba kích 12g Thỏ ty tử 12g

Đại táo 12g

Nếu hưng phấn giảm nhiều dùng bài Hữu quy hoàn gia giảm

Thục địa 12g Cao ban long 12g

Sơn thù 8g Đỗ trọng 12g

Hoài sơn 12g Nhục quế 4g

Kỷ tử 12g Phụ tử chế 4g

Táo nhân 10g Viễn chí 6g

Sắc uống ngày 1 thang.

Châm cứu:

Cứu các huyệt: Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Thận du, Tam âm giao

Châm bổ các huyệt: Nội quan, Thần môn.

Những điểm cần chú ý:

Tâm căn suy nhược bao giờ cũng có yếu tố tâm lý, do đó điều trị phải chú ý đến phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý. Khai thác tính tích cực lạc quan của người bệnh bằng cách tâm tình động viên để người bệnh chấp hành các phương pháp chữa bệnh của thầy thuốc.

Điều trị ngoại trú kết hợp với thay đổi môi trường sống và làm việc.

Sau khi các triệu chứng đã đỡ, cần củng cố kết quả chữa bệnh bằng các chế độ công tác thích hợp, rèn luyện nhân cách cho người bệnh đồng thời dùng thuốc hoàn một thời gian nhằm củng cố quá trình ức chế thần kinh, thường dùng bài Lục vị hoàn, Quy tỳ hoàn,… hướng dẫn cho người bệnh một số phương pháp tự chữa bệnh như: xoa bóp, khí công, dưỡng sinh, thể dục.

Bài trướcBỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoLiệt dây thần kinh VII (7) ngoại biên chữa theo y học cổ truyền

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.