TĂNG HUYẾT ÁP

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, ở người trưởng thành được đo đúng phương pháp.

Trong Y học cổ truyền tăng huyết áp thuộc phạm vi của các chứng: Huyễn vựng, đầu thống, thất miên… và do nhiều nguyên nhân gây ra.Tùy vào từng nguyên nhân mà người thầy thuốc lựa chọn phương pháp điều trị cho thích hợp.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh

Can dương thượng cang: do can dương vượng, bốc lên trên hoặc do tình chí không thư thái, uất ức lâu ngày khiến can dương thăng động gây nhiễu lên trên làm cho hoa mắt chóng mặt, choáng đầu, ù tai. Dương thăng nên gây mặt đỏ, hay tức giận. Can dương vượng gây ít ngủ, hay mơ, miệng đắng, lưỡi đỏ, mạch huyền.

Nội thương hư tổn: Do lao động nặng nhọc lâu ngày hoặc do tuổi cao sức yếu làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Trong đó tổn thương thận âm, thận âm hư không nuôi dưỡng được can mộc làm cho can âm suy yếu dẫn đến can thận âm hư, can âm hư thì can dương sẽ bốc lên gây ra chóng mặt, đau đầu, hay quên. Thận hư gây ra lưng gối đau, ù tai, mất ngủ, di tinh. Âm hư làm cho lòng bàn tay, bàn chân nóng, lưỡi đỏ, mạch huyền tế. Dương hư làm cho đại tiện lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, mạch trầm tế sác.

Đàm thấp: do ăn nhiều đồ béo bổ, hại đến tỳ vị, thức ăn không hóa thành tân dịch mà biến thành đàm thấp, khiến thanh dương không thăng được, trọc âm không giáng mà gây ra huyễn vựng làm cho đầu choáng váng. Vị khí ở trung tiêu không giáng, khí cơ không lợi nên hông đau, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi.Đàm trọc ứ trệ làm cho chất lưỡi bệu, rêu lưỡi dầy, ánh vàng, mạch nhu hoạt.

Các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Thể can dương thượng cang

Triệu chứng: Hoa mắt, choáng váng, đau đầu, mặt đỏ, hay tức giận, ít ngủ, ngủ hay mê, miệng đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác, hoặc huyền hoạt.

Pháp điều trị:Bình can tức phong

Bài thuốc cổ phương: Thiên ma câu đằng ẩm

Thiên ma 8g Câu đằng 12g

Ngưu tất 12g Thạch quyết minh 20g

Đỗ trọng 12g Tang ký sinh 16g

Chi tử 12g Hoàng cầm 12g

Ích mẫu 12g Dạ giao đằng 12g

Phục thần 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Hoặc bài thuốc: Long đởm tả can thang:

Long đởm thảo 8g Sinh địa 12g

Hoàng cầm 8g Sài hồ 08g

Chi tử 12g Sa tiền 12g

Trạch tả 12g Cam thảo 04g

Đương quy 12g Mộc thông 12g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Châm cứu:

Châm tả Bách hội, Can du, Đởm du, Thái xung, Hành gian, Thái dương.

Nhĩ châm: điểm hạ áp, Can, Thần môn

Thể can thận âm hư

Triệu chứng: Mệt mỏi, váng đầu, hay quên, lưng gối đau yếu, ù tai, mất ngủ, nam giới có thể di tinh, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: tư âm bổ thận.

Bài thuốc cổ phương: Tri bá địa hoàng thang

Tri mẫu 8g Hoàng bá 12g

Thục địa 16g Sơn thù 12g

Hoài sơn 12g Bạch linh 12g

Đan bì 08g Trạch tả 08g

Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Hoặc bài Kỷ cúc địa hoàng thang

Thục địa 16g Sơn thù 12g

Hoài sơn 12g Bạch linh 12g

Đan bì 08g Trạch tả 08g

Kỷ tử 12g Cúc hoa 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Hoặc bài Lục vị quy thược thang

Thục địa 16g Sơn thù 12g

Hoài sơn 12g Bạch linh 12g

Đan bì 08g Trạch tả 08g

Đương quy 12g Bạch thược 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Châm cứu: Châm bổ Can du, Thận du, Tam âm giao, Thái khê, Huyết hải.

Nhĩ châm: Điểm hạ áp, Can, Thận.

Thể âm dương lưỡng hư:Thường gặp ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau khi hết kinh.

Triệu chứng: Mệt mỏi, sắc mặt trắng, đau đầu, chóng mặt, ngủ ít, hồi hộp, ù tai, lưng đau, gối mỏi, đại tiện lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, liệt dương (nếu ở nam), chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế hoặc trầm tế sác.

Pháp điều trị: Bổ thận dưỡng âm

Bài thuốc cổ phương: Hữu quy hoàn gia vị

Thục địa 16g Sơn thù 12g

Hoài sơn 12g Kỷ tử 12g

Thỏ ty tử 12g Phụ tử chế 04g

Đương quy 12g Nhục quế 04g

Ngưu tất 12g Lộc giác giao 16g

Tán bột, hoàn thành viên, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần

Hoặc dùng liều này làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Châm cứu:

Châm bổ: Thận du, Tam âm giao, Túc tam lý, Quan nguyên, Khí hải

Nhĩ châm: Điểm hạ áp, Thận

Thể đàm thấp

Triệu chứng: Đau đầu, nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, ngực tức, bụng đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi, ngủ li bì, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng, ánh vàng, mạch nhu hoạt.

Pháp điều trị: Kiện tỳ, trừ thấp, hóa đàm.

Bài thuốc cổ phương: Bán hạ bạch truật thiên ma thang gia vị

Bán hạ chế 12g Bạch truật 16g

Thiên ma 12g Cam thảo 04g

Trần bì 08g Bạch linh 16g

Câu đằng 12g Thạch xương bồ 08g

Sắc uống ngày 1 thang.

Châm cứu:

Châm bổ: Túc tam lý, Tỳ du, Vị du,

Châm tả: Phong long,

Nhĩ châm: điểm hạ áp, Tỳ, Vị

Giới thiệu một số bài thuốc kinh nghiệm

Bài Tiêu dao hạ áp của Trương Văn Cao (Trung Quốc)

Đan bi 12g Chi tử 08g

Hoàng cầm 8g Cúc hoa 08g

Sài hồ 08g Phục linh 12g

Câu đằng 12g Hạ khô thảo 16g

Bạch thược 20g Đương quy 12g

Bạc hà 06g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Tác dụng: Thanh nhiệt, bình can, tả hỏa

Bài Phức phương hạ khô thảo thang của Lưu Kỳ Hiệu (Trung Quốc)

Hạ khô thảo 20g Cúc hoa 10g

Quyết minh tử 16g Câu đằng 16g

Săc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Tác dụng: Bình can tả hỏa

Bài: Viên cúc nhị thiên tán của Vương Chí Ưu (Trung Quốc)

Sinh viễn chí 16g Thiên ma 16g

Cúc hoa 16g Xuyên khung 16g

Sài hồ 10g Thiên trúc hoàng 12g

Cương tàm 10g Thạch xương bồ 10g

Tán bột, mỗi ngày uống 60 g, chia 2 lần, uống trước khi ăn 30 phút

Tác dụng: Bình can hóa đàm, an thần chấn kinh

Nhìn chung, mỗi phương pháp đều thích hợp với từng bệnh nhân nên khi điều trị cần phân biệt các thể cho rõ ràng và lựa chọn đúng phác đồ điều trị giúp cải thiện tình trạng bệnh góp phần giải quyết các triệu chứng của chứng tăng huyết áp trên lâm sàng.

Bài trướcBỆNH THIẾU MÁU TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoRỐI LOẠN THẦN KINH TIM TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.