CÁC THỜI KỲ CỦA TRẺ EM

Trẻ em là một cơ thể đang lớn lên và phát triển. Từ lúc thụ thai đến tuổi trưởng thành trẻ trải qua 2 hiện tượng đó là sự tăng trưởng, một hiện tượng phát triển về số lượng và kích thích của các tế bào; và sau đó là sự trưởng thành của các tế bào và mô ( cấu trúc và chức năng hoàn chỉnh dần). . Quá trình lớn lên và phát triển này có tính chất toàn diện và qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những đặc điểm về sinh lý và bệnh lý riêng.

Giai đoạn trước khi sinh

Từ lúc thụ thai cho đến khi sinh khoảng 270 – 280 ngày, chia thành 2 thời kỳ

Thời kỳ phôi

3 tháng đầu của thai kỳ. Trong thời kỳ này, noãn thụ tinh được biệt hoá nhanh chóng thành một cơ thể. Đây là thời kỳ hình thành thai nhi.

Trong thời kỳ này, nếu mẹ bị nhiễm các chất độc ( thuốc hay hoá chất) hay bị nhiễm virus như nhiễm TORCH ( Toxoplasmo , rubeola , cytomegalovirus, herpes simplex) thì trẻ sinh ra dễ bị dị tật. Bệnh lý trong giai đoạn này thường là sự rối loạn về hình thành và phát triển của thai nhi như những dị tật do “Gene”, bất thường về nhiễm sắc thể . Những người mẹ lớn tuổi sinh con dễ bị những dị hình về nhiễm sắc thể như hội chứng Down…

Thời kỳ thai

Tính từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 9

Trong thời kỳ thai, thai nhi tiếp tục lớn lên một cách nhanh chóng.

Trong giai đoạn này sự dinh dưỡng của thai nhi được cung cấp từ người mẹ qua rau thai. Nếu người mẹ không đủ dinh dưỡng hay tăng cân kém trong giai đoạn này trẻ sinh ra dễ có cân nặng thấp lúc sinh hoặc tỉ lệ tử vong cao.

Việc chăm sóc người mẹ trong thời kỳ mang thai chính là chăm sóc đứa bé trong giai đoạn trước khi sinh.

Giai đoạn sau khi sinh

Thời kỳ sơ sinh

Bắt đầu từ lúc sinh (cắt rốn) cho đến 4 tuần lễ đầu.

Đặc điểm sinh lý

Sự chuyển tiếp từ đời sống trong tử cung sang ngoài tử cung buộc đứa bé phải có sự thay đổi chức năng của một số cơ quan để thích nghi với cuộc sống mới như hoạt động của bộ máy hô hấp, bộ máy tuần hoàn. Ngay sau khi ra đời đứa bé bắt đầu thở bằng phổi và vòng tuần hoàn chính thức thay cho tuần hoàn rau thai. Trẻ bú mẹ và bộ máy tiêu hoá cũng bắt đầu làm việc. Bộ não đứa bé còn non nớt nên trẻ ngủ liên miên do vỏ não trong trạng thái ức chế.

Đặc điểm bệnh lý

Glucose máu trẻ sơ sinh thấp nên cần cho trẻ bú sớm sau khi sinh.

Hệ thống miễn dịch còn non yếu nên trẻ dễ bị nhiễm trùng. Tuy vậy nhờ có kháng thể từ mẹ chuyển sang nên trẻ ít bị các bệnh như sởi, bạch hầu…

Ngoài một số bệnh của giai đoạn trước khi sinh như các dị dạng, tật bẩm sinh…, chúng ta gặp các bệnh có liên quan đến sinh đẻ như ngạt, sang chấn sản khoa.

Vì thế việc săn sóc tốt trẻ sơ sinh nhất là chăm sóc tốt trong giai đoạn trước khi sinh rất quan trọng nhằm hạn chế việc đẻ khó, nhiễm trùng nhằm hạ thấp tử vong sơ sinh.

Thời kỳ bú mẹ ( nhũ nhi)

Từ 1 tháng đến 12 tháng tuổi.

Đặc điểm sinh lý

Trong thời kỳ này trẻ lớn rất nhanh, vì vậy trẻ còn bú đòi hỏi thức ăn cao hơn ở người lớn trong khi đó chức năng của bộ máy tiêu hoá còn yếu, các men tiêu hoá còn kém. Vì vậy thức ăn tốt nhất là sữa me.Trẻ cần 120 – 130 calo/kg cơ thể/ngày.

Hệ thống thần kinh cũng bắt đầu phát triển, trẻ bắt đầu nhận ra các đồ vật, khuôn mặt, và dần bắt đầu biết nói…

Đặc điểm bệnh lý

Trẻ dễ ỉa chảy cấp , suy dinh dưỡng nhất là trẻ không bú mẹ. Ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ các rối loạn dạ dày-ruột ít gặp và nhẹ hơn trẻ nuôi nhân tạo.Ngoài ra các thức ăn nhân tạo thường thiếu các vi chất cần thiết, các vitamin.

Trung tâm điều nhiệt và da của trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ do đó trẻ dễ bị hạ thân nhiệt hoặc dễ bị sốt cao co giật.

Trong 6 tháng đầu trẻ ít bị các bệnh nhiễm trùng cấp như sởi, bạch hầu… do kháng thể từ mẹ (IgG) truyền sang qua rau còn tồn tại ở cơ thể trẻ.

Càng về sau, miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm dần, trong lúc đó hệ thống miễn dịch của trẻ hãy còn non yếu nên trẻ dễ mắc các bệnh lây.

Thời kỳ răng sữa: (Thời kỳ trước khi đi học)

Từ 1đến 6 tuổi. Có thể chia làm 2 thời kỳ nhỏ:Tuổi nhà trẻ: 1 – 3 tuổi, tuổi mẫu giáo: 4 – 6 tuổi

Đặc điểm sinh lý

Trong thời kỳ này trẻ tiếp tục lớn và phát triển nhưng chậm lại. Chức năng vận động phát triển nhanh, trẻ bắt đầu đi một mình rồi chạy, tập vẽ,viết, trẻ tự xúc thức ăn, rữa tay, rữa mặt…Tín hiệu thứ hai, ngôn ngữ phát triển. Trẻ bắt đầu đi học.

Đặc điểm bệnh lý

Xu hướng bệnh ít lan toả .Ở lứa tuổi này trẻ cũng rất dễ bị các rối loạn tiêu hoá, còi xương, các bệnh về thể tạng.Trong thời kỳ này miễn dịch thụ động từ người mẹ chuyển sang giảm nhiều nên trẻ hay mắc các bệnh như cúm, ho gà, bạch hầu…

Xuất hiện các bệnh có tính chất dị ứng: Hen phế quản,nỗi mề đay, viêm cầu thận cấp.Trẻ hoạt động nhiều nên hay bị các tai nạn, chấn thương, ngộ độc, bỏng…

Thời kỳ thiếu niên

Có 2 thời kỳ: Tuổi học sinh nhỏ: 7 – <12 tuổi; tuổi học sinh lớn: (trước tuổi dậy thì) 12 – 15 tuổi

Đặc điểm sinh lý

Trẻ vẫn tiếp tục lớn nhưng không còn nhanh. Răng vĩnh viễn thay dần cho răng sữa. Sự cấu tạo và chức phận của các cơ quan hoàn chỉnh. Trẻ biết suy nghĩ, phán đoán, trí thông minh phát triển.

Đặc điểm bệnh lý

Do tiếp xúc với môi trường chung quanh nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp. Trong thời kỳ này hệ thống xương đang phát triển nên trẻ dễ mắc các bệnh do tư thế sai lệch như vẹo cột sống, gù…

Thời kỳ dậy thì

Giới hạn tuổi ở thời kỳ này khác nhau tuỳ theo giới, môi trường và hoàn cảnh kinh tế, xã hội. – Trẻ gái bắt đầu từ lúc 13 – 14 tuổi và kết thúc lúc 17 – 18 tuổi – Trẻ trai bắt đầu 15 – 16 tuổi và kết thúc lúc 19 – 20 tuổi.

Đặc điểm sinh lý

Trong thời gian này chức năng các tuyến sinh dục hoạt động mạnh biểu hiện bằng sự xuất hiện các giới tính phụ như ở vùng xương mu, hố nách lông mọc nhiều, các em gái thì vú phát triển, bắt đầu có kinh, các em trai bắt đầu thay đổi giọng nói (vỡ tiếng)…Các tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến yên cũng hoạt động mạnh.

2.5.2. Đặc điểm bệnh lý

Trong thời kỳ này thường xảy ra sự mất ổn định trong các chức năng của hệ giao cảm – nội tiết, nên thường thấy những rối loạn chức năng của nhiều cơ quan như hay hồi hộp, tăng huyết áp, những rối loạn về thần kinh: tính tình thay đổi, dễ lạc quan nhưng cũng dễ bi quan…

Tóm lại sự lớn lên và phát triển của trẻ em trải qua 2 giai đoạn cơ bản bao gồm 7 thời kỳ. Ranh giới giữa các thời kỳ này không rõ ràng mà thường xen kẽ nhau. Ngoài ra còn có một số yếu tố tác động không nhỏ đến quá trình lớn lên và phát triển của trẻ hoặc ảnh hưởng đến dung mạo bệnh tật của trẻ như ngoại cảnh, môi trường sống của trẻ (yếu tố ngoại sinh). Do đó nhiệm vụ của những cán bộ Nhi khoa là phải nắm vững những đặc điểm của các thời kỳ trên, tạo điều kiện đảm bảo cho sự lớn lên và phát triển của đứa trẻ được tốt.

PHÁT TRIỂN TINH THẦN VẬN ĐỘNG – TRẺ EM

Trẻ từ 1 tháng đến 3 là lứa tuổi cần được theo dõi phát hiện sớm những khiếm khuyết trong quá trình phát triển tâm – vận động, nếu quá tuổi này thì khó có khả năng phục hồi. Phát triển tinh thần – vận động của trẻ là sự phát triển song song của trẻ trên 2 phương diện: – Thần kinh cơ: đạt được trương lực của một số nhóm cơ cho phép thực hiện những động tác xác định

Tinh thần: biểu hiện về trí tuệ và nhận biết tăng dần theo mức độ

Phát triển về tinh thần – vận động của trẻ liên quan không những đến sự trưởng thành của não bộ mà còn đến đời sống vật chất và tinh thần .

Những yếu tố tạo thành sự phát triển về tinh thần – vận động

Tính vận độngBao gồm: vận động thụ động, chủ động, trương lực, phản xạ nguyên thuỷ tuỷ sống.

Tính thích nghi

Phản ứng tự phát trước một tình huống bất ngờ, độc lập hoàn toàn với những điều được học.

Ngôn ngữ

Giọng nói, cự động ở mặt, hiểu những mệnh lệnh, lời nói ít, nhiều phức tạp.

Phản ứng với xã hội

Hành vi tự phát hoặc được gây nên trước người , sinh vật sống hoặc đồ vật dẫn đến những thái độ chăm sóc và giáo dục

Kỹ thuật khám

Hỏi bệnh sử

Thai nghén và những biến chứng

Tiền sử sinh đẻ

Giai đoạn chu sinh

Điều kiện nuôi dưỡng: nhà ở, tiện nghi, gia đình anh em, sự phân cach giữa mẹ và trẻ

Không có bệnh lý trong giai đoạn khám đánh giá phát triển tinh thần – vận động

Điều kiện khám

Không được khám khi đứa trẻ đói hoặc buồn ngủ

Khám trẻ trong tư thế ngồi trên gối mẹ

Những dụng cụ khám : đồ chơi, khối gỗ…

Những mốc chính trong sự phát triển tinh thần – vận động

Theo Gesell và Lézine, sự phát triển tinh thần và vận động của đứa trẻ từ 1 tháng đến 3 năm như sau, nhưng ghi nhận rằng mỗi đứa trẻ có cá tính riêng có thể có nhịp điệu tăng trưởng riêng, có những hành vi và lối diễn đạt riêng của nó, không bắt buộc phải theo sơ đồ này.

Từ 1 đến 2 tháng

Vận động thô: Cổ đang còn mềm nhưng nếu để đứa trẻ ngồi thì nó có thể giữ được đầu 1 giây. Ở tư thế nằm sấp, trẻ có thể ngẩng cằm lên khỏi mặt giường 1 giây. Tứ chi trăng trương lực cơ sinh lý, có tư thế cong hình con ếch nếu đó là sơ sinh đủ tháng.

Vận động tinh tế: Phản xạ nắm rõ vào tháng thứ 1 và ít rõ vào tháng thứ 2.

Nhìn: Hướng mắt nhìn đồ vật đạt tới góc nhìn 90 độ vào tháng thứ 1 và 180 độ vào tháng thứ 2. Nhìn chăm chú vào người và có thể mỉm cười với họ, 2 mắt nhìn vào một điểm. – Nghe: Đứa trẻ ngay từ ngày đầu tiên của đời sống đã có thể phản ứng lại với tiếng động .Nó nằm yên khi nghe nhạc.Từ tháng thứ 2 có thể hướng về phía tiếng động .

Ngôn ngữ: Khóc là một phương tiện để thông tin với môi trường xung quanh.Từ tháng thứ 2 phát được những âm.

Khả năng giao tiếp với xã hội: Ngủ 20 tiếng đồng hồ trong một ngày.Đã nhận biết tiếng nói của mẹ và nhận biết mẹ ở bên mình.

Từ 3 đến 4 tháng

Vận động thô: Để ngồi , đứa trẻ giữ vững được đầu. Nằm sấp nâng được đầu 90độ trên mặt phẳng giừơng, chống đỡ được trên cánh tay, biết lật. Có khuynh hướng giảm trương lực cơ. Vận động tinh tế: Phản xạ nắm biến mất thay vào đó là sự nắm bàn tay có ý thức, bàn tay mở ra để nắm giữ được đồ vật đặt vào tay nó, được gọi là phản xạ tiếp xúc vận động (réaction tactilo-motrice)

Nhìn:Có khả năng quay cả đầu để nhìn theo một vật đang di chuyển. Chơi với 2 bàn tay và đặt tay vào miệng.

Nghe: Nghe tiếng động, nghe tiếng người nói, biết được chỗ phát tiếng nói.

Ngôn ngữ: Nói ồ ồ trong miệng, biết nói chuyện.

Khả năng giao tiếp với xã hội: Khóc vì vui, khóc vì không bằng lòng. Đứa trẻ có thể quay quắt khi mẹ ru nó ngủ.

Từ 5 đến 6 tháng

Vận động thô: Đầu và thân hình cứng, biết lật lại, ngồi có dựa.

Vận động tinh tế: Để một vật trước mặt đứa trẻ dùng bàn tay nắm vật đó trong lòng bàn tay và các ngón tay, và đưa đồ vật này vào miệng. Hình thành phản xạ tiếp xúc – nhìn.

Nhìn: Quay cả thân hình để nhìn theo một người nào.

Nghe: Quay đầu về phía tiếng động, rất nhạy cảm với giọng người.

Ngôn ngữ: Nói ồn ào trong miệng

Khả năng giao tiếp với xã hội: Đứa trẻ nhận biết khuôn mặt của nó trong guơng, biết trả lời khi nghe gọi tên.Biểu hiện thích ăn thức ăn này so với thức ăn khác.

Từ 7 đến 8 tháng

Vận động thô

Biết ngồi một mình lúc 8 tháng. Có thể nghiêng người để nắm lấy đồ vật.Có thể đi bằng xe tập đi.

Vận động tinh tế

Hình thành pince (kẹp) giữa ngón cái và ngón trỏ.Theo yêu cầu của người khám nó có thể đặt 1 vật vào tay họ.

Có khái niệm về phương tiện, mục đích, vật chứa, chất được chứa.Có thể cầm đồ vật cho vào trong một cái hộp hoặc lọ.

Ngôn ngữ

Phát được những âm rời lập lại.Có khái niệm về câu nói của người khác. Hiểu được ton nói ví dụ như khóc khi nghe người khác nạt. – Khả năng giao tiếp với xã hội Tò mò tất cả, hoạt động quá mức.

Từ11 đến 12 tháng

Vận động thô

Đứa trẻ có thể đi khi được vịn một tay, có thể đứng được một mình không cần dựa và vịn.

Vận động tinh tế

Đứa trẻ cầm nắm đồ vật một cách có ý thức, nới lỏng đồ vật đang cầm trong tay một cách chính xác., thích ném đồ vật vào nhau.

Đứa trẻ có khái niệm về độ cao, độ rắn, độ sâu, độ thấp, vật chứa và chất chứa.Biết lồng ghép đồ vật này vào trong đồ vật khác.Biết đòi hỏi.

Ngôn ngữ

Nói 2-3 tiếng, nói tiếng nói riêng của mình không giải thích điều gì được nhưng tương ứng với nhưng tình huống rất chính xác

Thay đổi giữa 12 và 24 tháng, có thể hiểu được ý nghĩa của nhiều câu nói.

Khả năng giao tiếp với xã hội

Nhớ được những tình huống khi gặp lại. Nhu cầu về an toàn.

Từ 15 đến 18 tháng

Vận động thô

Đi được một mình lúc 15 tháng.Biết chạy lúc 18 tháng, vịn đi lên cầu thang.Bước xuống cầu thang có vịn tay lúc 21 tháng.Quỳ gối một mìng, đi đứng một mình nhưng thường xuyên bị té.Có thể kéo một vật đằng sau nó.

Vận động tinh tế

Thả một vật nhẹ nhàng và chính xác.Biết thả kẹo vào trong một chiếc bình cổ hẹp. Biết cầm thìa.Biết dở sách, vẽ đường trên giấy, vẽ những đường nguệch ngoạc.Xây nhà bằng 3 khối.

Ngôn ngữ

Bắt đầu biết lắc đầu phủ định.Thực hiện được một vài mệnh lệnh đơn giản. – Khả năng giao tiếp với xã hội

Thích, đam mê một đồ chơi.Thích sở hữu một mình những đồ chơi chung.Có thể bắt đầu kêu mẹ khi đái ướt.

Từ 2 đến 3 tuổi

Vận động thô

Chạy nhanh, trèo, leo và xuống cầu thang một mình.Cân bằng.Bắt bóng, đánh bóng. – Vận động tinh tế

Ăn một mình, tự tắm, mở đóng cửa.Mặc áo quần một mình. Hiểu biết

Hiểu ý nghĩa 4-8 hình ảnh.Tìm kiếm được 4-8 đồ vật thông dụng, chỉ được 4-8 bộ phần của cơ thể.Hiểu 2-4 mệnh lệnh liên tục. Lúc 2 tuổi trẻ có thể đái ỉa chủ động. Biết xếp 6-8 khối chồng lên nhau. Biết 2 – 4 màu.Đếm đến 4 lúc 2 tuổi, đến 8 lúc 3 tuổi.

Ngôn ngữ: Nói câu nói có động từ, lúc 2 tuổi tự xưng tên hoặc xưng con.

Lúc 3 tuổi biết sử dụng chủ từ để mở đầu câu nói.

Bài trướcĐặc điểm hệ nội tiết trẻ em
Bài tiếp theoDinh dưỡng trẻ em

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.