Ngủ là một trạng thái sinh lý tuần hoàn có chu kỳ với sự đáp ứng giảm đi ở những người đã sẵn sàng bị đánh thức. Số lượng và chất lượng của giấc ngủ thay đổi theo lứa tuổi. Trẻ sơ sinh ngủ trung bình 16 giờ mỗi ngày chia làm nhiều giấc. Những người trưởng thành thường ngủ một giấc dài về đêm,trung bình 7 đến 8 giờ. Một số ít người vẫn hoạt động tốt mà chỉ cần 4 giờ mỗi ngày, trong khi một số khác lại cần ngủ 10 giờ hay hơn nữa. Chuyển sang tuổi già tổng số thời gian ngủ mỗi ngày cũng tăng dần. ớ tuổi 90 cần ngủ trung bình 9 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, người già khó ngủ hơn, cần ngủ trưa, hay bị thức giấc và ít thời gian ngủ sâu hơn. Có nhiều loại rối loạn có thể cản trở giấc ngủ bình thường.

MẤT NGỦ

Mất ngủ có thể được định nghĩa lâm sàng là khó ngủ họặc khó duy trì giấc ngủ, gây ra suy giảm hoạt động ban ngày. Mất ngủ được chia ra hai loại:

Mất ngủ tạm thời hoặc mất ngủ mạn tính

Mất ngủ tạm thời được định nghĩa là mất ngủ kéo dài dưới hai tuần. Nguyên nhân thường là những stress do hoàn cảnh, dễ xác định hay thậm chí được bệnh nhân đoán trước. Thi cử, đám tang, kỳ nghỉ và bệnh tật là những ví dụ về các stress thường hay dẫn đến mất ngủ tạm thời. Bệnh nhân thường chịu đựng sự đổ vỡ ngắn ngủi này mà không gây chú ý cho thầy thuốc.

Trái lại, mất ngủ mạn tính là một tình trạng bệnh quan trọng thường làm nản lòng các bệnh nhân cũng như thầy thuốc của họ. Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính thường là đa yếu tố. Các nguyên nhân cơ bản bao gồm các rối loạn về hành vi, tâm thần và bệnh nội khoa (Bảng 56.1). Điều quan trọng là các thầy thuốc nên sàng lọc càng nhiều càng tốt các nguyên nhân gây mất ngủ trước khi cố điều trị.

Đánh giá

Cần hỏi kỹ về kiểu ngủ của bệnh nhân (độ dài, tính liên tục) và hoạt động ban ngày. Đôi khi bệnh nhân không bị mất ngủ nhưng lại trông đợi quá mức, như là những người có nhu cầu ngủ tương đối ít và hoạt động chức năng ban ngày tốt nhưng lại tin rằng mình cần ngủ nhiều hơn, hoặc những người già phàn nàn rằng ngủ gián đoạn là một điều bình thường vẫn xảy ra ở người già. Với những bệnh nhân này thì chỉ cần giải thích cho
họ yên lòng. Nếu hỏi bệnh thấy có mất ngủ mạn tính thật sự thì cần khảo sát kỹ các vấn đề sau đây.

Các thuốc

Cần xem xét các thuốc mà bệnh nhân dùng. Rượu, thường bệnh nhân tự dùng để dễ ngủ nhưng có thể gây rối loạn cấu trúc giấc ngủ và thức dậy sớm. Cafein có thời gian bán huỷ dài (8 – 14 giờ) và có thể làm chậm đi ngủ sau khi dùng. Nicotin, dù được dùng dưới dạng thuốc hút hay uống cũng có thể ảnh hưởng tới sự khởi đầu giấc ngủ. Nhiều loại thuốc không cần kê đơn cũng có thể gây mất ngủ (bảng 56.1). Nếu việc cai các thuốc này không khả thi, thì có thể thay đổi thời gian dùng thuốc cũng có ích.

Các bệnh tâm thần

Các rối loạn tâm thần, nhất là trầm cảm và lo âu, là những nguyên nhân thông thường làm xáo trộn giấc ngủ. Những câu hỏi sàng lọc thường có thể giúp phát hiện những rối loạn này. Nếu nghi ngò có rối loạn tâm thần nặng, như bệnh tâm thần phân liệt thì có thể làm thử nghiệm về tình trạng tâm thần.

Các bệnh nội khoa

Nhiều bệnh có thể gây mất ngủ (bảng 56.1). Những bệnh tiềm ẩn là nguyên nhân gây mất ngủ rất hay gặp ở người già.cần hỏi bệnh, thăm khám thực thể toàn diện và làm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh nghi ngờ.

Các rối loạn giấc ngủ tiên phát

Vệ sinh giấc ngủ kém thường gây mất ngủ, nhưng ít khi là nguyên nhân đơn độc. Hỏi bệnh cũng có thể sơ bộ đánh giá vệ sinh ngủ, nhưng để đánh giá chính xác hơn cần yêu cầu bệnh nhân và người ngủ cùng ghi nhật ký giấc ngủ. Yêu cầu họ ghi lại chi tiết về giấc ngủ trong thời gian từ 1 tới 2 tuần.

Một rối loạn giấc ngủ tiên phát thường gặp là mất ngủ tâm sinh lý. Rối loạn này cũng được gọi là mất ngủ có điều kiện, xảy ra nếu ở trong môi trường phòng ngủ của bệnh nhân bị khuấy động hơn là thư giãn. Nghĩ tới mất ngủ tâm sinh lý khi bệnh nhân khó ngủ trong phòng ngủ nhưng lại dễ đi vào giấc ngủ ở những chỗ khác (Ví dụ như ngồi trên tràng kỷ hay đi trên ô tô).

Rối loạn nhịp sinh học cũng thường gặp. Những bệnh nhân làm công việc luân ca hoặc di chuyển nhiều bằng máy bay thường khó ngủ đúng giờ. Nên hỏi những bệnh nhân này về các loại thuốc họ dùng, vì họ thường hay làm cho giấc ngủ bị rối loạn thêm do dùng quá nhiều cà phê, nicotin, rượu và các loại thuốc an thần.

Một dạng khác của rối loạn nhịp sinh học là hội chứng pha ngủ đến chậm. Hội chứng này bao gồm mất ngủ đầu đêm kèm theo luôn ngủ muộn và dậy muộn. Trái lại, hội chứng pha ngủ đến sớm gồm dậy vào sáng sớm và có khuynh hướng ngủ sớm vào buổi tối.

Điều trị

Điều trị sớm nhất, hiệu quả nhất đối với mất ngủ là điều trị đặc hiệu với nguyên nhân đã xác định. Thay đổi thuốc dùng hoặc điều trị các căn nguyên rối loạn tâm thần/nội khoa thường cải thiện rõ ràng giấc ngủ. Không may là ở nhiều bệnh bị mất ngủ mạn tính không thể nào xác định được nguyên nhân hay dù chỉ là một yếu tố góp phần làm xáo trộn giấc ngủ. Những bệnh nhân này cần được áp dụng một hay nhiều loại can thiệp được mô tả dưới đây.

Bảng 56.1. Các nguyên nhân của mất ngủ

————————————-

Mất ngủ do thuốc

Các thuốc không kê đơn: Rượu, thuốc làm thông mũi, cà phê, nicotin (Hút thuốc lá).

Các thuốc kê đơn: Các amphetamin, các chất kích thích có ba vòng, hormon tuyến giáp, các thuốc chủ vận (3, aminophylin, các thuốc chẹn p, các sterold, lợi tiểu, an thần (cai nghiện), các chất ức chế hấp thụ serotonin, các thuốc tránh thai đường uống.

Các bệnh tâm thần

Các rối loạn cảm xúc: trầm cảm, các rối loạn lưỡng cực, các rối loạn tính khí.

Các rối loạn lo âu: các rối loạn lo âu toàn thể, rối loạn hoảng sợ, stress sau chấn thương.

Tâm thần phân liệt

Các bệnh nội khoa

Tiêu hoá: trào ngược thực quản, bệnh loét dạ dày, bệnh ruột viêm

Tim mạch: đau ngực, cơn khó thở ban đêm kịch phát

Tiết niệu – sinh dục: có thai, nhiễm trùng đường niệu, phì đại tuyến tiền liệt lành tính, đái máu.

Hô hấp: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen.

Nội tiết: suy giáp, đái tháo đường, hội chứng Cushing, hội chứng Addison, mãn kinh.

Da: ngứa

Hệ thần kinh trung ương: sa sút trí tuệ, mê sảng, rối loạn kiểu động kinh Cơ xương: Viêm khớp, đau cơ xơ.

Đau do bất cứ nguyên nhân nào.

Các rối loạn giấc ngủ tiên phát

Vệ sinh ngủ kém Mất ngủ tâm – sinh lý

Rối loạn nhịp sinh học

Ngừng thở khi ngủ

Cử động chi chu kỳ và hội chứng chân động đậy

————————————-

Các biện pháp không dùng thuốc

Nhiều loại can thiệp không dùng thuốc có hiệu quả trong điều trị mất ngủ. Các can thiệp này bao gồm hướng dẫn vệ sinh ngủ, liệu pháp hạn chế ngủ, các kỹ thuật thư giãn, và liệu pháp ánh sáng.

Hướng dẫn vệ sinh ngủ. Hướng dẫn vệ sinh ngủ tốt (Bảng 56.2) rất hữu ích với phần lớn những bệnh nhân mất ngủ. Ghi nhật ký giấc ngủ rất có giá trị để xác định những tiến bộ cần có và theo dõi tiến triển. Thầy thuốc có thể giúp bệnh nhân lựa chọn những thay đổi và tiếp tục theo dõi để khuyến khích sự tuân thủ.

Liệu pháp hạn chế ngủ. Liệu pháp hạn chế ngủ là một kỹ thuật nhằm cải thiện năng lực ngủ. Cách này hữu dụng nhất đối với những bệnh nhân bị mất ngủ tâm sinh lý, người già, hoặc những người nằm trằn trọc quá nhiều trên giường. Bệnh nhân được yêu cầu hạn chế thời gian nằm trên giường xuống tới mức thời gian trung bình mà họ hiện ngủ được, dựa theo nhật ký giấc ngủ của họ. Lúc đầu thì biện pháp này sẽ làm giảm giấc ngủ ở một mức độ nào đó, nhưng lại giúp củng cố kiểu ngủ. Sau đó bệnh nhân được yêu cầu tăng dần thời gian nằm trên giường đồng thời giữ hiệu năng ngủ trên 85% (Tức là ngủ trên 85% thời gian nằm trên giường).

Các kỹ thuật thư giãn. Rất nhiều kỹ thuật thư giãn có thể áp dụng trong điều trị mất ngủ. Các biện pháp thông dụng là thư giãn cơ từ từ, thở bụng, thiền, tự thôi miên, phản hồi sinh học, và kỹ thuật hình dung. Tất cả các kỹ thuật này có hiệu quả tương đương nhau, nên sự lựa chọn tuỳ theo kinh nghiệm của bác sĩ và sở thích của bệnh nhân. Thư giãn có tác dụng tốt nhất đối với bệnh nhân mất ngủ tâm sinh lý và những bệnh nhân có rối loạn lo âu kèm theo. cần chuyển bệnh nhân tới một nhà liệu pháp hành vi trừ khi thầy thuốc thành thạo các kỹ thuật này.

Bảng 56.2. Các nguyên tắc vệ sinh ngủ tốt

—————————————

Duy trì thời gian ngủ và thức dậy đều đặn.

Tránh ngủ trưa.

Tập thể dục đều đặn, nhưng tránh tập ngay trước giờ ngủ.

Giữ môi trường phòng ngủ sao cho không quá nóng, quá lạnh hoặc quá ồn.

Dành thời gian xả hơi ít nhất 30 phút cho những hoạt động không căng thẳng trước khi đi ngủ.

Dành phòng ngủ chỉ để ngủ và hoạt động tình dục, hạn chế các hoạt động gây kích thích như xem tivi,

đọc sách báo, thanh toán các hoá đơn, gọi điện thoại.

Chỉ lên giường khi đã sẵn sàng ngủ và nếu sau 30 phút vẫn chưa ngủ được thì ra khỏi giường.

————————————-

Liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp ánh sáng là phơi bệnh nhân trước ánh sáng chói để tác động tới đồng hồ sinh học của họ. Phơi sáng vào buổi tối thường gây ra pha ngủ đến muộn (tức là giấc ngủ đến muộn), còn phơi sáng vào sáng sớm gây ra pha ngủ đến sớm (tức là ngủ bắt đầu sớm hơn).Liệu pháp ánh sáng có hiệu quả tốt nhất với các xáo trộn nhịp sinh học và mất ngủ tâm sinh lý.

Điều trị bằng thuốc

Chỉ định: Các thuốc gây ngủ có hiệu quả rõ rệt trong điều trị mất ngủ tạm thời. Kê đơn một thuốc gây ngủ tác động ngắn có thể làm hạn chế mất ngủ trong giai đoạn nhiều stress và cải thiện hoạt động ban ngày.

Vai trò của các thuốc gây ngủ trong điều trị mất ngủ mạn tính còn gây tranh cãi. Mặc dù các thuốc ngủ rất hay được dùng cho các bệnh nhân này, nhưng phần lớn các chỉ dẫn đều thận trọng với việc dùng thuốc trong trường hợp này. Các thuốc gây ngủ có thể thích hợp với những bệnh nhân đồng thời bắt đầu điều trị hành vi, hoặc những bệnh nhân mà các biện pháp không dùng thuốc đã thất bại. Nếu kê đơn một loại thuốc cho mất ngủ mạn tính thì nên kê ở liều thấp nhất và thưa nhất có thể, để hạn chế các tác dụng phụ.

Lựa chọn thuốc: các thuốc ngủ hay được dùng nhất là các benzodiazepin (Bảng 56.3). Khác biệt cơ bản giữa các benzodiazepin chính là ở thời gian tác dụng của chúng. Các benzoldiazepin tác dụng ngắn, như triazolam, ít gây tác dụng an thần ban ngày, nhưng lại gây lo lắng hồi ứng, mất ngủ hồi ứng, và thức dậy sớm. Trái lại, các thuốc tác dụng dài như flurazepam chắc chắn gây ngủ suốt đêm nhưng lại làm tăng ngủ gà ban ngày và có khả năng gây hiệu ứng tích luỹ.

Thuốc gây ngủ mới nhất hiện có ở Hoa Kỳ là Zolpidem (Ambien).Thuốc này là một Imidazopyridin chỉ tác động lên các thụ thể benzodiazepin typ I. Đây là một thuốc tác động ngắn có thời gian bán thải xấp xỉ như triazolam. Do có tác động chọn lọc nên Zolpidem không có đặc tính làm giãn^ cơ hoặc chống co giật và ít có tác dụng chống lo âu. Thuốc này cũng có vẻ ít có khuynh hướng gây hồi ứng và quen thuốc hơn so với các benzodiazepin.

Việc lựa chọn thuốc gây ngủ phụ thuộc vào nhu cầu của từng bệnh nhân. Những người khó bắt đầu giấc ngủ có thể đáp ứng tốt với thuốc có tác động ngắn. Những bệnh nhân có triệu chứng lo âu ban ngày hoặc thức dậy sớm thì tốt hơn nên cho thuốc ngủ tác động dài hoặc trung bình. Nếu chọn thuốc ngủ tác động ngắn thì nên chọn Zolpidem vì thuốc này ít có tác dụng phụ hơn

Thuốc Thời gian tác động Thời gian bán thải (giờ) Liều dùng hàng ngày (mg) thông thường
Zopidem (Ambien) Ngắn 2,4 5-10
Triazolam (Halcion) Ngắn 1,5-5,5 0,125-0,250
Estazolam (ProSom) Trung bình 10-24 1 -2
Temazepam(Restoril) Trung bình 8 – 10 15-30
Flurazepam (Dalmane) Dài 47 – 100 15-30
Quazepam(Doral) Dài 39 7,5-15,0

Hầu hết các thuốc ngủ không cần kê đơn là các kháng histamin có tác dụng an thần. Các thuốc này có tác động dài và chỉ có hiệu quả vừa phải. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng phụ kháng tiết cholin nên hạn chế dùng cho người già.

Melatonin là một thuốc hormon không cần kê đơn đang thu hút được sự quan tâm của dư luận do được khuyến cáo là có đặc tính gây ngủ. Mặc dù chất này được tuyến tùng tiết ra vào ban đêm, nhưng không chắc là bổ sung melatonin thì gây buồn ngủ. Mới có ít nghiên cứu có đối chứng, tác dụng điều trị thì phức hợp, và tính an toàn về lâu dài còn chưa được chứng minh. Những thử nghiệm thuyết phục nhất cho thấy thuốc này có hiệu quả trong mất ngủ tuổi già và những bệnh nhân có xáo trộn nhịp sinh học. Mặc dù thuốc này có thể có ích và có vẻ an toàn trong thời gian ngắn nhưng melatonin vẫn chưa nên khuyến nghị dùng cho bệnh nhân khi chưa tiến hành các nghiên cứu khoa học sâu hơn.

Các chống chỉ định. Một số bệnh nhân không nên dùng thuốc ngủ. Các thuốc này có chống chỉ định tương đối với những bệnh nhân đã biết là nghiện thuốc, kể cả những người có tiền sử nghiện rượu. Những bệnh nhân đang dùng các chất ức chế hệ thần kinh trung ương khác, như là các thuốc giảm đau hoặc chống trầm cảm, thì nên dùng thận trọng vì có khả năng tương tác thuốc. Tránh dùng thuốc ngủ nếu có cơn ngừng thở khi ngủ. Phụ nữ có thai là một chống chỉ định để tránh tác động lên thai. Những người mà công việc đòi hỏi phảị thức ban đêm (như thầy thuốc, lính cứu hoả) nên được cảnh báo là có thể bị suy giảm khả năng thức. Sau cùng cần thận trọng khi dùng thuốc ngủ ở người già. Những bệnh nhân già thường mau biểu lộ các tác dụng phụ, như là lú lẫn, quên, và chóng mặt. Họ cũng có thể bị biến chứng thứ phát như gãy khớp háng. Do thời gian bán huỷ có tương quan với lứa tuổi nên các thuốc tác động dài có xu hướng tích luỹ tới nồng độ độc và không nên dùng cho nhóm tuổi này.

NGỦ RŨ

Ngủ rũ là một rối loạn ngủ tương đối ít gặp, biểu hiện điển hình ô trẻ nhỏ hoặc thanh niên. Bệnh này có đặc điểm là ngủ ban ngày quá nhiều và có xu hướng rơi vào giấc ngủ không kiểm soát được ngay cả khi đang có các hoạt động có tính kích thích. Những cơn ngủ không thể cưỡng lại được này thường kéo dài 10 đến 30 phút và đôi khi xảy ra đột ngột, không có dấu hiệu cảnh báo. Những cơn ngủ đột ngột có thể làm bệnh nhân gặp nguy hiểm nếu đang tham gia vào những hoạt động có nguy cơ như làm việc hay lái xe. Một triệu chứng quan trọng khác của ngủ rũ là một chứng bệnh liên quan với cảm xúc được gọi là cơn đột ngột mất trương lực (cataplexy). Cơn đột ngột mất trương lực được xem là đặc trưng của bệnh ngủ rũ. Các triệu chứng kèm theo khác là liệt khi ngủ và ảo giác buồn ngủ.

Cần đánh giá những bệnh nhân nghi ngờ bị chứng ngủ rũ ở một labô chuyên về ngủ. Đánh giá này nên gồm thử nghiệm tiềm tàng ngủ nhiều lần (a multiple sleep latency test) thường có thể khẳng định chẩn đoán.

Sự khẳng định này rất quan trọng, vì điều trị bệnh này dùng tới các chất kích thích hệ thần kinh trung ương mạnh, có khả năng gây nghiện và rất có giá ở chợ đen. Đôi khi có ngủ rũ giả để kiếm các thuốc này.

Liệu pháp hành vi chủ yếu là cải thiện vệ sinh ngủ và lên lịch ngủ trưa. Điều trị thuốc tập trung vào việc dùng các chất kích thích để kiểm soát các giấc ngủ ngày. Cơn đột ngột mất trương lực, có thể đáp ứng với các thuốc ba vòng như imipramin.

NGỪNG THỞ KHI NGỦ

Ngừng thở khi ngủ là những đoạn ngừng thỏ do tắc nghẽn hoặc giảm thông khí phế nang lặp đi lặp lại trong lúc ngủ, cùng với giấc ngủ ngày hoặc chức năng tim phổi bị thay đổi. Rối loạn này thường gặp và không được chẩn đoán đầy đủ. Khoảng 2% đến 4% người lớn ở tuổi trung niên có ngừng thở khi ngủ kiểu tắc nghẽn. Hội chứng này gắn liền với nguy cơ ngày càng tăng lên các tai nạn giao thông và tỷ lệ chết do các bệnh về tim mạch và mạch máu não. Hội chứng này là do hẹp đường thông khí trên lặp đi lặp lại trong khi ngủ, gây ra đánh thức tái diễn khi đang ngủ, hậu quả là giấc ngủ bị cắt vụn và tăng huyết áp thoáng qua tái phát.

Tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết

Giai đoạn ngừng thở do hội chứng ngừng thở tắc nghẽn lúc ngủ (obstructive sleep apnea syndrome – OSAS) bao gồm giảm oxy máu, chậm nhịp tim, thức giấc và giấc ngủ bị gián đoạn. Thấy có tỷ lệ chết là 37% sau khi được chẩn đoán 8 năm nếu ngừng thở khi ngủ nặng không được điều trị.

Partinen và cộng sự đã nghiên cứu các lý do gây tử vong ở những bệnh nhân bị OSAS. Họ nghiên cứu trên 198 bệnh nhân bị OSAS và so sánh chết trong vòng 5 năm ở những bệnh nhân được điều trị bảo tồn (khuyến nghị giảm cân) so với những bệnh nhân được mở thông khí quản. Không có bệnh nhân thông khí quản nào bị chết, trong khi có tới 14 bệnh nhân được điều trị bảo tồn bị chết. Trong số chết này thì 8 bệnh nhân là do bệnh tim mạch, và tất cả những bệnh nhân này đều có chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) trên 25.

Chẩn đoán

OSAS đặc trưng bởi ngừng thông khí trên mười giây, ít nhất 5 lần mỗi giờ ngủ, dù cố gắng thông khí liên tục, nó cũng thường kèm theo giảm độ bão hoà oxyhemoglobin trên 4%. Hội chứng giảm thông khí phế nang khi ngủ – OSAS lại đặc trưng bởi giảm 30% đến 50% dòng khí trong trên 10 giây, trên 15 lần mỗi giờ ngủ, có thể kèm theo độ bão hoà oxyhemoglobin ít nhất 4%. Các hội chứng này gây thức giấc ngắn nhiều lần khi đang ngủ, ngủ quá nhiều ban ngày, suy giảm hoạt động ban ngày và đều có nguy cơ tim mạch, cần thực hiện nghiên cứu giấc ngủ ở những bệnh nhân thường có thói quen ngáy và có ngủ ban ngày và những bệnh nhân thường có thói quen ngáy và được quan sát thấy có cơn ngừng thở (dù có các triệu chứng ban ngày hay không).

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ngừng thở khi ngủ là ghi nhiều giấc ngủ (polysomnography) ở một ba lô về ngủ. Do xét nghiệm này có giá thành cao, nên người ta phát triển những loại thiết bị sàng lọc khác để dùng tại nhà, tuy nhiên nhiều loại máy trong số này không có khả năng đo gắng sức hô hấp và do vậy đã bỏ qua một số trường hợp giảm thông khí phế nang và hội chứng đóng đường hô hấp trên. Hội chứng đóng đường hô hấp trên đặc trưng bằng bị thức ít nhất 15 lần mỗi giờ ngủ nhưng không có giảm thông khí đáng kể hoặc giảm bão hoà oxyhemoglobin đáng kể.

Điều trị

Các mục tiêu của điều trị là củng cố sự oxy hoá và thông khí ban đêm bình thường, thủ tiêu ngáy và hạn chế sự ngắt quãng giấc ngủ do đóng đường hô hấp trên. Mỗi quyết định đều nên dựa trên các triệu chứng ban ngày và chức năng tim phổi hơn là dựa trên số lượng tuyệt đối các cơn ngừng thở hoặc giảm thông khí phế nang hiện có. Trước tiên bệnh nhân cần được tư vấn để tránh các yếu tố làm nặng thêm hiện tượng tắc nghẽn đường hô hấp trên (như mất ngủ, rượu, các thuốc an thần và béo phì).

Áp lực đường thở dương

Áp lực đường thở dương liên tục (continuous positive airway pressure – CPAP) được thực hiện thông qua một mặt nạ hoặc gạc nhánh mũi tạo thành một nẹp hơi, nó ngăn ngừa hiện tượng hẹp hoặc đóng đường hô hấp. trên cho dù vị trí tắc nghẽn ở đâu. CPAP có thể đảo ngược được hiện tượng giảm độ bão hoà ban đêm, thức dậy do thông khí, rối loạn nhịp ban đêm, tăng áp lực động mạch phổi, và suy tim phải. Tuy nhiên, sự tuân thủ thì còn phải bàn. Thiết bị CPAP hai mức mới cho phép điều chỉnh độc lập áp lực đường thở dương khi hít vào và thở ra, và có thể thoải mái hơn so với thiết bị CPAP chuẩn.

Dụng cụ miệng

Các dụng cụ miệng có thể là điều trị bước hai có hiệu quả với ngừng thở khi ngủ, ở những bệnh nhân không chịu được áp lực đường thở dương.

Thuốc

Thyroxin thay thế có thể cải thiện được chức năng đường hô hấp trên ở những bệnh nhân suy giáp. Protriptylin và fluoxetin có một số thành công khi dùng cho những ca ngừng thở khi ngủ nhẹ nhưng ít tác dụng ở những ca nặng hơn. Mặc dù hiếm khi cần tối, nhưng mở thông khí quản có thể gây cải thiện rất ấn tượng ố những bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ.

Phẫu thuật vòm miệng

Phẫu thuật tạo hình họng, vòm miệng, lưỡi gà (Uvulopalatopharyngoplasty – UPPP) rất có ích cho một số ca bị ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở những vị trí này. Việc xác định những người có thể được lợi nhờ thủ thuật này là khó.

Chú ý: UPPP nhờ laser không được khuyến cáo cho điều trị ngừng thở khi ngủ. Phẫu thuật hàm mặt

Hiếm khi, một bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ và dị dạng sọ – mặt nhiều có thể đ8 bệnh khi phẫu thuật hàm mặt.

HỘI CHỨNG ĐỘNG ĐẬY CHÂN

Tương tự ngừng thở khi ngủ, hội chứng động đậy chân (restless leg syndrome – RLS) đặc trưng bỏi dị cảm sâu khó chịu ở chân và đôi khi ở tay. cảm giác này xuất hiện khi nằm yên và dịu đi khi cử động. Chúng thường làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Trạng thái này hay gặp, có tới 5% dân chúng có triệu chứng nhẹ của hội chứng động đậy chân. Hội chứng này tự phát ở phần lớn bệnh nhân nhưng cũng có thể liên quan đến thiếu sắt, u rê huyết, mang thai, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, hay bệnh viêm da thần kinh. Trên 80% bệnh nhân bị RLS có các cử động chu kỳ khi ngủ (periodic movements of sleep – PMS), là những cử động gấp định hình của chân trong giai đoạn ngủ mắt chuyển động không nhanh. Các cử động này có thể đánh thức bệnh nhân hoặc người ngủ cùng. PMS thấy ở khoảng 1Q% dân chúng và thường không kèm theo RLS hoặc những rối loạn ngủ khác.

Chẩn đoán phân biệt

Thường nhờ vào hỏi bệnh tỉ mĩ mà thầy thuốc có thể phân biệt RLS với các bất ổn ban đêm khác như là hội chứng chân bỏng, đau đùi dị cảm, viêm đa dây thần kinh, chuột rút cơ, đau xơ cơ, và tập tễnh do nguyên nhân thần kinh và mạch.

Điều trị

Giảm hoặc ngừng dùng cà phê, thuốc lá và rượu rất có ích. Ngừng dùng một số loại thuốc đôi khi liên quan tới RLS như: các thuốc an thần, lithium, các thuốc chẹn ß, các thuốc chống trầm cảm ba vòng, các thuốc chống co giật và các chất chẹn histamin đôi khi có lợi. Đôi khi tắm nóng trước khi ngủ cũng tốt.

Levodopa, carbidopa, oxycodon hydrochlorid, clonazepam, Carbamazepin và quinidin hydrochlorid tỏ ra có tác dụng đối với bệnh nhân RLS trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Quen thuốc cũng là một vấn đề, và đôi khi nghỉ thuốc trong thời gian ngắn hoặc dùng loại thuốc khác có thể làm giảm sự quen thuốc này.

Bài trướcChẩn đoán, xử trí và chăm sóc bệnh nhân mệt mỏi
Bài tiếp theoChăm sóc y tế cho bệnh nhân phẫu thuật

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.