Theo quy ước, chảy máu sau đẻ đã được định nghĩa là mất máu nhiều hơn 500ml sau khi đẻ. Tuy nhiên những trường hợp mất máu sau đẻ một cách điển hình đều bị đánh giá thấp và mất 500ml máu được cho là vấn đề bình thường. Chảy máu sau đẻ thực sự là mất một lượng máu lớn hơn. Vì có sự khác nhau đáng kể về con số ước lượng mất máu sau đẻ nên tỷ lệ hiện mắc của chảy máu sau đẻ thay đổi từ 1,5% đến 20%.

Chảy máu có thể biểu hiện như phun ra hoặc đột ngột hoặc thành dòng liên tục. Bất cứ loại nào trong số này cũng có thể làm giảm thể tích máu nặng. Những dấu hiệu sống có thể không thay đổi cho đến khi một lượng lớn máu đã bị mất, do đó điều quan trọng là phải truyền dịch đường tĩnh mạch ngay từ đầu trong quá trình chảy máu và thay thế máu bằng những khối hồng cầu và huyết tương tươi đông lạnh nếu máu vẫn tiếp tục chảy.

Điều quan trọng trong xử trí chảy máu sau đẻ là xác định sớm nguyên nhân chảy máu. Nguyên nhân thông thường nhất của chảy máu sau đẻ là đờ tử cung nếu trên lâm sàng phát hiện tử cung to, mềm.

Xử trí thường có hiệu quả bằng xoa tử cung và những thuốc tăng cơn co của tử cung như oxytocin (Pitocin), hoạt chất nấm cựa gà (Methergin) và prostaglandin F2a (PGF2ct; Hemabat). Khi xoa tử cung mà không cầm máu thì tiêm oxytocin (10- 40 đơn vị trong 1000ml dung dịch Ringer lactat truyền tĩnh mạch hoặc 10 đơn vị tiêm bắp). Phải thận trọng khi dùng một lượng lớn thuốc này cho những phụ nữ bị chảy máu ở ạt do những tác dụng phụ khác của oxytocin (hạ huyết áp, mất fibrinogen huyết và ngộ độc nước) có thể góp thêm vào những biến chứng của chảy máu.

Đúng hơn là biện pháp sử dụng thuốc oxytocin phối hợp với methylergonovin (0,2 mg tiêm bắp 2-4 giờ một lần nếu cần), PGF2a (0,25 mg tiêm bắp 15-60 phút một lần nếu cần) hoặc cả hai có thể có hiệu quả hơn cho những phụ nữ bị chảy máu nặng.

Methylergonovin có thể gây tăng huyết áp và do đó phải hết sức thận trọng khi kê đơn loại thuốc này cho những phụ nữ có bệnh tăng huyêt áp. Các tác dụng phụ của những prostaglandin tiêm bắp bao gồm buồn nôn, nôn, ỉa chảy, nhức đầu, tăng huyết áp, đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, sốt và co thắt phế quản.

Phải nghi ngờ rách âm đạo hoặc rách cổ tử cung khi thấy có chảy máu đỏ tươi mà tử cung vẫn co chắc. Những chỗ rách này có thể được phát hiện bằng cách khám cẩn thận vòm âm đạo với sự giúp đỡ của một người phụ, van âm đạo và một kẹp hình quả tim đặt vào cổ tử cung. Những vết rách được xác định như thế có thể được sửa chữa. Sự vỡ hoặc lộn của tử cung hoặc những sản phẩm của quá trình thụ thai bị giữ lại cũng có thể gây ra chảy máu. Do đó, khi chảy máu tiếp tục mà không biết được nguyên nhân thì phải khám cẩn thận tử cung. Lộn tử cung thì phải được đặt lại càng sớm càng tốt và có thể lấy những mảnh rau bị sót bằng tay hoặc dùng một nạo to và cùn. Chảy máu có thể là hậu quả của một bệnh đông máu thì ít gặp hơn. Khi nghi ngờ phải được xác định bằng những xét nghiệm cận lâm sàng như thời gian prothrombin, thời gian thromboplastin từng phần, số lượng tiểu cầu, mức fibrinogen, xét nghiệm những sản phẩm giáng hoá của fibrin và xét nghiệm co cục máu đông.

Khi chảy máu sau đẻ không đáp ứng với những biện pháp bảo tồn hoặc sửa chữa bằng những phẫu thuật nhỏ thì có thể làm tắc động mạch chậu trong qua một catheter. Những phụ nữ đã được thực hiện thủ thuật này thường phục hồi kinh nguyệt bình thường và vẫn có thể có thai về sau này. Nếu không có những nguồn để làm tắc mạch qua chụp mạch và máu vẫn tiếp tục chảy mà không cầm được, thì phải xem xét đến việc thắt động mạch chậu trong hoặc cắt tử cung qua đường bụng. Chèn gạc vào tử cung thì còn có nhiều quan điểm bất đồng vì nó có thể che đậy dấu hiệu chảy máu khá nhiều và ngăn không cho tử cung co lại.

Đôi khi chảy máu bất thường xảy ra sau đẻ ngày thứ nhất. Chảy máu sau đẻ muộn có thể do sự thoái triển bất thường của vị trí rau, do viêm nội mạc tử cung, hoặc do sót rau. Sót rau có thể được phát hiện bằng siêu âm. Điều trị ban đầu bao gồm truyền dịch đường tĩnh mạch, sử dụng thuốc oxytocin, methylergonovin hoặc prostaglandin, cùng với kháng sinh. Không khuyến khích nạo buồng tử cung rộng rãi như một cách thông lệ vì nạo buồng tử cung có xu hướng phá hỏng vị trí nơi rau bám và gây ra chảy máu thêm mà đúng hơn nạo buồng tử cung chỉ được dùng cho những trường hợp được xác định là còn sót rau hoặc nếu chảy máu không đáp ứng với biện pháp bảo tồn.

Những bệnh nhân đã có bất cứ mức độ nào về chảy máu dẫn đến thiếu máu thì phải uống viên sắt sau khi tình trạng của họ đã ổn định.

Những biến chứng đe dọa tính mạng đôi khi là hậu quả của chảy máu sau đẻ ở ạt dẫn đến những hội chứng suy hô hấp ở người lớn, đông máu rải rác trong lòng mạch, hội chứng hố yên rỗng, và thậm chí gây tử vong, vì vậy điều tối quan trọng là phải nhận biết nhanh chóng và xử trí có hiệu quả chảy máu sau đẻ.

Bài trướcChăm sóc thông thường thai phụ sau khi đẻ giai đoạn sớm
Bài tiếp theoSốt – nhiễm khuẩn sau đẻ và xử trí

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.