Các bà mẹ tương lai thường hay quyết định vào thời kỳ mang thai 3 tháng giữa hoặc sẽ nuôi con bằng sữa mẹ hoặc cho bú sữa chai. Bất cứ lúc nào có thể, nên thảo luận sớm trong thời kỳ mang thai về những cái có lợi và bất lợi của hai hình thức dinh dưỡng này.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là loại thức ăn thích hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì nó giúp tiêu hóa tốt hơn và tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ. Cho bú sữa mẹ giúp đứa trẻ có được khả năng miễn dịch từ người mẹ chống lại sự có mặt của các tác nhân gây bệnh ở nơi sinh sống vào bất cứ lúc nào. Nó cũng làm giảm một cách có ý nghĩa tỷ lệ mắc các nhiễm trùng dạ dày – ruột, viêm tai giữa cũng có thể cả các nhiễm trùng đường hô hấp khác. Mặc dù hai yếu tố miễn dịch chủ yếu có nồng độ cao nhất ở trong sữa non, nhưng khả năng đề kháng tăng lên khi cho bú mẹ một thời gian dài và có sức đề kháng lớn nhất đối với các nhiễm trùng nặng và kéo dài.

Nhiễm trùng và các chất hóa học. Không may mắn là sữa mẹ có thể làm lây truyền các tác nhân gây bệnh từ mẹ sang con. Vì vậy, ở các nước phát triển, những trường hợpmẹ nhiễm HIV, nhiễm trùng huyết, bệnh lao hoạt động, hoặc sốt thương hàn thì chống chỉ định hoàn toàn việc cho con bú, và chống chỉ định tương đối với các trường hợp bị viêm gan B và nhiễm virus cự bào (cytomegalovirus).

Nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ

Khi tìm hiểu để giải thích bất cứ sự thay đổi không mong đợi nào trong hành vi của một đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, thì điều quan trọng luôn luôn phải làm là kiểm tra chế độ ăn và tiền sử dùng thuốc của người mẹ. Nicotin có thể gây cho đứa trẻ dễ bị kích thích và làm giảm cả về lượng sữa được tạo ra và sự buồn chán. Nên tránh uống rượu trong 1 đến 2 giờ trước khi cho bú đối với mỗi đồ uống được dùng, cần sa được bài tiết trong vài giờ sau khi sử dụng thậm chí không thường xuyên, và cocain được bài tiết trong 24 đến 36 giờ.

Bổ sung vitamin, cần bổ sung vitamin D (400 IU) cho những bà mẹ ít tiếp xúc với ánh nắng và có thể da của họ bị nhuốm các chất sắc tố sẫm màu. Do thành phần fluorid trong sữa mẹ thấp, nên đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn cần bổ sung 0,25 mg florua hàng ngày bắt đầu lúc 6 tháng tuổi. Những trẻ đẻ đủ tháng được nuôi sữa mẹ hoàn toàn nên nhận bổ sung sắt (2 mg/kg tới 15 mg/ngày) sau 4 tháng tuổi và những trẻ đẻ non thì được bổ sung từ khi sinh.

Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Sự khuyến khích của bác sĩ thường rất quan trọng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Nhất thiết phải làm cho các bà mẹ yên tâm rằng khả năng tạo sữa không đủ cho con của họ là hiếm và những đứa trẻ thường cần 3 đến 4 ngày để trở nên những đứa trẻ khỏe mạnh (good nursers). Khuyên các bà mẹ rằng những đứa trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường được cho ăn cứ mỗi 2 đến 4 giờ một lần, và sự hình thành thói quen ăn uống thường là sự dàn xếp giữa cấu trúc tự nhiên của trẻ và thời gian biểu của mẹ. Khi có vấn đề nảy sinh thì sự hỗ trợ của chuyên gia về sữa mẹ có thể rất có giá trị.

Nuôi con bằng các công thức thay thế

Nhiều đứa trẻ lớn lên là nhờ sữa được sản xuất từ sữa bò. Đối với những trẻ này chúng không thể bú sữa mẹ thời gian dài, một cách bố trí tốt có thể là khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ trong vài tuần đầu sau khi sinh và sau đó chủ yếu là dùng sữa bột trong khi bú sữa mẹ chỉ đôi lần mỗi ngày. Có thể đạt kết quả tốt việc cho ăn sữa ngoài ở phần lớn những trẻ bú mẹ thêm như thế miễn là cái núm vú phải có một lỗ nhỏ để làm cho bú bình gần giống như là bú sữa mẹ.

Khác nhau giữa các nhãn hiệu về thực phẩm cho trẻ nói chung là không có ý nghĩa. Trẻ không dung nạp thật sự với các loại thực phẩm có sữa bò là không thường gặp, và các loại thực phẩm có thành phần protein đậu nành chỉ có giá trị nếu sự không dung nạp sữa bị nghi ngờ mạnh mẽ như sau một đợt bị ỉa chảy kéo dài. Thậm chí sau đó sự không dung nạp thường thoáng qua nên cố gắng thử dùng lại thức ăn có sữa bò cứ mỗi 2 đến 4 tuần một lần. Do các thức ăn cho trẻ không có fluorid nên việc sử dụng các dạng thức ăn bột pha với nước có fluorid được khuyên dùng. Các loại thức ăn có thành phần sắt thấp không có lợi để củng cố lượng sắt bình thường, trong khi chứng táo bón do sắt là hiếm gặp.

Chế độ ăn của trẻ đang phát triển

Trẻ em nên được duy trì hoặc bú sữa mẹ hoặc sữa bình cho tới khi được 12 tháng tuổi bởi vì việc bắt đầu cho ăn sữa bò nguyên chất trước tuổi này làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày- ruột tiềm ẩn và thiếu máu do thiếu sắt. Khi 12 tháng tuổi, đứa trẻ nói chung được ăn sữa nguyên chất hoặc sữa 2% để có thêm năng lượng có sẵn lấy từ chất béo của sữa và sau đó dần dần chuyển sang dùng sữa gạn bỏ chất béo khi 2 hoặc 3 tuổi ở những trẻ ăn tốt (30% năng lượng lấy từ chất béo).

Bắt đầu chế độ ăn có các loại thực phẩm không phải là sữa trước 4 đến 6 tháng tuổi sẽ không có lợi cho trẻ và cũng không tăng khả năng trẻ ngủ suốt đêm. Mặt khác, khi đứa trẻ gần được 12 tháng tuổi, bắt đầu cho trẻ ăn những thực phẩm như vậy có thể tránh được một chế độ ăn có quá nhiều protein, nhất là khi tập trung vào các loại ngũ cốc toàn phần, rau xanh, các loại đậu đỏ, và quả. Việc cho ăn như thế tạo cho trẻ ngay từ tuổi nhỏ quen với chế độ ăn có nhiều chất xơ và được cân bằng dinh dưỡng.

Một số nguyên tắc được chấp nhận chung khi bắt đầu cho ăn các loại thực phẩm không phải sữa là cho trẻ ăn riêng rẽ từng loại thực phẩm mới trong ít nhất 3 ngày để có thể xác định dễ dàng hơn nguyên nhân không dung nạp bất cứ loại thực phẩm nào; bắt đầu với những thực phẩm được tiêu hóa dễ dàng như ngũ cốc, nhất là gạo, và các loại rau màu vàng; trì hoãn các loại có khả năng gây dị ứng như các loại quả họ chanh, cam, bưởi, và trứng cho tới khi trẻ được 9 đến 12 tháng tuổi; hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở bằng cách tránh các loại thực phẩm mềm, xốp (thí dụ: bánh mì kẹp thịt, nho) và có hạt (thí dụ: ngô, các loại quả có hạt ăn được) cho tới khi ít nhất 2 tuổi. Một khi đứa trẻ được ăn một chế độ cân bằng thì không cần phải bổ sung vitamin và sắt. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục bổ sung fluorid nếu như trong hệ thống nước cung cấp dưới 0,6 ppm.

Béo phì

Ý nghĩa của việc thừa cân khi còn bé là không rõ ràng, có tới 3/4 số trẻ như thế trở thành những người lớn có cân nặng bình thường và phần lớn những người lớn béo phì lại không bị béo khi còn nhỏ. Tuy nhiên, khi có ảnh hưởng về mặt di truyền tới tình trạng béo phì, nhất là có liên quan với tiền sử gia đình mạnh mẽ của các bệnh tim mạch, chứng tăng cholesterol máu, và đái tháo đường, thì rất có lý để khuyến khích những dự phòng cơ bản. Điều này bao gồm nuôi con bằng sữa mẹ và bắt đầu chậm lại các thức ăn đặc, tránh cho ăn quá nhiều bằng cách không dùng bú chai như là một núm vú giả, và chỉ sử dụng thìa nhỏ để cho ăn thức ăn đặc. Tuy nhiên, việc hạn chế chất béo trước 2 tuổi có thể dẫn đến tình trạng ăn không đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng khác.

Con đau bụng

Hội chứng cơn đau bụng được định nghĩa một cách thông thường nhất như là cơn kịch phát của tình trạng dễ bị kích thích, kêu la, hoặc khóc lóc với đứa trẻ dường như đang bị đau và rất khó an ủi mà không có nguyên nhân rõ ràng. Những đợt đau hay kéo dài hơn 3 giờ một ngày nhưng hiếm khi xảy ra hàng ngày. Chúng thường hay xuất hiện nhất vào buổi chiều hoặc tối và vào khoảng từ 2 tuần tuổi đến 4 tháng. Do có tới 49% trong tổng số trẻ có thể bị như thế, một yếu tố dường như để giải thích tình trạng của những đứa bé này là một hoặc cả hai bố mẹ có khó khăn trong việc giải quyết khía cạnh hành vi của đứa trẻ. Cách ứng xử của bố mẹ dường như cũng không phải là nguyên nhân của cơn đau bụng, tuy nhiên, nó chỉ là một sự phản ứng.

Trước khi những đứa trẻ được chẩn đoán là bị cơn đau bụng thì chúng nên được khám thực thể kỹ lưỡng để xác định bất cứ một tiến triển cấp tính nào, như là tình trạng nhiễm trùng hoặc lồng ruột, nhất là khi xuất hiện đột ngột.

Một trọng tâm chủ yếu của điều trị là làm các bố mẹ yên tâm rằng sự diễn biến đó là thông thường, tự nó sẽ giảm đi và đưa ra cho họ một số các biện pháp cơ bản để cố gắng: tạo sự chuyển động, như trong ghế xích đu, cái đu đua tự động, hoặc túi dịu, hoặc nơi có âm thanh đều đều như trong ô tô hoặc đặt nằm trên đỉnh máy sấy; tạo sự bó sát; làm ấm như là đặt đứa trẻ phía bụng lên bộ đệm lò sưởi ở mức thấp; và đảm bảo rằng đứa trẻ Ợ tốt trong và sau khi ăn. Thường thường những vai trò quan trọng nhất của bác sĩ là cung cấp sự hỗ trợ và làm hợp thức hóa lại cảm giác nản lòng của bố mẹ, thậm chí cả tức giận, với tình trạng này. Bác sĩ nên khuyến khích bố mẹ giúp đỡ lẫn nhau để chăm sóc đứa trẻ và bất cứ khi nào có thể thì tranh thủ sự giúp đỡ của những người khác để họ có được cơ hội nghỉ ngơi. Khi tất cả các biện pháp đều bị thất bại, bố mẹ cũng nên để đứa trẻ lại một mình ở nơi an toàn cho đến khi ngừng khóc.

Vai trò của dị ứng hoặc không dung nạp protein sữa bò vẫn gây tranh cãi. Có bằng chứng là có tới 70% số trẻ tốt lên khi chuyển những trẻ ăn thức ăn từ sữa bò sang ăn thức ăn có sản phẩm thủy phân casein, nhất là nếu có tiền sử gia đình và các dấu hiệu dị ứng khác. Tương tự, một số trẻ bú sữa mẹ nhạy cảm với protein sữa bò trong chế độ ăn của người mẹ, và có thể cần thiết là thử loại bỏ hết các sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn của mẹ trong ít nhất 1 tuần. Những trẻ thấy tốt hơn khi tránh các thức ăn có protein sữa bò thường chỉ có sự không dung nạp thoáng qua và nên được thử ăn lại sữa bò sau đó 1 đến 2 tháng.

Những đứa trẻ có những cơn khóc nghiêm trọng và kéo dài hơn, nhất là nếu những cơn này xuất hiện không liên tục trong cả ngày, thì có thể có ít nhất một phần nguyên nhân bên trong cơ thể. Nếu một đứa trẻ như thế dường như ợ hơi nhiều để giảm đau, thì thử dùng simethicon (Mylicon). Chứng táo bón được điều trị như ở các trẻ khác. Nôn thường xuyên, nhất là nếu kèm với ăn kém và chậm lớn, có thể báo hiệu chứng hồi lưu dạ dày – thực quản. Dùng thử các chất acid là cần thiết và nên xem xét tình trạng kỹ hơn nếu dùng các chất kháng acid không có hiệu quả. Mặc dù các tác nhân chống tiết cholin đã được tán thành từ trước đây, nhưng tính hiệu quả của chúng có lẽ là có tác dụng làm giảm căng thẳng thần kinh hơn là bất cứ một hiệu quả cụ thể nào trên cơ dạ dày – ruột. Chính vì có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nên chúng được thuyết phục không nên dùng.

Chậm lớn

Chậm lớn có thể được định nghĩa như là tình trạng chậm phát triển ở một tỷ lệ thích hợp, với cân nặng đi ngang ở hai kênh chính trên đường cong phát triển của Trung tâm thông kê số liệu Quốc gia về sức khỏe (National Center for Health Statistics – NCHS) hoặc xuống dưới 5% so với cân nặng phải đạt được theo tuổi và giới sau khi đã hiệu chỉnh đối với tầm vóc của bố mẹ, đẻ non, hoặc giảm tăng trưởng lúc sinh (15.16). Bởi vì tỷ lệ hiện mắc của tình trạng chậm lớn cao ở các vùng nông thôn và thành thị (5-10%) và tỷ lệ mắc bệnh có ý nghĩa (chậm phát triển, những thiếu hụt liên quan đến nhận thức bền vững, các rối loạn hành vi, tầm vóc thấp, các vấn đề thực thể mạn tính, và bệnh tật), nên cần phải bắt đầu theo dõi bất cứ trẻ nào có cân nặng bị giảm đi ngang qua một kênh của NCHS hoặc nếu bố (mẹ) nghi ngờ có vấn đề về phát triển.

Chẩn đoán. Mặc dù hậu quả của suy dinh dưỡng đôi lúc làm che mờ các nguyên nhân gốc rễ, nhưng việc khám thực thể và bệnh sử kỹ lưỡng giúp phát hiện được đa phần các vấn đề về bên trong cơ thể, hành vi, gia đình, và môi trường mà nó góp phần gây ra tình trạng chậm lớn. Đánh giá ban đầu này nên có những bản ghi trước đây gồm biểu đồ phát triển và tiền sử trước khi sinh (đẻ non, chậm phát triển); dinh dưỡng (chế độ ăn, hành vi); sự phát triển (liên quan đến nhận thức, vận động, hành vi, cảm xúc); bối cảnh xã hội (kiến thức của bố mẹ, chức năng gia đình bị phá vỡ, lạm dụng ma túy, hỗ trợ xã hội, cô lập); và môi trường (nghèo đói, nhà ở tạm bợ, phơi nhiễm độc hại với chì hoặc hóa chất trừ sâu). Các nghiên cứu chẩn đoán có thể theo cách làm đúng từng bước dựa vào tính nghiêm trọng và tiền sử.

Bước 1: đếm tế bào máu toàn phần, xét nghiệm sinh hoá lúc đói ,các chất điện giải, xét nghiệm nước tiểu

Bước 2: tuyên giáp, phân (nuôi cấy, trứng và ký sinh trùng, mỡ), chlorua trong mồ hôi

Bước 3: bệnh lao, HIV, thăm dò về hệ xương, các nghiên cứu về thận

Điều trị. Chỉ định nằm viện khi có suy dinh dưỡng nặng; nghi ngờ có đối xử tệ bạc hoặc bỏ mặc; có vấn đề quá mức trong quan hệ giữa cha mẹ – con; chức năng gia đình bị phá vỡ (thí dụ: những rào chắn đối với sự phát triển, gia đình không còn nề nếp, tình trạng suy sụp, phụ thuộc thuốc, bạo lực); hoặc thất bại khi điều trị bệnh nhân ngoại trú. Điều trị bệnh nhân ngoại trú thường thích hợp khi tình trạng chậm lớn ở mức độ trung bình (cân nặng của trẻ thấp hơn 60% cân nặng trung bình so với tuổi và thấp hơn 80% cân nặng trung bình so với chiều cao). Có thể kéo dài theo dõi hàng tuần sau khi đạt được cân nặng duy trì. Việc điều trị liên quan đến nhiều lĩnh vực, cộng tác của nhiều người như bố mẹ, thầy thuốc, người làm công tác xã hội, chuyên gia dinh dưỡng, và chuyên gia tâm lý học. Khi điều trị cần thực hiện một hoặc nhiều chiến lược sau: đầu tiên là điều trị các yếu tố thực thể; thực hiện một bản kế hoạch về dinh dưỡng được viết ra cho các bữa ăn chính và bữa ăn phụ với lượng calo lấy vào gấp 1,5 đến 2,0 lần so với bình thường; bắt đầu bổ sung vitamin; hỗ trợ bố mẹ theo dõi thời gian bữa ăn và hướng dẫn họ; xử trí các vấn đề gia đình cụ thể mà nó làm ảnh hưởng đến khả năng của gia đình trong chăm sóc trẻ (hiểu biết sai, tình trạng chán nản, lạm dụng ma túy); tranh thủ sự hỗ trợ xã hội (gia đình, bạn bè, nhà thờ); huy động các nguồn lực kinh tế và cộng đồng cho gia đình đó; thành lập mối liên kết trong việc chăm sóc và tiếp cận với đội ngũ điều trị; nâng cao năng lực của bố mẹ.

Bài trướcCác vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh
Bài tiếp theoNguyên nhân Sốt ở trẻ nhỏ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.