Viêm tủy leo cấp (Hội chứng Landry)

Viêm tủy leo cấp có đặc điểm lâm sàng là khởi phát giống viêm tủy ngang cấp, nhưng tiến triển nhanh chóng (hàng ngày, hàng giờ) lan dần từ thấp lên cao và có thể tổn thương lên hành não, gây tử vong nhanh do suy hô hấp và trụy tim mạch, tiên lượng dè dặt, tỷ lệ tử vong cao.

Lâm sàng

Khởi phát thường tổn thương ở tủy lưng, với biểu hiện liệt mềm hai chi dưới, trong vòng một vài ngày liệt lên hai chi trên. Bệnh nhân trở thành liệt mềm tứ chi, có thể thấy phản xạ bệnh lý bó tháp ở hai chi dưới.

Mức độ mất cảm giác cũng lan dần từ chân lên bụng, ngực, lên chi trên và lên cổ.

Rối loạn cơ vòng kiểu trung ương, lúc đầu thường là bí đại, tiểu tiện sau đái dầm ngắt quãng.

Khi tổn thương hai bên tủy không đồng đều, bên này nặng hơn bên kia hoặc sớm hơn bên kia, sẽ tạo nên hội chứng kiểu Brown-Sequard.

Sau đó bệnh tiếp tục tiến triển, bệnh nhân đau ở cổ, gáy rồi liệt các cơ ở cổ, tổn thương dây thần kinh hoành (biểu hiện: khó thở), tổn thương nhân dây thần kinh IX, X, XII (biểu hiện: nói khó, nghẹn, sặc, mất phản xạ họng hầu, liệt vận động lưỡi), cuối cùng rối loạn nhịp tim và bệnh nhân tử vong do trụy tim mạch.

Mức độ liệt và rối loạn cảm giác lúc đầu càng nặng thì tiến triển càng nhanh, tiên lượng càng xấu, bệnh nhân có thể chết trong vài ngày. Những trường hợp nhẹ, mức độ tổn thương không nặng, được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân không tử vong, sau 10 15 ngày bắt đầu triệu chứng hồi phục một phần.

Đa số để lại di chứng, thường để lại di chứng bại hoặc liệt cứng hai chi dưới, chi trên có thể phục hồi tốt hơn, có thể còn di chứng liệt hai chi dưới kiểu trung ương kết hợp bại hai chi trên hoặc một chi trên kiểu ngoại vi do tổn thương ở phình cổ (biểu hiện liệt mềm, teo cơ, mất phản xạ gân xương), hiếm gặp liệt ngoại vi ở hai chi dưới (tổn thương phình thắt lưng).

Rối loạn cơ vòng có thể được phục hồi, bệnh nhân đại, tiểu tiện chủ động được. Rất hiếm trường hợp hồi phục hoàn toàn không để lại di chứng gì.

Điều trị

Điều trị như viêm tủy ngang cấp, chú ý cần phát hiện sớm thể bệnh này. Khi có khó thở thì phải hỗ trợ hô hấp kịp thời, hồi sức tích cực cho bệnh nhân.

Bài trướcTác hại của việc uống nhiều rượu bia
Bài tiếp theoViêm tắc động mạch

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.