NHÓM NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH BÊN TRONG

Bình thường, năm thứ tình chí (vui, giận buồn, lo nghĩ, kinh sợ), biến đổi có chừng mực, không trở ngại đến sức khỏe.

Theo YHCT, 5 trạng thái tâm lý và hoạt động Tạng Phủ có liên quan mật thiết với nhau. Những trạng thái tâm lý đúng mức, không thái quá có tác dụng thúc đẩy hoạt động bình thường của các Tạng Phủ. Ngược lại, công năng sinh lý bình thường của các Tạng Phủ đưa đến những trạng thái thoải mái, trạng thái tâm lý tích cực, đúng mức. Mối liên hệ qua lại này đã thực sự tạo nên trạng thái sức khỏe toàn diện (thể chất và tinh thần).

Nếu tình chí bị kích động quá mức (những sang chấn tinh thần) sẽ gây ra sự mất quân bình về âm Dương, Khí, Huyết, Tạng, Phủ mà gây ra các bệnh Nội thương

Tình chí gây tổn thương khí, Huyết, Tinh của Tạng Phủ. “Giận quá hại Can; Vui quá hại Tâm; Buồn quá hại Phế; Lo nghĩ quá hại Tỳ; Sợ hãi quá hại Thận”. Đặc biệt, chúng còn làm ảnh hưởng tới khí của tạng phủ: “Giận làm khí thăng (cáu gắt); Vui thì Khí hoãn; Buồn thì tiêu Khí; Sợ thì Khí hạ …”

Vui mừng

Mừng là cái chí của Tâm, biểu hiện tâm tình vui sướng, mừng thì tâm thần thoải mái, khí bình hòa, dinh vệ thông lợi. Cho nên khi bình thường mừng chẳng những không có hại mà còn có bổ ích cho sức khỏe.

Nếu vui mừng quá độ, làm cho Tâm khí bị khuếch tán thì tâm thần không yên, nói cười không ngớt, cuồng vọng, mất trí.

Giận

Giận là chí của Can, khi giận thì phải tìm cách phát tiết ra ngoài. Tuy nhiên, nếu bộc lộ quá mức hoặc kiềm chế quá mức cũng làm cho Can bị bệnh.

Can bệnh hại đến Tỳ (Can khí hoành nghịch ): Giận hại Can, Tỳ, nên sau một cơn giận dữ thường có các chứng khí nghịch lên mà nôn, ngực sườn trướng đầy, tiêu hóa không tốt, không buồn ăn uống, thậm chí đại tiện tiết tả.

Giận thì Can khí nghịch lên (Can khí thượng xung ): Cho nên giận dữ mãi thì Huyết theo Khí đi lên, có thể gây ói ra máu. Nếu Khí – Huyết đều dồn lên trên, sẽ sinh chứng xây xẩm, mê man, choáng váng, đau đầu.

Buồn

Buồn là chí của Phế. Buồn làm cho Phế khí không thư thái người bệnh hay thở dài, tức ngực.

Nếu buồn rầu quá độ, chẳng những làm cho Phế khí tiêu hao, mà còn hại đến Tâm khí.

Lo lắng

Tư tưởng tập trung để suy tính, đắn đo gọi là lo nghĩ. Lo nghĩ là chí của Tỳ. Nếu suy tính, đắn đo quá mức dễ sinh ra hoang mang, lo ngại thì gọi là lo lắng. Lúc đó Tỳ khí bị uất kết mà ăn uống thất thường, da thịt ngày càng gầy rốc (lo lắng hại Tỳ).

Nếu bệnh tình phát triển làm cho Tâm khí hư tổn, thì có các chứng tim hồi hộp, mất ngủ, sợ hãi.

Kinh sợ

Kinh sợ là chí của Thận. Kinh sợ quá mức thì Thận tinh hao tổn ở trong mà thần chí cũng không được yên. Thiên Cử thống luận – sách Tố vấn nói: “Sợ thì hao Tinh”. Ngoài ra, Thận tinh suy kém hoặc Tâm huyết kém cũng dễ sinh ra sợ hãi.

Bài trướcBất nội ngoại nhân
Bài tiếp theoNgoại nhân

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.