THIẾT CHẨN

Thiết chẩn là phương pháp dùng tay để ấn hoặc sờ nắn vào những bộ vị trên cơ thể người bệnh (Xúc chẩn) để tìm kiếm các dấu chứng bất thường hoặc để bắt mạch (Mạch chẩn).

Xúc chẩn

Xúc chẩn là sờ nắn để xem vị trí và tính chất của các dấu chứng bệnh lý, thường xem ở tay, chân và bụng.

Xem phần da thịt

Cần chú trọng các tính chất sau:

Nóng ở ngoài da, sờ lâu thì giảm: Biểu nhiệt, sờ càng lâu càng thấy nóng: Lý nhiệt; hoặc sờ thấy nóng bừng nhưng bệnh nhân không sốt là Hư nhiệt (âm hư hoả vuợng).

Da nhuận trơn: Tân dịch chưa bị tổn thương; Da khô ráo: Tân dịch giảm

Phù: Sau khi ấn, vết lõm còn để lại là Thuỷ thũng, nếu vết lõm nổi đầy ngay là Khí thũng.

Mụn nhọt: Sưng không nóng là âm thư (áp xe lạnh); Sưng, nóng, đỏ, đau là Dương thư (áp xe nóng).

Xem tay chân:

Chủ yếu xem về Hàn nhiệt ư Tay chân lạnh, sợ lạnh là Dương hư.

Tay chân đều nóng nhiều là Nhiệt thịnh.

Nóng ở mu bàn tay là do Biểu nhiệt (Nhiệt thịnh ngoại cảm ).

Xem bụng (Phúc chẩn)

Tuỳ vị trí để xem tạng phủ nào có bệnh, cần chú trọng đến cơn đau, tình trạngứ trệcủa Khí Huyết, Hư, Thực của bệnh tình.

Thiện án (thích xoa bóp) thuộc Hư; Cự án (không thích xoa bóp) thuộc Thực.

Bụng có khối, rắn, đau, không di chuyển thường là Huyết ứ. Lúc có lúc không, ấn vào không thấy hình thể rõ ràng, không ở một nơi nhất định thường do Khí trệ

Mạch chẩn

Để chẩn mạch người thầy thuốc trước tiên cần biết rõ về những bộ vị chẩn mạch và tạng phủ được qui định tương ứng với những bộ vị ấy.

Bộ vị chẩn mạch và tạng phủ tương ứngư Thốn phải:Phế – Đại trường.

Thốn trái:Tâm – Tiểu trường.

Quan phải: Tỳ – Vị.

Quan trái: Can – Đởm.

Xích phải: Mệnh môn – Tam tiêu.

Xích trái: Thận – Bàng quang.

Mục đích của xem mạch để biết được tình trạng thịnh suy của các tạng phủ; vị trí nông sâu, tính chất hàn nhiệt của bệnh tật.

Nơi xem mạch: Tại động mạch quay ở tay, động mạch ở đùi, động mạch chày sau, động mạch mu chân, động mạch thái dương, nhưng vị trí tốt nhất là động mạch quay (thốn khẩu).

ở thốn khẩu nơi động mạch quay đi qua, nơi xem mạch được chia làm 3 bộ: Thốn, Quan, Xích. Bộ Quan tương đương với mỏm châm xương trụ kéo ngang, bộ Thốn ở dưới và bộ Xích ở trên bộ Quan.

Tay phải thuộc khí tay trái thuộc huyết và sơ đồ vị trí các tạng phủ tương ứng với các bộ vị như sau:

Bộ

Tay trái

Tay phải

Thốn

Tâm – Tiểu trường

Phế – Đại trường

Quan

Can – Đởm

Tỳ – Vị

Xích

Thận âm – Bàng quang

Thận dương – Tam tiêu

Cách xem mạch:Người bệnh để ngửa bàn tay, thầy thuốc dùng 3 ngón tay trỏ, giữa và áp út đặt vào mạch: ngón giữa bộ Quan, ngón trỏ bộ Thốn và ngón áp út bộ Xích; Tùy theo người cao thấp, nhỏ hay lớn mà các ngón tay đặt thưa hay khít lại. Tay phải của thầy thuốc thì xem tay trái của bệnh nhân và ngược lại tay trái của thầy thuốc xem tay phải của bệnh nhân.

Người bệnh nên nghỉ ngơi 15 phút trước khi xem mạch, nằm hay ngồi thoải mái, chẩn mạch vào buổi sáng lúc chưa ăn gì là tốt nhất. Thầy thuốc phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, tập trung tư tưởng, chú ý cảm giác đầu các ngón tay.

Có 3 mức độ ấn tay: ấn nhẹ đã thấy mạch đập (thượng án) là mạch Phù; ấn vừa phải (Trung án) và ấn sâu sát xương thấy mạch đập (Hạ án) là mạch Trầm.

Xem mạch có 2 loại: Xem chung cả 3 bộ (tổng khán) để nhận định tình hình chung; cách này được dùng thông thường nhất; Xem từng bộ vị (vi khán, đơn khán) để đánh giá tình hình tạng phủ. Thường phối hợp cả 2 cách xem. Tổng khán trước rồi đơn khán sau.

Các hiện tượng về mạch – Mạch bình thường:

Mạch bình thường là mạch có đập ở cả 3 bộ không phù không trầm, người lớn 70 – 80 lần / phút, hòa hoãn có lực, đi lại điều hòa. Người xưa nói mạch bình thường là mạch có vị khí, có thần và có gốc “Vị khí là gốc của con người” nên mạch, có vị khí thì hòa hoãn, điều hòa còn vị khí là mạch thuận, không còn vị khí là mạch nghịch; Dùng để đánh giá tiên lượng của bệnh; mạch có thần là mạch có lực; Thận khí là gốc của con người biểu hiện ở 2 mạch xích, mạch bình thường là mạch xích có lực đó là gốc của mạch, khi có bệnh mạch quan thốn mất mà mạch xích còn thì bệnh tình chưa nguy hiểm.

Xem mạch bình thường có quan hệ chặt chẽ mật thiết với thời tiết khí hậu, tuổi tác, giới, thể chất và tình trạng tinh thần con người: Trẻ em thường mạch đập 120 – 140 lần / phút; 6 tuổi 90 – 110 lần; Thanh niên người mạnh khỏe mạch đi có lực; Người già, người yếu mạch đập yếu; Mạch của phụ nữ (tuổi người lớn) yếu hơn mạch nam giới; người cao lớn thì mạch dài hơn, người thấp thì mạch ngắn, người gầy thì mạch hơi phù, người béo thì mạch hơi trầm. Thời tiết khí hậu cũng ảnh hưởng đến mạch: Mùa xuân mạch hơi huyền, mùa hạ mạch hơi hồng, mùa thu mạch hơi phù, mùa đông mạch hơi trầm.

Mạch khi có bệnh: Khi có bệnh mạch có thể thay đổi về vị trí nông sâu; về tốc độ nhanh chậm; Về cường độ có lực hay không có lực, có quy luật hay không theo quy luật. Có những loại mạch kết hợp cả mấy mạch trên gọi là Kiêm mạch.

Kỹ thuật bắt mạch

Cách đặt ngón tay:

“Khi mới đặt ngón tay xuống, đầu tiên để ngón tay giữa vào bộ Quan (chỗ ngang lồi xương quay), rồi đặt luôn 2 ngón trỏ và áp út là 2 bộ mạch còn lại. Ngón tay trước là bộ Thốn, ngón tay sau là bộ Xích”. Sách Hoạt nhân thư – Chu Quảng có ghi: Khi đặt ngón tay cần phải để đầu ngón tay bằng nhau và chú ý đừng để đếm lầm mạch đập ở đầu ngón tay của mình với mạch đập của người bệnh.

Cách định hơi thở khi khám mạch:

Đầu tiên người thầy thuốc cần tập luyện sao cho hơi thở luôn phù hợp với trạng thái yên tĩnh mỗi khi khám mạch. Bình thường mỗi hơi thở (thở ra và hít vào) thì mạch đập 4 lần. Ngày nay, vấn đề xác định mạch nhanh chậm không nhất thiết chỉ dựa vào hơi thở mà có thể dựa vào tần số tim / phút (ví dụ như mạch Trì: < 60lần/ phút; Mạch Hoãn 60 – 80 lần / phút; Mạch Sác 80 – 100 lần / phút).

Những điểm cần chú ý khi khám mạch:

Thời điểm chẩn mạch: Thiên Mạch yếu tinh vi luận – Tố vấn ghi rằng: “Chẩn mạch thường vào lúc tảng sáng, âm khí chưa động, dương khí chưa tan, chưa ăn uống vào, kinh mạch chưa thịnh lúc đó mạch lạc đều đặn, khí huyết chưa rối loạn, cho nên mới xem được mạch có bệnh”.

Tình hình thực tế không cho phép và cũng không thật nhất thiết chỉ có thể chẩn mạch vào lúc sáng sớm là chính xác, do đó vấn đề chủ yếu là chẩn mạch vào lúc thầy thuốc và bệnh nhân đã ổn định tư thế. Không chẩn mạch khi đói quá, no quá, khi mới uống rượu xong hoặc mới vừa vận động xong.

Bài trướcBát cương
Bài tiếp theoVấn chẩn

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.