RỐI LOẠN THẦN KINH TIM

Đây là một hội chứng bệnh thường hay gặp ở người trẻ với biểu hiện lâm sàng là cảm giác đau nhói vùng ngực, hay hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim thường đều nhanh, có ngoại tâm thu.

Bệnh do nhiều nguyên nhân dẫn đến nhưng bản chất là do rối loạn chức năng hệ thống thần kinh ngoài tim. (Dây phế vị – X dây giao cảm)

Trong Y học cổ truyền, chứng rối loạn thần kinh tim nằm trong phạm vi chứng Kinh quý. Kinh quý là tình trạng bệnh lý mà người bệnh có cảm giác hay hồi hộp, tim đập lúc nhanh lúc chậm, tinh thần thường lo lắng không yên.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền

Do tâm thần bất ninh:Sau khi bệnh nhân có những sang chấn tinh thần đột ngột, hay tức giận quá mức làm ảnh hưởng đến chức năng của tạng thận và rối loạn sơ tiết của tạng can, bệnh kéo dài ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, tỳ hư sinh thấp, thấp ngưng thành đàm. Kết hợp với khí uất hóa hỏa, đàm hỏa làm nhiễu loạn tâm thần mà đưa đến kinh quý.

Do tâm huyết bất túc:Thường gặp ở những người suy nhược cơ thể hay mất máu kéo dài làm tổn thương phần âm huyết. Hoặc suy nghĩ lao lực quá độ làm tổn thương tới tỳ vị. Tỳ mất kiện vận cũng dẫn đến nguồn gốc sinh hóa khí huyết không đủ. Khí huyết thiếu làm tạng tâm mất cơ sở nuôi dưỡng, thận không tàng trữ mà dẫn đến kinh quý.

Do âm hư hỏa vượng:Thường hay gặp ở những người bị bệnh kéo dài, sốt kéo dài làm tổn thương phần âm dịch trong cơ thể mà thường là thận âm hư và tâm âm hư dẫn đến hư hỏa vong động mà hình thành kinh quý.

Do dương khí suy nhược:Cũng thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh lâu ngày làm cho phần dương khí trong cơ thể bị tổn thương. Dương khí là động lực cho sự vận hành của huyết mạch trong cơ thể. Tâm dương hư làm cho huyết mạch vận hành trong mạch quản bị ảnh hưởng dẫn đến kinh quý.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Thể tâm thần bất ninh

Triệu chứng: Hồi hộp đánh trống ngực, tinh thần thường lo lằng, hồi hộp, nằm ngồi bất an. Ngủ ít, giấc ngủ không sâu hay mê. Chất lưỡi và rêu lưỡi bình thường, mạch hư sác.

Pháp điều trị: Trấn kinh an thần

Bài thuốc cổ phương: An thần định chí hoàn

Nhân sâm 16g Long cốt 16g

Phục thần 12g Viễn trí 6g

Thạch xương bồ 8g Bán hạ chế 8g

Mẫu lệ 12g Bá tử nhân 12g

Hắc táo nhân 12g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu bệnh nhân ăn kém, dễ nôn, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác gia thêm: Trần bì, Chỉ thực, Trúc nhự.

Nếu sắc mặt nhợt, chất lưỡi nhợt, tinh thần mệt mỏi gia thêm: Hoàng kỳ, Bạch truật, Đương quy, Long nhãn.

Châm cứu: Châm bổ Thái xung, Thái khê, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.

Thể tâm huyết hư

Triệu chứng: hồi hộp đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt, váng đầu, sắc mặt nhợt nhạt, móng tay, móng chân trắng nhợt, mệt mỏi, chất lưỡi đỏ nhợt, mạch tế.

Pháp điều trị: Ích khí, bổ huyết, dưỡng tâm, an thần.

Bài thuốc cổ phương: Quy tỳ thang gia vị

Đẳng sâm 12g Hoàng kỳ 12g

Đương quy 12g Bạch truật 12g

Bắc mộc hương 4g Viễn trí 6g

Táo nhân 12g Long nhãn 10g

Phục thần 12g Chích cam thảo 4g

Sinh khương 3 lát Đại táo 3 quả

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Châm cứu: Châm bổ hoặc cứu các huyệt: Tâm du, Cao hoang, Tam âm giao, Nội quan, Thần môn.

Thể âm hư hỏa vượng

Triệu chứng: Hồi hộp đánh trống ngực, tinh thần lo lắng không yên, ngủ kém, váng đầu, hoa mắt, tai ù, lưng mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư âm thanh hỏa

Bài thuốc cổ phương: Thiên vương bổ tâm đan gia giảm

Toan táo nhân 10g Đan sâm 16g

Thiên môn 12g Mạch môn 12g

Ngũ vị tử 6g Thục địa 12g

Viễn trí 6g Long nhãn 12g

Đẳng sâm 12g Bá tử nhân 10g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Hoặc sao giòn, tán bột làm hoàn, mỗi ngày uống 20 – 30 g chia 2 – 3 lần. Uống sau bữa ăn.

Châm cứu: châm bổ các huyệt Tâm du, Can du, Cao hoang, Tam âm giao, Nội quan, Thần môn, Thận du, Thái khê, Thái xung.

Thể dương khí suy nhược

Triệu chứng: Hay hồi hộp đánh trống ngực kèm theo tức ngực khó thở, người lạnh, chân tay lạnh, phù nhẹ chi dưới, tiểu tiện ít, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch vi tế hoặc kết đại.

Pháp điều trị: Ôn vận dương khí, an thần.

Bài thuốc cổ phương: Tế sinh thận khí hoàn

Thục địa 16g Hoài sơn 12g

Sơn thù 8g Trạch tả 12g

Đan bì 8g Phục linh 12g

Nhục quế 4g Hắc phụ tử 6g

Ngưu tất 12g Sa tiền tử 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Châm cứu: Cứu hay ôn châm các huyệt: Quan nguyên, Khí hải, Tam âm giao, Thận du, Tỳ du, Tâm du…

Bài trướcTĂNG HUYẾT ÁP TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoHUYẾT ÁP THẤP TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.