VIÊM GAN MẠN TÍNH

Viêm gan mạn tính là bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân, nhưng đều dẫn tới quá trình viêm mạn tính ở gan. Hậu quả của quá trình viêm và hoại tử tế bào gan là sự tái sinh liên tục tế bào gan và phát sinh các sợi Collagen ngoài tế bào dẫn tới xơ gan.

Y học hiện đại chia viêm gan mạn tính làm 4 loại:

Viêm gan mạn do virus

Viêm gan mạn do tự miễn

Viêm gan mạn do thuốc

Viêm gan mạn tiềm tàng.

Với sự hỗ trợ của mô bệnh học sẽ giúp cho chẩn đoán và phân loại viêm gan mạn, mức độ hoạt động viêm và các giai đoạn, hình thành tổ chức xơ cững như tiên lượng bệnh

Trong Y học cổ truyền viêm gan mạn nằm trong phạm vi chứng hiếp thống. Hiếp thống là một thuật ngữ trong Y học cổ truyền để chỉ tình trạng bệnh lý biểu hiện chủ yếu trên lâm sàng là đau tức nặng ở vùng mạng sườn.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền củaViêm gan mạn tính

Theo Y học cổ truyền, vùng mạn sườn là chỗ trú của can đởm, do vậy hiếp thống có mối liên quan chặt chẽ với rối loạn chức năng của tạng phủ Can – Đởm. Can với chức năng là điều đạt, đởm với chức năng là sơ tiết. Do vậy khi can khí thăng giáng thất thường, đởm dịch sơ tiết bị rối loạn, làm cho mạch lạc không thông, huyết ứ đình ngưng, hoặc kinh mạch mất sự nuôi dưỡng… đều có thể là những nguyên nhân dẫn đến hiếp thống.

Chứng hiếp thống có thể khái quát thành hai loại Hư và Thực. Thực chứng có thể phân thành: khí ngưng, huyết ứ, can đởm thấp nhiệt. Hư chứng phần lớn là thể âm hư sinh nội nhiệt.

Khí ngưng: Đa phần có mối quan hệ mật thiết với tình chí bị tổn thương, làm cho can khí uất kết. Hoặc do ăn nhiều đồ ăn có dầu mỡ, uống quá nhiều rượu cũng làm ảnh hưởng tới lưu chuyển khí trong cơ thể mà dẫn tới khí ngưng.

Huyết ứ: Khí là soái của huyết, khí ngưng lâu ngày sẽ làm huyết không được lưu thông, mạch lạc mất điều hòa mà dẫn đến huyết ứ. Thường bệnh trong thời kỳ đầu là khí ngưng, bệnh kéo dài là huyết ứ.

Can đởm thấp nhiệt: Can mạch phân bố ở vùng hạ sườn, đởm mạch tuần hoàn ở vùng mạng sườn. Nếu như thấp nhiệt tà ôn kết ở trung tiêu, thiêu đốt can đởm làm cho can đởm mất đi sự sơ tiết và điều đạt thường dẫn đến hiếp thống.

Âm hư nội nhiệt: Can mạch phân bố ở vùng mạng sườn, bệnh can lâu ngày không khỏi, can âm dần bị tổn thương, làm cho lạc mạch mất đi sự nuôi dưỡng dẫn tới hiếp thống.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền.

Viêm gan mạn tínhThể khí ngưng

Triệu chứng: đau tức nặng ở vùng hạ sườn phải, mỗi khí tinh thần bị kích động, tức giận thì cảm giác này lại tăng lên. Ăn uống kém, miệng đắng, người mệt mỏi, khi gắng sức thì nước tiểu vàng, chất lưỡi bình thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền.

Pháp điều trị: Sơ can lý khí, kiện tỳ.

Bài thuốc: Sài hồ sơ can thang gia vị

Sài hồ 12g Cam thảo 6g

Hương phụ 8g Chỉ xác 10g

Bạch thược 16g Liên nhục 16g

Hoài sơn 12g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Nếu bệnh nhân đau tức ở vừng mạng sườn nhiều gia thêm: Thanh bì, Bạch giới tử.

Nếu khí ngưng kéo dài uất hóa hỏa, người bệnh có cảm giác nóng rát ở vùng mạng sườn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, đại tiện táo, mạch huyền sác… gia Đan bì, Chi tử.

Nếu có biểu hiện vị mất hòa giáng, trên lâm sàng người bệnh xuất hiện thêm buồn nôn… gia Bán hạ chế, Sinh khương.

Viêm gan mạn tínhThể huyết ứ

Triệu chứng: Vùng hạ sườn phải có cảm giác đau như kim châm, chỗ đau thường cố định, không di chuyển, về đêm thường đau tăng lên, đôi khi có thể sờ thấy một khối rắn ở vùng hạ sườn phải, chất lưỡi tím sẫm mạch trầm sáp.

Pháp điều trị: Hoạt huyết khứ ứ.

Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang

Đương quy 16g Hồng hoa 8g

Sài hồ 10g Sinh địa 12g

Chỉ xác 10g Cam thảo 6g

Đào nhân 8g Xích thược 12g

Cát cánh 10g Xuyên khung 8g

Ngưu tất 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu biểu hiện huyết ứ nặng: gan to, lách to và đau nhiều, thể trạng bệnh nhân còn tốt có thể gia thêm: Tam lăng, Nga truật, Xuyên sơn giáp

Nếu có xuất huyết gia thêm: Tam thất.

Viêm gan mạn tínhThể can đởm thấp nhiệt

Triệu chứng: Đau tức vùng mạng sườn phải, miệng đắng, ngực có cảm giác đầy tức, ăn kém, không muốn ăn, đôi khi có cảm giác nôn, buồn nôn, củng mạc mắt vàng, da vàng, có thể kèm theo sốt, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng.

Bài thuốc: Nhân trần ngũ linh tán gia giảm

Nhân trần 16g Bạch truật 16g

Phục linh 16g Trư linh 12g

Trạch tả 12g Xa tiền tử 12g

Đảng sâm 16g Ý dĩ 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Để tăng cường tác dụng sơ can hòa vị, lý khí chỉ thống có thể gia Xuyên luyện tử, Diên hồ sách, Bắc mộc hương, Bán hạ chế.

Nếu đại tiện táo, bụng chướng đầy gia: Đại hoàng, Mang tiêu.

Nếu sốt cao gia Hoàng bá, Chi tử.

Viêm gan mạn tínhThể âm hư nội nhiệt

Triệu chứng: Đau tức vùng hạ sườn phải, ăn kém, nước tiểu vàng. Mỗi khi lao lực mệt mỏi những triệu chứng này lại tăng lên. Miệng khô, họng khô, đắng miệng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: Tư âm dưỡng can

Bài thuốc: Nhất quán tiễn gia giảm

Sa sâm 16g Đương quy 12g

Kỷ tử 12g Mạch môn 12g

Sinh địa 12g Xuyên luyện tử 12g

Bạch thược 12g Hà thủ ô 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Nếu đau tức hạ sườn phải nhiều gia Diên hồ sách, Uất kim, Trầm hương.

Nếu âm hư hóa nội nhiệt mạnh, người bệnh miệng khô đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn gia Nữ trinh tử, Phục linh…

Điều trị Viêm gan mạn tính ngoài dùng thuốc Y học cổ truyền cần phải sử dụng đúng các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng của Y học hiện đại để theo dõi đánh giá chức năng về sinh hóa, miễn dịch, hình ảnh… cũng như phải có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, loại trừ các yếu tố nguy cơ.

Bài trướcVIÊM GAN VIRUT CẤP TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoCHỮA TRỊ BỆNH TÁO BÓN MẠN TÍNH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.