VIÊM PHẾ QUẢN

Viêm phế quản thuộc phạm vi của chứng “Khái thấu” và “Đàm ẩm” trong Y học cổ truyền. Bệnh thường phát sinh ra cả 4 mùa trong năm, nhưng thường hay gặp nhất là mùa Đông – Xuân do hai mùa này thời tiết thường có nhiều biến đổi. Bệnh thường gặp ở trẻ em và người già yếu.

Y học cổ truyền có tác dụng tốt trong điều trị Viêm phế quản mạn tính và giai đoạn đầu của bệnh Viêm phế quản cấp, còn giai đoạn sau của Viêm phế quản cấp và đợt cấp của Viêm phế quản mạn tính Y học cổ truyền đóng vai trò hỗ trợ, điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền của Viêm phế quản

Nguyên nhân do yếu tố bên ngoài.

Chủ yếu do cảm phải tà khí của lục dâm như ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt. Những yếu tố này làm cho phế khí bị ngưng trệ, mất tuyên thông, chức năng giáng khí của phế bị rối loạn dẫn đến ho, khạc đờm nhiều. Ngoài ra, một số trường hợp vào mùa thu táo tà từ bên ngoài xâm phạm vào phế, làm tổn thương tân dịch của phế dẫn đến ngứa họng, ho khan.

Nguyên nhân do yếu tố bên trong

Thường do chức năng của ba tạng Phế, Tỳ, Thận bị suy giảm. Hàn thấp làm Tỳ bị tổn thương, Tỳ mất kiện vận sinh đàm, đàm ứ lại gây ho khạc đờm nhiều. Hoặc do trường vị tích nhiệt, nhiệt làm tổn thương Phế, phế thận âm hư làm cho khí và tân dịch đều bị tổn thương dẫn đến ho và khạc đờm.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền.

Viêm phế quản cấp tính

Thường do phong hàn, phong nhiệt và khí táo gây ra

Viêm phế quảnThể phong hàn

Thường gặp ở giai đoạn đầu của Viêm phế quản cấp.

Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh ho, đờm trong loãng, sắc trắng, dễ khạc, kèm theo tắc mũi, chảy nước mũi trong.

Toàn thân: sốt, sợ lạnh, đau đầu, cảm giác mỏi người, không ra mồ hôi, khản tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Pháp điều trị: Sơ tán phong hàn, tuyên phế hóa đàm.

Bài thuốc cổ phương: Hạnh tô tán gia giảm

Hạnh nhân 12g Tô diệp 10g

Trần bi 8g Chỉ xác 8g

Tiền hồ 12g Cát cánh 10g

Bán hạ chế 8g Phục linh 16g

Sinh khương 3lát Cam thảo 4g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Châm cứu: Châm tả các huyệt Phong môn, Hợp cốc, Khúc trì, Ngoại quan, Xích trạch, Thái uyên.

Viêm phế quảnThể phong nhiệt

Thường gặp trong giai đoạn cấp hoặc đợt cấp của Viêm phế quản mạn tính.

Triệu chứng lâm sàng: Tiếng ho nặng, khạc đờm đặc hay vàng, miệng khát, họng đau, nước mũi vàng đục.

Toàn thân đau mỏi, sốt cao, ra mồ hôi, nhức đầu, sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc trắng mỏng, mạch phù sác.

Pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, tuyên thông phế khí.

Bài thuốc cổ phương: Tang cúc ẩm gia giảm

Tang diệp 12g Cúc hoa 12g

Liên kiều 16g Tiền hồ 12g

Bạc hà 6g Hạnh nhân 12g

Cát cánh 10g Cam thảo 6g

Lô căn 8g Ngưu bàng tử 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Châm cứu: Châm tả các huyệt Trung phủ, Thiên đột, Phế du, Phong môn, Hợp cốc, Ngoại quan, Xích trạch, Liệt khuyết.

Viêm phế quảnThể khí táo

Triệu chứng: Ho khan, ít đờm, đôi khi ho có lẫn ít đờm, trong có tia máu, họng khô, mũi khô, lưỡi khô. Phát sốt, sợ gió đau họng, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: Nhuận táo dưỡng phế

Nếu ôn táo thì kiêm thêm: Sơ phong thanh nhiệt

Nếu lương táo thì kiêm thêm: Sơ tán phong hàn

Bài thuốc cổ phương: Tang bạch thang gia giảm

Tang diệp 12g Hạnh nhân 12g

Sa sâm 12g Xuyên bối mẫu 6g

Đậu xị 12g Chi tử 8g

Cát cánh 10g Tiền hồ 12g

Cam thảo 6g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu thiên về lương táo thì bỏ Sa sâm, Tang diệp gia Kinh giới, Phòng phong Tử uyển, Khoản đông hoa… để tăng cường tuyên phế, tán hàn, hóa đàm.

Châm cứu: Trung phủ, Phế du, Xích trạch, Thái uyên, Hợp cốc, Khúc trì

Viêm phế quản mạn tính

Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính được chữa như viêm phế quản cấp. Nếu không trong đợt cấp thì viêm phế quản mạn tính được phân thành 2 thể lâm sàng.

Viêm phế quảnThể đàm thấp:

Triệu chứng: ho, khạc đờm nhiều, đờm trắng, dính loãng hoặc thành cục. Ngực bụng có cảm giác đầy tức, ăn kém, tinh thân mỏi mệt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt.

Pháp điều trị: Kiện vận tỳ vị, táo thấp hóa đàm.

Bài thuốc cổ phương: Kết hợp hai bài thuốc Lục quân tử thang và Bình vị tán gia vị.

Đẳng sâm 12g Bạch truật 16g

Phục linh 16g Cam thảo 4g

Trần bì 8g Bán hạ chế 10g

Thương truật 12g Hậu phác 12g

Sinh khương 3 lát Đại táo 3 quả

Ngưu bàng tử 12g Hạnh nhân 12g

Ý dĩ 16g

Viêm phế quảnThể thủy ẩm (hàn ẩm):

Thường hay gặp ở người bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo giãn phế nang ở người cao tuổi, suy giảm chức năng hô hấp rõ, bệnh tâm phế mạn.

Triệu chứng: Ho kéo dài, hay tái phát, khó thở, khi trời lạnh thì ho tăng lên, khạc ra nhiều đờm loãng trắng. Khi vận động các triệu chứng trên tăng lên. Khó thở nhiều khi nằm phải gối đầu cao.

Pháp điều trị: Ôn phế hóa đàm.

Bài thuốc cổ phương: Tiểu thanh long thang gia giảm

Ma hoàng 6 – 8 g Quế chi 8g

Tế tân 4 – 6 g Can khương 6g

Bán hạ chế 12g Ngũ vị tử 6 – 8 g

Bạch thược 12g Cam thảo 6g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần

Nếu ho nhiêu gia thêm Tử uyển, Khoản đông hoa

Nếu đờm nhiều nghe lọc xọc bên trong gia thêm Đình lịch tử

Châm cứu: Cứu các huyệt: Tỳ du, Vị du, Phế du, Cao hoang, Túc tam lý, Phong long, Thái bạch

Bài trướcBệnh động mạch chi dưới trong Y học cổ truyền – Đông y
Bài tiếp theoTHẤT ÂM (MẤT TIẾNG) TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.