MỐI QUAN HỆ GIỮA PHƯƠNG TỄ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU

Trong Đông y, phép biện chứng của Y học cổ truyền (YHCT) được thể hiện bằng lý, pháp, phương. Như vậy có mối liên hệ chặt chẽ giữa phương tễ và pháp trị liệu, nếu phương tễ phù hợp với pháp trị liệu thì hiệu quả điều trị tốt và ngược lại.

Phương tễ không có nghĩa là đã hoàn thành các phương pháp điều trị. Một phương thuốc tốt không có nghĩa là trên lâm sàng tốt mà phải căn cứ vào lý luận và điều trị.

VD: Phương thuốc Đại thừa khí thang để điều trị chứng táo bón do nhiệt kết ở hạ tiêu, là một phương tễ hoàn hảo bởi sự kết hợp chặt chẽ giữa các vị thuốc, nhưng dù phương thuốc đó tốt không có nghĩa là trên lâm sàng cứ táo bón ta dùng nó, thực tế lâm sàng sẽ phản ánh đầy đủ tác dụng tốt hay không tốt của phương thuốc đó nếu ta không biện chứng xem tạng chủ chứng do gì.

Giai đoạn luận trị tốt sẽ đưa ra phương pháp điều trị chính xác.

Nguyên tắc điều trị trong YHCT

Y học cổ truyền đòi hỏi phải linh hoạt: Những bệnh khác nhau mà quá trình bệnh lý diễn biến giống nhau thì điều trị giống nhau, bệnh giống nhau mà cơ chế bệnh lý có chỗ khác nhau thì phép chữa khác nhau.

Vậy điều quan trọng là phải nắm vững cơ chế sinh của bệnh lý và quy về bát cương.

Trị vị bệnh

Phòng bệnh khi bệnh chưa phát

Là đề phòng ngăn ngừa tác nhân gây bệnh, chữa bệnh khi chưa có bệnh, là phương pháp dưỡng sinh làm cho con người thích hợp với thiên nhiên.

Phòng bệnh khi đã có bệnh

Là điều trị dự phòng sớm khi bệnh mới mắc, không để bệnh tiến triển nặng thêm. Bệnh tiến triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự thịnh vượng của chính khí, chính khí mạnh làm tà khí yếu và ngược lại.

Vì vậy, bổ chính khí là sợi chỉ hồng xuyên suốt quá trình điều trị của Y học cổ truyền.

Tiêu và bản

Bản là gốc của bệnh (là nguyên nhân của bệnh), tiêu là ngọn của bệnh (là triệu chứng của bệnh).

Tiêu và bản đối lập nhau nhưng có mối liên hệ nhân quả với nhau.

Chữa bệnh phải tìm tận gốc

Gốc là nguyên nhân, ngọn là kết quả, điều trị gốc khỏi ắt ngọn khỏi.

Ví dụ: Hàn tà xâm phạm vào cơ thể gây nên triệu chứng phát sốt, sợ lạnh. Hàn là gốc, sợ lạnh phát sốt là ngọn; khi điều trị đem tán hàn thì sẽ hết sốt, hết sợ lạnh.

Cấp thì phải chữa tiêu trước

Triệu chứng trực tiếp đe dọa bệnh nhân, vượt khả năng chần đoán thì linh hoạt chữa triệu chứng trước (chữa tiêu). Ví dụ bệnh nhân bị đau dạ dày, đột nhiên bị xuất huyết đường tiêu hóa, dấu hiệu mất máu nặng phải truyền máu và dùng thuốc cầm máu là chính để cứu người bệnh qua khỏi cơn hiểm nghèo.

Điều trị cả tiêu lẫn bản

Nếu triệu chứng rất cấp, nguyên nhân cũng không thể chậm trễ giải quyết thì chữa cả triệu chứng và điều trị cả nguyên nhân. Có khi coi tiêu hơn bản hoặc coi trọng bằng nhau. Ví dụ điều trị bệnh thổ tả phải truyền dịch cấp tốc và tiêu diệt phẩy trùng tả.

Lập pháp chế phương

Pháp bổ và pháp tả

Bệnh tật là quá trình đấu tranh giữa chính khí và tà khí. Tà khí mạnh là thực chứng thì khu tà là chính, dùng tả pháp; chính khí hư là hư chứng, phải bổ lại chính khí, dùng pháp bổ (hư thì bổ mẹ, thực thì tả con).

Ví dụ :

Mạch thực, da nóng là thực tà ở biểu; bụng trướng, đại tiện không thông là bệnh tà ở lý. Nếu tà ở biểu thì giải biểu, phát tán ; tà ở lý thì công hạ.

Mạch tế, tay chân lạnh là dương hư, chính khí hư nhược ; ỉa chảy, ăn uống không được là lý hàn.

Nếu dương hư thì bổ dương ; tỳ hư kèm theo thì bổ dương, kiện tỳ. Trường hợp trong thực có hư hoặc trong hư có thực (hư trung, hiệp thực) việc vận dụng bổ tả phải thật nghệ thuật. Trong trường hợp chân hàn giả nhiệt hoặc chân nhiệt giả hàn cũng phải linh hoạt, xác định bản chất của bệnh.

Chính trị và phản trị

Chính trị (nghịch trị): Dùng thuốc trái ngược với thể bệnh tức là bệnh nhiệt dùng thuốc hàn, bệnhư hàn dùng thuốc nhiệt.

Hàn dùng thuốc nhiệt như biểu hàn thì dùng tân ôn giải biểu; lý hàn thì dùng thuốc ôn trung tán hàn.

Nhiệt dùng thuốc hàn như biểu nhiệt thì dùng tân lương giải biểu, lý nhiệt thì công hạ thanh lý.

Hư bổ, thực tả :

Bổ hư (âm, dương, khí, huyết): Âm hư thì bổ âm, dương hư thì bổ dương (trợ dương), khí hư thì bổ khí, huyết hư thì bổ huyết.

Tả (biểu lý, hàn nhiệt, âm dương): Tả biểu (phát tán phong hàn, phong nhiệt, phong thấp), tả lý (thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt giáng hỏa, thanh nhiệt táo thấp, thanh nhiệt lương huyết), khối u (nhuyễn kiên, tán kết). Nhân nhiệt dùng thuốc nhiệt, nhân hàn dùng thuốc hàn.

Phản trị (tòng trị): Là cách dùng thuốc thuận với triệu chứng, bệnh nhiệt dùng thuốc nhiệt, bệnhư hàn dùng thuốc hàn dùng trong các trường hợp chân giả. Bản chất của tòng trị vẫn là chính trị.

Người ta cho rằng thực nhiệt đến cực độ sinh giả hàn, cực hàn ở trong sinh ra giả nhiệt. Như vậy thực chất là chữa chính trị với gốc bệnh.

Tắc nhân tắc dụng

Tác nhân =bế tắc, tác dụng = bồi bổ.

Bế tắc thì dùng thuốc bổ để chữa. Tỳ dương hư thì không vận hóa được thủy cốc làm cho trường vị hư hàn, hàn lưu trệ lại sinh chứng đầy, đại tiện táo, nhuận tràng sẽ không giải quyết được mà sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Bổ tỳ vị hoặc bổ dương khí làm cho tỳ vị ấm lên sẽ phục hồi chức năng vận hành thủy cốc, bụng hết trướng, đại tiện nhuận.

Thông nhân, thông dụng

Là phương pháp chữa chứng hạ lợi: Dùng thuốc công hạ. Ví dụ hội chứng kiết lỵ điều trị bằng lá mơ trứng gà. Lá mơ có tá dụng làm tăng nhu động ruột, bệnh nhân đi ỉa xong thì hết kiết lỵ (chú ý xem bệnh nhân có tích trệ hay không).

Nhân thời, nhân địa, nhân chi thi trị

Tùy theo mùa, thời tiết, địa phương, tập quán, hoàn cảnh và thể chất người bệnh mà ứng dụng điều trị thích hợp và toàn diện.

Nhân thời nghi trị

Là phương pháp chữa bệnh hợp với thời tiết.

Ví dụ: Lạnh không nên dùng thuốc khổ hàn nhiều. Mùa hè dùng nhiều thuốc cay nóng quá sẽ làm ảnh hưởng đến dương khí, khí hậu trái ngược, bệnh tà đe dọa chính khí nên khi dùng thuốc phải linh hoạt.

Nhân địa chế nghi

Là phương pháp chữa bệnh thích hợp từng vùng. Tùy địa dư người bệnh và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thuốc điều trị cho thích hợp. Ví dụ vùng Quảng Bình, Vĩnh Linh người bệnh đau dạ dày vẫn dùng ớt.

Nhân chi thi trị

Cần phân biệt người khỏe yếu, gầy béo trong khi dùng thuốc hay châm cứu.

Người khỏe mạnh dùng phương pháp mạnh, người yếu dùng phương pháp nhẹ.

Người lao động trí óc hay buồn rầu, lo lắng, thường bị bệnh ở kinh mạch nên điều trị bằng châm cứu tốt.

Người lao động chân tay khó nhọc, bệnh thường ở gân mạch, dùng phương pháp mạnh để điều trị.

Người suy nhược, lao lực quá độ bệnh phát sinh nên điều trị bằng thuốc.

Tính năng của thuốc

Thuốc có hàn, nhiệt, ôn, lương.

Dương thịnh thực nhiệt nên dùng hàn lương, âm thịnh hư hàn nên dùng thuốc ôn nhiệt, biểu thực thì phát tán, lý thực thì tiết chế bằng thuốc đắng lạnh, hoặc mặn lạnh.

Khí vị thuốc mặn vào thận, chua vào can, đắng vào tâm, ngọt vào tỳ, cay vào phế.

Chế ước phải thích nghi

Thuốc điều trị phải dùng đủ liều, nếu quá liều âm dương sẽ mất thăng bằng. Tùy bệnh nhẹ, nặng mà dùng phương nhỏ 1 – 2 vị, phương vừa 5 – 7 vị, phương lớn nhiều vị. Khi chữa được khỏi 7/10 là bệnh sẽ tự khỏi, không quá liều. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai, trẻ em phải chú ý khi dùng thuốc có độc.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.