DẤU HIỆU CHẮC CHẮN CÓ THAI
Bao gồm nghe được tim thai, sờ được các phần của thai nhi hoặc nhìn thấy hình ảnh thai nhi qua siêu âm.
3.1. Tim thai
Với ống nghe gỗ ta có thể nghe được tim thai từ tuần lễ thứ 20-22, với tần số 120-160 nhịp/phút. Với máy Doppler ta có thể nghe được tim thai từ tuần lễ thứ 10-12 trở đi. Khi nghe tim thai nên phân biệt với mạch mẹ thường có tần số chậm hơn nhiều, bằng cách vừa nghe tim thai vừa bắt mạch mẹ (động mạch quay).
3.2. Nắn được phần thai
Cho sản phụ nằm ngửa hai chân gấp 45o, dùng hai bàn tay nắn trên tử cung có thể thấy được cực đầu, cực mông của thai nhi; ở hai bên tử cung có thể sờ được các chi của thai nhi, và có thể cảm nhận được cử động thai, phần thai bập bềnh trong nước ối.
3.3. Siêu âm
Siêu âm là kỹ thuật được sử dụng phổ biến hiện nay, cho phép chẩn đoán thai sớm và chắc chắn; nhất là siêu âm với đầu dò âm đạo thường giúp nhìn thấy túi thai sớm khi 5 tuần tuổi (1 tuần sau khi trễ kinh). Đa số các trường hợp, siêu âm bụng có thể xác định được tình trạng có thai trong tử cung kể từ khi thai được 6 tuần tuổi. Với siêu âm ta có thể thấy:
– Túi thai, từ tuần lễ thứ 5 sau khi tắt kinh.
– Cấu trúc phôi từ tuần lễ thứ 6-7.
– Tim thai từ tuần lễ thứ 7-8.
– Hoạt động thai từ tuần lễ thứ 9.
– Trước tuần lễ thứ 14, với siêu âm đo chiều dài đầu mông là phương pháp tốt nhất để dự đoán tuổi thai (sai lệch 4 ngày).
– Tuổi thai có thể được ước lượng bằng một số cách đo lường thông dụng sau:
+ Tuổi thai (số ngày) = đường kính trung bình của túi thai + 30
+ Tuổi thai (số ngày) = kích thước phôi + 36
+ Sau tuần thứ 14, đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi là chỉ số chính xác nhất để tính tuổi thai.
Thai bị hỏng ở giai đoạn sớm: siêu âm phát hiện một túi thai có đường kính trung bình dưới 2,5cm nhưng không có phôi hoặc đường kính 2cm nhưng không có túi noãn hoàng và hình dạng túi thai bị biến dạng.
Khi siêu âm không xác định được túi thai trong tử cung nhưng hCG và các dấu hiệu khác nghi ngờ có thai thì phải nghĩ đến chửa ngoài tử cung. Có thể nghĩ đến chửa trứng khi hình ảnh siêu âm cho thấy các túi hình tổ ong, có thể có hoặc không có thai nhi kèm theo.
Hình 4. Chiều dài đầu mông ở thai 12 tuần theo kinh cuối cùng
3.4. X quang
Mặc dù có thể thấy được hình ảnh thai nhi khi xương thai đã được canxi hoá nhưng xét nghiệm này cần hạn chế tối đa trong thai kỳ để tránh tiếp xúc với phóng xạ cho thai nhi.
4. CÁC PHẢN ỨNG THỬ THAI
Thai nghén được xác định bởi sự hiện diện của hCG trong máu hoặc nước tiểu. Tất cả các xét nghiệm phụ thuộc vào việc phát hiện hCG (hoặc tiểu thể) bằng một kháng thể đối với phân tử hCG hoặc tiểu thể beta. Các xét nghiệm phát hiện hCG bao gồm: phản ứng ngưng kết, ELISA, miễn dịch sắc ký (Immunochromatography), miễn dịch phóng xạ (radioimmu-noassay), IRMA (immunoradiometric assay), IFMA (immunoflurometric assay).
4.1. Xét nghiệm định tính (xét nghiệm nước tiểu)
Các xét nghiệm nước tiểu không đắt và thường có sẵn. Do đó khi nghi ngờ có thai, nhân viên y tế nên sử dụng những xét nghiệm này. Xét nghiệm nước tiểu cần khoảng 3-5 giọt nước tiểu để xác định kết quả . Màu của các vùng này sẽ thay đổi sau 3-5 phút. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ một vạch màu xuất hiện, nếu kết quả dương tính thì sẽ có 2 vạch màu xuất hiện. Nồng độ hCG trong nước tiểu là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm. Tuy nhiên, những xét nghiệm hiện nay thường có độ nhạy rất cao, có thể phát hiện được với nồng độ thấp ở mức 25mIU hoặc 1500mIU. Những xét nghiệm có độ nhạy cao (mức 25mIU) có thể cho kết quả dương tính vào thời điểm bắt đầu chậm kinh. Xét nghiệm có độ nhạy ở mức 1500mIU có thể cho kết quả dương tính vào thời điểm mà có thể phát hiện thấy túi thai bằng siêu âm với đầu dò âm đạo, thai khoảng 5 tuần tuổi. Dương tính giả rất ít xảy ra khi xét nghiệm sử dụng kháng thể đơn dòng đối với tiểu thể beta của hCG. Tuy nhiên, dương tính giả có thể xuất hiện đối với xét nghiệm sử dụng kháng thể dị dòng (Heterophilic antibodies) hoặc có u tuyến sản xuất hormon. Âm tính giả có thể xảy ra khi xét nghiệm ở giai đoạn sớm của thời kỳ mang thai hoặc do đọc kết quả sớm trước khi đủ thời gian cần thiết cho xét nghiệm, hoặc đọc sai kết quả.
4.2. Xét nghiệm định lượng (xét nghiệm máu)
Xét nghiệm định lượng máu có thể phát hiện hCG ở nồng độ 2mIU/ml, khoảng 8 ngày sau khi rụng trứng. Định lượng hCG có thể giúp dự đoán tình trạng hỏng thai và chẩn đoán chửa ngoài tử cung. Trong thai nghén bình thường, lượng hCG tăng lên ít nhất 66% trong vòng 48 giờ đầu và 100% trong vòng 72 giờ. Nếu lượng hCG tăng thấp hơn mức nêu trên dự báo tình trạng hỏng thai hoặc chửa ngoài tử cung. Hàm lượng hCG tăng lên từ ngày trứng làm tổ và đạt đỉnh vào ngày thứ 60-70 của tuổi thai, sau đó giảm dần đến mức thấp nhất vào ngày thứ 100-130. Nếu hàm lượng hCG quá cao, trên 100.000mIU, cần phải nghĩ đến tình trạng chửa trứng. Dương tính giả hiếm khi xảy ra, dương tính giả có thể do phản ứng chéo với hormon khác, có u hoặc một số phụ nữ không có thai nhưng đã có một lượng hCG trong cơ thể. Âm tính giả còn hiếm gặp hơn dương tính giả.
Phối hợp với siêu âm, các xét nghiệm định lượng hCG có thể xác định sớm tình trạng hỏng thai và hỗ trợ chẩn đoán chửa ngoài tử cung. Nếu hàm lượng beta hCG trên 1700 đến 2000mIU, khi siêu âm với đầu dò âm đạo sẽ nhìn thấy túi thai trong buồng tử cung.
4.3. Xét nghiệm sinh học
Hiện nay các xét nghiệm sinh học sử dụng ếch, thỏ, chuột hoàn toàn được thay thế bởi các xét nghiệm nêu trên.