Bệnh lậu do song cầu khuẩn Gram âm Neisseria gonorrhoeae gây nên vẫn tiếp tục là căn nguyên chủ yếu của bệnh viêm tiểu khung và có thể làm tăng khả năng lây truyền HIV. Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay được báo cáo nhất ở Mỹ. Mặc dù tỷ lệ bệnh lậu báo cáo đã giảm 65% ở Mỹ từ năm 1975 đến 1993, tỷ lệ mắc lậu ở Mỹ vẫn cao nhất trong số các nước phát triển. Phụ nữ và nam giới có sinh hoạt tình dục ở độ tuổi 20-24 chiếm tỷ lệ bệnh cao nhất.

Biểu hiện lâm sàng

Nhiều bệnh nhân mắc lậu không có triệu chứng. Nam giới có triệu chứng có thể bị viêm niệu đạo với biểu hiện đái khó và tiết mủ niệu đạo, viêm mào tinh hoàn với biểu hiện đau tinh hoàn, viêm trực tràng (với biểu hiện đau trực tràng, mót rặn và tiết dịch) hoặc viêm họng. Nữ giới có biểu hiện đái khó, viêm cổ tử cung với tiết dịch mủ âm đạo, viêm tiểu khung với đau vùng bụng và tiểu khung, viêm trực tràng với đau trực tràng, mót rặn và tiết dịch, hoặc viêm họng. Các triệu chứng xuất hiện từ 2-8 ngày sau nhiễm trùng.

Nhiễm trùng không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ truyền bệnh cho bạn tình và xuất hiện các biến chứng. Nam giới không điều trị tiến triển thành viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh, viêm tinh hoàn, hẹp niệu đạo hoặc áp-xe quanh niệu đạo. Nữ giới bị bệnh không điều trị sẽ tiến triển thành viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm phúc mạc, hoặc viêm quanh gan. cả hai giới có thể phát triển thànhnhiễm lậu toàn thân. Những bệnh nhân này có biểu hiện viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm bao gân, đau nhiều khớp, và ban xuất huyết dạng sần hoặc mụn mủ. Những biến chứng hiếm gặp của bệnh lậu không điều trị gồm viêm nội tâm mạc, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết ác tính do lậu cầu.

Chẩn đoán

Nuôi cấy vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lậu. Xét nghiệm EIA phát hiện N.gonorrhoeae hiện có sẵn. Độ nhạy và độ đặc hiệu phát hiện nhiễm trùng niệu đạo ở nam giới tương đương với nuôi cấy; nhưng có thể dương tính giả đối với các bệnh phẩm cổ tử cung trong. Xét nghiệm thăm dò ADN chẩn đoán nhiễm trùng niệu đạo và cổ tử cung trong do vi khuẩn lậu hiện cũng có sẵn. Độ tin cậy cũng tương đương với nuôi cấy.

Chẩn đoán bệnh lậu ở nam giới bằng cách dùng bông khô hoặc bông quệt tẩm calci alginat để lấy mẫu chất xuất tiết niệu đạo. Nếu không có chất xuất tiết, dùng bông quệt niệu đạo để lấy mẫu bệnh phẩm theo kỹ thuật giống như đối với chlamydia. Nhuộm Gram thấy các bạch cầu cùng các song cầu Gram âm nằm trong và ngoài tế bào và một số vi khuẩn khác gợi ý cho chẩn đoán bệnh lậu. Những bệnh nhân có triệu chứng và có kết quả nhuộm Gram âm cần được nuôi cấy hoặc gửi bệnh phẩm để xét nghiệm EIA hoặc thăm dò ADN.

Chẩn đoán bệnh lậu ở nữ giới bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm cổ tử cung trong đem nuôi cấy hoặc xét nghiệm thăm dò ADN. Không khuyến khích nhuộm Gram vì các vi khuẩn bình thường sống trong âm đạo có hình dáng giống với vi khuẩn lậu khi nhuộm Gram.

Những phụ nữ và đàn ông quan hệ tình dục đường miệng hoặc trực tràng có nguy cơ nhiễm trùng ở họng và trực tràng, ở những bệnh nhân này, tiến hành nuôi cấy các bệnh phẩm ở họng và trực tràng. Hiện nay, các xét nghiệm không nuôi cấy không được chấp nhận để chẩn đoán nhiễm trùng ở họng và trực tràng.

Điều trị

Điều trị nhiễm trùng niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng hay họng do N.gonorrhoeae có thể bằng:

  • Ceftriaxon (Rocephin) 125 mg, tiêm bắp 1 lần (đối với nhiễm trùng sinh dục, hậu môn và họng) hoặc
  • Ciprofloxacin (Cipro) 500 mg, uông 1 lần (đối với nhiễm trùng sinh dục, hậu môn và họng) hoặc
  • Cefixim (Suprax) 400 mg, uống 1 lần (đối với nhiễm trùng sinh dục và hậu môn) hoặc
  • Ofloxacin (Floxin) 400 mg, uống 1 lần (đối với nhiễm trùng sinh dục và hậu môn)

Có thể điều trị kết hợp nếu có nhiễm trùng phối hợp với c.trachomatis. Không nên điều trị quinolon hoặc tetracyclin cho phụ nữ có thai. Trẻ vị thành niên dưới 17 tuổi không nên điều trị quinolon.

Các liệu pháp điều trị thay thế bệnh lậu có thể bằng:

  • Spectinomycin (Trobicin) 2 g, tiêm bắp 1 lần (khuyến cáo cho những trường hợp không dung nạp các cephalosporin hoặc quinolon) hoặc
  • Cefizoxim (Cefizox) 500 mg, tiêm bắp 1 lần hoặc
  • Cefotaxime (Claforan) 500 mg, tiêm bắp 1 lần hoặc
  • Cefotetan (Cefotan) lg, tiêm bắp 1 lần hoặc
  • Cefoxitin (Mefoxin) 2 g, tiêm bắp 1 lần hoặc
  • Norfloxacin (Noroxin) 800 mg, uống 1 lần hoặc
  • Enoxacin (Penetrex) 400mg, uông 1 lần hoặc
  • Lomefloxacin (Maxaquin) 400 mg, uống 1 lần hoặc
  • Cefuroxim (Ceftin) lg, uông 1 lần hoặc
  • Cefpodoxim (Vantin) 200 mg, uống 1 lần

Có thể điều trị kết hợp nếu có nhiễm trùng phối hợp với c.trachomatis. Không nên điều trị quinolon hoặc tetracyclin cho phụ nữ có thai. Trẻ vị thành niên dưới 17 tuổi không nên điều trị quinolon.

Bệnh nhân bệnh lậu được điều trị cũng cần xét nghiệm huyết thanh phát hiện bệnh giang mai. Theo phác đồ khuyên cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), không cần thiết tiến hành nuôi cấy cho điều trị thử. Những bệnh nhân sau điều trị lậu mà còn các triệu chứng kéo dài cần được nuôi cấy và bất cứ vi khuẩn lậu nào phân lập được cần đánh giá độ nhạy với kháng sinh. Nên nghĩ đến nhiễm trùng do c.trachomatis nếu bệnh nhân được điều trị lậu vẫn tiếp tục có các triệu chứng của viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung hay viêm trực tràng sau điều trị.

Phòng bệnh

Công tác giáo dục người bệnh như đã trình bày ở phần trước giữ vai trò quan trọng trong phòng bệnh cấp một cho bệnh lậu. Do khả năng nhiễm trùng không triệu chứng nên có chỉ định sàng lọc những phụ nữ nguy cơ cao. cần đánh giá và điều trị cho những bạn tình của người bệnh nếu họ quan hệ tình dục lần cuối cùng với người bệnh trong vòng 30 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện, cần đánh giá và điều trị cho bạn tình của những người bệnh không triệu chứng nếu lần quan hệ tình dục cuối cùng trong vòng 60 ngày. Bệnh nhân phải kiêng quan hệ tình dục cho đến khi kết thúc điều trị và cả người bệnh và bạn tình đều không có triệu chứng.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.