Ngũ gia bì

Cortex Schefflerae

Ngũ gia bì chân chim – Schefflera heptaphylla (L) Frodin – họ Nhân sâm (còn gọi là họ Ngũ gia bì) – Araliaceae. Dùng vỏ thân, hiện được sử dụng ở Việt nam.

Ngũ gia bì còn được dùng để chỉ một số loại sau:

Ngũ gia bì ( xuyên gia bì, thích gia bì , ngũ gia bì gai ) – Acanthopanaxaculeatus Seem. ; A. aculeatum Hook. ; A. trifoliatus (L.) Merr. Họ Ngũ gia bì-Araliaceae

Dùng vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì; là loại cây nhỏ rất nhiều gai, cao chừng 2-3m. Lá mọc so le, kép chân vịt có từ 3-5 lá chét, phiến lá hình bầu dục hay hơi thuôn dài , phía cuống hơi thót lại , đầu nhọn , mỏng , mép có răng cưa to , cuống lá dài từ 5-7cm . Hoa mọc khác gốc, thành hình tán ở đầu cành . Đầu mùa hạ ra hoa nhỏ màu vàng xanh. Quả mọng, hình cầu, đường kính chừng 2,5mm, khi chín có màu đen.

Ngũ gia bì nhập của Trung quốc:

Bắc ngũ gia bì – dùng vỏ rễ của cây Periploca sepium Bunge . Họ Thiên lý- Asclepiadaceae. Cây này chưa thấy ở VN.

Nam ngũ gia bì- dùng vỏ rễ của cây Acanthopanax gracilistylus W.W.Smith. Họ Ngũ gia bì- Araliaceae. Cây này chưa thấy ở VN.

Hồng mao ngũ gia bì – dùng vỏ rễ của cây Acanthopanax giraldi Harms. Họ Ngũ gia bì- Araliaceae.

Một số cây Acanthopanax khác cũng được dùng ở Trung Quốc, trong đó có cây A. trifoliatus (L.) Merr, có ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, ngoài các cây trên còn dùng với tên ngũ gia bì các vị thuốc sau đây:

a). Vỏ cây chân chim Vitex heterophylla Roxb . Họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae.

Dùng vỏ thân , cây cao chừng 25m cành hơi hình vuông . Lá kép chân vịt gồm 3-5 lá chét , mặt trên trắng , mặt dưới hơi vàng , có những hạch nhỏ , lá chét 2 bên nhỏ hơn lá chét ở giữa. Hoa vàng nhạt, môi dưới trắng, mọc thành chuỳ ở đầu cành. Quả hạch, hình lê, màu đen xám, có đài tồn tại.

b). Cây đùm đũm ( còn gọi đũm hương)- Rubus cochinchinensis Tratt. Họ Hoa hồng- Rosaceae. Dùng lá và cành khô, trong phạm vi nhân dân.

Tính vị : vị cay; tính ấm.

Quy kinh: vào kinh can, thận.

Tác dụng của Ngũ Gia Bì:

Trừ phong thấp, mạnh gân xương.

Chủ trị của Ngũ Gia Bì:

Chữa các bệnh đau lưng gối, đau khớp, sưng khớp, gân co quắp.

Bổ dưỡng khí huyết: dùng khi cơ thể suy nhược, thiếu máu vô lực, mệt mỏi.

Kiện tỳ cố thận, dùng khi da thịt teo nhẽo, bại liệt, trẻ em chậm biết đi, chậm mọc răng.

Lợi tiểu, tiêu phù thũng.

Giảm đau, dùng trong sang chấn gẫy xương.

Giải độc, chữa mụn nhọt, sang lở.

Liều dùng: 6 – 12g/ngày

Chú ý:

Tác dụng dược lý: Thuốc có tác dụng tăng sức dẻo dai, bền bỉ của cơ bắp. Dịch chiết nước có tác dụng giảm thấp tính mẫn cảm của tia tử ngoại trên da bình thường, tăng sức chịu đựng của mạch máu nhỏ dưới áp suất thấp.

Còn dùng vỏ thân của cây ngũ gia bì chân chim- Schefflera octophylla Harms. có vị hơi cay, vào can, thận để trị đau lưng, nhức xương thể phong hàn thấp, kích thích tiêu hoá, ăn ngon cơm. Ngoài ra còn dùng vỏ cây Vitex quinata Wiliams.Họ Cỏ roi ngựa- Verbenaceae, để chữa phong thấp và làm thuốc bổ.

Theo Nguyễn thị Hiền viện YHCT các cây họ ngũ gia bì có tác dụng làm chuyển dạng lympho bào rõ rệt để sản xuất thêm nhiều kháng thể chống đỡ các nguyên nhân gây bệnh.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.