Sự khác nhau giữa bài Bát vị dùng Sinh địa, Quế chi so với bài Bát vị dùng Thục địa, Nhục quế
Tác giả Trần Quang Thống
Ngày nay, các sách viết về các bài trên hết sức mơ hồ và rối loạn, không rõ ràng, tiền hậu bất nhất. Điểm quan trọng trong bài thuốc này là thay đổi vị Sinh địa thành Thục địa, Quế chi thành Nhục quế là sẽ thay đổi công năng của bài thuốc theo lý luận và mục đích xử dụng. Vì vậy, trước khi xử dụng các phương thang trên, cần phải hiểu rất rõ về lịch sử hình thành, công năng chủ trị, phương pháp gia giảm, kinh nghiệm của các y gia về gia giảm.
Tôi xin lý giải tại sao tôi lại thường hay dùng Kim Quỹ Thận Khí Hoàn nguyên gốc. Đó là vì, trên thực tế lâm sàng, qua quan sát các thầy thuốc (tôi đã chứng kiến nhiều thầy thuốc lão làng ở cả Hà Nội, và Sài Gòn, và cả chính bản thân tôi) dùng bài Bát Vị Quế Phụ, thì bệnh nhân thường bị ngộ độc nhẹ Phụ tử, dần dần tôi để ý thấy những điều sau: chỉ chứng nào có triệu chứng ngũ canh tả thì không ngộ độc; có thực hàn dương hư thì không bị; thể trạng gầy gò xanh xao, có triệu chứng dương hư, không ham muốn tính dục, dương nuy thì không bị.
Còn những người có thể chất tráng kiện, chân tay tuy lạnh, sợ lạnh, nhưng dùng vào là bị ngộ độc phụ tử ngay. Hoặc những người đi tiểu bình thường, nhưng thường tiết tả, cẩu lỏng nhiều trong ngày, ham muốn tính dục, nhưng lại mau xuất tinh, dương vật không cương cứng, dùng Quế Phụ Bát Vị thì ngộ độc, nhưng dùng Kim Quỹ Thận Khí thì phục hồi rất nhanh.
Tôi quan sát và suy nghĩ thì nhận thấy, người thời nay, nhà cửa kín đáo, ăn uống đầy đủ, không còn dầm mưa dãi nắng như ngày xưa, nên tình trạng thận dương hư khiến phải dùng đến Quế Phụ Bát Vị rất ít. Bạn cứ thử cho 10 đối tượng thận dương hư dùng Quế Phụ Bát Vị thì có đến 6;7 người có biểu hiện tê dại, nhưng cho dùng Kim Quỹ Thận Khí thì hầu như không có ai bị như vậy cả.
Trên lâm sàng, tôi thường ứng dụng chữa trong các chứng xuất tinh sớm, liệt dương, huyết áp cao thể mỡ máu tăng, rối loạn tiểu tiện, các chứng đau bụng tiết tả, u xơ tiền liệt tuyến, kháng thể kém khiến thường hay cảm mạo, đàm nhiều… chỉ cần linh động gia giảm thì sẽ thâu được kết quả cực kỳ mỹ mãn. Không phải vô cớ mà tôi thường sử dụng bài này. Trên lâm sàng, tôi thường sử Kim Quỹ Thận Khí Hoàn, Lục Vị Địa Hoàng Hoàn (bài Lục Vị ứng dụng thật kỳ diệu, có thể nói ứng dụng của nó đa dạng gần như không có bài nào vượt qua được).
So sánh các vị thuốc trên chúng ta có thể thấy:
Sinh địa: vị ngọt, lạnh; vào kinh Tâm, Can Thận. Có công năng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm, sinh tân. Trị nhiệt bệnh, phiền khát, âm hư nội nhiệt, cốt chưng lao nhiệt, nội nhiệt tiêu khát, thổ huyết nục huyết, phát ban phát chẩn.
Thục địa: vị ngọt, hơi ấm. Vào kinh Can, Thận. Có công năng tư âm bổ huyết, ích tinh điền tủy. Trị Can Thận âm hư, lưng gối mỏi mềm, cốt chưng triều nhiệt, đạo hãn di tinh, nội nhiệt tiêu khát, huyết hư da vàng vọt, tâm quý chinh xung, kinh nguyệt không đều, băng lậu hạ huyết, huyễn vậng, nhĩ minh, râu tóc bạc sớm.
Quế chi: vị cay, ngọt, ấm. Vào kinh Tâm, Phế, Bàng quang. Có công năng phát hãn giải cơ, ôn thông kinh mạch, trợ dương hóa khí, bình sung giáng khí. Trị phong hàn cảm mạo, vùng bụng trên đau lạnh, huyết hàn bế kinh, các khớp đau nhức, đàm ẩm, thủy thũng, tâm quý, bôn đồn.
Nhục quế: Vị cay, ngọt, đại nhiệt. Vào kinh Thận, Tỳ, Tâm. Có công năng bổ hỏa trợ dương, dẫn hỏa quy nguyên, tán hàn chỉ thống, hoạt huyết thông kinh. Chủ trị dương nuy, lạnh tử cung, lưng gối lạnh đau, thận hư sinh suyễn, dương hư huyễn vựng, mắt đỏ họng đau, tâm phúc lạnh đau, hư hàn thổ tả, hàn sán, bôn đồn, bế kinh, thống kinh.
Qua sự so sánh các vị trên, chúng ta có thể nhận thấy, cũng là dương hư, nhưng Quế Phụ Bát Vị thì dùng trong chứng thực hàn, dương hư nặng mà có thực hàn; Kim Quỹ Thận Khí Hoàn thì dùng trong chứng thận dương hư. nhưng không có thực hàn (hư hàn).
1.Bát vị hoàn-Bài thuốc bát vị quế phụ
2.Bát vị hoàn trong hải thượng y tông tâm lĩnh
3.Kim quỹ thận khí hoàn nguồn gốc xuất xứ
4.Bát Vị Hoàn (Thận Khí Hoàn – Bát Vị Quế Phụ)
5.206 bài thuốc Đông y Nhật Bản – Bát Vị Địa Hoàng Hoàn (Hachi Mi Ji O Gan)
6.Bát vị dùng Sinh địa, Quế chi so với bài Bát vị dùng Thục địa, Nhục quế