Uống cà phê gây mất ngủ

Cà phê đậm có thể ảnh hưởng nặng nề tới giấc ngủ.

Các nhà nghiên cứu Israel phát hiện ra rằng, chén cà phê chứa caffein uống vào cuối buổi chiều sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn, ngủ ít đi và hay lăn lộn trên giường. Nguyên nhân là do thức uống này làm giảm nồng độ melatonin – hoóc môn của não giúp con người đi vào giấc ngủ.

Lotan Shilo và nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Sapir, Đại học Tel Aviv, tiến hành so sánh hiệu quả của việc uống cà phê có caffein và cà phê không caffein vào buổi chiều ở 6 người tình nguyện. Kết quả sau khi uống một chén cà phê thứ thiệt cho thấy:

Thời lượng ngủ mỗi đêm là 336 phút (giảm 79 phút so với sau khi uống một tách cà phê “rỏm”).

Thời gian cần để đi vào giấc ngủ là 30 phút, tăng gấp đôi so với bình thường.

Lăn lộn trong khi ngủ nhiều gấp đôi bình thường.

Trong giai đoạn thứ hai của thử nghiệm, những người tình nguyện bị đánh thức 3 giờ một lần để lấy nước tiểu. Người ta tiến hành đo hàm lượng 6-sulphoxymelatonin, sản phẩm phân hủy của melatonin, trong nước tiểu. Kết quả cho thấy, nồng độ chất này khi uống cà phê thật thấp hơn 2 lần so với khi dùng cà phê giả. Theo Lotan Shilo, có thể caffein đã ngăn cản việc sản xuất N-acetyltransferase, một men quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hóa melatonin.

Giáo sư Chris Idzikowski, Giám đốc Cơ quan Cố vấn Đánh giá Giấc ngủ ở London nói, những người bị chứng mất ngủ đến khám tại bệnh viện của ông đều được khuyên ngừng uống cà phê từ sau buổi trưa. Ông nói: “Bình thường, cơ thể phải mất 2-3 giờ để chuyển hóa caffein và làm giảm nồng độ chất này trong não; nhưng nếu bạn uống quá nhiều cà phê cùng một lúc, máu sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để phân hủy chúng. Uống nhiều ca phê mạnh có thể khiến caffein lưu lại trong người tới 15 giờ”. Theo ông, nghiên cứu mới này củng cố thêm quan điểm cho rằng, nếu một người nào đó có trục trặc về giấc ngủ thì phải ngừng uống cà phê vào buổi chiều.

Giáo sư Ian Hindmarch, Đại học Surrey – người thực hiện nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thuốc trên não – cho rằng, phản ứng của mọi người với các chất kích thích là rất khác nhau. Điều này phụ thuộc nhiều vào trạng thái tinh thần tại thời điểm bắt đầu dùng chất kích thích. Theo ông, cà phê được uống vào thời điểm não tỉnh táo sẽ không gây kích thích, mà tạo nên hiệu quả trấn an với người dùng. Trái lại, nếu được dùng khi não đang thư giãn vào buổi tối, cà phê lại có thể khiến khổ chủ tỉnh như sáo.

Vì sao cà phê gây mất ngủ?

Caffein là alcanoid của cà phê hoặc chè, caffein được xếp cùng nhóm với cocain và amphetamin, thuộc nhóm chất kích thích thần kinh trung ương. Đồ uống có caffein được dùng rộng rãi nhất trên thế giới. Khi uống đồ uống chứa caffein, caffein vào ống tiêu hóa không bị phân hủy, nhanh chóng thấm qua niêm mạc ruột vào máu (ở phụ nữ có thai caffein ngấm qua hàng rào rau thai vào máu thai nhi). Khi caffein lên não nó làm tăng tiết norepinephrin, làm tăng dẫn truyền thần kinh, tăng kích thích tim, lưu thông mạch máu, dạ dày, ruột, thận. Một số trường hợp caffein giúp đầu óc tỉnh táo, tập trung hơn và đưa ra quyết định nhanh hơn. Thời gian phát huy tác dụng của caffein là 3-4 giờ, có người tới 12 giờ. Có người uống cà phê tối mất ngủ có người không mất ngủ. Nhưng cũng có người thích uống cà phê lại dị ứng với trà (uống một tách trà là mất ngủ dù caffein trong trà ít hơn trong cà phê).

Triệu chứng ngộ độc caffein: Tùy từng người mà liều gây độc khác nhau. Khi bị ngộ độc có các triệu chứng sau: Bồn chồn, hoảng hốt, kích động, mất ngủ, đi tiểu nhiều lần, tăng co bóp dạ dày, ruột, giật cơ, đánh trống ngực hoặc rối loạn nhịp tim… Người ta cũng cảnh báo rằng liều caffein trên 250mg gây nôn, ra nhiều mồ hôi, tiêu chảy. Cơ địa của cháu dễ bị phản ứng với caffein thì không nên sử dụng.

Bài trướcCách tự xoa bóp bấm huyệt chống mất ngủ
Bài tiếp theoDưa bở chữa mất ngủ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.