ĐẠI CƯƠNG

  1. A.Định nghĩa
    Là một bệnh viêm lan tỏa của tổ chức liên kết khớp, nhưng có thể ở các cơ quan khác như da, tổ chức dưới da, tim và thần kinh trung ương, bệnh có diễn biến cấp, bán cấp hay tái phát. Bệnh có mối liên quan đến quá trình viêm nhiễm đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn.
    Thấp khớp cấp gây tổn thương tim và thường để lại di chứng ở van tim và tử vong. Ngày nay với việc sử dụng Steroid và kháng sinh trong điều trị và phòng bệnh đã hạn chế được bệnh Thấp khớp cấp một cách rõ rệt. Ở nước ta, bệnh vẫn chưa được chú ý đầy đủ, do đó các bệnh tim do thấp khớp cấp còn gặp nhiều trong các cơ sở y tế.
    B.Lịch sử và tên gọi
    Được một thầy thuốc người Pháp J.B.Bouillaud mô tả đầu tiên năm 1824, bệnh được mang tên “Bouillaud”, các tác giả Anh, Mỹ quen dùng tên
    “Sốt do thấp”, một số người muốn nhấn mạnh vai trò tổn thương tim với tên “Thấp tim”. Năm 1965, Hội tim mạch Mỹ (American Heart Association) đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán do Jones đề xuất đã được cải tiến, ngày nay tiêu chuẩn này được hầu hết các nước sử dụng để chẩn đoán bệnh TKC.
    C.Dịch tễ học
    Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 5 – 20, ở các tuổi khác bệnh hiếm gặp, nhất là dưới 3 tuổi và trên 30 tuổi. Nam và nữ gần ngang nhau về tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh gặp ở mọi chủng người, tính chất di truyền không được chứng minh.
    Điều kiện sinh sống và khí hậu có ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh (lạnh và ẩm, thiếu vệ sinh, dinh dưỡng kém, ở chật).
    Ở nước ta, theo điều tra ở một số tỉnh miền Bắc và miền trung, tỷ lệ bệnh Thấp khớp cấp ở trẻ em dưới 15 tuổi là 4 – 5%.
    D.Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
    Ngày nay người ta đã khẳng định vai trò gây bệnh của liên cầu khuẩn dung huyết nhóm A dựa vào các bằng chứng sau:
    Từ 50 – 70% bệnh nhân thấp TKC có tiền sử viêm họng do liên cầu khuẩn.
    Trong đợt thấp khớp cấp các tỷ giá kháng thể kháng liên cầu khuẩn tăng trong huyết thanh bệnh nhân từ 65 – 90% trường hợp.
    Tác dụng điều trị và nhất là dự phòng bệnh Thấp khớp cấp của Penicilline.
    Nhiều nghiên cứu còn cho thấy chỉ loại liên cầu khuẩn dung huyết (bêta) nhóm A mới gây bệnh thấp khớp cấp, loại khác không gây bệnh.
    Về cơ chế bệnh sinh của vi khuẩn chắc chắn không phải do trực tiếp liên cầu tác động, cũng như các độc tố của vi khuẩn, vì không bao giờ tìm thấy chúng ở các tổ chức bị bệnh. Hơn nữa không phải tất cả những người bị viêm họng do liên cầu đều bị thấp khớp cấp mà chỉ khoảng 2 – 3% số người này bị thấp khớp cấp; người ta còn thấy những biểu hiện ở khớp hoặc các bộ phận chỉ xuất hiện sau viêm họng từ 10 đến 15 ngày.
    Hiện nay bệnh thấp khớp cấp được coi là một phản ứng miễn dịch:
    Hoặc do cấu trúc kháng nguyên của vi khuẩn gần giống với màng hoạt dịch khớp, các màng tim, mô thần kinh … do đó có phản ứng chéo giữa kháng thể kháng liên cầu với các mô này.
    Hoặc liên cầu khuẩn phát động một quá trình tự miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân.
    Giả thuyết về miễn dịch được chứng minh bằng các tổn thương giải phẫu (lympho bào, plasmmocyt, thoái hóa dạng tơ huyết), bằng gây bệnh thực nghiệm (gây viêm tim bằng kháng thể kháng tim), bằng tác dụng điều trị bệnh của các Steroid.
    E.Giải phẫu bệnh
    1.Tổn thương chung:
    Tổn thương trong bệnh Thấp khớp cấp có tính chất lan tỏa của tổ chức liên kết, đặc biệt là ở màng hoạt dịch khớp, mô dưới da, các màng của tim và mô thần kinh trung ương. Trải qua 3 giai đoạn: xuất tiết – tăng sinh – thành sẹo. Tổn thương viêm tập trung nhiều ở quanh các mạch máu nhỏ. Nhiều người cho các hạt Aschoff là hình ảnh đặc hiệu của bệnh Thấp khớp cấp. Các hạt này được L.Aschoff mô tả vào những năm 30 của thế kỷ XX: là 1 hạt nhỏ dưới 1mm (đường kính từ vài chục muy đến 1mm) hình cầu hay bầu dục ở cạnh hoặc ở quanh các mạch máu nhỏ nằm trong khoang kẽ. Hạt gồm 3 lớp:
    Phần trung tâm gồm 1 khối thuần nhất, ưa acid, không có cấu trúc, được gọi là tổn thương thoái hóa dạng tơ huyết.
    Bao quanh khối trung tâm gồm các tế bào trung mô to, tổ chức bào. Bào tương của các tế bào này bắt màu kiềm, bờ không đều, nhân phì đại, có thể có hình “mắt cú”. Một số tế bào có kích thước lớn, tròn hoặc kéo dài hoặc đa giác, còn được gọi là tế bào Aschoff.
    Ngoài cùng và xen kẽ với phần trong là những lympho bào, plasmocyte và một số bạch cầu đa nhân.
    Các hạt Aschoff xuất hiện vào giai đoạn tăng sinh của bệnh, mất dần khi bệnh thoái triển và có thể để lại một hình thức giống như sẹo sau khi khỏi bệnh.
    2.Tổn thương theo bộ phận:
    Khớp: màng hoạt dịch khớp viêm xung huyết và các lympho bào, plasmocyt, ít thấy hạt Aschoff. Khỏi không để lại di chứng.
    Tim: màng ngoài viêm xuất tiết, trong dịch có nhiều lympho bào, không để lại di chứng. Cơ tim có biểu hiện viêm, hạt Aschoff, vị trí viêm xen kẽ và lan tỏa.
    Màng trong tim: đầu tiên là viêm phù xung huyết và tạo nên những hình ảnh hạt, sau đó là xơ hóa dày dính và co kéo các mép van, dây chằng và cột cơ, tạo nên hậu quả hẹp hoặc hở van, van hai lá và van động mạch chủ thường bị tổn thương, đôi khi ở van 3 lá, hầu như không gặp ở van động mạch phổi.
    Hạt Meynet: ở giữa là các mảnh dạng tơ huyết bao quanh và xen kẽ bởi các lympho bào và plasmocyte.
    Não: trên những bệnh nhân có biểu hiện múa giật do thấp, thấy não xung huyết lan tỏa và phù nhẹ, viêm các động mạch nhỏ và thoái hóa tế bào rải rác trên nhân xám trung tâm và tiểu não.
    II.TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG THẤP KHỚP CẤP
    A.Nhiễm liên cầu khuẩn ban đầu:
    50 – 70% bệnh nhân bắt đầu bằng viêm họng. Viêm họng đỏ cấp tính, nuốt khó, có hạch nổi dưới hàm, sốt 38 – 39oC kéo dài 3 – 4 ngày. Có khi viêm họng nặng có kèm theo viêm tấy amygdal, cũng có thể viêm họng nhẹ thoáng qua biểu hiện bằng viêm họng đơn thuần. Người ta còn thấy bệnh tinh hồng nhiệt cũng có thể gây nên Thấp khớp cấp (ở nước ta chưa phát hiện bệnh này).
    Từ 30 – 50% trường hợp không có biểu hiện viêm họng ban đầu. Ngoài viêm họng do liên cầu, một số người cho rằng viêm da cũng có thể gây Thấp khớp cấp.
    Sau viêm họng từ 5 – 15 ngày, các dấu hiệu của Thấp khớp cấp xuất hiện, bắt đầu bằng dấu hiệu sốt 38 – 39oC, có khi sốt cao dao động, nhịp tim nhanh, da xanh xao mặc dù không thiếu máu nhiều, vã mồ hôi, đôi khi chảy máu cam.
    B.Biểu hiện khớp:
    Thường biểu hiện bằng viêm khớp cấp có di chuyển, khỏi không để lại di chứng, nhạy cảm với Steroid và các thuốc chống viêm. Vị trị viêm khớp là gối, cổ chân, khuỷu, vai, rất ít khi gặp ở các khớp nhỏ (ngón tay, chân), hầu như không gặp ở cột sống và khớp háng.
    Khớp sưng, nóng, đỏ, đau nhiều, hạn chế vận động vì sưng đau, khớp gối có thể có nước. Tình trạng viêm kéo dài từ 3 đến 8 ngày, khỏi rồi chuyển sang khớp khác, khớp cũ khỏi hẳn không để lại di chứng, không teo cơ.
    Trong một số trường hợp biểu hiện viêm kín đáo, chỉ có cảm giác đau, mỏi, số khác có tính chất viêm kéo dài ít di chuyển, hoặc viêm ở vị trí hiếm gặp: ngón tay, cổ, gáy …
    C.Biểu hiện ở tim:
    Có thể chỉ biểu hiện kín đáo trên điện tim hoặc nhịp nhanh đơn thuần, hoặc viêm màng ngoài tim, hoặc cả cơ tim và màng trong tim.
    1.Viêm màng trong tim:
    Tiếng tim trở nên mờ, xuất hiện tiếng thổi tâm thu ở ổ van 2 lá hoặc van động mạch chủ, tiếng thổi không lan và thay đổi cường độ từng ngày, nếu được điều trị sớm và đầy đủ, tình trạng viêm bớt dần, tiếng tim rõ dần, tiếng thổi sẽ giảm, sau một vài tuần có thể hết, một số trường hợp chẩn đoán và điều trị không tốt, tổn thương van tim trở nên cố định sau vài tuần đến vài tháng, tình trạng hở hoặc hẹp sẽ trở nên vĩnh viễn, theo thứ tự van 2 lá bị nhiều hơn van động mạch chủ, đôi khi có cả van 3 lá, có thể chỉ bị một van, không ít trường hợp bị cả hai van, đều hở hoặc hẹp. Khi đã viêm màng trong tim một lần thì những lần tái phát sau thấp khớp cấp sẽ làm cho các tổn thương van tăng thêm và nặng lên.
    Người ta có thể dùng siêu âm để phát hiện những tổn thương sớm và kín đáo của màng trong tim do thấp khớp cấp (viêm và phù nề của cột cơ, dây chằng và van tim).
    2.Viêm cơ tim: Từ mức độ nhẹ chỉ có rối loạn điện tim (dẫn truyền), nhịp nhanh, đến các mức độ loạn nhịp, ngoại tâm thu, nhịp chậm. Hoặc nặng hơn biểu hiện bằng suy tim cấp với triệu chứng khó thở, tím tái, tim có nhịp ngựa phi, tim to trên X quang. Viêm cơ tim có thể khỏi không để lại di chứng.
    3.Viêm màng ngoài tim: với sự xuất hiện tiếng cọ màng tim, đôi khi có tràn dịch với mức độ nhẹ hoặc trung bình. Nói chung khỏi không để lại di chứng dày dính hoặc co thắt màng tim.
    4.Viêm tim toàn bộ: là một thể nặng với viêm cả ba màng, tiến triển nhanh, điều trị khó khăn. Thường để lại di chứng ở các van tim.
    D.Biểu hiện ở các bộ phận khác:
    1.Hạt Meynet: hiếm gặp trên lâm sàng, là những hạt nổi dưới da từ 5 – 20 mm đường kính, nổi lên trên nền xương nông (chẩm, khủyu, gối), từ vài đến vài chục hạt, cứng, không dính vào da nhưng dính trên nền xương, không đau, xuất hiện cùng với các biểu hiện ở khớp và tim. Mất đi sau vài tuần không để lại dấu vết gì.
    2.Ban vòng: (ban Besnier) đó là những vệt hay mảng màu hồng hay vàng nhạt, có bờ hình nhiều vòng màu đỏ sẫm, vị trí ớ trên mình, gốc chi, không bao giờ ở mặt. Ban xuất hiện nhanh và mất đi nhanh sau vài ngày, không để lại dấu vết.
    3.Múa giật Sydenham: do tổn thương thấp ở hệ thần kinh trung ương, thường xuất hiện muộn, có khi cách xa các biểu hiện khác của bệnh tới vài tháng. Bệnh nhân lúc đầu thấy lo âu, kích thích, bồn chồn, yếu các cơ, sau đó xuất hiện các động tác dị thường, vô ý thức ở một chi hoặc nửa người, những động tác múa giật tăng lên khi vận động gắng sức, cảm động, giảm và hết khi nghỉ, ngủ.
    Đôi khi những biểu hiện thần kinh thể hiện bằng liệt, rối loạn tâm thần, sảng, co giật…. Và được gọi là tình trạng thấp não.
    4.Biểu hiện ở phổi – màng phổi: hiếm gặp.
    Tràn dịch màng phổi: lượng nước ít và khu trú, dịch trong, nhiều protein và lympho bào. Có khi tràn dịch cả hai bên phối hợp với tràn dịch màng ngoài tim. Rất nhạy cảm với Steroid, khỏi không để lại di chứng.
    Hội chứng đông đặc từng vùng của phổi.
    Phản ứng cấp biểu hiện bằng cơn phù phổi cấp.
    5.Những biểu hiện hiếm gặp khác:
    Nước tiểu có protein, đái ra máu, viêm cầu thận cấp.
    Đau bụng: hội chứng đau bụng giả ngoại khoa giống viêm phúc mạc, viêm ruột thừa…
    Viêm động mạch, tĩnh mạch, viêm mạch vành; lách, hạch to; viêm tuyến giáp.
    Chảy máu dưới da, nổi mày đay, ban đỏ hình nút.
    E.Các thể lâm sàng:
    1.Thể điển hình có viêm khớp cấp và viêm tim, rất hay gặp ở trẻ em.
    2.Thể viêm khớp đơn thuần không có biểu hiện tim, hay gặp ở người lớn bị thấp khớp cấp lần đầu.
    3.Thể có múa giật đơn thuần.
    4.Các thể không điển hình dễ nhầm với các bệnh khác:
    Sốt cao đơn thuần giả cúm.
    Đau bụng kiểu viêm phúc mạc, ruột thừa.
    Ỉa chảy, đau bụng có sốt.
    III.TRIỆU CHỨNG XÉT NGHIỆM BỆNH THẤP KHỚP CẤP
    A.Xét nghiệm và sinh hóa:
    1.Công thức máu: thiếu máu ở các mức độ khác nhau, tăng bạch cầu, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.
    2.Các xét nghiệm viêm không đặc hiệu:
    Tốc độ lắng máu tăng nhiều: tăng trong suốt thời gian bị bệnh, giảm và trở về bình thường khi khỏi. Thường dùng để đánh giá sự tiến triển của bệnh.
    Sợi huyết tăng.
    Điện di protein huyết thanh: tăng alpha 2 và gamma globuline.
    Haptoglobulin tăng.
    Seromucoid tăng.
    CPR (protein C phản ứng) dương tính, xuất hiện sớm và hết nhanh khi bệnh thuyên giảm.
    B.Các xét nghiệm phát hiện nhiễm liên cầu khuẩn:
    1.Tìm liên cầu khuẩn ở họng: rất ít khi thấy.
    2.Định lượng antistreptolysin O (ASLO): ở người bình thường lượng ASLO 150 đơn vị Todd/1 ml máu. Lượng ASLO tăng khi trên 250 đv ở người lớn và trên 330 đv ở trẻ em trên 5 tuổi, có thể tăng rất cao. ASLO tăng sau nhiễm liên cầu ở họng khoảng 15 ngày, kéo dài từ 3 – 5 tuần rồi giảm dần. Có tới 20% bệnh nhân thấp khớp cấp không tăng ASLO, ngược lại nhiều người có ASLO tăng nhưng không bị thấp khớp cấp. Mức độ tăng của ASLO không song song với mức độ nặng nhẹ của bệnh.
    3.Các xét nghiệm khác: thường ít sử dụng:
    Định lượng antihyaluronidase (AH), tăng trong 65% trường hợp thấp khớp cấp.
    Định lượng antidesoxyribonucleotidase B (ADNase B) tăng trong 85% trường hợp.
    Antistreptokinase, antistreptodornase.
    Antistreptozym – test (ASTZ).
    Nói chung các xét nghiệm tìm kháng thể kể trên đều tăng trong thấp khớp cấp với tỷ lệ rất cao, nhưng đồng thời cũng tăng trong một số bệnh nhiễm liên cầu khuẩn khác như viêm cầu thận cấp, viêm da có mủ … do đó không mang tính đặc hiệu trong chẩn đoán.
    C.Các dấu hiệu điện tim trong bệnh thấp khớp cấp:
    1.Blốc nhĩ thất:
    Những tổn thương của bệnh thấp ở vùng liên nhĩ, vách nhĩ thất gây nên tình trạng blốc nhĩ thất. Hay gặp nhất là blốc nhĩ thất cấp I thể hiện bằng PQ kéo dài > 20% giây, ở mức độ nặng có thể có blốc nhĩ thất cấp
    II hoặc III.
    2.Những dấu hiệu của viêm màng ngoài tim:
    Điện tim biến dạng kín đáo, có PQ chênh xuống, QRS giảm biên độ, T âm nhẹ xuất hiện hơi chậm.
    3.Các rối loạn về nhịp: Nhịp nhanh, ngoại tâm thu, với thấp tim nặng có thể có loạn nhịp hoàn toàn do rung nhĩ.
    IV.CHẨN ĐOÁN, TIẾN TRIỂN VÀ TIÊN LƯỢNG THẤP KHỚP CẤP
    A.Chẩn đoán xác định:
    Hiện nay người ta sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán do T.D Jones đề xuất 1944 và được hội tim mạch Mỹ cải tiến vào năm 1955, 1965 và 1982. Tiêu chuẩn gồm có:
    1.5 tiêu chuẩn chính:
    1. Viêm tim: viêm một, hai hoặc cả ba màng của tim.
    2. Viêm khớp: viêm khớp cấp có di chuyển.
    3. Múa giật.
    4. Hạt Meynet.
    5. Ban vòng.
    2.5 tiêu chuẩn phụ:
    1. Sốt.
    2. Đau khớp (không có biểu hiện viêm).
    3. Tiền sử có đợt viêm khớp cấp hoặc có di chứng bệnh van tim (hẹp hở van tim).
    4. Tốc độ lắng máu tăng hoặc CPR dương tính.
    5. Khoảng PQ kéo dài trong điện tim.
    3.Những dấu hiệu của nhiễm liên cầu khuẩn:
    Tìm thấy liên cầu ở họng.
    Định lượng ASLO tăng.
    Định lượng các kháng thể khác: AH, ADNase B …
    *Chẩn đoán xác định khi có 2 tiêu chuẩn chính.
    *Chẩn đoán nhiều khả năng khi có 1 tiêu chuẩn chính và 2 tiêu chuẩn phụ.
    *Khi chỉ có 1 tiêu chuẩn chính và 1 tiêu chuẩn phụ thì làm thêm các xét nghiệm về liên cầu khuẩn.
    B.Chẩn đoán phân biệt:
    1.Sưng đau khớp chi ở trẻ em, cần phân biệt cốt tủy viêm, viêm cơ.
    2.Đau khớp do các bệnh máu nhất là leucemie cấp.
    3.Viêm khớp phản ứng sau nhiễm khuẩn: lậu cầu, hội chứng Reiter, lỵ trực khuẩn …
    4.Giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp.
    5.Các bệnh tạo keo nhất là bệnh Lupus ban đỏ hệ thống trong giai đoạn đầu.
    6.Với thấp tái phát, cần phân biệt với viêm nội tâm mạc bán cấp Osler.
    C.Tiến triển và tiên lượng:
    Từ khi có kháng sinh và steroid, tiên lượng của bệnh thấp khớp cấp thay đổi nhiều.
    1.Khỏi không để lại di chứng: 75% trong 6 tuần đầu, 90% trong 12 tuần đầu tiên. Khoảng 5% bệnh kéo dài tới 6 tháng với các biểu hiện viêm tim nặng hoặc múa giật tồn tại dai dẳng.
    2.Biểu hiện viêm tim xuất hiện trong tuần đầu tiên của bệnh (chiếm 70% nhưng trường hợp có viêm tim) số còn lại xuất hiện muộn hơn.
    3.Thấp tái phát: được coi là tái phát khi thấp khớp cấp đã khỏi (lâm sàng, xét nghiệm), bệnh lại xuất hiện trở lại với các dấu hiệu về khớp, tim … thời gian được tính sau 2 tháng. Thấp tái phát hay gặp ở những bệnh nhân thể nặng, điều trị không đầy đủ, không được điều trị dự phòng. Những đợt tái phát có thể xuất hiện viêm tim, đặc biệt ở những bệnh nhân đã có tổn thương tim từ những đợt trước, tái phát làm cho tổn thương tim nặng lên.
    4.Thấp tiến triển: là một kiểu diễn biến xấu của bệnh với các dấu hiệu lâm sàng nặng và tăng dần nhất là ở tim, bệnh kéo dài liên tục có nhiều đợt nặng lên, thời gian nhiều tháng có khi hàng năm. Bệnh nhân có thể tử vong do suy tim cấp hoặc để lại các di chứng nặng nề ở van tim.
    V.ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH THẤP KHỚP CẤP
    A.Điều trị đợt thấp khớp cấp:
    1.Chế độ chăm sóc:
    Nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian bệnh tiến triển cho đến khi mạch, tốc độ lắng máu trở lại bình thường, giữ ấm, ăn nhẹ.
    Theo dõi chặt chẽ mạch, nhiệt độ, tim, cân nặng.
    Hàng tuần xét nghiệm CTM, VS và ECG.
    Ngưng các vận động thể dục thể thao trong 6 tháng.
    2.Sử dụng thuốc chống viêm:
    a. Steroid: nên dùng vì tác dụng nhanh, kết quả chắc chắn, ít tai biến vì sử dụng thời gian ngắn. Chỉ nên dùng đường toàn thân loại uống.
    Trẻ em: Prednisolon 2 – 3 mg/kg/ngày.
    Người lớn: Prednisolon 1 – 1,5 mg/kg/ngày.
    Dùng liều trên kéo dài từ 2 đến 3 tuần rồi giảm dần liều cho đến khi lâm sàng và xét nghiệm trở về bình thường (thời gian trung bình từ 2 đến 3 tháng), liều thuốc duy trì ở trẻ em 1 mg/kg/ngày, ở người lớn khoảng 15 – 20 mg/ngày.
    Đối với thể thấp nặng, tiến triển nhanh có thể dùng Steroid đường tĩnh mạch (Hydrocortison hemisucinate)
    Trong thời gian dùng thuốc: theo dõi chặt chẽ các tai biến và tác dụng phụ.
    b. Aspirin: nhiều tác giả ưa dùng Aspirin hơn các steroid, thuốc có tác dụng không kém Steroid, rẻ tiền, tuy nhiên với lượng thuốc cao, kéo dài có nhiều tác dụng phụ nhất là tiêu hóa.
    Liều lượng Aspirin dùng 100 – 120 mg/kg/ngày chia nhiều lần, uống nhiều nước và sau bữa ăn. Duy trì liều cao trong 2 tuần lễ rồi giảm dần. Đối với thể bệnh nặng, cần tác dụng nhanh nên dùng loại Acetyl salicylate lysin (Aspégic) tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
    c. Các thuốc chống viêm khác: Phenylbutazon (Butazolidin, Butazon, Butadion), chỉ dùng cho người lớn, nhiều tai biến và độc, các loại khác: Voltaren, Indomethacin, Brufen … ít dùng để điều trị thấp khớp cấp.
    3.Kháng sinh: có tác dụng điều trị tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn.
    Penicilline G 1.000.000 – 2.000.000 đv/ngày tiêm bắp từ 1 – 2 tuần.
    Sau đó tiêm 600.000 Benzathin Penicillin (trẻ con) hoặc 1.200.000 (người lớn) một lần.
    Nếu dị ứng với Penicilline, thay bằng các kháng sinh khác (Erythromycin, Sulfadiazin …)
    4.Các thuốc khác:
    Khi có dấu hiệu múa giật phải cho thêm các thuốc an thần: Diazepam, Chlopromazin.
    Đối với các trường hợp có suy tim cấp cần điều trị với các thuốc trợ tim và lợi tiểu.
    Châm cứu và các thuốc YHCT tỏ ra ít tác dụng trong thấp khớp cấp.
    B.Dự phòng:
    1.Đề phòng nhiễm liên cầu: Bằng cải thiện chế độ sống, tăng cường vệ sinh, giữ ấm, khám và giải quyết các ổ nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, răng (chân răng sâu, cắt amygdal nếu có viêm mủ, điều trị viêm xoang …).
    2.Dự phòng thấp khớp cấp tái phát:
    Tiêm Benzathin Penicillin (Extencilin) bắp thịt 600.000 đv đối với trẻ em cân nặng trên 30 kg và người lớn, 3 tuần 1 lần. Nếu không có biểu hiện tim, tiêm liền 5 năm sau đó theo dõi nếu có dấu hiệu tái phát tiêm tiếp tục. Nếu có biểu hiện tim thi phải tiêm cho đến năm 25 tuổi, có người khuyên nên tiêm kéo dài hơn nữa.
    Nếu không có điều kiện tiêm, có thể uống loại Penicillin V 1.000.000 đv mỗi ngày một viên, uống liên tục hàng ngày, thời gian như trên.
    Hoặc uống Sulfadiazin 1 g/ngày, uống liên tục, thời gian giống như trên, nếu dị ứng với Penicillin, Sulfadiazin có thể dùng Erythromycin.
    Nói chung dự phòng bằng tiêm Penicillin chậm là biện pháp tốt nhất, bằng phương pháp này nhiều nước đã hạn chế đến mức thấp các bệnh van tim do thấp, ngăn ngừa được những đợt tái phát của bệnh.
Bài trướcLợi Ích Của Thủ Dâm – Thủ Dâm Có Lợi Gì Không
Bài tiếp theoThủ dâm đúng cách nhất cho nam giới

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.