PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT BẰNG THUỐC CỔ TRUYỀN

ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN:

Y học cổ truyền xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm ôn bệnh và ôn dịch (ôn dịch vì có tính lây lan thành dịch). Nhiệt tà tác động vào dinh, vệ, khí, huyết.

Qua thực tiển nhiều năm, thuốc y học cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh sốt xuất huyết độ I, độ II.

Pháp trị: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng.

Nguyên tắc điều trị chung:

– Uống thuốc cổ truyền.

– Kết hợp nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu.-

Bài thuốc 1:

Lá cúc tần 12g (hạ sốt)

Cỏ mực (nhọ nồi) 16g (cầm máu)

Mã đề 16g (lợi tiểu)

Trắc bá diệp (sao đen) 16g (cầm máu)

Sắn dây 20g (thanh nhiệt)

Rau má 16g (nhuận gan, thanh nhiệt)

Lá tre 16g (hạ sốt, thanh nhiệt)

Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị)

Nếu không có Sắn dây thì thay bằng Lá dâu 16g.

Nếu không có Trắc bá diệp thì bằng Lá sen sao đen 12g hoặc Kinh giới sao đen 12g.

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Bài thuốc 2:

Cỏ mực (sao vàng) 20g (chỉ huyết, nhuận huyết)

Cối xay (sao vàng) 12g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc)

Rễ cỏ tranh 20g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc)

Sài đất 20g (thanh nhiệt, giải độc)

Kim ngân 12g (thanh nhiệt, giải độc)

Hạ khô thảo (sao qua) 12g (lợi tiểu, hoạt huyết, thanh can hỏa)

Hoa hòe 10g (bền thanh mạch)

Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị)

Nếu không có Hạ khô thảo thì thay bằng Bồ công anh 12g.

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Bài thuốc 3:

Cỏ mực 20g

Cam thảo 6g

Hoạt thạch 12g (lợi tiểu, hạ sốt)

Mã đề 16g (lợi tiểu, hạ sốt)

Gừng tươi 3 lát

Nếu không có Hoạt thạch thì thay bằng Cối xay 12g.

Nếu không có Mã đề thì thay bằng Lá tre 16g.

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần. Nếu hết sốt thì ngừng thuốc ngay.

*Các bài thuốc trên điều trị cho trẻ em liều dùng như sau:

– Trẻ em từ 1 – 5 tuổi: liều bằng 1/3 người lớn.

– Trẻ em từ 6 – 13 tuổi: liều bằng 1/2 người lớn.

– Trẻ em từ 14 tuổi trở lên: liều bằng liều người lớn.

– Trẻ còn bú mẹ: cho mẹ uống thuốc, qua sữa điều trị cho con.

THUỐC UỐNG PHÒNG DỊCH TRONG VÙNG ĐANG CÓ DỊCH LƯU HÀNH

Dùng bài thuốc số 2 sắc uống trong suốt vụ dịch, uống thay nước uống hàng ngày.

*Chỉ định điều trị SXH bằng thuốc cổ truyền:

– Sốt xuất huyết độ I, độ II.

*Chống chỉ định:

– Sốt xuất huyết độ III, độ IV. Những trường hợp này nhất thiết phải điều trị bằng Y học hiện đại. Có thể sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền để điều trị phối hợp.

– Bệnh nhân sốt xuất huyết đang có sốt cao không được dùng Nhân sâm và các chế phẩm có Nhân sâm.

PGS,TS.LƯU THỊ HIỆP

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.