Chứng can thận âm hư
1. Nguyên nhân:
Chứng can thận âm hư là những triệu chứng vì 2 tạng can thận âm dịch không đủ mà gây ra. Người tuổi già thận suy, người bệnh lâu không khỏi, người tình chí không thoải mái, phòng thất, lao thương đều có thể gây ra chứng này.
2. Chứng trạng:
Choáng váng, tai vù, hay quên, mất ngủ, họng khô, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, đau 2 bên mạng sườn, eo lưng, đầu gối mỏi đau. Nam giới di tinh, nữ giới kinh ít. Lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.
3. Cơ chế bệnh sinh:
Can thận cùng một nguồn, can tàng huyết, thận tàng tinh, âm của can thận tư sinh lẫn nhau. Can âm sung túc thì tàng ở thận, thận âm vượng thịnh thì nuôi cho can. Cho nên có thuyết can thận cùng nguồn. Khi bị bệnh can âm không đủ có thể làm cho thận âm vì đó mà thiếu, trái lại cũng như vậy.
Can thận âm dịch không đủ, không lên đầy đủ cho thanh khiếu cho nên choáng váng ù tai, bể tuỷ không đầy đủ thì sinh ra hay quên. Tâm thần mất nuôi dưỡng thì mất ngủ. Âm dịch không tiếp lên trên được thì họng khô. Âm hư sinh nội nhiệt, hư hoả phù lên thì gò má đỏ hồng, nhiệt bức dịch tiết ra thì mồ hôi trộm. Hư nhiệt thịnh ở trong thì ngũ tâm phiền nhiệt. Can âm không đủ, can mạch mất tư dưỡng cho nên 2 mạng sườn đau. Eo lưng là phủ của thận, thận âm không đủ thì eo lưng mất nuôi dưỡng cho nên eo lưng đầu gối mỏi đau. Hư hoả quấy nhiễu ở trong tinh thất thì sinh mất tinh. Mạch xung nhâm không đầy đủ thì kinh ít. Lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác đều là hiện tượng âm hư nội nhiệt, tân dịch không đủ.
Điểm chính để chẩn đoán là: Đau sườn, đau eo lưng, di tinh kèm có chứng âm hư.
4. Luận trị:
– Phép trị: Tư bổ can thận.
– Phương dược:
* Kỷ cúc địa hoàng hoàn (Y cấp).
Gồm Lục vị để tư bổ thận âm. Kỷ tử, Cúc hoa để bổ can, minh mục.
* Nhất quán tiễn (Liễu châu y thoại).
Sa sâm 9g Sinh địa 18g Kỷ tử 15g
Quy thân 9g Mạch môn 9g Xuyên luyện tử 5g
Phân tích: Sinh địa tư âm dưỡng huyết bổ can thận. Sa sâm, Mạch môn, Quy thân, Kỷ tử tư âm dưỡng huyết sinh tân nhằm nhu can. Xuyên luyện tử để sơ can khí