BỆNH HỌC
Theo Âm Dương
Bệnh tậtlà tình trạngmất quân bình Âm Dương, Khí Huyết. Có hai
hướng mất quân bình Âm Dương:
Thiên thắng: Hoặc Dương thắng gây chứng Nhiệt (như Sốt, khát, tiểu đỏ, mạch Sác,…), hoặc Âm thắng gây chứng Hàn (như lạnh chân tay, thân mình, tiểu trong, mạch Trì,…).
Thiên suy: hoặc Dương hư gây chứng Hàn (như lạnh chân tay, thân mình, người suy nhược, tiêu chảy lúc sáng sớm,…), hoặc âm hư gây chứng Nhiệt (như cảm giác nóng nảy bứt rứt, táo bón, khô khát,…).
Như vậy, Dương chứng có thể là biểu hiệncủa Dương bệnh (Dương thái quá) mà cũng có thể là Âm bệnh (Âm bất cập) hoặc cả hai. Âm chứng có thể là biểu hiện của âm bệnh (Âm thái quá) hay Dương bệnh (Dương bất cập) hoặc cả hai.
Nói cách khác, có hai kiểu bệnh ở phần Dương: Dương thịnh hay Dương suy, và cũng có hai kiểu bệnh ở phần Âm: Âm thịnh và Âm suy.
“Âm hư sinh nội Nhiệt, Dương hư sinh ngoại Hàn, Âm thịnh sinh nội Hàn, Dương thịnh sinh ngoại Nhiệt”
“Hàn cực sinh Nhiệt, Nhiệt cực sinh Hàn”, “Dương thắng tắc Âm bệnh, Âm thắng tắc Dương bệnh”. Dương thắng thì phát nhiệt, Âm thắng thì phát Hàn. Hàn chứng có thể do Nhiệt chứng cực thịnh quá hóa thành. Nhiệt chứng có thể do Hàn chứng cực thịnh quá hóa thành.
“Dương thắng tắc Âm bệnh, Âm thắng tắc Dương bệnh”
Bệnh thuộc Dương đêm nhẹ ngày nặng. Bệnh thuộc Âm đêm nặng ngày nhẹ.
Dương bệnh phát từ huyết mạch. Âm bệnh phát từ xương tủy.
Theo Ngũ hành
Các tạng phủ có mối quan hệ với nhau theo qui luật sinh khắc (bình thường), thừa vũ (bất thường) của Ngũ hành. Có thể nói:Qui luật truyền biến của bệnh theo Ngũ hànhgồm:Tương thừa, Phản vũ, Mẫu bệnh cập tử, Tử bệnh phạm mẫu,… Có thể dựa vào đó để truy tìm bệnh ở các cơ quan tạng phủ khác với bệnh chính.
Trong cơ thể, Thủy Hỏa luôn tương khắc nhau để giữ quân bình điều hòa dinh vệ. Nếu Hỏa suy yếu thì Thủy sẽ thịnh làm cho người mệt mỏi, xanh xao, sợ lạnh, khả năng sinh lý giãm, bụng trướng đau, tiết tả, hôn mê (điều trị bằng các vị thuốc ôn nhiệt như Sâm, Phụ, Quế để ích dương hỏa hồi khí). Nếu Thủy suy yếu sẽ phát nhiệt, miệng họng khô, da khô, khát, táo bón (điều trị bằng thuốc mát, tư nhuận, hành huyết như Thục địa, Mạch môn, Đương qui, Xuyên khung để ích Âm Thủy, bổ huyết, hành huyết)
Bệnh lý Tâm Thận: Thận Thủy suy kém sẽ dẫn đến Tâm Hỏa thịnh (Thủy khắc Hỏa).
Bệnh lý Can Tỳ: Can Mộc thịnh thừa Tỳ Thổ mà sinh bệnh (Mộc khắc Thổ).
Bị bệnh mùa nào có màu ngũ hành tương ứng là Thuận thời. Thí dụ: Mùa Xuân bị bệnh có màu xanh là Thuận thời. Còn nếu bệnh có màu tương khắc với mùa là bệnh và thời không hợp nhau. Thí dụ: Mùa Xuân (Mộc) bệnh có chứng màu trắng (Kim).
5 loại tà khí (căn cứ vào sự truyền tà khí, theo Hải Thượng Lãn ông):
Hư tà: Tà truyền từ tạng mẹ sang tạng con (Thí dụ: Từ Tỳ Thổ sang Phế Kim)
Thực tà: Tà truyền từ tạng con ngược lên tạng mẹ (Thí dụ: Từ Thận Thủy sang Phế Kim).
Tặc tà: Tà truyền từ tạng khắc sang (Thí dụ: Tà từ Tâm Hỏa truyền sang Phế Kim).
Vi tà: Tà truyền ngược lên tạng khắc (Thí dụ: Tà truyền từ Can Mộc sang Phế Kim).
Chính tà: Tà ở chính tạng đó (Thí dụ: Tâm hỏa trúng Thử).
Thời bệnh học:
Học thuyết Âm Dương với Ngũ hành được người xưa phối hợp lại trong một lý thuyết nhằm nói lên mối liên quan giữa sự biến động của “Thiên Địa” (khí hậu, thời tiết, địa lý, thổ ngơi) và tình hình sức khỏe của con người (“nhân”), đó là Học Thuyết Ngũ Vận – Lục khí (tham khảo bài học này).
Thời tà: Mùa Xuân hay cảm phong tà. Mùa Hạ hay cảm Thử tà. Mùa Thu hay cảm Thấp và Táo tà. Mùa Đông hay cảm Hàn tà.
Diễn biến bệnh (truyền bệnh):
Có 2 kiểu diễn biến bệnh: Thuận và nghịch.
Thuận truyền: Theo chiều tương sinh. Thí dụ: Bệnh từ Can mộc truyền đến Tâm hỏa = Bệnh nhẹ.
Nghịch truyền: Theo chiều tương khắc. Thí dụ: Bệnh từ Tâm hỏa truyền sang Phế kim (trái tự nhiên) = Bệnh nặng.
Thất truyền: Truyền 7 lần theo chiều tương khắc: Nếu bệnh từ Tâm đầu tiên, truyền đến Phế, rồi Can, Tỳ, Thận, trở về Tâm, lại đến Phế lần nữa: Bệnh nặng vì truyền về chỗ tương khắc (Phế) 2 lần làm chính khí không thể chống được tà khí nữa.
Gián truyền: Bệnh từ Tâm thay vì truyền đến Phế, lại truyền đến Can (chiều tương khắc): Bệnh nhẹ vì tạng khí không bị khắc.
Theo Bát quái và 64 quẻ: Hai loại bệnh lý sau đây được quan tâm nhiều nhất:
Bệnh lý Tâm Thận: Trục Tâm – Thận trong người giống trục Ly – Khảm của Hậu Thiên Bát quái (Hỏa trên Thủy dưới). Khí của tạng phủ như khí của trời đất trong sự sinh hóa: Địa khí thăng, Thiên khí giáng.
Hỏa khí của Tâm giao xuống Thận làm Thủy khí của Thận bốc lên mà sinh ra công dụng tạo thành hình ảnh của quẻ Ly ở trên, Khảm ở dưới mang hình ảnh của quẻ kép “Thủy hỏa Ký tế” (Thủy hỏa âm dương tương giao).
Nếu Thủy của Thận không thăng, Hỏa của Tâm không giáng, đó là âm dương Thủy hỏa bất giao, về mặt “công dụng” coi như quẻ “Hỏa Thủy Vị Tế”.
Bệnh lý Phế – Tỳ:Khí của phế thuộc đạo Kiền (Thiên) giáng. Khí của Tỳ Thuộc đạo Khôn (Địa) thăng. Đó là Âm Dương giao nhau, về công dụng coi như là quẻ “ Địa Thiên Thái”.
Nếu Phế khí không giáng, Tỳ khí không thăng, sẽ gây ra bệnh tương ứng với quẻ kép “Thiên Địa bĩ” (bế tắc).
Theo học thuyết Thiên nhân hợp nhất
Sức khỏe: Tình trạng thích nghi tốt với môi trường sống.
Bệnh tật: Tình trạng kém hay không thích nghi với môi trường sống.
Bệnh nhân: Không phải là cái máy hư, cũng không là con thú bị bệnh mà là một “vũ trụ nhỏ” bị mất quân bình, không còn thích nghi với “vũ trụ lớn” (theo YHHĐ: “Trên đời này không có bệnh, chỉ có người bệnh”).
Nguyên nhân bệnh: Có thể từ chính người đó (Nhân), cũng có thể từ môi trường sống (môi trường tự nhiên lẫn xã hội; thế giới vật chất – hữu hình: Địa; và thế giới tinh thần – vô hình: Thiên) mà cũng có thể do mối quan hệ giữa thế giới xung quanh (Thiên địa) với con người (nhân).