NGHẸN (Ế CÁCH)
Nghẹn là trạng thái nuốt xuống bị trở ngại, ăn uống như bị nghẽn tắc không xuống.
Nghẹn chỉ là một triệu chứng có thể do nhiều bệnh ở thực quản gây ra: Rối loạn thần kinh thực quản, thực quản co thắt, thực quản có khối u… tương ứng với thể Tâm Vị Co Thắt, Thực Đạo Viêm, Ung Thư Thực Quản, Ung Thư Dạ Dày.
Thiên ‘Thông Bình Hư Thực Luận’ (Tố Vấn 28) viết: “Hung tắc bị nghẹn thì trên dưới không thông”, ám chỉ chứng ế cách.
Phân Loại
Ế: ăn uống đến khoảng giữa miệng với cổ họng, vì khí làm ngăn lại, nuốt nghẹn không xuống được, vì vậy gây nên nôn ra, từ trong họng chuyển ra, do đó gọi là Ế bệnh, bệnh ở thượng tiêu.
Cách: Có hai cách giải thích:
Ăn uống xuống họng, đến cơ hoành (cách) thì không xuống được nữa, nôn ra, vì vậy, gọi là cách.
Từ cách mạc (hoành cách mô) chuyển ra, do đó gọi là Cách (Theo Lý Đông Viên giải thích). Cách ở đây không có nghĩa là ngăn cách.
Hải Thượng Lãn Ông trong ‘Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh’ giải thích: “Chứng Cách xẩy ra ở khoảng giữa bao tử và họng, vì vậy gọi là Cách. Chữ Cách này có nghĩa là ngăn cách, ý nói là ngăn thức ăn ra khỏi bao tử. Bệnh ở trung tiêu.
Nguyên Nhân
Theo sách ‘Y Trung Quan Miện’ (Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh) thì:
Ế do vị quản khô ráo, huyết dịch suy kém, do âm hư hỏa vượng.
Cách thường do lo nghĩ, tức giận gây nên uất kết, đờm khí tụ lại trên cách mô, vì vậy Chu Đan Khê nhận định là “Bệnh này chỉ có ở người lớn tuổi, trẻ tuổi không có chứng ế cách”.
Tiết Lập Trai cho rằng “ Bệnh ế cách do hỏa gây nên”. Do hỏa bốc lên nung đốt tân dịch thành đờm, lúc đầu thì hỏa và đờm chưa kết, họng và ngực bị táo, ăn uống vào không được lưu lợi thành ra ế cách.
Thiên ‘Âm Dương Biệt Luận (Tố Vấn 7) viết: “Khí Tam dương kết lại, gọi là Cách”.
Sách ‘Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩch’ giải thích rõ hơn ý của sách Nội Kinh Tố Vấn như sau: ” … Nhưng phải biết vì sao Tam dương sinh ra nhiệt kết? Ddêuf là bệnh của Thận cả, vì Thận chủ chủ 5 chất dịch, chủ nhị tiện, cùng với Bàng quang thành một tạng phủ có quan hệ biểu lý. Thận thủy đã khô thì dương hỏa thiên thắng nung nấu tân dịch, làm cho tam dượng bị nhiệt kết. Đường trước đường sau đều bị bế tắc, đi xuống không thông ắt phải đi ngược trở lên, thẳng theo thanh đạo (đường khí) mà bốc lên họng, cho nên nghẹn (ế) ở họng mà không xuống được, có xuống được rồi cũng trở ra là do dương hỏa cứ đi lên không xuống thì làm gì uống nước xuống được, vì thế ăn lại càng khó xuống:…”
Theo sách ‘Nội Khoa Học Thượng Hải và Thành Đô:
Do Lo Nghĩ, Uất Ức làm cho khí bị kết lại, tân dịch ngưng tụ lại thành đờm, uất ức làm hại đến Can khí, Can khí bị uất kết sinh ra huyết ứ. Đờm ứ và huyết ứ gây trở ngại thực quản làm cho nuốt khó, ăn uống không xuống, trên dưới không thông.
Do Uất Nhiệt Làm Tổn Hại Tân Dịch (T.Hải T. Đô): Uống rượu, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, lâu ngày nhiệt ứ lại, làm bế tắc thực quản, hại tân dịch, huyết bị khô, sít, ăn uống không xuống được gây nên nghẹn.
Do Tinh Huyết Không Đủ (T. Đô): Lao thương làm hại Thận âm, tinh huyết bị khô, âm tinh không đưa lên trên được, thực đạo bị khô sít, ăn uống không xuống được gây ra nghẹn.
Do Tửu Sắc Quá Độ, ham uống rượu, tình dục phóng túng cũng gây nên ế cách. Vì rượu nóng làm tổn hại khí huyết, sắc dục thì hao tổn tinh dịch, tinh huyết đã thiếu thì huyết lưu hành không thông, có thể làm cho khí huyết uất kết gây nên chứng ế cách. Trong đó, uống rượu là yếu tố quan trọng. Sách ‘Y Biển’ viết: Người uống rượu thường bị chứng ế cách, uống rượu nóng lại càng bị nhiều vì nóng thì hại tân dịch, cuống họng khô sáp, ăn vào không được”.
Sách ‘Cảnh Nhạc Toàn Thư’ viết: “ Chứng ế cách do lo sầu, nghĩ ngợi, nhọc mệt và uất chứa lại, hoặc tửu sắc quá độ làm tổn hại chân âm, chân âm bị tổn thương thì tinh huyết khô cạn. Khí không thông hành thì ở trên bị chứng ế cách, tinh huyết khô cạn thì ở dưới bị bệnh táo kết”.
Sách ‘Cảnh Nhạc Toàn Thư’ cũng nêu lên rằng người trẻ tuổi ít bị chứng này mà đa số là người lớn tuổi, người yếu sức thường bị, như vậy cho thấy chứng này cũng liên hệ với tuổi tác và sức khỏe.
Triệu Chứng
Đờm Khí Ngăn Trở: Khi nuốt thấy trong họng như bị nghẹn, ngực đầy, đại tiện khó, miệng và họng khô, gầy ốm, chất lưỡi đỏ, mạch Huyền, Tế (T.Hải), Huyền, Tế, Sáp (T. Đô).
Huyết Ứ Nội Kết: Vùng ngực đau nhói, vừa ăn xong là nôn, kể cả nước cũng không uống được, đại tiện cứng như phân dê, hoặc như nước đậu đỏ, đậu đen, gầy ốm, lưỡi đỏ, ít nước miếng, lưỡi xanh tím, mạch Tế Sáp.
Khí Dương Hư Yếu: Ăn uống không xuống, mặt nhạt, sợ lạnh, hụt hơi, nôn ra nước và nước miếng, mặt và chân phù, bụng trướng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch Tế Nhược.
Nguyên Tắc Điều Trị
Theo sách ‘Y Trung Quan Miện’:
Ế chứng vốn do tinh huyết khô khan, lo nghĩ uất kết, huyết dịch không nhuần xuống được thành nghẹn (ế), cho nên hễ thấy ăn uống thì trong lòng đã cảm thấy tắc nghẽn, đó là dấu hiệu báo trước cho biết chân khí vô hình đã có bệnh. Phép chữa phải bồi bổ chân khí là chính.
Nếu Thận hư thì mạch Nhâm không tưới nhuần được khí nguyên dương ở đan điền, không có nóng ấm để nung nấu thủy cốc, cho nên trung tiêu chuyển vận hóa xuống không được gây nên ế cách, do đó, phép trị phải bổ âm. Xét người bị ế cách, uống nước thì dễ chịu mà ăn vào lại khó là do âm khí tiêu mất, phải nhờ ‘đồng bào’ giúp sức.
Chứng ế cách nơi người lớn tuổi do huyết dịch khô khan, trung châu không vận hóa nổi… cần biết bảo tồn chân khí, đừng để tiêu tan mất, cần tưới nhuận chỗ khô sáp thường xuyên, đừng để ủng tắc khiến cho khí dễ sinh ra huyết. Vì vậy, Chu Đan Khê có cách chữa bằng các thứ sữa, các thứ nước tươi (sinh trấp).
Nếu cho rằng do uất kết sinh ra, dùng thuốc hóa đờm cho tiêu đi, có thê có hiệu quả nhất thời nhưng sẽ dần dần khô héo mà chết. Nên dùng bài Bát Vị Địa Hoàng Hoàn, tùy chứng mà thêm Ngũ vị, Ngưu tất.
Vì bệnh do lo nghĩ, tinh thần gây nên, vì vậy, cần bảo dưỡng tinh thần, dẹp bớt tư lự thì tân dịch mới tụ về trong Vị.
Chứng ế cách vừa chữa khỏi, tuy thèm ăn uống cũng không được cho ăn cơm cháo ngay, mỗi ngày nên dùng Nhân sâm, Trần bì đều 8g, Gạo tốt 40g, sắc uống dần từng ít một để thêm Vị khí. Uống như vậy thấy yên thì thêm Nhân sâm dần dần, sau một tuần mới có thể ăn cháo được. Nếu Tỳ Vị chưa mạnh mà đã vội cho ăn cháo gạo thì hầu hết không chữa được. Người tuổi ngoài 60 rất khó chữa.
Người lớn tuổi thường khó chữa vì trai trẻ khí huyết chưa dư, dùng thuốc chữa đờm hỏa thì khỏi hẳn nhưng nơi người lớn tuổi, khí huyết đã suy, nếu dùng thuốc vét hết đờm hỏa, tuy tạm khỏi nhưng bệnh sẽ trở lại. Đó là do khí hư không vận hóa được mà sinh đờm, huyết hư thì không đủ tưới nhuận được mà sinh ra hỏa, tuyệt đối không nên dùng thuốc có vị thơm, ráo (táo), nếu dùng thì sẽ chết.
Nên ăn những thức ăn thanh đạm, tránh thức ăn béo, vì chứng này thuộc nhiệt mà táo, ăn thức ăn béo sẽ giúp thêm hỏa, sinh ra đờm, sẽ làm cho bệnh nặng thêm.
Điều Trị
Đờm Khí Giao Trở: Khai uất, nhuận táo (T.Hải T. Đô).
Dùng bài Khải Cách Tán (Y Học Tâm Ngộ, q. 3): Sa sâm, Đan sâm đều 12g, Bối mẫu (bỏ lõi) 6g, Phục linh 4g, Hà diệp đế (Gương sen) 2 cái, Sa nhân (xác) 1,6g, Uất kim 2g. Sắc uống.
(Uất kim, Sa nhân để khai uất, lợi khí; Sa sâm, Bối mẫu nhuận táo, hóa đờm; Đan sâm tan ứ huyết; Phục linh lợi thấp).
Ứ Huyết Nội Kết: Tư âm, dưỡng huyết, phá kết, hành ứ, dùng bài Thông U Thang (NKHT. Hải)
Dưỡng huyết, hành ứ, dùng bài Thông U Thang (Nội khoa Thành Đô).
Thông U Thang (Lan Thất Bí Tàng, q. Hạ): Quy vĩ, Đào nhân, Thăng ma đều 4g, Sinh địa, Thục địa 2g, Chích thảo, Hồng hoa đều 0,4g. Sắc, cho thêm bột Tân lang 2g, uống nóng.
(Sinh địa, Thục địa, Đương quy tư âm, dưỡng huyết; Đào nhân, Hồng hoa phá kết, hành ứ; Tân lang phá khí trệ, giáng xuống; Thăng ma hành khí đi lên, giúp cho khí lên xuống được điều hòa).
Hòa Vị Chỉ Kinh Thang Gia Vị (Thiên Gia Diệu Phương, q. Thượng): Đao đậu tử, Xích thược, Ngọa lăng, Bạch thược đều 40g, Đương quy, Ngẫu tiết, Mộc qua đều 16g, Hạnh nhân, Quất hồng, Hồng hoa, Tuyền phúc hoa, Đại giả thạch, Hương phụ đều 12g, Mai khôi hoa, Sa nhân, Sinh khương đều 6g. Sắc uống.
Khí Hư Dương Suy
NKHT. Hải: Ích khí, kiện Tỳ, sinh tân, giáng nghịch. Dùng bài Bổ Khí Vận Tỳ Thang.
Nội khoa Thành Đô: Bổ khí, ích Tỳ. Dùng bài Bổ Khí Vận Tỳ Thang.
Bổ Khí Vận Tỳ Thang (Chứng Trị Chuẩn Thằng, q. 3): Bạch truật 12g, Nhân sâm 8g, Phục linh, Quất hồng đều 6g, Chích kỳ 4g, Sa nhân 3,2g, Chích thảo 1,6g. Thêm Gừng sống 1 lát, Táo 1 trái, sắc uống lúc đói.
(Nhân sâm, Hoàng kỳ, Phục linh, Bạch truật bổ khí, kiện Tỳ, Tuyền phúc hoa, Đại giả thạch thuận khí, giáng nghịch).
Châm Cứu Trị Nghẹn
Châm Cứu Học Giảng Nghĩa: Châm bình bổ bình tả Cách du, Cự khuyết, Nội qua, Túc tam lý, Vị du.
(Cách du điều hành huyết, khứ ứ, khai thông hoành cách mô; Cự khuyết, Nội quan thông khí ở hoành cách mô; Vị du, Túc tam lý thông điều Vị khí, trung tiêu).
Thiên Kim Phương: châm Gian sử.
Y Học Cương mục: Trung khôi, Đại lăng, Túc tam lý.
Chứng Trị Chuẩn Thằng: châm Đại lăng.
Châm Cứu Trị Liệu Học:
Thực chứng: Chiên trung, Cự khuyết, Cách du, Tỳ du, Cách quan đều tả.
Hư chứng: Châm bổ Tỳ du, Khí hải, Cách du, Túc tam lý, Công tôn, châm tả Lao cung.
Sách ‘Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học’ nêu 4 trường hợp điều trị:
Đờm trọc giao trở: Khai uất, lý khí, hóa đờm, nhuận táo.
Châm tả Trung quản, Can du, Phế du, Cách du, Phong long, bổ Phục lưu.
(Trung quản, Túc tam lý điều lý Tỳ Vị, hóa đờm trọc; Can du, Cách du lợi cách, thư Can, tán uất kết; Phong long giáng khí, tiêu ế cách; Phong long hành khí, hóa đờm; Bổ Phục lưu để tư âm, nhuận táo).
Ngực đầy thêm Chiên trung, Nội quan.
Tân dịch suy, nhiệt kết: Nhuận táo, sinh tân.
Châm bổ Vị du, Tỳ du, Túc tam lý, Chiếu hải, Phục lưu.
(Vị du, Tỳ du bổ trợ trung khí, bồi cho nguồn sinh hóa. Tỳ Vị vượng thì sẽ tự sính khí, hóa huyết; Túc tam lý điều lý Vị khí, bổ cho nguồn sinh hóa; Chiếu hải, Phục lưu tư dưỡng Thận âm).
Ứ Huyết Nội Kết: Tư âm, dưỡng huyết, tán kết, hành ứ.
Châm tả hoặc bình bổ bình tả Cách du, Can du, Huyết hải, Tam âm giao, Túc tam lý.
(Cách du là huyệt Hội của huyết, ở vị trí hoành cách mô, có tác dụng điều khí, hành huyết, khứ đờm, làm thông hoành cách mô; Can du sơ Can, điều khí, hành huyết; Huyết hải sơ điều kinh khí Tỳ Vị, lý khí, hoạt huyết, khai ứ kết; Tam âm giao kiện Tỳ, tư âm, dưỡng huyết; Túc tam lý kiện vận Tỳ Vị, ích khí, dưỡng huyết, để phù chính, khu tà).
Khí Hư, Dương Suy: Ôn bổ Tỳ Thận.
Châm bổ Tỳ du, Vị du, Thận du, Quan nguyên, Phục lưu.
(Tỳ du, Thận du ôn bổ dương cho Tỳ, Thận; Hợp với Vị du để kiện Tỳ Vị; Quan nguyên bồi Thận, cố bản, bổ ích nguyên khí; Phục lưu tư bổ Thận âm, làm cho âm dương tương giao).
‘Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu’ giới thiệu một số phương pháp châm đơn giản sau:
Châm Thiên đột, thẳng xuống, sâu 0,2 thốn, sau đó chuyển mũi kim xuống rồi dựa theo bờ trong sát xương ức xuống sâu 1 – 1,5 thốn. Khi người bệnh cảm thấy như bị bóp nghẹt hoặc thấy tức thì rút kim. Nếu người bệnh không có cảm giác như trên thì phải đợi đến khi có cảm giác tức nghẹn mới có hiệu quả.
Châm huyệt Thái xung hai bên, châm xong bảo người bệnh nuốt. Khi đắc khí, lưu kim 20 phút, cứ 5 phút vê kim một lần. Vê kim 10 lần là được.
Nhĩ Châm: Chọn huyệt Thần môn, Vị, Thực đạo, Cách. Mỗi lần chọn 1-2 huyệt, kích thích vừa. Mỗi ngày châm một lần, 10 ngày là một liệu trình (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).
Bệnh Án Ế Cách
(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư).
Chu X, nữ, đến tuổi trưởng thành.
Khám lần đầu tiên: ăn uống không xuống, dễ đưa lên gây nôn, ợ hơi luôn, mỗi bữa ăn phải nhấm nháp tới hơn 2 giờ mới xong. Tây y khám chữa chẩn đoán là Hẹp môn vị; mạch Trầm Tế, rêu lưỡi trắng nhớt.
Cho dùng: Hương Phụ 8g, Lương khương 3g, Bán hạ 12g, Trần bì 6g, Toàn phúc hoa 12g, Đại giả thạch 16g, Đương quy 12g, Hoắc hương 8g, Tô ngạnh 8g, Cam thảo 4g.
Khám lần 2: Uống thang trên chưa kiến hiệu, đại tiện khô táo. Luận trị theo chứng ế cách theo hướng nhuận hạ. Cho dùng Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Toàn phúc hoa 12g, Đại giả thạch 16g, Qua lâu nhân 16g, Bá tử nhân 8g, Chỉ xác 8g, Cam thảo 4g.
Sau khi uống thuốc, ăn uống vào dễ hơn. Thêm Úc lý nhân, Hạnh nhân, Hỏa ma nhân, mỗi bữa ăn đã nhanh hơn được nửa giờ. Về sau đổi dùng Đại Bán Hạ Thang, khỏi bệnh.
Nhận xét: Bệnh lý ế cách là nhiệt kết, tân dịch khô, cho nên điều trị mới dùng phép lý khí giáng nghịch, chưa thấy kết quả; lần khám thứ hai thêm các vị thuốc nhuận hạ, mới thấy hiệu quả.
Bành X, nam, 40 tuổi. Mùa xuân năm 1968, ăn vào bị nghẽn ở môn vị không xuống, nôn ra như nước đậu đỏ, đại tiện như phân dê, bệnh kéo dài đã 3 – 4 tháng, gầy còm quá mức, mạch Trì Hoãn Tế Nhược, rêu lưỡi khô ráo không có tân dịch. Bệnh thuộc phủ nhiệt táo kết, nung đốt tân dịch, dương thịnh ở trên, âm cạn ở dưới, tân dịch khô mà huyết cũng thiếu, đến nỗi bí môn và u môn khô ráo; Theo phép nhuận táo thông u, dùng Ngũ Nhân Hoàn gia giảm điều trị. Cho dùng Sa sâm 16g, Mạch đông 16g, Qua lâu 16g, Hỏa ma nhân 24g, Đương quy 32g, Chỉ thực 12g, Bán hạ 12g, Đông quỳ tử 12g. Sắc lấy nước đặc, lại hòa vào 1 chén nước lá hẹ rồi cho uống. Sau 10 thang kết quả rõ rệt; sau 20 thang, khỏi bệnh.
Nhận xét: Táo nhiệt tổn hại phần âm, tân dịch và huyết khô khan, đến nỗi ăn vào bị nghẹn – ngăn cách, trên dưới không thông, phát sinh ế cách. Dùng thuốc dưỡng âm nhuận táo có thêm thuốc tân khai khổ giáng nhờ đó mà tân dịch được gia tăng, ăn uống khá hơn, phủ khí thông lợi, khắc phục được tình trạng hư yếu gầy còm.
Trần X, nam, 44 tuổi. Tự cảm thấy trong họng như có vật vướng mắc, bệnh đã hơn
2 tháng. Qua khám ở một bệnh viện, được chẩn đoán là Ung thư thực quản, ổ bệnh ở đoạn một phần ba thực quản, tính từ dưới lên, qua ba lần làm sinh thiết, phát hiện xu thế bệnh đang tiến triển, ổ bệnh ở thực quản rộng 0,8mm, dài 9mm. Hình thể gầy còm, ăn bị tắc nghẽn, nằm xuống càng nghẽn, táo bón, mạch Huyền Sác. Dựa vào vị trí phía dưới thực quản là miệng trên của Vị, thuộc Kinh Dương minh Vị, nuốt khó, ăn vào lại nôn ra, hình thể khô đét, đại tiện như phân dê… đó là bệnh cách. Điều trị theo hướng tư âm ích Vị, trong thuốc sinh tân nhuận táo có thêm vị tán kết làm mềm chất cứng. Dùng Sa sâm 20g, Ngọc trúc 20g, Mạch đông 12g, Hoài sơn 32g, Toàn phúc hoa 12g, Bán chi liên 40g, Côn bố 20g, Bạch hoa xà thiệt thảo 80g, Thanh bì 8g, Hạ khô thảo 20g.
Nhận xét: Đơn thuốc trên gia giảm cho uống liên tục trên ba tháng, chứng trạng giảm rất nhiều, đến bệnh viện khám lại, phần trên và giữa thực quản bình thường, phần dưới nới dãn tốt; vẫn dùng đơn trên gia giảm để củng cố kết quả, thăm hỏi nhiều lần, bảy năm nay, thể chất khỏe mạnh như xưa, đã lao động được công việc nặng.