NANG UNG

Là chứng da vùng dịch hoàn viêm cấp hoá mủ. Là một loại bệnh thường gặp của phái nam. Lúc đầu da một hoặc cả hai dịch hoàn sưng đỏ, dịch hoàn không sưng to, nóng, đau, kèm nóng lạnh, rồi âm nang, âm đầu sưng to, da dịch hoàn cương to, bìu dái xệ xuống, đau như kim đâm, miệng khô, khát, tiểu ít, nước tiểu đỏ. Nếu điều trị kịp thời, sốt sẽ hạ, giảm đau, hết sưng và có thể khỏi. Nếu không điều trị kịp thời và đúng, bệnh sẽ nặng và đau hơn, sốt không giảm, đau không bớt, nung mủ, vỡ ra, chảy nước vàng, khó liền miệng.

Thường do Can Thận âm hư, thấp nhiệt rót xuống hoặc cảm phải thuỷ thấp, thấp nhiệt nung nấu âm nang gây nên bệnh.

ĐÔNG Y xếp vào loại Âm Nang Độc, Ngoại Thận Ung, Thận Âm Phát.

Tương đương chứng Âm Nang Nùng Thủng, Âm Nang Phong Oa Chức Viêm.

Nguyên Nhân

Đời nhà Nguyên, Chu Đan Khê trong ‘Đan Khê Thủ Kính – Phế Nuy Phế Ung Trường Ung’ lần đầu tiên đề xuất từ ‘Nang Ung’, ông viết: “Nang ung, do thấp nhiệt rót xuống dưới, trọc khí thấm xuống, do âm đạo suy, thuỷ đạo không thông gây nên, mủ nhiều tự yên”.

Đời nhà Minh, sách ‘Ngoại Khoa Chính Tông – Nang Ung Luận’ viết: “Chứng nang ung, do âm hư, thấp nhiệt rót xuống âm nang, kết lại thành ung”.

Các y gia ngày xưa cho rằng chủ yếu do thấp nhiệt rót xuống âm nang gây nên, Thận khí suy tổn cũng có thể phát bệnh.

Có thể do:

Cảm Hàn Thấp Bên Ngoài: Hàn thấp độc bên ngoài theo cơ biểu xâm nhập vào bên trong, theo đường kinh Bàng quang, kết lại ở bìu dái. Hàn tà làm cho huyết mạch ngừng trệ, hoá thành thấp nhiệt, nặng lên thành nhọt. Hoặc do ngồi ở những chỗ ẩm thấp, chỗ nhiều nước, hoặc dầm nước mà đi, hoặc mồ hôi ứ đọng, hàn thấp uất lâu ngày hoá thành nhiệt, nhiệt tà không tán, uẩn kết hoá thành ung nhọt. Hoặc vốn Can Thận âm hư, lại cảm phải hàn thấp, uất kết lại hoá thành nhiệt, thấp nhiệt rót xuống, uất kết ở bìu dái, kinh lạc bị trở ngại, khí huyết không thông, tụ lại gây nên ung nhọt.

Âm Suy Huyết Kết: Do sinh hoạt tình dục không điều độ, lao nhọc quá sức, hoặc sau khi bị bệnh lâu ngày chân âm bị hao tổn, khiến cho hư nhiệt sinh ra ở bên trong. Hoặc do thất tình uất kết, hoá thành hoả làm tổn thương phần âm sinh ra hư hoả. Hai thứ hợp lại khiến cho Can Thận âm suy tổn, kèm phòng dục không điều độ khiến cho tinh huyết bị hao tổn, uất kết lại làm cho thuỷ đạo bị ngăn trở, thấp nhiệt dồn xuống, hợp với tinh huyết xấu kết tụ lại gây nên chứng ung nhọt.

Triệu Chứng

Thấp Nhiệt Uẩn Kết (giai đoạn đầu và giai đoạn nung mủ): thấp nhiệt độc kết ứ lại ở bìu dái. Nếu nhiệt độc không được giải trừ, có thể gây nên nung mủ. Bìu dái một hoặc hai bên, sưng đỏ, có khối u, nóng, đau, kèm nóng lạnh, sau đó bìu dái sưng to, da bìu căng, cảm thấy bìu dái xệ xuống, đau như kim đâm, miệng thích uống, tiểu ít, nước tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng bệu, mạch Huyền Hoạt Sác. Nếu mưng mủ thì sốt không hạ, đau không chịu nổi.

Điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc. Dùng bài Thanh Can Thấm Thấp Thang (Hoàng cầm, Chi tử, Sinh địa, Bạch thược, Xuyên khung, Sài hồ, Thiên hoa phấn, Long đởm thảo đều 10g, Cam thảo, Trạch tả, Mộc thông đều 6g, Đăng tâm 3g. Sắc uống.

(Hoàng cầm, Chi tử, Long đởm thảo thanh nhiệt, giải độc; Trạch tả, Mộc thông, Đăng tâm lợi thấp; Đương quy, Xuyên khung, Sinh địa, Thiên hoa phấn hoà huyết, tán ứ, tiêu thủng, chỉ thống; Sài hồ, Bạch thược sơ Can để hoãn cấp chỉ thống; Cam thảo giải độc và điều hoà các vị thuốc).

Hoặc dùng bài Long Đởm Tả Can Thang thêm Đơn bì, Ngân hoa, Liên kiều: Long đởm thảo, Hoàng cầm đều 15g, Chi tử, Trạch tả, Sinh địa, Xa tiền tử, Sài hồ, Hoàng liên, Đơn bì đều 10g, Mộ thông, Đương quy, Cam thảo đều 6g, Kim ngân hoa 20g, Liên kiều 30g. Sắc uống.

(Long đởm thảo trừ thấp nhiệt ở Can kinh; Hoàng liên, Hoàng cầm, Chi tử thanh nhiệt, tả hoả; Ngân hoa, Liên kiều thanh nhiệt, giải độc; Đơn bì, Sinh địa lương huyết, tán ứ; Mộc thông, Xa tiền tử, Trạch tả thanh lợi thấp nhiệt ở hạ tiêu; Sài hồ sơ Can; Đương quy hoà huyết; Cam thảo điều hoà các vị thuốc).

Sốt cao, mưng mủ, thêm Xuyên sơn giáp, Tạo giác thích để phá mủ.

Thuốc Trị Ngoài

Bạch phàn 60g, Hùng hoàng 30g, Cam thảo (sinh)m 15g, sắc lấy nước rửa, ngày 1~2 lần.

Giai đoạn đầu hoặc mưng mủ: dùng Như Ý Kim Hoàng Tán hoặc Ngọc Lộ Tán, đắp bên ngoài. Mỗi ngày đắp thuốc một lần.

Âm Suy Độc Trệ (vỡ mủ và sau khi ra mủ): Chảy mủ đục, mủ ra không hết, không bớt đau, miệng nhọt lâu ngày không liền, cơ thể còn sốt, khát, tâm phiền, ít ngủ, lưỡi đỏ sậm, mạch Tế Sác.

Điều trị: Tư âm, dưỡng huyết, trừ thấp, thanh nhiệt. Dùng bài Tư Âm Trừ Thấp Thang: Bạch thược, Xuyên khung, Hoàng cầm, Tri mẫu, Địa cốt bì, Bối mẫu, Trần bì, Trạch tả đều 10g, Đương quy, Thục địa đều 15g, Sài hồ, Cam thảo đều 6g. Sắc uống.

(Thục địa, Bạch thược, Đương quy, Xuyên khung là bài Tứ Vật để dưỡng huyết, hoạt huyết, hoá hủ, sinh cơ; Hoàng cầm, Tri mẫu, Địa cốt bì thanh tả hư nhiệt; Bối mẫu, Trần bì lợi khí, hoá đờm, thấu nùng, tán kết; Trạch tả lợi thấp; Sài hồ hợp với Bạch thược để sơ Can, giải uất để tư âm, trừ thấp, hoá nhiệt; Sài hồ dẫn thuốc vào kinh Can; Cam thảo thanh nhiệt, giải độc).

Thuốc Trị Ngoài

Dùng Nhị Bảo Đơn hoặc Cửu Nhất Đơn để phá mủ ra, rồi dùng Kim Hoàng Cao đắp.

Sau khi ra mủ, dùng Sinh Cơ Tán thêm Sinh Cơ Ngọc Hồng Cao để đắp bên ngoài.

Y Án Nang Ung

(Trích trong ‘Cảnh Nhạc Toàn Thư, Nang Ung, q 63)

Một người nam, bị chứng thận nang, sưng to, đau, tiêu rít, sốt, mạch Sác. Chho dùng Long Đởm Tả Can Thang tăng Xa tiền tử, Trạch tả, Mộc thông, Phục linh. Uống 4 thang, bệnh giảm phân nửa. Cho dùng tiếp thang trên, thêm Hoàng bá, Kim ngân hoa. Uống 4 thang, bệnh giảm hai phần ba. Tiểu được như thường nhưng sưng không tiêu, muốn làm thành mủ. Dùng bài trên thêm Kim ngân hoa, Bạch chỉ, Tạo giác thích. Uống 6 thang, chỉ còn hơi sưng đau, mạch Hoạt Sác, mủ chưa giảm, cho châm, giảm sưng. Tiếp đó dùng thuốc tư âm, thác lý và dùng Tử tô đắp ngoài thì khỏi bệnh”.

Y Án Dịch Hoàn Viêm Hoá Mủ

(Trích trong ‘Thiên Gia Diệu Phương, q Hạ)

Tân X, nam, 48 tuổi. Nhập viện ngày 15-11-1963. 20 ngày trước dịch hoàn bên phải sưng cứng, thỉnh thoảng rút đau, dần dần sưng cả hai bên. Toàn thân không có dấu hiệu gì. Phát bệnh sau hai tuần thì nhập viện. Chẩn đoán là Dịch hoàn viêm cấp hoá mủ. Đã trị thuốc Tây y hơn 10 ngày, bệnh tình không chuyển, vì vậy chuyển sang trị Đông y. Bệnh nhân không nóng lạnh, miệng khô, không muốn uống, âm nang xệ xuống, đau lan đến bụng dưới, lưng đau, chân mỏi, đi lại khó khăn, ăn uống như thường, táo bón. Kiểm tra: da mặt trắng nhạt, bìu dái sưng to như 2 nắm tay, xệ xuống, da hơi đỏ, sờ vào nóng, háng nổi hạch lớn, ấn vào đau, đi bộ không được, phải dùng tay đỡ lấy bìu dái. Bạch cầu 17.600/mm3, Bạch cầu trung tính 81%, Lâm ba 19%, mạch Trầm Tế hơi Sác., lưỡi trắng, rêu lưỡi nhạt.

Chẩn đoán: Thấp nhiệt hạ chú, khí huyết ngừng trệ. Đó là chứng Tử Ung.

Điều trị: Giải độc, nhuyễn kiên, hoạt huyết, tiêu ung. Dùng bài Hoạt Huyết Tiêu Ung Thang Gia Vị: Hạ khô thảo, Tử thảo, Trần bì, Thảo hồng hoa, Đào nhân, Trạch lan, Tam lăng, Nga truật đều 9g, Bạch thược 12g, Mộc thông, Tiểu hồi đều 6g. Sắc uống. Bên ngoài dán Tiêu Thủng Nhuyễn Cao.

Uống thuốc đến ngày 18-11, bìu dái bên trái đỡ đau, da vùng bìu dái đỡ đỏ. Dùng thang trên, bỏ Tam lăng, Nga truật, thêm Đảng sâm 6g, Thục địa, Thạch hộc đều 9g để bổ khí, dưỡng âm. Uống đến 21-11, âm nang giảm sưng đau, da bìu mầu hồng, ấn vào thấy mềm, muốn vỡ mủ, vì vậy dùng bài trên thêm Xuyên sơn giáp (sống) 9g để giúp cho vỡ mủ, uống đến ngày 28-11, bên dưới bìu dái vỡ ra, miệng nhọt khoảng 1cm, mủ chảy ra nhiều, hết sưng, giảm đau. Để thu miệng lai, dùng Tê Hoàng Hoàn 30g, chia làm 4 ngày, uống, mỗi ngày uống 3 lần. Uống xong thuốc, tại vùng bệnh thấy ngứa, miệng nhọt thu lại, không chảy nước nữa, khối u mềm, hết sưng, hết đau. Ngưng dùng thuốc, chú ý điều lý việc sinh hoạt, bệnh khỏi. Theo dõi một năm sau không thấy tái phát..

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.