Biểu hiện khớp trong các bệnh thần kinh

Trên lâm sàng, ta thường gặp một số bệnh thần kinh, trong quá trình tiến triển xuất hiện các triệu chứng về khớp, các triệu chứng này khá phong phú từ viêm, tràn dịch đến thoái hóa, biến dạng … Đây không phải là bệnh khớp ghép vào mà chỉ là những triệu chứng, những biểu hiện, là hậu quả của các tổn thương thần kinh gây nên. Phần lớn những dấu hiệu về khớp thường đi sau, xuất hiện muộn trên một bệnh nhân có bệnh thần kinh từ trước, nhưng cũng có trường hợp triệu chứng khớp xuất hiện sớm, là dấu hiệu đầu tiên khiến cho công việc chẩn đoán khó khăn và thường là sai lầm hoặc bỏ qua.

Bệnh thần kinh có biểu hiện khớp được mô tả sớm nhất là bệnh Tabès (Charcot 1868), hiện nay những bệnh này được biết khá nhiều và được gọi chung là nhóm bệnh khớp do thần kinh (arthropathies neurogènes) gồm các bệnh:

Bệnh Tabès (giang mai thần kinh)

Rỗng ống tủy (séringomyélie)

Bệnh Charcot – Marie – Tooth.

Những tổn thương thần kinh khác:

Chấn thương tủy.

Thoát vị màng não tủy.

Liệt nửa thân.

Liệt 2 chi dưới.

Tổn thương thần kinh do đái tháo đường và phong.

I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG:

Vì chỉ là những biểu hiện của bệnh thần kinh nên các đặc điểm về giới và tuổi cũng tùy thuộc vào bệnh chính. Các dấu hiệu khớp thường xuất hiện sau các triệu chứng thần kinh từ vài tháng đến nhiều năm, rất ít khi có cùng một lúc hoặc đi trước.

1.Triệu chứng lâm sàng:

a. Vị trí:

Bao giờ cũng ở cùng vùng có tổn thương thần kinh

Thường gặp thể 1 khớp hay vài khớp, ít khi đa khớp.

Có thể đối xứng hoặc không.

b. Tính chất: có thể biểu hiện bằng 2 cách:

Viêm cấp tính hoặc mãn tính: sưng, nóng, đỏ, đau, có nước. Nhưng thường đau ít hoặc không đau, đây là một tính chất đặc biệt của bệnh khớp do thần kinh mà khi thăm khám cần chú ý.

Những tổn thương thoái hóa, biến dạng tiến triển từ từ tăng dần, ít đau. Đây là hậu quả của những tổn thương loạn sản, loạn dưỡng ở đầu xương, sụn khớp, dây chằng và bao khớp. Trên lâm sàng ta thấy khớp có những hình dạng bất thường và nhất là có những động tác bất thường (lỏng lẻo khớp …).

c. Tiến triển:

Thể viêm cấp thường kéo dài một thời gian, khỏi rồi tái phát.

Phần lớn diễn biến từ từ tăng dần, khớp biến dạng dần, khả năng vận động càng giảm nhưng rất ít khi dẫn đến dính khớp. Trong quá trình diễn biến có thể có các biến chứng:

+ Nhiễm khuẩn khớp.

+ Gãy xương tự nhiên

+ Chảy máu trong khớp

+ Chèn ép mạch máu hoặc thần kinh

+ Sai khớp hoàn toàn.

2.Xét nghiệm và X quang: xét nghiệm máu và dịch khớp không thấy gì đặc biệt.

Hình ảnh X quang có nhiều loại tổn thương khác nhau tùy theo từng bệnh và thời gian tiến triển:

Xơ hóa đậm đặc đầu xương

Đầu xương biến dạng do những tổn thương phối hợp vừa khuyết vừa mọc thêm.

Vôi hóa phần mềm quanh khớp.

Hình ảnh thoái hóa thứ phát (gai xương).

Gãy xương …

3.Cơ chế sinh bệnh: những tổn thương khớp ta thấy trên lâm sàng và X quang có thể giải thích bằng 2 cơ chế như sau:

Vai trò dinh dưỡng: tổn thương thần kinh (nhất là ở phần tủy) gây nên những rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh vận mạch, những rối loạn này làm thay đổi dinh dưỡng của đầu xương và bao khớp, đưa đến tình trạng loạn sản làm thay đổi cấu trúc và hình dạng của khớp.

Tác nhân cơ giới: các bệnh thần kinh kể trên thường có biểu hiện mất cảm giác sâu (tabès, rỗng ống tủy …) hoặc co cứng gân, cơ, dây chằng (liệt bó tháp …). Khi vận động bệnh nhân thường không giữ được tư thế cố định cân bằng, mất các phản ứng tự vệ của khớp đối với các tư thế xấu, có hại. Tình trạng này kéo dài, các động tác, tư thế có hại tác động như những vi chấn thương làm cho khớp bị thoái hóa và di lệch.

II. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP

A.Bệnh Tabès:

Tabès từ chữ La tinh có nghĩa là hư hỏng, hủy hoại nhưng đã trở thành tên để chỉ bệnh giang mai thần kinh, khoảng 5% bệnh nhân Tabès có biểu hiện khớp.

1. Triệu chứng ở khớp:

Tổn thương khớp chi dưới chiếm 98%, chủ yếu là khớp gối, sau đó là cổ chân, háng và bàn chân. Cột sống và chi trên ít bị.

Khớp sưng to, có nước, rất lỏng lẻo, người ta thường ví với khớp xương của con rối.

2. Triệu chứng thần kinh:

Dấu hiệu Argyll Robertson

Mất phản xạ gối và gót

Mất cảm giác sâu

Loạng choạng (dấu hiệu Romberg).

3. Xét nghiệm: BW và TPI (+).

B.Bệnh rỗng ống tủy:

Khoảng 25% có biểu hiện khớp.

1. Dấu hiệu khớp:

Chủ yếu ở chi trên (80%), khớp vai 30%, khuỷu 25%, bàn tay 20%.

Các khớp khác ít gặp.

Khớp sưng, biến dạng và hạn chế vận động.

2. Dấu hiệu thần kinh:

Mất cảm giác đau, nóng lạnh (còn cảm giác sờ) ở nửa người trên và chi trên.

Giảm cơ lực, teo cơ tay.

Tăng phản xạ.

C.Liệt nửa người:

Viêm khớp thường xuất hiện sau liệt từ 1 đến 5 tuần nhưng có thể xa hơn.

1. Viêm khớp: thường ở bên liệt, một vài khớp bị (gối, khuỷu, cổ tay, cổ chân …).

2. Sưng, nóng, đỏ, đau: từ 2 đến 6 tuần, nhưng thường khỏi không để lại di chứng.

III. ĐIỀU TRỊ CHUNG

1.Nếu có biểu hiện viêm cấp: dùng thuốc chống viêm, tiêm

Hydrocortison tại chỗ, để chi ở tư thế cơ năng.

2.Thể kéo dài: tránh va chạm, tránh vận động nhiều và mạnh, cố định ở tư thế cơ năng nếu tổn thương nặng.

3.Phẫu thuật làm dính khớp: nếu khớp quá lỏng lẻo không vận động được.

4.Điều trị nguyên nhân: điều trị giang mai, đái tháo đường, hủi, chấn thương chèn ép …

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.