Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng (SARS)

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe acute respiratory syndrome, viết tắt là SARS) hay còn gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng gây dịch lớn ở nhiều khu vực trên thế giới. Dịch xuất hiện lần đầu vào tháng 11.2002 ở Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Từ tháng 11.2002 đến 07.08.2003 dịch lan rộng đến 29 nước và vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân là 8096 người, có 774 trường hợp tử vong; riêng ở nước ta có 63 bệnh nhân SARS và đã có 5 bệnh nhân tử vong.

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine. Dịch SARS đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, du lịch, chính trị xã hội của nhiều nước. Theo ước tính dịch SARS đã gây thiệt hại hơn 150 tỷ đô-la Mỹ cho các nước trong vùng dịch.

Tác nhân gây bệnhSARS

Tác nhân gây bệnh là một loại coronavirus, thuộc họ coronaviridae, một loại ARN virus. SARS coronavirus có cấu trúc phân tử giống 60-70% loại coronavirus trước đây. Coronavirus kinh điển thường gây viêm cấp tính nhẹ đường hô hấp trên, chủ yếu ở người trưởng thành. SARS coronavirus là loại rất mạnh, có khả năng phá huỷ tổ chức và tế bào đường hô hấp nặng nề hơn coronavirus trước đây.

SARS-CoV có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. Virus có thể tồn tại 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độc lực cao ở 4-20 0C trong 5 ngày. Tia cực tím và các hoá chất khử trung y tế ở nồng độ thong thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút.

Dịch tễ học và cơ chế bệnh sinh

Dịch tễ học

Sự lưu hành bệnh: Chỉ trong vòng 9 tháng, bệnh SARS đã lan truyền nhanh chóng ra 29 nước ở cả 5 châu lục. Điều này cho thấy khả năng phát tán và lan truyền toàn cầu của bệnh. Các virus corona kinh điển cũng được chứng minh là có mặt ở nhiều khu vực trên thế giới. Như vậy khả năng lưu hành rộng rãi của SARS- CoV là rất cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều dịch bệnh đường hô hấp khác, khu vực châu Á với mật độ dân cư đông và nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi cho sự bùng phát dịch hô hấp, có thể vẫn là điểm xuất phát và là nơi lưu hành thường xuyên nhất của dịch bệnh SARS.

Ổ chứa: Người ta cho rằng nguồn gốc của các tác nhân gay bệnh SARS là súc vật hoang dã.Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã xét nghiệm trên 300 mẫu máu từ cầy hương ở nơi xảy ra dịch SARS của tỉnh Quảng Đông và đã phát hiện trên 70% số mẫu này có SARS-CoV với những đặc điểm giống như SARS-CoV được phân lập ở người mắc bệnh.

Nguồn lây: Bệnh nhân SARS đang trong giai đoạn khởi phát và toàn phát là nguồn bệnh nguy hiểm nhất. Người và súc vật mang coronavirus không có triệu chứng cũng là nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Đường lây:

Đường hô hấp: nước bọt và dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân khi nói, ho, khạc.

Đường tiếp xúc: dịch tiết đường hô hấp và các chất thải khác có virus của bệnh nhân có thể làm ô nhiễm bề mặt phòng bệnh hay trong nhà cùng các vật dụng cá nhân, từ đó qua tay người thâm nhập vào niêm mạc miệng, mũi và mắt.

Cơ chế bệnh sinh

Phần lớn coronavirus nhân lên ở các tế bào biểu mô của đường hô hấp và gây nên các triệu chứng hô hấp tại chổ. ARN của virus hoà nhập vào nhân tế bào của vật chủ, điều khiển tế bào tổng hợp những thành phần kháng nguyên, các vỏ, các enzym thích hợp. Sau đó chúng sẽ ghép lại thành các virus mới và tiếp tục tấn công các tế bào khác.

Quá trình này xảy ra khá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn, virus có thể lan toàn bộ niêm mạc đường hô hấp trên đến tận phế nang. Các tế bào biểu mô sẽ sung huyết, phù nề, hoại tử và bong ra. Sự trao đổi khí giữa màng-mao mạch bị giảm sút làm cho nồng độ O2 trong máu giảm đi nhanh chóng. Ở các khoảng kẽ có sự tăng tiết gây viêm khoảng kẽ.

Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

Lâm sàng

Thời gian ủ bệnh: 7-10 ngày, có thể dao động trong khoảng 3-14 ngày. Trong Thời gian ủ bệnh mặc dù cơ thể đã nhiễm virus chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh. Do đó người ta thấy rằng khi tiếp xúc với người bệnh SARS sau 10 ngày mà không bị sốt thì coi như không bị lây nhiễm SARS.

Thời gian khởi phát: trung bình 1 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn lây.

Triệu chứng toàn thân:

Sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 380C, đôi khi rét run. Thời gian sốt kéo dài 5-15 ngày, trung bình 10 ngày. Mặt đỏ, mạch nhanh, ăn kém.

Đau đầu và đau mỏi các cơ, đau sau hốc mắt. Có thể sưng hạch ngoại biên.

Mệt mỏi, ăn uống kém

Nhức đầu, chóng mặt

Tiêu chảy: một số bệnh nhân ỉa chảy 3-4 lần/ngày, phân lỏng vàng, không nhày máu.

Triệu chứng hô hấp: Có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

Ho: thường ho khan, có thể có đàm trắng.

Khó thở: thở nhanh, nông, trên 25 lần/phút. Có các dấu hiệu suy hô hấp cấp.

Nghe phổi có thể có nhiều ran rít, ran ngáy hoặc ran ẩm ở một bên hoặc hai bên phổi. Một số người bệnh không có ran.

Rung thanh và gõ đều bình thường.

Như vậy biểu hiện tổn thương phổi ở bệnh nhân SARS là đặc trưng của viêm phổi không điển hình.

Thời kỳ hồi phục: Sau khoảng 10-15 ngày bệnh nhân hét sốt, hết ho, ăn ngủ bình thường. Hình ảnh tổn thương phổi dần dần thu nhỏ lại và mất đi.

Cận lâm sàng

CTM: Số lượng BC và TC bình thường hoặc giảm. BC tăng khi có bội nhiễm vi khuẩn. Số lượng tế bào lympho tuyệt đối hạ.

Khí máu: giảm Oxy máu nặng với SpO2dưới 90% hoặc PaO2 dưới 60 mmHg, PaCO2 bình thường hoặc tăng.

Số lượng T CD4, T CD3 giảm.

Transaminase tăng khoảng 2-6 lần. Chức năng thận bình thường.

X quang phổi: có hình ảnh viêm phổi kẽ, lúc đầu khu trú, sau đó lan toả. Từ ngày đầu có những đám mờ thâm nhiễm ở một hoặc hai bên phổi. Tổn thương tiến triển nhanh từng ngày. Sau 1-2 ngày đã lan đến 1/2 hoặc 2/3 phổi. Trường hợp nặng có thể mờ toàn bộ hai bên phổi làm cho bệnh nhân khó thở và suy hô hấp nặng.

Tổn thương phổi là những đám thâm nhiễm ở khoảng kẽ hoặc những đám mờ ranh giới không rõ rệt ở một bên hoặc hai bên phổi.

Chẩn đoán bệnhSARS

Yếu tố dịch tễ

Người bệnh ở vùng dịch lưu hành hoặc có nghi ngờ tiếp xúc với người bệnh SARS. Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân SARS.

Lâm sàng

Có triệu chứng sốt và khó thở như trên.

Trường hợp nghi ngờ SARS:

Sốt cao đột ngột (>380C)

Đau cơ, đau mỏi toàn thân

Có một hoặc nhiều triệu chứng hô hấp (ho, đau ngực, đau họng, thở nhanh, khó thở)

Trong tiền sử 10 ngày trước đó có tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp hoặc chất đờm dãi của người bệnh hoặc có đi du lịch đến vùng đang bị dịch SARS.

Trường hợp có khả năng bị SARS:

Sốt cao đột ngột (>380C)

Đau cơ, đau mỏi toàn thân

Có một hoặc nhiều triệu chứng hô hấp (ho, đau ngực, đau họng, thở nhanh, khó thở)

X quang phổi có viêm phổi hoặc có hội chứng hô hấp cấp

Trong tiền sử 10 ngày trước đó có tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp hoặc chất đờm dãi của người bệnh hoặc có đi du lịch đến vùng đang bị dịch SARS.

Cận lâm sàng

Có hình ảnh X quang phổi đặc trưng.

Chẩn đoán xác định bằng phân lập virus trong máu, đờm, dịch phế quản bằng phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (PCR) hoặc phát hiện kháng thể của virus bằng các phương pháp thử nghiệm miễn dịch men (ELISA), miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA).

Chẩn đoán phân biệt

Khi bị viêm phổi do SARS cần phân biệt với:

Viêm phổi thuỳ do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, tụ cầu…)

Đây là loại viêm phổi điển hình, có các triệu chứng lâm sàng chủ yếu như:

Sốt cao đột ngột 39-400C, rét run

Đau ngực dữ dội

Ho có đờm, đờm có mủ hoặc có máu màu rỉ sắt

Khó thở, thở nhanh và nông

Khám thực thể có hiện tượng đông đặc phổi

Bạch cầu máu tăng, đa số là đa nhân trung tính. X quang có hình ảnh viêm phổi thuỳ.

Viêm phổi không điển hình do virus: Rất nhiều loại virus đường hô hấp có thể gây viêm phổi không điển hình.

Triệu chứng lâm sàng: sốt cao đột ngột, ho, nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi.

Nghe phổi có ran rít, ran ngáy, ran ẩm.

X quang: có tổn thương phổi hình mạng lưới, thâm nhiễm thuỳ phổi, rốn phổi đậm.

Bạch cầu máu bình thường hoặc giảm.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.