ĐAU LƯNG
Đau lưng là một bệnh hay gặp trong đời sống hàng ngày và trên lâm sàng. Bệnh gặp ở cả nam và nữ, ở các lứa tuổi, nhất là tuổi lao động, ảnh hưởng đến năng suất lao động và sinh hoạt. Đau có thể một bên hay cả hai bên cột sống và do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể chia làm hai loại:
Đau lưng cấp: Thường do bị lạnh đột ngột gây co cứng các cơ ở cạnh cột sống, các dây chằng cột sống bị viêm, bị phù nề chèn ép vào rễ, dây thần kinh gây đau, hạn chế vận động lưng. Ngoài ra còn gặp đau lưng cấp do mang vác nặng, sai tư thế, sang chấn vùng cột sống hoặc đau lưng cấp do viêm cột sống, co cứng cơ quanh cột sống.
Đau lưng mạn: Thường do thoái hóa cột sống, lao cột sống, các khối u vùng cạnh cột sống, các bệnh nội tạng ở vùng ngực, bụng đau lan ra sau lưng và một số trường hợp đau lưng cơ năng như thống kinh, tâm căn suy nhược.
Điều trị đau lưng cần được chẩn đoán sớm và chính xác nguyên nhân gây bệnh để chữa mới có kết quả.
Các thể lâm sàng của Đau lưng
Đau lưng cấp
Đau lưng cấp do co cứng cơ
Y học cổ truyền cho rằng do phong hàn thấp gây ra.
Triệu chứng: Đau lưng xảy ra đột ngột sau khi bị lạnh, mưa ẩm thấp, lưng đau nhiều, không cúi người được, ho, hắt hơi đau tăng. Thường đau một bên cột sống, nhìn cơ cạnh cột sống không đỏ, sờ cơ cạnh cột sống co cứng, toàn thân sợ lạnh, mạch trầm huyền.
Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc (Ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết)
Bài thuốc
Bài 1: Nghiệm phương
Rễ lá lốt 8g Ý dĩ nhân 16g
Thiên niên kiện 8g Tỳ giải 16g
Rễ cây xấu hổ 16g Kê huyết đằng 16g
Quế chi 8g Rễ cỏ xước 12g
Bạch chỉ 8g Trần bì 6g
Sắc uống ngày 1 thang, uống từ 5 – 10 thang một đợt.
Bài 2: Can khương thương truật thang gia giảm
Can khương 8g Quế chi 8g
Thương truật 8g Ý dĩ nhân 12g
Cam thảo 6g Xuyên khung 16g
Phục linh 12g
Sắc uống ngày 1 thang, uống từ 5 – 10 thang một đợt.
Nếu đau nhiều gia Phụ tử chế 8g, Tế tân 4g
Châm cứu: châm tả, điện châm các huyệt tại vùng lưng đau và các A thị huyệt. Nếu đau từ D12 trở lên châm huyệt Kiên tỉnh 2 bên. Nếu đau từ thắt lưng xuống châm thêm huyệt Dương lăng tuyền cùng bên đau.
Xoa bóp bấm huyệt: dùng các thủ thuật xát, day, lăn, bóp, vận động. Trên vùng cơ bị co cứng, nếu đau từ thắt lưng trở xuống ấn, day huyệt côn lôn cùng bên.
Sau khi châm, xoa bóp nên bảo bệnh nhân vận động ngay thường có kết quả nhanh chóng.
Châm loa tai: vùng lưng, thắt lưng
Đau lưng cấp do mang vác năng, do sai tư thế
Y học cổ truyền cho là do khí trệ, huyết ứ
Triệu chứng: Đau lưng xuất hiện sau khi mang vác nặng, hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột ngột, đau một bên hoặc hai bên cột sống, đau dữ dội một chỗ, vận động hạn chế, nhiều khi không cúi, không đi lại được, cơ vùng lưng co cứng, mạch phù khẩn.
Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thư cân hoạt lạc.
Bài thuốc:
Bài 1: Nghiệm phương
Tô mộc 10g Quế chi 8g
Nga truật 16g Cát căn 12g
Uất kim 10g Bạch thược 10g
Ngải diệp 16g Trần bì 6g
Rễ cỏ xước 10g Cam thảo 6g
Sắc uống ngày 1 thang
Bài 2: Dùng ngải cứu sao với muối hoặc rượu chườm tại chỗ đau
Bài 3: Dùng cồn xoa bóp bôi xoa tại chỗ đau
Xoa bóp, châm cứu, thủy châm giống như thể đau lưng do lạnh, song khuyên người bệnh sau khi châm cứu, xoa bóp phải vận động từ từ, tránh tái phát.
Đau lưng cấp do viêm cột sống
Có sưng, nóng, đỏ, đau vùng cột sống, toàn thân có thể sốt. Y học cổ truyền cho là do thấp nhiệt và cách chữa giống như khi điều trị bệnh Viêm khớp dạng thấp giai đoạn tiến triển. Nhắc nhở người bệnh không nên vận động nhanh mạnh như trường hợp đau lưng cấp do lạnh mà nên vận động từ từ, nhẹ nhàng theo sự tiến triển tốt dần của khớp bị viêm.
Đau lưng mạn tính
Nguyên tắc: Nếu đau lưng do các bệnh nội tạng, do lao cột sống, do khối u gây chèn ép cần được chẩn đoán sớm và điều trị bằng Y học hiện đại. Nếu đau lưng do bệnh tâm suy nhược, thoái hóa cột sống ở người cao tuổi (YHCT là thận hư) thì vừa điều trị toàn thân kết hợp bổ thận, trừ phong thấp.
Đau lưng do tâm căn suy nhược: dùng các bài thuốc đã nêu trong bài Tâm căn suy nhược gia thêm các vị thuốc vừa bổ thận vừa chữa đau lưng như: Tục đoạn, Cẩu tích, Ba kích, Ngưu tất, Đỗ trọng….
Nếu đau lưng do thoái hóa cột sống ở người cao tuổi dùng các bài thuốc đã nêu trong bài chữa thoái hóa cột sống
Châm cứu: Tuỳ theo chứng, nếu hư hàn thì cứu, nếu âm hư thì châm bổ các huyệt vùng thắt lưng như: Thận du, Chí thất, Mệnh môn, Bát liêu, Đại trường du, Yêu dương quan.
Xoa bóp bấm huyệt vùng thắt lưng.
Nếu đau lưng do thoái hóa cột sống cần động viên người bệnh thường xuyên vận động nhẹ nhàng cột sống.