Chữa bệnh Di Tinh bằng đông y

Thế nào là di tinh?

Nam giới không giao hợp mà tinh tự tiết ra gọi là Di tinh. có mộng mà tinh tiết ra gọi là Mộng tinh. Không mộng mà tinh tiết ra gọi là Hoạt tinh.

Di tinh là trạng thái tinh dịch tiết ra lúc đang ngủ. Là một bệnh thuộc nam khoa. YHCT phân biệt rằng: Có mơ là Mộng Tinh, không mơ là Hoạt Tinh, Tiết Tinh. Hoạt và Tiết Tinh là trạng thái nặng hơn, thậm chí tinh dịch tiết ra cả ban ngày.

– Mộng tinh là hiện tượng xuất tinh nhưng không có động tác giao hợp nam nữ và vẫn thấy khoái cảm cực độ. Hiện tượng này thường xảy ra ở thanh niên mới lớn hoặc những người đàn ông phải xa vợ lâu ngày khi có những giấc mơ hành lạc với một người phụ nữ nào đấy, hoặc khi xem sách báo, xem những phim, tranh ảnh sex gây kích thích giới tính.

+ Thông thường nếu hiện tượng này chỉ xảy ra 1-2 lần trong tháng thì đó là hiện tượng sinh lý bình thường, như bát nước đầy sẽ phải trào ra, thậm chí trong một chừng mực nào đó hiện tượng này còn có tác dụng giải tỏa áp lực giới tính để tạo thế quân bình về mặt tâm sinh lý.

+ Nhưng nếu mộng tinh xảy ra liên tục trong tuần, trong tháng làm cho cơ thể mệt mỏi gầy sút thì đó lại là tình trạng bệnh lý cần phải điều chỉnh.

– Di tinh là hiện tượng tinh dịch xuất tự nhiên, không có khoái cảm mà chỉ thấy tinh dịch chảy ra ướt quần, nếu hiện tượng này xảy ra ít chỉ vài ba lần trong tháng mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe chung thì có thể chấp nhận được. Nhưng cũng có thể nặng, ngày nào cũng thấy tinh dịch chảy ra tự nhiên, tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý bệnh nhân thì đây cũng là một dạng bệnh lý cần được điều trị.

+ Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến di tinh, như do ban ngày xem quá nhiều những tranh ảnh, phim gây kích thích giới tính. Ngoài ra chăn mền, áo quần dày quá, chặt quá, vệ sinh vùng cơ quan sinh dục không sạch sẽ gây bẩn ngứa cũng có thể gây ra hiện tượng di tinh. Cũng có những trường hợp do tâm lý căng thẳng như thi cử, thi đấu…mà xảy ra di tinh.

+ Thông thường với những lần di tinh ít, thỉnh thoảng mới xảy ra thì cần khắc phục những yếu tố trên và sau khi có gia đình các hoạt động tình dục được quân bình thì hiện tượng di tinh tự nhiên cũng biến mất. Trong trường hợp di tinh quá nhiều lần trong tuần, trong ngày hay sau khi kết hôn mà vẫn còn hiện tượng di tinh với tần suất nhiều lần thì đó là một phản ứng của bệnh trạng.

Di tinh quá nhiều, mỗi tuần lễ hai lần trở lên, hoặc khi tỉnh dậy thấy tinh dịch chảy ra, đó mới là bệnh.

Nguyên nhân di tinh

Mộng Tinh thường âm hư hỏa vượng do tướng hoả quá vượng, tinh cung bị rối loạn hoặc do Tâm dương hoả thịnh làm cho Thận âm bị tổn thương, hoặc tinh thần căng thẳng quá độ làm cho Tâm huyết bị hao tổn, hoặc phòng dục quá độ, Thận Âm suy tổn, các nguyên nhân trên làm cho Tâm Thận bất giao, gây ra bệnh Mộng Tinh.

Di tinh có 4 nguyên nhân chính sau:

1. Âm Hư Hỏa Vượng: Âm dịch bất túc thì sinh nội nhiệt, nhiệt quấy rối tinh thất, do đó phát sinh di tinh. Nguyên nhân phát sinh âm hư nội nhiệt, hoặc là do phiền lao quá mức, âm huyết hao tổn ngấm ngầm, hoặc là do vọng tưởng nghĩ ngợi nhiều, buông thả tình dục làm thương tổn Thận âm.

2. Thận Hư Không Bền: Thủ dâm, tảo hôn, hoặc do phòng sự quá mức làm tổn hại Thận tinh, Thận hư không bế tàng: Thận âm hư thì hỏa thịnh, ảnh hưởng đến cơ quan bế tàng tinh gây ra di tinh. Tình trạng âm dương lưỡng hư, khí hạ nguyên quá suy yếu cũng gây hoạt tinh không cầm được, cửa tinh không bền gây nên di tinh.

3. Thấp Nhiệt Nung Nấu Bên Trong: Ăn uống không điều độ làm tổn hại Tỳ Vị, thấp nhiệt từ trong sinh ra, thấp nhiệt dồn xuống quấy rối tinh thất làm nhiễu động tâm thận gây di tinh.

4. Tâm tỳ hư

Hoạt và Tiết Tinh thường nặng hơn, do Thận quá suy không giữ được tinh nên tinh tự chảy ra.

Triệu chứng chính:

Mộng Tinh: tinh tiết ra lúc ngủ nằm mơ thấy giao hợp, thường kèm theo hoa mắt, chóng mặt, tinh thần mỏi mệt, lưng đau, tai ù, mất ngủ, miệng đắng, tiểu vàng.

Hoạt tinh, Tiết Tinh : tinh tự tiết ra lúc ngủ, hoặc khi tình dục bị kích động là tinh tiết ra (bất kể lúc nào), chân tay uể oải, hoa mắt, chóng mặt, lưng mỏi, chân yếu, lưỡi đỏ nhạt, mạch Tế Nhược.

Biện Chứng luận trị:

Biện chứng di tinh cần chú ý hai phương diện Nhiệt và Hư.

Đơn thuần là Hư không thấy nhiệt, đa số do Thận hư không bền, điều trị chủ yếu phải bổ Thận cố tinh. Nếu vừa có hư lại có nhiệt, đa số do âm hư hỏa vượng, điều trị chủ yếu phải tư âm thanh hỏa. Nếu là thấp nhiệt ở bên dưới, chủ yếu phải thanh nhiệt hóa thấp.

Còn mộng tinh với hoạt tinh, có thuyết cho rằng ngủ mà mơ rồi xuất tinh là bệnh ở Tâm, không mơ mà vẫn xuất tinh là bệnh ở Thận, tuy không thể phân loại một cách máy móc, nhưng đa số nhận định rằng mơ rồi xuất tinh thường gặp ở loại âm hư hỏa vượng; không mơ mà xuất tinh thường gặp ở loại Thận hư không bền

Chữa trị Di tinh

I. Thể di tinh do Âm Hư Hỏa Vượng:

a. Triệu chứng: Ngủ không yên, mơ nhiều, dễ tỉnh giấc, Thần không yên, dương vật dễ cương lên tinh ra nhanh, mộng, di hoặc xuất tinh sớm , choáng váng, tim đập nhanh, tinh thần mỏi mệt, chất lưỡi đỏ nhiều, mạch Tế Sác. Đó là biểu hiện có đòi hỏi tình dục mạnh (tâm hỏa đốt ở trong), cần làm mát tâm, an thần.

b. Phân tích: Bệnh này do thận âm suy yếu, hư hỏa bốc lên gây nên ngủ không yên giấc, dương vật lên nhanh ra nhanh, lưỡi đỏ cũng có do thận âm hư hỏa vượng gây nên.

c. Pháp điều trị: Tư âm, thanh hỏa, an thần, cố tinh.

d. Bài thuốc: Long mẫu tri bá địa hoàng thang

Sinh địa 15g Hoài sơn 12g Sơn thù 12g

Bạch linh 12g Trạch tả 10g Đan bì 10g

Tri mẫu 10 Hoàng bá 10g Ngũ vị 10g

Long cốt 30g Mẫu lễ 30g Nữ trinh tử 10g

Câu kỷ tử 19g Hắc táo nhân 10g Huyền sâm 10g

Trong bài có Tri mẫu, Hoàng bá, Sinh địa, Đơn bì để tư âm thanh hỏa, thêm Táo nhân, Ngũ vị tử, Long cốt, Mẫu lệ để an thần cố tinh

Cách dùng: đổ 1500ml nước, Ban đầu đun Long cốt và Mẫu lễ khoảng 20 phút, rồi bỏ các vị thuốc còn lại vào, sắc còn 400ml, Chia uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Ngày 1 thang.

Nếu bệnh lâu ngày không khỏi, lại thêm Kim anh tử, Khiếm thực để bổ Thận sáp tinh.

Bài gia truyền:

Thục địa 20g Sinh địa 16g Hoài sơn 16g

Sơn thù 12g Đan bì 6g Trạch tả 10g

Bạch linh 12g Khiếm thực 14g Kim anh tử 12g

Liên tu 20g Hoàng bá (sao muối) 14g Phục thần 8g

Thạch hộc 10g Thần sa 6g

Tác dụng: Chữa di mộng tinh, thuộc tạng người gầy huyết hư nhiều hỏa

Cách dùng: Tất cả các vị trên (trừ Thần sa) cho vào siêu đổ nước vừa đủ sắc kỹ. Uống ngày 2 bát vào sáng tối. Riêng Thần sa để riêng thủy phi vớt bọt, sắc được thuốc mới cho vào ( không được sắc )

Bài thuốc tham khảo 1: hoàng liên, sinh địa, đương quy, nhân sâm, cam thảo, hạt sen, toan táo nhân, phục thần, viễn chí lượng đều nhau, tán thô, mỗi ngày dùng 20 g sắc uống.

Bài thuốc tham khảo 2: Nhân sâm, bồ hoàng, viễn chí, táo nhân mỗi thứ 8 g; phục linh, phục thần, mạch môn, khiếm thực, kim anh tử mỗi thứ 16 g; long nhãn 15 g. Viễn chí chế bỏ lõi, mạch môn bỏ lõi. Các vị trên (trừ long nhãn) sao giòn, tán mịn. Long nhãn nghiền với mật. Tất cả làm thành viên. Mỗi ngày uống 60 g, chia đều 4 lần, uống trong ngày

II. Thể di tinh do Thận Dương hư( thận hư không vững):

a. Triệu chứng: Luôn luôn bị mộng tinh, hoạt tinh, xuất tinh sớm liệt dương, chóng mặt, ù tai, mỏi lưng mỏi gối, tinh thần uể oải hoặc sắc mặt xanh nhợt, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay quên, sợ lạnh, tay chân lạnh, chất lưỡi nhạt, đầu váng, mạch Trầm Tế, hoặc trầm trì. Đó là biểu hiện của thận hư, tinh quan bất cố gây nên; cần phải bổ thận, cố tinh.

b. Phân tích: Bệnh hoạt tinh thường thấy cùng với mộng tinh là do thận yếu, choáng đầu ù tai đau lưng mệt mỏi … tinh ra nhiều là do thận yếu, sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh, lưỡi nhợt mạch trầm tế là thận dương yếu. Lưỡi đỏ mạch tế sác là thận âm yếu

c. Pháp điều trị: Ôn bổ thận dương, cố sáp tinh khí

d. Bài thuốc:

Bài 1: Đại Bổ Âm Tiễn hợp với Kim Tỏa Cố Tinh Hoàn.

Thục địa 20g Hoài sơn 12g Đan bì 10g

Trạch tả 10g Sơn thù 15g Bạch linh 10g

Phụ tử 8g Nhục quế 6-8g Phá cố chỉ 12g

Khiếm thực 16g

Nếu Thận âm thiên suy, có thể thêm Sinh địa, Mạch đông.

Nếu Thận dương thiên suy có thể thêm Ba kích, Tỏa dương.

Bài 2: Ôn thận cố tinh thang

Thục địa 12g Đẳng sâm 10g Hoài sơn 10g

Sơn thù 10g Ba kích 10g Đỗ trọng 10g

Kim anh tử 10g Phục thần 10g Ngũ vị tử 10g

Khiếm thực 10g Phúc bồn tử 10g Ích trí nhân 10g

Cách dùng: Đổ 1000ml nước sắc còn 450ml, chia uống 3 lần sáng trưa chiều. Ngày 1 thang.

Bài 3: Bài thuốc Hữu quy hoàn gia giảm: Thục địa 12g, Hoài sơn 8g, Sơn thù 6g, Kỷ tử 12g, Đương quy 12g, Đỗ trọng 12g, Thỏ ty tử 8g, Phụ tử 8g, Nhục quế 12g, Cao ban long 20g, Kim anh tử 30g, Liên tu 5g

Bài thuốc tham khảo 1: Nhục thung dung 80 g, cao lộc 100 g, phụ tử 16 g, nhục quế 16 g, phá cố chỉ 20 g, cao quy bản 100 g, kỷ tử 120 g, hoài sơn 120 g, mẫu lệ 40 g, khiếm thực 40 g, trộn với mật làm thành viên 2 g. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống 5 viên. Nếu đi tiểu có rỉ tinh, thêm ích trí nhân 12 g.

Bài thuốc tham khảo 2: thục địa 32 g, lộc giác giao 24 g, thỏ ty tử 16 g; phá cố chỉ, bá tử nhân, phục linh mỗi thứ 12 g. Phá cố chỉ tẩm muối sao; thỏ ty tử, bá tử nhân, phục linh sao giòn, tán mịn; thục địa nghiền nát chưng với mật mía. Tất cả làm thành viên bằng hạt nhãn, sấy khô. Uống mỗi ngày 80 g, chia đều 4 lần, uống trong ngày.

Bài thuốc tham khảo 3: An thần định chí thang gia giảm (Y học tâm ngộ) gồm Sài hồ 12g, Đảng sâm 12g, Viễn chí 8g, Phục linh 8g, Long cốt 16g, Thảo quyết minh 16g, Khiếm thực 12g, Liên nhục 12g.

Phân tích bài thuốc

Vị thuốc Dược tính Y học cổ truyền Vai trò

Khiếm thực Ngọt, sáp, bình. Ích thận cố tinh Quân

Liên nhục Ngọt, sáp, bình. Ích thận cố tinh. Dưỡng tâm an thần Quân

Long cốt Ngọt, sáp, bình. An thần sáp tinh Thần

Thảo quyết minh Ngọt, đắng, hơi hàn. Bình can tiềm dương Thần

Sài hồ Đắng, hơi hàn. Thoái nhiệt sơ can giải uất Thần

Phục linh Ngọt, bình, an thần Tá

Đảng sâm Ngọt, bình. Bổ tỳ ích khí sinh tân Tá

Viễn chí Cay, đắng, hơi ấm. Định tâm an thần Tá

Nếu trường hợp bệnh nhân bị tảo tiết do xúc động hoặc hưng phấn quá mức có thể thay Liên nhục bằng Liên tâm 12g.

III. Thể di tinh do Thấp Nhiệt hạ chú:

a. Triệu chứng: Di tinh không cầm, miệng đắng hoặc khát, nước tiểu nóng đỏ hoặc vàng ít đục, hoặc tiểu không thông, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, mạch hoạt sác. Thường gặp trong các trường hợp viêm đường tiết niệu mãn tính

b. Phân tích: Do thấp nhiệt (viêm nhiễm) dồn xuống dưới, nhiễu động nơi chứa tinh. Nên tinh ra luôn và tiểu vàng, thấp nhiệt bốc lên nên miệng khô và khát. Rêu lưỡi vàng dày, mạch hoạt sác cũng là biểu hiện của thấp nhiệt

c. Pháp điều trị: Thanh lợi thấp nhiệt

d. Bài thuốc:

Bài 1: Nhị Diệu Tán thêm Trạch tả, Tỳ giải, Tri mẫu, Khổ sâm v.v…

Tỳ giải 20g ý dĩ 20g Hoàng bá Nam 12g

Bồ công anh 16g Hoài sơn 20g Cỏ nhọ nồi 12g

Mẫu lệ 20g Bạch truật 16g Khổ sâm 10

Dạ dày lợn 10g

Bài 2: Bài thuốc Thủy lục đơn gồm Khiếm thực 30g và Kim anh tử 30g. Gia thêm Tỳ giải 16g, Hoàng bá nam 12g, Bồ công anh 20g, Khổ sâm 10g.

Vị thuốc Dược tính Y học cổ truyền Vai trò

Hoàng bá Đắng, lạnh, thanh thấp nhiệt Quân

Tỳ giải Đắng, bình, phân thanh khử trọc Thần

Bồ công anh Ngọt, hàn. Thanh nhiệt, giải độc, thông lâm lợi thấp Thần

Khổ sâm Đắng, lạnh, lợi thủy thông lâm Thần

Tốt nhất nên điều trị bằng kháng sinh YHHĐ

IV. Di tinh thể Tâm tỳ hư:

a. Triệu chứng: Di tinh, khi lo lắng hoặc mệt nhiều hay bị, tinh thần uể oải, hồi hộp, hay quên, chóng mặt, mất ngủ, ăn ít, đại tiện lỏng nát, sắc mặt không tươi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế vô lực.

b. Phân tích:

c. Pháp điều trị: Kiện tỳ dưỡng tâm, cố sáp tinh khí

d. Bài thuốc: Kiện tỳ cố tinh thang:

Đẳng sâm 15g Chích hoàng kỳ 15g Hoài sơn sao 12g

Phục thần 10g Long nhãn nhục 10g Viễn chí 10g

Ngũ vị tử 10g Khiếm thực 10g Liên nhục 10g

Chích cam thảo 6g

Cách dùng: Đổ 1000ml nước sắc còn 450ml, chia uống 3 lần sáng trưa chiều, lúc bụng đói. Ngày 1 thang.

• Bài gia truyền: Bí tinh hoàn

Bạch truật 80g Bạch linh 80g Phục thần 80g

Chích hoài 80g Liên nhục 80g Kim anh tử 200g

Khiếm thực 160g Liên tu 60g Mậu lễ (sao giấm) 60g

Hoàng bá (sao muối) 20g Xa tiền tử 120g

Tác dụng: Chữa chứng mộng tinh, thuộc tạng người béo bệu, đàm thấp nhiều.

Cách dùng: Kim anh tử để riêng nấu cao. Còn các vị tán bột mịn, dùng cao Kim anh tử hoàn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 10 viên với nước đun sôi để nguội.

• Nếu kiêm chứng Âm lạnh không sinh được con thì dùng Bài Bổ thận sinh tinh hoàn để bộ trợ dương và bền tinh.

Sinh sái sâm 30g Lộc nhung 30g Ngũ vị tử 30g

Tiên linh tỳ 30g

Cách dùng: Các vị tán bột, luyện mật làm viên mỗi viên nặng 2g, mỗi lần uống 1 viên, ngày 2-3 lần. Cũng có thể ngâm thuốc vào 500ml rượu trắng sau 2 tuần mới lấy uống, mỗi lần uống 5-10ml, ngày 2-3 lần.

• Do thủ dâm quá mức dẫn đến di tinh, bệnh thuộc Tâm thận đều hư, cửa tinh không bền, có thể uống Bài Song bổ cố tinh hoàn để bổ Tâm Thận, yên thần trí.

Nhân sâm Ngũ vị tử Chi tử

Kim anh tử Thạch xương bồ

Cách dùng: Các vị tán bột, luyện mật làm viên, mỗi viên nặng 10g, mỗi lần uống 1 viên, Ngày 2-3 lần.

Gia giảm: Tâm phiền ngủ kém gia Viễn chí (trích) để an thần định chí, giao thông Tâm thận

• Mộng nhiều mà di tinh, kém ăn, Tâm phiền mất ngủ, hễ mệt nhọc thì bệnh nặng thêm, phụ nữ thì thấy đới hạ, nam giới thì thấy Lâm trọc … đó là do không làm chủ được tâm thần, Thận không được kín đáo, có thể uống bài Tiêu thị khiếm thực liên tử chúc, để dưỡng Tâm yên Thận, bền Thận, sáp tinh kiện Tỳ hòa trung

Khiếm thực 15g Liên tử 15g Cách mễ 30g

Cách dùng: Trước hết nấu Khiếm thực và Liên tử, sau đó cho cách mễ vào nấu thành cháo cho ăn

Điều trị di tinh, ngoài việc dùng thuốc, nên loại trừ tâm lý sợ sệt, tham gia rèn luyện thể lực thích hợp. Ngoài ra, khi ngủ nên nằm ngửa, hai chân nên giữ cho ấm áp.

Tham khảo thêm phần châm cứu chữa di tinh

1- Châm Cứu Học Thượng Hải: Dưỡng Âm, bồi nguyên.

Châm Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Ty.6), kích thích vừa.

* Mộng tinh thêm Gian Sử (Tb.5).

* Hoạt tinh, Tiết tinh thêm Thận Du (Bq.23) .

Mỗi ngày hoặc cách ngày châm 1 lần, 5 – 7 lần là 1 liệu trình.

Ý nghĩa: Quan Nguyên (Nh.4) để bổ Thận Khí, Tam Âm Giao (Ty.6) để bổ Thận Thuœy.

2- Cao Hoang Du (Bq.43) + Chí Âm (Bq.67) + Khúc Tuyền (C.8) + Tam Âm Giao (Ty.6) 50 tráng + cứu Thận Du (Bq.23) 100 tráng + Trung Phong (C.4) 50 tráng (Tư Sinh Kinh).

3- Cách Du (Bq.17) + Chí Âm (Bq.67) + Khúc Tuyền (C.8) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thái Xung (C.3) + Trung Phong (C.4) + Tỳ Du (Bq.20) (Thần Ứng Kinh).

4- Bạch Hoàn Du (Bq.30) + Cao Hoang (Bq.43) + Tâm Du (Bq.15) + Mệnh Môn (Đc.4) + Nhiên Cốc (Th.2) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thận Du (Bq.23) + Trung Cực (Nh.3) + Trung Phong (C.4) (Châm Cứu Yếu Lãm).

5- Bạch Hoàn Du (Bq.30) + Mệnh Môn (Đc.4) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Tâm Du (Bq.15) + Thận Du (Bq.23) (Châm Cứu Đại Thành).

6- Tâm Du (Bq.15) + Thận Du (Bq.23) (Ngọc Long Ca).

7- Khí Hải (Nh.6) + Tam Âm Giao (Ty.6) (Bách Chứng Phú).

8- Chí Âm (Bq.67) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Tâm Du (Bq.15) + Thận Du (Bq.23) + Yêu Dương Quan (Đc.2). Mỗi ngày hoặc cách 1 – 2 ngày châm 1 lần (Trung Quốc Châm Cứu Học).

9- Nhóm 1: Quan Nguyên (Nh.4) + Thái Khê (Th.3) + Túc Tam Lý (Vi.36)

Nhóm 2: Chí Thất (Bq.52) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thận Du (Bq.23).

Luân phiên Sử dụng, 2 ngày châm 1 lần, lưu kim 15 – 30 phút (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

10- Đại Hách (Th.12) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tinh Cung (Chí Thất – Bq.52).

• Mộng + Di tinh: thêm Nội Quan (Tb.6) + Tâm Du (Bq.15) + Thần Môn (Tm.7).

• Hoạt tinh: thêm Thái Khê (Th.3) + Thận Du (Bq.23) + Túc Tam Lý (Vi.36) (Châm Cứu Học Giảng Nghĩa).

11-• * Di tinh: Hành Gian (C.2) + Nhiên Cốc (Th.2) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tâm Du (Bq.15) + Thần Môn (Tm.7) [đều tả ] + Thận Du (Bq.23) [đều bổ] + nếu do quân và tướng hoả vượng.

Hoặc Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Chí Thất (bổ) + Hạ Liêu (Bq.34) + Tam Âm Giao (Ty.6) [đều tả ] + Trung Cực (Nh.3), nếu do Thấp Nhiệt ở hạ tiêu.

• * Hoạt tinh:

. Trung khí hạ hãm: Bá Hội (Đc.20) + Khí Hải (Nh.6) + Thận Du (Bq.23) + Trung Qua?n (Nh.12)[đều bổ].

. Tinh Cung Bất Cố (không chặt): Bạch Hoàn Du (Bq.30) + Khúc Cốt (Nh.2) + Quan Nguyên (Nh.4) + Thái Khê (Th.3) + Thận Du (Bq.23) [đều bổ] (Châm Cứu Trị Liệu Học).

12- Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Bát Liêu + Chí Thất (Bq.52) + Đại Chùy (Đc.14) + Đại Trữ (Bq.11) + Khí Hải (Nh.6) + Khúc Tuyền (C.8) + Mệnh Môn (Đc.4) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thận Du (Bq.23) + Thiên Xu (Vi.25) + Thiên Trụ (Bq.10) + Trung Cực (Nh.3) + Túc Tam Lý (Vi.36). Lựa chọn huyệt dùng cho thích hợp (Lâm Sàng Đa Khoa Tổng Hợp Trị Liệu Học).

13- Cao Hoang Du (Bq.43) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thận Du (Bq.23) + Trung Cực (Nh.3) (Trung Hoa Châm Cứu Học).

THAM KHẢO BỆNH ÁN DI TINH

(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư’)

Bệnh nhân 1: Chu X, nam, ở tuổi trưởng thành. Tiểu tiện còn sót không gọn bãi, khi mệt mỏi thì hoạt tinh, hoa mắt chóng mặt, tinh thần uể oải, mỏi lưng gối. Bệnh đã hơn 1 năm, đây là do Thận hư cửa tinh không bền, điều trị theo phép Bổ Thận cố tinh. Dùng Thục địa 16g, Kim anh tử 12g, Khiếm thực 8g, Tang phiêu tiêu 12g, Sơn thù 12g, Đỗ trọng 12g, Mẫu lệ (nung) 32, Ích trí nhân 6g, Long cốt (nung) 32g.

– Nhận xét: Bệnh án này thuộc loại Thận suy, tinh quan không bền, cho nên hễ mệt mỏi là di tinh, bình thường còn có chứng tiểu tiện không gọn bãi. Dù có mộng hay không mộng, đều nên sử dụng phép bổ Thận cố tinh, uống lâu dài sẽ kiến hiệu.

Bệnh nhân 2: Vương X, nam, đến tuổi trưởng thành. Di tinh không mộng, hễ hơi lao động là phát bệnh, đói mà không ăn được, ăn vào thì trướng bụng, nước tiểu vàng đỏ, đây là thấp nhiệt hạ chú, không nên dùng thuốc bổ sáp, sợ rằng tích nhiệt càng tăng bệnh, có thể biến sinh bệnh khác. Dùng Tỳ giải 12g, Sa nhân 3g, Phục linh 12g, Mẫu lệ 20g, Bạch truật 12g, Hoàng bá 12g, Chích thảo 6g, Sơn dược 12g, Sinh địa 12g, Trư linh 12g.

– Nhận xét: Bệnh án di tinh này thuộc loại thấp nhiệt hạ chú, tuy không mộng mà di, nhưng không có chứng Thận suy nào khác, cho nên lấy chứng tiểu tiện vàng đỏ làm căn cứ, dùng thuốc thanh lợi thấp nhiệt, kèm thuốc ích Thận làm tá. Nếu đã tiểu tiện

trong mà di tinh chưa hết có thể tiếp tục cho uống Kim Tỏa Cố Tinh Hoàn để củng cố.

Tư liệu tham khảo.

– Sách ‘Chiết Quăng Mạn Lục’ viết: “Chứng mộng tinh, di tinh, không phải tất cả đều do sắc dục quá độ, hơn phân nửa là do Tâm Thận bất túc”.

– Sách ‘Y Học Nhập Môn’ viết: “ Uống rượu và ăn các thức cay nóng làm cho thấp nhiệt bị uất ở trong, cho nên Di và không hoạt”.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.