Cách cai nghiện dễ dàng hơn
Rất nhiều người nghiện ma túy có mong muốn cai nghiện để làm lại cuộc đời, tuy nhiên khó khăn nhất với họ là khi dừng thuốc đều bị vật vã, đau đớn bởi “hội chứng cai nghiện”hay còn gọi là “cơn nghiện”, chính điều này khiến họ không chịu đựng được mà quay lại với ma túy.
Cơ chế nghiện ma túy
Ma túy là chất gây ra các cảm giác kỳ lạ, huyền ảo, dẫn đến trạng thái say. Chúng tác động đặc biệt vào hệ thần kinh trung ương và nếu dùng lặp lại nhiều lần thì sẽ dẫn đến trạng thái nghiện ma túy.
Chất ma túy gồm:
– Các chất ma túy bất hợp pháp như: Thuốc phiện, Heroin; Methamphetamine; Cần sa.
– Các chất ma túy hợp pháp như: thuốc gây ngủ (Gardenal, Lepinal), thuốc bình thần (Benzodiazepine), thuốc dạng thuốc phiện (Morphine, Codein, Dolagan…, đặc biệt Methadone, Buprenorphine, LAAM…), thuốc cường thần (Amphetamin, Cafein), các chế phẩm khác (rượu, thuốc lá, dung môi hữu cơ…)
Cơ chế thần kinh của nghiện ma túy chính là hình thành phản xạ có điều kiện. Khi cơ thể hoạt động bình thường, dưới vỏ não sản xuất ra một chất điều hòa các hoạt động của cơ thể gọi là morphin nội sinh (endorphin). Chất này có tác dụng giảm đau đớn, mệt mỏi, phục hồi sức khỏe để cơ thể hoạt động bình thường. Đó là cơ chế tự điều chỉnh rất tự nhiên và tinh vi của cơ thể con người.
“Hội chứng cai nghiện” – rào cản cai nghiện ma túy
Một người khi sử dụng ma túy, chất ma túy này sẽ đi vào ngõ ngách của từng tế bào thần kinh, làm giảm đau đớn, mệt mỏi, chúng kích thích hoạt động nhanh nhạy của thần kinh làm cho người dùng ma túy cảm thấy hết đau, hết mệt, có cảm giác “tỉnh táo”, “sảng khoái”, “lâng lâng, bay bổng” một cách nhân tạo. Nếu chỉ dùng một, hai lần đầu thì người dùng bị rối loạn hoạt động sản xuất morphin nội sinh của cơ thể. Nếu dùng lặp lại cơ thể sẽ ngừng hoạt động sản xuất morphin nội sinh mà hoàn toàn phụ thuộc vào chất ma túy từ bên ngoài được đưa vào cơ thể. Vì vậy, khi người nghiện không sử dụng ma túy nữa sẽ gây nên “hội chứng cai nghiện” với các biểu hiện:
Thèm chất ma tuý
Toát mồ hôi
Chảy nước mắt, nước mũi
Đau nhức cơ bắp
Tăng thân nhiệt
Buồn nôn hoặc nôn
Tiêu chảy
Giãn đồng tử.
Nổi da gà hoặc ớn lạnh.
Dị cảm
Ngáp.
Mất ngủ
Sau một thời gian dừng dùng ma túy, cơ thể sẽ kích thích sản sinh lại morphin nội sinh, người nghiện sẽ không còn thèm ma túy và không còn các biểu hiện khó chịu này tuy nhiên khi mới dừng dùng ma túy,do “hội chứng cai nghiện” khiến cơ thể người nghiện không chịu nổi, trạng thái bất an, nhu cầu về ma túy sẽ chiến thắng ý chí và nghị lực. Người nghiện mặc dù có khả nǎng phân biệt được hành vi đúng, sai, nhưng họ không còn khả nǎng chỉ huy thân thể nữa. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì kể cả phạm tội miễn sao có ma túy để thỏa mãn cơn nghiện. Vì vậy, cắt được cơn nghiện là điều kiện giúp người nghiện ma túy dễ dàng từ bỏ “chất độc” này.
Làm sao để cắt được “cơn nghiện” hay “hội chứng cai nghiện”?
Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam có các loại thuốc và phương pháp điều trị ma túy phổ biến sau:
Thuốc Đông y: Thuốc Đông y có nguồn gốc từ thảo dược, có tính an toàn, không độc, có hiệu lực trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy, quá trình cắt cơn êm dịu, thuốc có khả năng bình ổn các triệu chứng của hội chứng cai, như là triệu chứng dị cảm, thèm ma túy…
Dùng các thuốc hướng tâm thần: Phương pháp này đã được Bộ Y tế Việt Nam ban hành và áp dụng từ năm 1995 cắt cơn trong vòng 7-10 ngày. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, rẻ tiền, dễ áp dụng, tuy nhiên nhiều tác dụng phụ, người bệnh vật vã nhiều, các triệu chứng dị cảm, dòi bò và rối loạn tiêu hóa hay gặp.
Phương pháp dùng thuốc đối kháng: Phương pháp dùng thuốc đối kháng naltrexone điều trị duy trì hỗ trợ chống tái nghiện các chất dạng thuốc phiện, đã được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới. Phương pháp này có ưu điểm là làm cho bệnh nhân chán chất ma túy nhưng có nhược điểm là lên cơn vật vã, bứt rứt, khó chịu, táo bón, độc với gan và thận, có thể gây sốc thuốc khi bệnh nhân vẫn sử dụng chất ma túy. Hiện nay có 2 biệt dược đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng để điều trị duy trì chống tái nghiện các chất dạng thuốc phiện đó là: thuốc danapha – natrex 50 và thuốc albernil.
Phương pháp điều trị bằng chất thay thế: Trên thế giới, các chất để điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện như methadone, buprenophine, LAAM… Trong đó methadone là loại thuốc chính được sử dụng trong phương pháp điều trị cai nghiện thay thế các chất dạng thuốc phiện.
Phương pháp điện châm: Dùng điện châm, ngày châm nhiều lần tùy thuộc vào trạng thái đói thuốc của bệnh nhân. Phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy đã được Bộ Y tế ban hành vào năm 2003.
Liệu pháp tâm lý: Có thể dùng liệu pháp tâm lý đơn thuần hay liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc hướng thần. Ở Nga đó là liệu pháp tâm lý theo học thuyết Paplov đang được áp dụng rất thành công tại Viện hành vi Nga.