Định nghĩa
Tuyến tiền liệt bị nhiễm khuẩn cấp hoặc mạn tính.
Căn nguyên
NHIỄM KHUẨN: vi khuẩn từ niệu đạo hay từ bàng quang tới tuyến tiền liệt (chi tiết →xem nhiễm khuẩn đường tiết niệu). Đường từ máu và từ bạch huyết tới ít gặp hơn. Vi khuẩn gây viêm tuyến là các vi khuẩn gây bệnh đường tiết niệu (coli và các vi khuẩn Gram âm khác, vi khuẩn đường ruột). Nhiễm khuẩn ở tuyến tiền liệt là cấp tính hoặc mạn tính và là nguyên nhân chính gây tái phát.
NGUYÊN NHÂN KHÁC: thườngkhông rõ: Chlamydia trachomatis, một số loài nấm và Ureaplasma có thể có vai trò quan trọng trong viêm tuyến tiền liệt (xem bài viêm niệu đạo). Có thể nhiễm theo đường tình dục.
VIÊM HẠT TUYẾN TIỂN LIỆT
- Thể do lao: thứ phát sau lao đường niệu – dục. Hiếm khi bị do lao phổi theo đường máu tới. Trong trường hợp nặng, tuyến có thể bị phá huỷ và lan sang các túi tinh.
- Thể không do lao: có các hạt trong chứa tế bào khổng lồ nhưng không có bã đậu và vi khuẩn lao. Đây là phản ứng của tuyến tiền liệt đối với một viêm nhiễm mạn tính.
VIÊM TUYẾN TIỀN LIỆT MẠN TÍNH KHÔNG DO VI KHUẨN: bệnh nhân không có tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu, xét nghiệm không phát hiện thấy vi khuẩn gây bệnh. Một vài thể mạn tính có thể do rối loạn tâm thần-thể xác.
Triệu chứng
VIÊM TUYẾN TIỀN LIỆT CẤP TÍNH: bệnh cảnh lâm sàng như viêm bàng quang cấp, có sốt, rét run; rối loạn tiểu tiện, đái rắt, đái khó; đau trực tràng và quanh hậu môn, tăng lên khi đại tiện. Chẩn đoán lâm sàng dựa vào thăm dò trực tràng: tuyến tiền liệt đau, nóng, to lên đều hoặc không đều, phù. Nếu có chỗ bùng nhùng tức là có dấu hiệu bị áp xe.
Thường có đái ra máu vi thể hoặc đại thể. Nước tiểu có rất nhiều bạch cầu. Cấy máu thường cho phép xác định vi khuẩn gầy bệnh. Không được xoa bóp tuyến tiền liệt để lấy bệnh phẩm nuôi cấy vì có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính ít khi tiến tối viêm mạn tính.
VIÊM TUYẾN TIỀN LIỆT MẠN TÍNH: tiền sử có nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát nhiều lần. Đau âm ỉ ở vùng sau xương mu hay vùng chậu lan xuống dương vật. Tiểu khó, đái rắt, tắc nghẽn đường niệu. Đôi khi sốt nhẹ, trầm uất, liệt dương. Thăm dò trực tràng thấy tuyến không đều, có những vùng rắn.
Thường ít có rối loạn trong nước tiểu, cấy nước tiểu thường âm tính. Để phát hiện mầm bệnh, cần có những kỹ thuật chuyên khoa; cấy bệnh phẩm lấy từ niệu đạo sau khi xoa bóp tuyến, cấy tinh dịch, tìm Chlamydia trachomatis. X quang đôi khi cho thấy các điểm calci hoá ở tuyến tiền liệt. Chụp niệu đạo lúc tiểu tiện có thể thấy chít hẹp ở niệu đạo, tuyến tiền liệt phì đại. Chỉ nội soi khi cần thiết.
Biến chứng
Áp xe tuyến tiền liệt có thể gây đái ra máu và chảy mủ ở niệu đạo kéo dài. Thăm dò trực tràng thấy tuyến tiền liệt đau và bị bùng nhùng. Vi khuẩn gây bệnh thường là các trực khuẩn Gram âm, đôi khi là tụ cầu. Bạch cầu thường tăng cao.
Chẩn đoán phân biệt
Phân biệt viêm tuyến tiền liệt cấp với viêm bàng quang cấp bằng thăm dò trực tràng. Phân biệt viêm tuyến tiền liệt mạn tính với u xơ tuyến, với ung thư tuyến (sinh thiết qua trực tràng dưới hướng dẫn của siêu âm), với các bệnh của trực tràng và của hậu môn (tri, viêm hậu môn, nứt hậu môn).
Tiên lượng
Rất khó diệt khuẩn trong tuyến tiền liệt. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính thường trở thành mạn tính. Viêm mạn tính có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhiều lần, viêm mào tinh, chít hẹp niệu đạo.
Điều trị
- Kháng sinh trị liệu: Cotrimoxazol (viên 800 mg Sulfamethoxazol + 160 mg trimethoprim) là kháng sinh hàng đầu. Dùng mỗi ngày 2 viên chia hai lần trong một tháng nếu bị viêm tuyến tiền liệt cấp. Tuỳ theo kết quả xét nghiệm vi khuẩn học hoặc trong trường hợp thất bại, dùng tetracyclin hoặc erythromycin. Nếu bị viêm tuyến mạn tính thì dùng kháng sinh ít nhất là trong 6 tuần. Đôi khi dùng kháng sinh liên tục là cần thiết (Cotrimoxazol, ngày một viên hoặc nitrofurantoin 100mg/ngày) trong trường hợp bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát.
- Biện pháp chung: nghỉ ngơi nếu bị cấp tính. Thuốc giảm đau, chống viêm không phải steroid, chống táo bón, ngâm vùng mông. Tránh uống rượu.
- Ngoại khoa: dẫn lưu qua trực tràng nếu bị áp xe tuyến tiền liệt. Cắt bỏ tuyến nếu bị viêm mạn tính không điều trị được và có biến chứng tái phát, biến chứng nặng.