Vết Đứt Và Xây Xát
Các vết đứt và xây xát nhỏ thường không cần đến phòng cấp cứu. Song việc chăm sóc thích hợp là rất cần thiết để tránh nhiễm trùng hay các biến chứng khác. Những hướng dẫn này có thể giúp bạn chăm sóc những vết thương đơn giản:
Cầm máu: vết đứt và xây xát nhỏ thường tự cầm máu. Nếu không, hãy ấn nhẹ vào vết thường bằng vải sạch hoặc băng. Ấn liên tục trong 20 đến 30 phút. Đừng bỏ ra để xem máu đã cầm chưa vì có thể gây ra tổn thương hoặc làm bật cục máu đông được tạo thành và gây ra chảy máu trở lại. Nếu máu phun ra hoặc tiếp tục chảy sau khi đã ấn liên tục, hãy tìm sự trợ giúp y tế.
Làm sạch vết thương: rửa vết thương bằng nước sạch. Xà phòng có thể làm rát vết thương, do đó không nên rửa vết thương rách da bằng xà phòng. Nếu đất bẩn và các mảnh vụn vẫn còn ở vết thương sau khi rửa, dùng nhíp làm sạch cùng với cồn để lấy ra các mảnh nhỏ. Nếu các mảnh vụn vẫn còn dính ở vết thương sau khi làm sạch, hãy đến gặp bác sĩ. Rửa sạch hoàn toàn vết thương làm giảm nguy cơ uốn ván. Để làm sạch vùng xung quanh vết thương, dùng xà phòng và khăn. Không cần dùng nước oxy già, iod hoặc dung dịch có iod. Những chất này có thể gây kích ứng bào sống. Nếu bạn chọn sử dụng chúng, đừng bôi trực tiếp lên vết thương.
Bôi kháng sinh: sau khi rửa sạch vết thương, bôi một lớp mỏng kem hoặc mỡ kháng sinh như Neosporin hoặc Polysporin để giữ cho bề mặt vết thương ướt. Các sản phẩm này không làm cho vết thương chóng liền hơn, nhưng chúng có thể ngăn chặn nhiễm trùng và tạo điều kiện cho quá trình liền vết thương diễn ra hiệu quả hơn. Một số thành phần có trong thuốc mỡ có thể gây phát ban nhẹ ở một số người. Nếu phát ban xuất hiện, hãy dừng bôi thuốc.
Che phủ vết thương: băng có thể giúp giữ cho vết thương sạch và ngăn ngừa vi khuẩn có hại. Sau khi vết thương đã liền đủ để không thể bị nhiễm trùng, việc để hở sẽ làm cho vết thương liền nhanh hơn.
Thay băng: thay băng ít nhất là hằng ngày hoặc bất kì lúc nào vết thương bị ướt hoặc bẩn. Nếu bạn bị dị ứng với các chất dính có trong hầu hết các loại băng, hãy chuyển sang sử dụng loại băng không dính hoặc gạc vô trùng được giữ cố định bằng băng giấy, băng cuộn hoặc băng chun buộc lỏng. Các loại băng này nói chung được bán tại các nhà thuốc.
Khâu đối với những vết thương sâu: một vết thương bị đứt sâu qua lớp da hoặc bị hở miệng hay mép vết thương nham nhở và có mỡ hay cơ lồi ra thường phải khâu. Một hoặc 2 miếng băng phẫu thuật có thể làm kín miệng vết cắt nhỏ, nhưng nếu bạn không thể đóng miệng vết thương lớn dễ dàng, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Đóng kín miệng vết thương kịp thời trong vòng vài giờ sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng: đi gặp bác sĩ nếu vết thương không liền hoặc bị đỏ, chảy dịch, nóng hoặc sưng.
Tiêm phòng uốn ván: bác sĩ thường khuyên bạn tiêm phòng uốn ván 10 năm một lần. Nếu vết thương của bạn sâu hoặc bẩn và lần tiêm cuối cùng của bạn là từ hơn 5 năm trước, bác sĩ có thể đề nghị tiêm nhắc lại. Hãy tiêm nhắc lại trong vòng 48 giờ sau khi bị thương.