Bỏng

Để phân biệt bỏng nhẹ với bỏng nặng, bước đầu tiên là xác định mức độ và phạm vi tổn thương mô cơ thể. Phân loại bỏng độ 1, độ 2 và độ 3 sẽ giúp bạn xác định cách sơ cứu:

Bỏng độ 1

Ở những vết bỏng nhẹ nhất này chỉ có lớp da ngoài cùng (biểu bì) bị bỏng. Da có màu đỏ, đôi khi có sưng và đau. Lớp da ngoài cùng không bị bỏng hết. Điều trị bỏng độ 1 như bỏng nhẹ trừ khi bỏng xảy ra trên những phần đáng kể của bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn hoặc mông, hoặc ở khớp lớn.

Bỏng độ 2

Khi lớp da ngoài cùng bị bỏng hết và lớp da thứ hai (lớp bì) cũng bị bỏng, tổn thương được gọi là bỏng độ 2. Bọng nước xuất hiện và da có biểu hiện loang lổ và đỏ nhiều. Bỏng độ 2 gây đau và sưng nhiều.

Nếu bỏng độ 2 có đường kính không quá 5 – 8cm đường , điều trị như bỏng nhẹ. Nếu diện tích bỏng lớn hơn hoặc nếu bỏng ở bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn hoặc mông, hoặc ở khớp lớn, cần đến ngay cơ sở y tế.

Với bỏng nhẹ, bao gồm bỏng độ 2 với đường kính không quá 5 – 8cm, hãy thực hiện những bước sau:

Làm mát vết bỏng: Để vùng bị bỏng dưới vòi nước lạnh trong ít nhất 5 phút hoặc cho đến khi dịu đau. Nếu không thể làm được điều này, hãy ngâm vết bỏng vào nước lạnh hoặc chườm lạnh vết bỏng. Làm mát vết bỏng sẽ làm giảm sưng nhờ dẫn nhiệt ra khỏi da. Không áp đá lên vết bỏng.

Che phủ vết bỏng bằng băng gạc vô trùng: Không dùng bông có sợi có thể kích ứng da. Băng lỏng để tránh đè ép lên vùng da bị bỏng. Băng ngăn không khí ở ngoài chỗ da bị bỏng, làm giảm đau và bảo vệ chỗ da phồng rộp.

Uống thuốc giảm đau: Uống một loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin, các thuốc khác), naproxen (aleve) hoặc acetaminophen (Tylenol, các thuốc khác). Không dùng aspirin cho trẻ em hoặc trẻ vị thành niên.

Bỏng nhẹ thường liền mà không cần điều trị gì thêm. Vết bỏng khi liền có thể bị thay đổi sắc tố, nghĩa là có màu khác với màu da xung quanh. Chú ý phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, như đau tăng lên, đỏ, sốt, sưng hoặc chảy nước. Nếu nhiễm trùng diễn ra, cần đi khám ngay. Tránh làm bị thương lại hoặc phơi nắng nếu vết bỏng liền chưa được một năm, làm như thế có thể gây thay đổi sắc tố nhiều hơn. Sử dụng kem chống nắng cho vùng bị bỏng trong ít nhất 1 năm.

Thận trọng

Không dùng đá: Đặt đá trực tiếp lên vết bỏng có thể gây tê cóng, làm da bị tổn thương thêm.

Không làm vỡ bọng nước: Bọng nước vỡ rất dễ bị nhiễm trùng.

Bỏng độ 3

Những vết bỏng nặng nhất thường không đau và tổn thương tất cả các lớp của da. Mỡ, cơ và thậm chí cả xương có thể bị ảnh hưởng. Vùng bỏng có thể bị cháy đen hoặc có vẻ khô và trắng. Khó hít vào và thở ra, ngộ độc carbon monoxid hoặc các ảnh hưởng độc hại khác có thể xảy ra nếu bệnh nhân hít phải khói kèm theo bị bỏng.

Đối với bỏng nặng, gọi cấp cứu hoặc sự giúp đỡ của y tế. Trong khi chờ đợi, hãy thực hiện những bước sau:

Không cởi quần áo bị cháy. Tuy nhiên, hãy đảm bảo là nạn nhân không còn tiếp xúc với chất liệu đang cháy âm ỉ hoặc khói hay sức nóng.

Không ngâm vết bỏng rộng và nặng vào nước lạnh. Làm như vậy có thể gây sốc.

Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn (thở, ho hoặc cử động). Nếu không thấy thở hoặc các dấu hiệu khác của tuần hoàn, tiến hành hồi sức tim phổi.

Che phủ vùng bị bỏng. Dùng băng vô trùng lạnh, ẩm; quần áo sạch, ẩm hoặc khăn ẩm

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.