Tiểu ra máu

Là chứng do nhiều nguyên nhân bệnh ở đường tiết niệu gây ra.

Được mô tả trong phạm vi chứng Ngũ Lâm (Huyết Lâm) , Niệu Huyết của Đông y.

Có thể tiểu ra máu đại thể: mắt thường trông thấy được, máu ra đỏ tươi lẫn cục máu đã đông hoặc nước tiểu mầu hồng. Có thể tiểu ra máu nhẹ, mắt thường không phân biệt được với nước tiểu sẫm mầu. Gọi là tiểu ra máu vi thể vì phải soi kính hiển vi cặn nước tiểu mới phân biệt được. Để xác định là tiểu ra máu vi thể thì lượng hồng cầu trong nước tiểu phải trên 4 triệu/24 giờ.

Ở phụ nữ, để chẩn đoán tiểu ra máu phải lấy nước tiểu bằng thông bàng quang để khỏi lẫn với ra máu do rối loạn kinh nguyệt.

Chẩn Đoán

Tiểu Ra Máu Do Các Bệnh Nhiễm Khuẩn, Nhiễm Độc Dị Ứng:

Thường là tiểu ra máu vi thể, ít khi ra máu đại thể.

Trong ngộ độc thuốc chống đông có thể gây tiểu ra máu đại thể.

Bệnh bạch cầu, bệnh gan cũng gây tai biến tiểu ra máu.

Tiểu Ra Máu Dưới Bàng Quang (do niệu đạo, tiền liệt tuyến) : Để xác định rõ, người ta dùng nghiệm pháp 3 ly: Buổi sáng mới thức dậy, bảo người bệnh tiểu vào 3 ly riêng biệt. Nếu ly nước tiểu đầu lẫn nhiều máu hơn 2 ly kia, kèm tiểu buốt, tiểu khó thì nguyên nhân do sỏi niệu đạo, ung thư tiền liệt tuyến.

Tiểu Ra Máu Do Bàng Quang: Thường ly cuối cùng lẫn nhiều máu hơn vì bàng quang co bóp tống những căn máu còn đọng ra. Nguyên nhân do sỏi, đa số do ung thư bàng quang. Ở phụ nữ có thể do bàng quang bị viêm loét.

Tiểu Ra Máu do bệnh Thận: Nước tiểu cả 3 ly đều đỏ. Tiểu ra máu kèm cơn đau dữ dội từ vùng thận lan xuống đường tiểu, thường do sỏi thận di chuyển.

Cũng có thể chú ý đến:

Nước tiểu đỏ ngay khi bắt đầu tiểu và đỏ suốt thời gian tiểu, nên nghĩ đến:

Sỏi đường tiểu: vì sỏi làm chảy máu và rách màng da trong các ống dẫn tiểu. Máu chảy ở những chỗ này hòa lẫn với nước tiểu thành mầu vàng sẫm hoặc đỏ nhạt.

Lao thận: Máu hòa lẫn với nước tiểu một cách bất ngờ. Người bệnh có thể vẫn thấy mình khỏe mạnh, không bệnh mà tự nhiên tiểu đỏ. Có thể kèm theo tiểu gắt, buốt khi tiểu.

Nước tiểu lúc đầu không đỏ nhưng về cuối khi tiểu gần xong mới đỏ, trường hợp này bệnh nhân tiểu khó và ít tiểu: nên nghĩ đến bệnh về bàng quang như sỏi bàng quang, lao bàng quang, ung thư bàng quang.

Nước tiểu đỏ ngay lúc đầu nhưng về sau lại trong, tiểu xong rất rát nhưng không rát khi tiểu. Nên nghĩ đến nhiễm trùng đường tiểu, lao tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến.

Ung thư thận: Tiểu đỏ bất ngờ, hết rồi lại bị, cứ như vậy nhiều lần. Thường cảm thấy đau lưng và có cảm tưởng thận cứng lại.

Bể thận viêm, cầu thận viêm đều gây ra tiểu ra máu vi thể, kèm tiểu ra bạch cầu, protein nhẹ hoặc trung bình.

Trên lâm sàng thường gặp một số loại sau:

Tiểu Ra Máu Do Nhiễm Trùng Cấp Tính Đường Tiểu

Gặp trong trường hợp Cầu thận viêm cấp, Bàng quang viêm cấp…

Chứng: Tiểu buốt, rát, tiểu ra máu, khát, sốt, mặt đỏ, ngủ ít, mê sảng, mạch Hồng Sác.

Nguyên nhân: Do Tâm hỏa vong động, nhiệt dịch xuống tiểu trường gây nên.

Điều trị: Thanh tâm hỏa, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết.

Tiểu Kế Ẩm Tử: Sinh địa 20g, Hoạt thạch 16g, Tiểu kế, Mộc thông, Bồ hoàng (sao) , Ngẫu tiết, Sơn chi đều 12g, Đương quy, Chích thảo đều 6g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu) .

Lá tre, Cỏ mực, Kim ngân hoa đều 16g, Sinh địa, Cam thảo đất, Mộc hương đều 12g, Tam thất 4g. Sắc uống (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc) .

Thanh Lâm Ẩm (Liêu Ninh Trung Y Tạp Chí 1987, 8) : Bồ công anh, Nhất trượng hoàng hoa, Bán chi liên, Xa tiền thảo, Mao căn (tươi) , Luật thảo (tươi) . Sắc uống.

Cửu Bồ Đại Hoàng Thang (Thiểm Tây Trung Y 1988, 6) : Tần cửu 50g, Bạch mao căn, Bồ hoàng (bao lại) đều 20g, Đại hoàng, Xa tiền tử (bao lại) , Hoàng cầm, Bạch thược, Hồng hoa (bao lại, cho vào sau) , Cam thảo, Sơn chi đều 15g, Thiên hoa phấn 30g, Trúc nhự 10g. Sắc uống.

Đã dùng trị 34 ca, khỏi hoàn toàn 29, có hiệu quả 4, không hiệu quả 1. Đạt tỉ lệ 91,1%. Bình quân uống 14 ngày.

Ngân Bạch Tiêu Viêm Thang (Hồ Bắc Trung Y Tạp Chí 1986, 2) : Kim ngân hoa, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bồ công anh đều 30g, Chi tử, Biển súc, Hải kim sa đều 15g, Hoạt thạch, Mao căn, Xa tiền thảo đều 30g, Mộc thông, Cam thảo đều 10g, Ddăng tâm thảo 3g. Sắc uống.

Đã trị 56 ca, khỏi 43, đỡ 10, không hiệu quả 3. Đạt tỉ lệ 94,6%.

Khổ Sâm Bồ Hoàng Thang (Sơn Tây Trung Y Tạp Chí 1986, 5) : Khổ sâm 9-15g, Sài hồ 9-18g, Hoàng bá 9g, Bồ công anh, Mã xỉ hiện, Thạch vi đều 30g. Sắc uống.

Đã trị 50 ca, khỏi 48, không khỏi 2.

Thanh Hóa Ẩm (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí) : Bồ hoàng (sống) 9g, Sinh địa Hoạt thạch đều 15g, Bạch mao căn 24g, Hổ phách 5g (tán nhuyễn, cho vào thuốc uống) , Kim tiền thảo 30g, Hoàng bá 8g, Xích tiểu đậu 30g, Tỳ giải 9g, Cam thảo, Đăng tâm thảo đều 3g. Sắc uống.

Tiểu Ra Máu Do Nhiễm Trùng Đường Tiểu Mạn Tính

Gặp trong Bàng quang viêm mạn, Lao thận.

Chứng: Tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu gắt, nước tiểu ít, sốt, khát, họng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu, mạch Tế Sác.

Nguyên nhân: do âm hư hỏa vượng.

Điều trị: Tư âm, thanh nhiệt, chỉ huyết.

Đại Bổ Âm Hoàn gia giảm: Hoàng bá, Bạch mao căn đều 12g, Tri mẫu 8g, Quy bản (chích) , Thục địa, Hạn liên thảo đều 16g, Chi tử (sao đen) 8g, Tủy sống heo 20g (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu) .

Sinh địa, Thạch hộc, Sa sâm, Mạch môn, Kỷ tử, Rễ cỏ tranh, Trắc bá diệp (sao đen) đều 12g, Hạn liên thảo 16g, A giao 8g (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc) .

Tri Bá Thang (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn) : Tri mẫu, Sinh địa, Thổ phục linh, Thạch hộc, Ngân hoa, Hoàng bá đều 15g, Liên kiều 10g, Đương quy 8g, Hồng đằng 30g, Mộc thông, Cam thảo đều 5g. Sắc uống.

Đã trị 60 ca, khỏi hoàn toàn 53 ca, có hiệu quả 13 ca. Trung bình uống 5-10 thang.

Tiểu Ra Máu Do Sỏi Đường Tiểu, Chấn Thương

Chứng: Tiểu ra máu, ngang thắt lưng đau lan xuống đường tiểu, có từng cơn quặn đau do sỏi di chuyển.

Nguyên nhân: Do huyết ứ ở hạ tiêu gây nên.

Điều trị: Hoạt huyết, chỉ huyết, khứ ứ.

Đan sâm, Ngưu tất, Ích mẫu, Uất kim, Tóc rối đều 12g, Hạn liên thảo, Ngẫu tiết đều 16g, Bách thảo sương 4g, Chỉ thực 6g (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc) .

Tiểu Ra Máu Kéo Dài

Do nhiều nguyên nhân toàn thân khác.

Chứng: Tiểu nhiều làn, có lẫn máu, ăn không ngon, mệt mỏi, sắc mặt vàng úa, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi bẩn, mạch Hư, Nhược.

Nguyên nhân: Do Tỳ hư không nhiếp được huyết gây nên.

Điều trị: Ích khí, kiện Tỳ, nhiếp huyết.

Dùng bài Bổ Trung Ích Khí gia giảm: Hoàng kỳ, Bạch truật, Đảng sâm, Sài hồ, Ngải diệp (sao đen) , Xích thạch chi, Ngẫu tiết (sao) đều 12g, Hạn liên thảo (sao đen) 16g, Đương quy, Thăng ma đều 8g, Cam thảo 6g. Sắc uống (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu) .

Hoài sơn, Bạch truật, Thạch hộc, Ngẫu tiết (sao đen) , Thục địa, Tắc bá diệp, Ngải diệp đều 12g, Đảng sâm, Hạn liên thảo đều 16g. Sắc uống (Y Học Cổ Truyền Dân Tộc) .

Châm Cứu

Cứu Tỳ du, Thận du, Quan nguyên, Trung cực, Túc tam lý, Tam âm giao (Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu) .

Kinh Nghiệm Điều Trị Tiểu Ra Máu Của Nhật Bản

(Theo ‘Chinese Herbal Medicine And The Problem Of Agging’) .

Trư Linh Thang Tứ Vật Thang (Trong bài, A giao làm ngừng chảy máu, Hoạt thạch làm giảm các triệu chứng.

Khung Quy Giao Ngải Thang. Trong bài A giao, Ngải diệp làm ngừng chảy máu. Dùng cho cơ thể yếu và thấy lạnh.

Ôn Thanh Ẩm: trị tiểu kéo dài và tiểu ra máu.

Đào Hạch Thừa Khí Thang, Đại hoàng mẫu đơn bì thang, quế chi phục linh hoàn. Một trong ba bài làm giảm, làm tan những tổn thương ở đùi, ở lưng và bộ phận sinh dục, bụng dưới đầy lan đến niệu quản và tiểu ra máu.

Châm Cứu Trị Tiểu Ra Máu

Sách ‘Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học’ nêu lên hai loại tiểu ra máu:

Tâm Hỏa Kháng Thịnh: Tiểu nóng, nước tiểu có lẫn máu mầu đỏ tươi, mặt đỏ, khát, tâm phiền, mất ngủ, miệng lưỡi lở loét, đầu lưỡi đỏ, mạch Sác.

Điều trị: Thanh Tâm tả hỏa, lương huyết, chỉ huyết.

Châm tả Đại lăng, Tiểu trường du, Quan nguyên, Đại đôn (dùng kim Tam lăng châm ra máu) .

(Đại lăng là huyệt Du của kinh Tâm bào, tả huyệt này để thanh Tâm tả hỏa; Tiểu trường du và Quan Nguyên là sự kết hợp Bối du và Mộ huyệt để dẫn nhiệt ở Tiểu trường xuống dưới, để lương huyết, chỉ huyết; Đại đôn là huyệt Tỉnh của kinh Can. Tả Can hỏa để giúp tả Tâm hỏa) .

Tỳ Thận Đều Hư: Tiểu nhiều, trong nước tiểu có lẫn máu, mầu hồng nhạt, tinh thần mỏi mệt, sắc mặt vàng úa, lưng đau, đầu váng, hoa mắt, lưỡi nhạt, mạch Tế.

Điều trị: Kiện Tỳ, ích Thận, ích khí, nhiếp huyết.

Châm Tỳ du, Thận du, Khí hải, Tam âm giao.

(Tỳ du, Thận du là bối du huyệt, để bổ ích Tỳ, Thận, điều hòa công năng của Tỳ Thận; Khí hải, Tam âm giao bổ khí, kiện Tỳ, ích Thận) .

Bệnh Án Tiểu Ra Máu

(Trích trong ‘Trung Quốc Đương Đại Danh Y Nghiệm Phương Đại Toàn’)

Giang X, nam, 58 tuổi. Tiểu ra máu hơn 7 ngày không cầm, có lúc tiểu không được, có lúc tiểu buốt, gắt, đau, sắc mặt hơi đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch Huyền Sác. Xét nghiệm nước tiểu: hồng cầu (+) , huyết áp 240/133mmHg. Đã uống kháng sinh, thuốc hạ áp, thuốc cầm máu nhưng không kết quả. Cho uống Chi Xị Tề Thái Thang (Đậu xị 15g, Chi tử (sống) 10g, Tề thái 30g. Sắc uống ngày 1 thang. Sau khi uống 2 thang kiểm tra nước tiểu thấy âm tính,huyết áp hạ xuống mức bình thương. Cho uống tiếp 2 thang trong tuần. Hai năm sau không thấy tái phát.

Bệnh Án Tiểu Ra Máu

(Trích trong ‘Chinese Herbal Medicine And The Problem Of Agging’) .

Một người đàn ông 58 tuổi có thể lựïc tốt, phát hiện máu trong nước tiểu vào ngày trước khi đến bệnh viện. Bệnh nhân cho biết có rối loạn này 20 năm trước đây. Chế độ ăn gồm rau, thịt và gia vị, có biểu hiện thích nước chè và uống một cốc rượu vang hàng ngày; hút 20 điếu thuốc lá mỗi ngày, đại tiện ngày 1 lần, tiểu tiện 6 đến 8 lần, được nuôi dưỡng tốt nhưng mặt xanh. Phúc chẩn cho thấy bụng không đàn hồi và mềm. Tôi cho dùng Trư Linh Thang và Tứ Vật Thang, tiểu ra máu khỏi trong 30 ngày. Bệnh nhân tiếp tục sử dụng đơn thuốc này trong 50 ngày nữa sau đó đã khỏi hẳn.

Bài trướcTỏa hầu phong – họng đỏ đau chữa theo đông y
Bài tiếp theoĐông y chữa trị Tiểu Ra Dưỡng Chấp

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.