Tên khác: ung thư biểu mô tuyến tiền liệt
Căn nguyên
Không rõ. Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những ung thư hay gặp nhất ở nam giới trên 65 tuổi. Giải phẫu tử thi ở đàn ông trên 70 tuổi cho thấy gần 30- 40% có các ổ ung thư vi thể tiềm tàng. Rất ít gặp ở người phương Đông nhưng hay gặp ở người có tiếp xúc với cadmi. u xơ tuyến tiền liệt không phải là tiền thân của ung thư.
Giải phẫu bệnh
Ung thư biểu mô tuyến, thường rất biệt hoá, có dấu hiệu ác tính chắc chắn nhất là bao tuyến bị xâm nhiễm. Lan toả tại chỗ là vào các túi tinh, vào đáy bàng quang và các lỗ niệu quản, vào các mô liên kết và các hạch bạch huyết ở vùng chậu. ít gặp khối u lan sang niệu đạo và trực tràng. Di căn chủ yếu là vào xương chậu, cột sống thắt lưng và xương đùi; thường gây tạo xương hơn là huỷ xương. Vào giai đoạn muộn, tất cả các xương đều có thể bị di căn. Rất hiếm khi di căn vào tạng.
Triệu chứng
- Trong phần lớn các trường hợp, ung thư tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng như của u xơ tuyến (rối loạn tiểu tiện, đau quanh hậu môn). Hội chứng tắc nghẽn nặng lên nhanh cho thấy có thể có khối u ác tính. Ung thư tuyến tiền liệt có thể có đái ra máu, có máu trong tinh dịch hay nhiễm khuẩn đường niệu. Nói chung ung thư tiến triển chậm, nhất là ở người già và yên lặng trong một thời gian dài. Có một thể tiến triển rất nhanh gặp ở người trẻ.
- Thăm dò trực tràng: ở tuyến tiền liệt có một nhân rắn, không đồng đều hay tuyến tiền liệt to lên, rắn, không đều, không đau, dính vào các phần sâu. Đến giai đoạn muộn hơn, ranh giới của tuyến bị mất, các mô lân cận bị xâm nhiễm. Thăm dò trực tràng là thăm khám thường quy với nam giới trên 50 tuổi.
- Di căn vào xương: đôi khi chụp X quang vì chứng đau thắt lưng, đau dây thần kinh toạ, đau ở một bên hông hay do gẫy xương bệnh lý mà thấy ung thư di căn ở xương do đó phát hiện ra ung thư tuyến tiền liệt.
- Suy thận: đôi khi gặp, thiểu niệu, suy thận do thận bị xâm nhiễm và các lỗ niệu quản đổ vào bàng quang bị tắc nghẽn.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Phosphatase acid của tuyến tiền liệt: nếu tăng, cho thấy u to lên hay có di căn.
- Kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt: nồng độ bình thường trong máu là 2,5 ng/ml (hay pg/1). Nồng độ cao hơn 20 ng/ml hay thấy trong ung thư nhưng đôi khi cũng thấy trong u xơ tuyến tiền liệt. Các giá trị cao hơn 100 ng/ml cho thấy rất có thể đã có di căn. Xét nghiệm này rất có ích trong việc phát hiện ung thư tái phát sau điều trị nhưng không bao giờ được coi xét nghiệm này là xét nghiệm duy nhất để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt (cần phải làm sinh thiết).
- Thiếu máu do di căn vào tủy xương
Xét nghiệm bổ sung
SINH THIẾT TUYẾN TIỀN LIỆT (qua đường trực tràng, dưới sự hướng dẫn của siêu âm): được chỉ định khi thăm dò trực tràng thấy bất thường, hay khi thấy đường tiết niệu đoạn thấp bị tắc nghẽn không rõ nguyên nhân. Xét nghiệm này khẳng định chẩn đoán ung thư trong trường hợp có nhân bị nghi ngờ là ung thư.
CHẨN ĐOÁN BẰNG HÌNH ẢNH: chụp siêu âm bụng hay chụp qua đường trực tràng, chụp đường niệu qua tĩnh mạch, chụp cắt lớp vùng chậu cho phép đánh giá kích thước khối u. Có khi chụp bạch mạch, chụp nhấp nháy đồ xương (phát hiện di căn vào xương chậu và vào cột sống), khám tiết niệu (soi bàng quang, soi niệu đạo) và chụp phổi (phát hiện di căn vào phổi).
Phát hiện
Thăm dò trực tràng và chụp siêu âm qua đường trực tràng. Định lượng kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt không phải lúc nào cũng phân biệt được ung thư với u xơ tuyến tiền liệt. Không có chỉ định phát hiện hàng loạt hay điều trị tận gốc ung thư tuyến tiền liệt cho người trên 70 tuổi.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt tuyến tiền liệt rắn là do viêm, u xơ có viêm hay sỏi tuyến tiền liệt.
Tiên lượng và tiến triển
- Giai đoạn A (ung thư vi thể kẽ tuyến, tiềm tàng, thành ổ hay lan toả): 10-40% sẽ có triệu chứng sau nhiều năm.
- Giai đoạn B: 85-90% bệnh nhân bị ở giai đoạn B/l (nhân nhỏ hơn 1,5 cm, vẫn ở trong bao) sống sót được 5 năm sau khi cắt bỏ tuyến. Tỷ lệ sống sót thêm 5 năm sau phẫu thuật ở bệnh nhân ở giai đoạn B/2 là <10%.
- Giai đoạn c(ung thư vượt ra khỏi bao, không có di căn vào hạch hay vào xương).
- Giai đoạn D (ung thư vượt ra khỏi bao + di căn vào hạch hay vào xương).
Khoảng 75% các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán ở các giai đoạn C và D và tỷ lệ sống sót thêm 5 năm là dưới 10%.
Sau 70 tuổi, có ung thư tuyến tiền liệt không làm thay đổi kỳ vọng sống.
Điều trị
NGOẠI KHOA
- Cắt bỏ hẳn tuyến tiền liệt: được chỉ định trong ung thư khu trú (giai đoạn A và B) ở bệnh nhân có kỳ vọng sống trên 10 năm. Hay bị di chứng (bất lực, tiểu tiện không tự chủ). Với bệnh nhân trên 70 tuổi, nguy cơ chết vì ung thư tuyến tiền liệt thấp và hay bị các di chứng sau mổ; bởi vậy vẫn còn nhiều tranh cãi về chỉ định phẫu thuật đối với những người này.
ĐIỀU TRỊ BẰNG TIA XẠ: với các giai đoạn A và B, xạ trị cho các kết quả tương tự với phẫu thuật cắt bỏ tuyến. Xạ trị với điện thế cao được chỉ định cho người còn tương đối trẻ bị ở giai đoạn c. Xạ trị làm bệnh giảm đáng kể và đôi khi không gây bất lực nhưng có thể bị viêm trực tràng và viêm bàng quang do tia.
HOÁ TRỊ LIỆU: điều trị bằng các thuốc chống ung thư (cyclophosphamid, fluorouracil, cisplatin v.v…) tại các cơ sở chuyên về ung bướu.
ĐIỀU TRỊ TẠM THỜI
- Chỉ định dùng estrogenvới các thể có u vượt khỏi bao hay có di căn. Liều tấn công cần cải thiện được tình trạng của bệnh nhân và làm cho phosphatase acid của tuyến tiền liệt và kháng nguyên đặc hiệu của tuyến giảm hoặc trở về bình thường. Các chất tương tự LH-RH (-> buserelin, goserelin, leuprorelin) có tác dụng “hoạn bằng thuốc” mà không gây tác dụng phụ của Tác dụng chỉ rõ sau 2 tuần. Các thuốc kháng androgen (cyproteron, flutamid, nilutamid) có tác dụng hoạn bằng thuốc kém hơn.
- Cắt bỏ tinh hoàn hai bên (phẫu thuật): là phương pháp điều trị tạm thời với các thể có u vượt khỏi bao hay có di căn, kết hợp với điều trị bằng hormon.
- Cắt bỏ bằng nội soi: được chỉ định nếu có hội chứng tắc nghẽn.
- Xạ trị: có tác dụng trong trường hợp bị di căn vào xương gây đau đớn.
- Morphin, đôi khi các diphosphonat hay Strontium phóng xạ có thể làm giảm đau khi bị di căn lan toả.