Có một số đường lây truyền HIV. Những đường lây truyền này đã được xác định rõ (xem thêm “Dự phòng sau phơi nhiễm”). HIV có thể được lây truyền qua:

  • Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV;
  • Tiêm hoặc truyền máu, sản phẩm máu bị nhiễm HIV (cũng có thể lây nhiễm qua thụ tinh nhân tạo, ghép da và ghép tạng);
  • Dùng lại kim tiêm không được tiệt trùng của người nhiễm HIV đã dùng trước;
  • Lây truyền từ mẹ sang con (trong thời gian mang thai, lúc sinh và qua nuôi dưỡng bằng sữa mẹ).

Nhiễm trùng nghề nghiệp của nhân viên y tế và nhân viên phòng xét nghiệm có thể xảy ra; dù sao, một nghiên cứu năm 1995 đánh giá rằng tuy có 600.000 đến 800.000 vết thương do kim tiêm xảy ra với nhân viên y tế mỗi năm ở Mỹ, nhiễm trùng nghề nghiệp là ít gặp. Nguy cơ lây nhiễm HIV nghề nghiệp từ kim tiêm bị nhiễm cho nhân viên y tế được phát hiện là 0,3% trong số các trường hợp được báo cáo trước khi có điều trị kháng virus (ART).

Đôi khi có những sự lo sợ rằng có thể có những đường lây truyền HIV khác. Phải tuyên bố rõ ràng và dứt khoát là HIV không truyền qua muỗi, ruồi, bọ chét, ong, hoặc ong bắp cày. HIV không lây truyền qua tiếp xúc ngẫu nhiên hàng ngày. Không có trường hợp nhiễm HIV nào được chứng minh là do tiếp xúc với nước mắt hoặc nước bọt không dính máu. Vì HIV không truyền qua nước bọt, không thể mắc HIV qua việc dùng chung cốc, nĩa, bánh, hoặc hoa quả (Friedland 1986, Castro 1988, Friedland 1990). Theo ý kiến của những chuyên gia hàng đầu, sự tiếp xúc của da lành với dịch cơ thể nhiễm HIV là không đủ để nhiễm virus.

Quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục không an toàn là đường lây truyền HIV quan trọng nhất trên thế giới. Mặc dù người nhận quan hệ tình dục qua hậu môn được ước tính có nguy cơ nhiễm virus cao nhất, nhiễm HIV sau chỉ một lần quan hệ tình dục xâm nhập cũng đã được mô tả. Sự hiện diện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác làm tăng đáng kể nguy cơ bị nhiễm HIV.

Tải lượng virus càng thấp, khả năng lây của người bệnh càng thấp. Một nghiên cứu tiến cứu 415 cặp sống chung giữa một người nhiễm và một người không nhiễm ở Uganda đã thấy rằng trong 90 trường hợp nhiễm mới xảy ra trong khoảng thời gian 30 tháng, không có trường hợp nào là nhiễm từ người bạn tình có tải lượng virus dưới 1500 bản sao/ml. Nguy cơ nhiễm HIV tăng lên với mỗi logarit tải lượng virus là 2,45 lần (Quinn 2000). Phải chú ý rằng mức tải lượng virus trong máu và trong dịch cơ thể khác không luôn tương quan với nhau. Vì vậy nguy cơ cá nhân vẫn khó ước tính. Hơn nữa, những bệnh nhân đã nhiễm HIV không được bảo vệ khỏi tái nhiễm với những chủng virus mới.

Tải lượng virus càng cao, khả năng lây của người bệnh càng lớn. Điều này là đặc biệt đúng với những bệnh nhân trong giai đoạn nhiễm HIV cấp tính. Trong giai đoạn nhiễm HIV-1 cấp, virus nhân lên rộng khắp mà không có bất kỳ đáp ứng miễn dịch thích hợp nào có thể phát hiện được, có thể đạt mức trên 100 triệu HIV-1 RNA/ml (xem Nhiễm HIV-1 cấp tính).

Dùng ma túy đường tĩnh mạch

Dùng chung dụng cụ tiêm chích không vô trùng đã được dùng trước đó bởi người bị nhiễm là một đường quan trọng lây truyền HIV ở nhiều nước có tỷ lệ cao người tiêm chích ma túy.

Trái ngược với vết thương tai nạn do kim tiêm (xem Dự phòng sau phơi nhiễm), nguy cơ lây truyền qua dùng chung dụng cụ tiêm chích là cao hơn nhiều: người tiêm chích ma túy đảm bảo vị trí đúng của kim tiêm trong tĩnh mạch bằng cách hút thấy máu chảy ra.

Lây truyền từ mẹ sang con

Nếu không có sự can thiệp nào, 15-30% những người mẹ nhiễm HIV sẽ lây nhiễm cho con trong thời gian mang thai và khi sinh. Xấp xỉ 75% trong số những trường hợp này, HIV được lây truyền trong giai đoạn cuối thai kỳ hoặc trong khi sinh. Khoảng 10% lây nhiễm HIV mẹ sang con xảy ra trước 3 tháng cuối thai kỳ, và 10-15% lây nhiễm HIV qua nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Ở những nước phương tây, nhiễm HIV chu sinh (mẹ sang con) đã trở nên hiếm từ khi dự phòng lây truyền bằng thuốc kháng virus và đình chỉ thai nghén có chọn lọc được áp dụng. Chi tiết hơn, xem “Phụ nữ mang thai và HIV…”

Tiêm hoặc truyền sản phẩm máu nhiễm HIV

Ở hầu hết những nước phương tây, chỉ định hoặc truyền máu hoặc sản phẩm máu nhiễm HIV đã trở thành sự kiện hiếm thấy. Với những phương pháp xét nghiệm hiện nay (chi tiết xem Xét nghiệm HIV), nguy cơ mắc HIV từ 1 đơn vị máu được truyền là khoảng 1:1.000.000. Tuy nhiên, trong khi những nước Tây Âu, Mỹ, Austalia, Canada, và Nhật có quy định sàng lọc HIV bắt buộc và chặt chẽ đối với máu được cho, không phải tất cả các nước đều làm được điều này.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.