Bệnh đau thần kinh Tọa ngày nay khá phổ biến. Nguyên nhân theo Y học hiện đại hay gặp là do Thoát vị Đĩa Đệm, Thoái hóa Cột Sống Thắt Lưng, trượt Cột Sống Thắt Lưng, sang chấn vận động mạnh như thể dục thể thao, tai nạn giao thông, đánh đập, bê vác vật nặng quá sức, do lạnh, u chèn ép, ung thư di căn….Kết quả là làm tổn thương dây Thần kinh Tọa, hoặc tổn thương rễ thần để tạo ra dây thần kinh Tọa.
Thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm, Thoái hóa Cột sống về nguyên nhân này thì người bệnh phải làm các xét nghiệm cân lâm sàng như: chụp XQuang, Chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT Cột sống …là những xét nghiệm chủ yếu. Từ các xét nghiệm trên mà người ta phân ra các mức độ Thoát vị Điã đệm khác nhau cũng theo đó mà có các chỉ định điều trị tương ứng. Còn Thoái hóa Cột Sống cũng tương tự chia ra các mức độ Thoái hóa khác nhau mà chỉ định điều trị khác nhau.
– Thoát vị Đĩa Đệm Cột Sống tùy thuộc vào hướng thoát vị mà có ảnh hưởng đến dây Thần kinh Tọa hay không. Hướng thoát vị ảnh hưởng đến dây Thần Kinh Tọa thường là có 3 hướng: phía sau vào trung tâm, phía bên và phía sau bên. Trong đó hay gặp nhất là hướng phái sau bên hoặc sau bên trái, hoặc là sau bên phải. Phân ra mức độ thoát vị thì có 4 độ. Trong đó chỉ định điều trị nội khoa từ độ1 đến độ 3 tiên lượng có thể rất khả quan. Còn độ 4 thì chắc chắn phải làm phẫu thuật để giải phóng chèn ép sớm, bệnh nhân giảm những biến chứng nặng.
– Thoái Hóa Cột Sống thường hay gặp ở người trung và cao tuổi. Tuy nhiên, ngày nay người bị thoái hóa ngày càng trẻ hóa. Thoái hóa Cột Sống chủ yếu dưa vào phim XQuang để chẩn đoán và phân độ thoái hóa. Chia thoái hóa thành 4 độ theo tiêu chuẩn XQuang. Nói chung hay gặp người thoái hóa Cốt Sống từ độ 1 đến độ 3, độ 4 ít gặp. Nhận thức về thoái hóa bình thường là một quá trình sinh lý, có nghĩa hiểu nôm na là: già theo tuổi thì quá trình thoái hóa cũng tăng dần lên, chỉ thành bệnh khí nó chèn ép vào Rễ của Dây Thần Kinh Tọa mới gây đau. Điều trị trong trường hợp này vì là thoái hóa theo tuổi nên điều trị triệu chứng đau là chủ yếu, không điều trị được nguyên nhân.
– Các nguyên nhân do sang chấn: ngã, vận động, tai nạn… dẫn đến trượt Cột Sống thì có thể xác định chính xác bằng phim chụp XQuang, cũng dựa vào đó mà phân độ, chia làm 4 độ trong đó điều trị nội khoa có thể can thiệp vào độ 1, độ 2. Còn lại phải yêu cầu bệnh nhân đi phẫu thuật để nẹp, sắp xếp lại.
– Ngoài ra, các nguyên nhân như: U Cột Sống, Ung thư di căn…thì chỉ hỗ điều trị triệu chứng là phụ phải kết hơp với các chuyên khoa của Y học hiện đại.
Châm cứu là một phương pháp điều trị không dùng thuốc của Y học cổ truyền có từ lâu đời. Cũng như các phương pháp điều trị khác đều có chỉ định (được phép dùng) và chống chỉ đinh ( không được phép dùng, hoặc rất thận trọng khi dùng). Ưu điểm của phương pháp này là tác dụng nhanh cắt cơn hoặc giảm cơn đau Đông Y có câu ‘ nhất Châm nhì Cứu thứ ba là dụng Dược” theo kinh nghiệm của chúng tôi thì tác dụng mạnh yếu là do sở trường của người dùng. Nên Châm Cứu được mọi người rất ưa chuộng khi nói đến Y học cổ truyền. Đối với bệnh Đau Thần kinh tọa nói ở trên, từ 4 nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh Đau Thần Kinh Tọa nói trên thì tiên lượng của châm cứu rất phù hợp với chỉ định điều trị Nội khoa của Y học hiện đại. Nghĩa là Châm Cứu có thể điều trị khả quan các nguyên nhân: Do Lạnh, Thoát vị Đĩa Đệm độ 1,2,3; Thoái hóa Cột Sống độ 1,2,3. Trượt Cột Sống độ 1,2.
Các nguyên nhân khác thì Châm cứu điều trị theo chúng tôi là chưa khả quan, nên không dám lạm bàn.
Theo Ths. Bs y học cổ truyền Nguyễn Xuân Luận.