BỆNH GÚT
Y học hiện đại
Trong phần phân loại bệnh khớp, Y học hiện đại xếp bệnh gút trong nhóm bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa. Bệnh đã được biết từ thời Hypocrate nhưng đến cuối thế kỷ XIX mới xác định được vai trò gây bệnh là acid uric. Bệnh thường gặp ở các nước Châu Âu chủ yếu là nam giới (95%), tuổi trung niên (30 – 50), một số trường hợp có tính chất gia đình. Ở Việt Nam trong một nghiên cứu 59 bệnh nhân ở bệnh viên Bạch Mai và Quân y viện 108 cho thấy nam giới chiếm 94%, tuổi trung niên >30% và bệnh Gút chiếm 1.5% các bệnh về khớp. Theo Y học hiện đại có 3 nguyên nhân gây bệnh sau đây.
Tăng acic uric bẩm sinh: Do thiếu men H.G.P.T nên lượng acid tăng cao ngay từ nhỏ, bệnh có các biểu hiện toàn thân, thần kinh, thận và khớp, bệnh rất hiếm và rất nặng (bệnh Lesch – Nyhan).
Bệnh gút nguyên phát gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric, đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gút.
Bệnh gút thứ phát: Do ăn nhiều gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua, uống nhiều rượu. Do tăng cường thoái giáng purin nội sinh. Do giảm thải acid uric qua thận.
Trong bệnh gút các vi tinh thể urat lắng đọng ở màng hoạt dịch gây sưng đau các khớp, ngoài ra urat có thể lắng đọng ở một số cơ quan ngoài khớp như ở gân, túi thanh dịch, ngoài da, ngoài móng tay, chân, màng ngoài tim, cơ tim, van tim.
Bệnh gút tiến triển từ 10 – 20 năm, trong quá trình diễn biến mạn tính xen kẽ những đợt cấp làm bệnh nặng thêm. Bệnh nhân tử vong do các biến chứng thận, nhiễm khuẩn phụ, suy mòn.
Y học hiện đại chia bệnh gút thành 2 thể:
Gút cấp tính: Biểu hiện bằng những đợt viêm cấp và đau dữ dội của khớp bàn ngón chân cái nên còn gọi là “gút do viêm”.
Gút mạn tính: Biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các cục “tophi” và viêm đa khớp mạn tính, do đó còn được gọi là “gút do lắng đọng”
Y học cổ truyền
YHCT gọi là thống phong, nguyên nhân do ngoại tà xâm phạm vào cơ thể làm bế tắc kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại các khớp gây sưng, đau, co duỗi vận động khó. Lúc đầu bệnh còn ở bì phu kinh lạc, lâu ngày tà khí vào gân xương, tạng phủ. Khí huyết, tân dịch ứ trệ lâu ngày hóa đàm, đàm uất kết thành u cục quanh khớp, dưới da. Bệnh biểu hiện nhiều năm, đôi khi xuất hiện đợt cấp làm tổn thương can thận, làm biến dạng các khớp. Y học cổ truyền cho rằng thống phong có thể quy thuộc phạm trù chứng tý và chia làm 2 thể bệnh sau
Bệnh gút Thể phong thấp nhiệt (đợt cấp)
Triệu chứng: đột ngột khớp bàn ngón chân cái sưng, nóng, đỏ đau, không dám sờ, đụng vào, đau đầu, sốt, khát nước, miệng khô, sợ lạnh, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.
Pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết, chỉ thống.
Bài thuốc:
Bài 1: Gia vị tam diệu thang
Thương truật 15g Hoàng bá 12g
Ý dĩ nhân 30g Ngưu tất 12g
Mộc qua 12g Thanh đại 6g
Hoạt thạch 15g Tri mẫu 9g
Kê huyết đằng 30g Đương quy 15g
Xích thược 15 Tỳ giải 12g
Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Bạch hổ gia quế chi thang gia giảm
Thạch cao sống 40g (sắc trước)
Tri mẫu 12g Quế chi 6g
Bạch thược 12g Xích thược 12g
Kim ngân đằng 20g Phòng kỷ 10g
Mộc thông 10g Hải đồng bì (vỏ cây vông nem) 10g
Cam thảo 8g
Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu khớp sưng đau nhiều: tăng Kim ngân đằng lên 50g và gia Thổ phục linh 16g, Ý dĩ nhân 16g để tăng khả năng trừ thấp và gia Toàn đương quy, Đan sâm, Trạch lan, Đào nhân, Hồng hoa, Tằm sa để hoạt huyết hóa ứ chỉ thống.
Nếu có biểu chứng kèm theo gia thêm Độc hoạt, Tế tân để giải biểu tán hàn chỉ thống.
Châm cứu: Châm tả Thận du, Khí hải du, Bàng quang du, Quan nguyên, Tam âm giao và các a thị huyệt tại khớp đau và vùng lân cận.
Bệnh gút Thể đàm thấp ứ trệ (mạn tính)
Gút (thống phong) mạn tính có thể tiếp theo Gút cấp tính nhưng phần lớn là bắt đầu từ từ tăng dần thông qua các đợt cấp.
Triệu chứng: Nhiều khớp sưng to, đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không nóng đỏ nhưng đau nhiều, biến dạng kèm theo da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, xuất hiện nốt u cục quanh khớp, dưới da và vành tai sờ thấy mềm, không đau, mạch trầm huyền hoặc khẩn là biểu hiện của hàn thấp ứ trệ.
Pháp điều trị: Khu hàn, thông lạc, trừ thấp, chỉ thống.
Bài thuốc:
Nghiệm phương
Ô đầu chế 4g Tế tân 4g
(Hai vị này sắc trước)
Toàn đương quy 12g Xích thược 12g
Uy linh tiên 10g Thổ phục linh 16g
Ý dĩ nhân 20g Tỳ giải 12g
Mộc thông 10g Quế chi 6g
Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu nhiều khớp sưng đau, cứng khớp, rêu lưỡi trắng, dầy bẩn, mạch hoạt là biểu hiện đàm trọc ứ trệ. Vẫn dùng bài thuốc trên gia: Trích cương tàm, Xuyên sơn giáp, Tạo giác thích, Hy thiêm thảo, Hải đồng bì để hoạt lạc trừ đàm.
Nếu các khớp đau như dao đâm, dùi chọc, mạch sáp, lưỡi tím bầm là biểu hiện của huyết ứ, gia thêm: Ngô công, Toàn yết sao, Diên hồ sách để hoạt huyết chỉ thống.
Nếu xuất hiện đau lưng mỏi gối, sợ lạnh, tay chân lạnh, chất lưỡi bệu, mạch trầm hoãn vô lực, liệt dương là biểu hiện của thận dương hư, dùng bài thuốc trên gia thêm: Cốt toái bổ, Nhục thung dung để bổ thận kiện cốt.
Nếu kèm theo dấu hiệu khí huyết hư gia thêm: Hoàng kỳ, Bạch truật, Nhân sâm, Đương quy.
Châm cứu: Châm bổ các huyệt như thể phong thấp nhiệt.
Dự phòng bệnh tái phát
Chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Kiêng uống rượu và các chất kích thích: ớt, cà phê, thuốc lá…
Hạn chế các thức ăn có chứa nhiều purin: phủ tạng động vật (lòng, gan, tim , tiết) thịt, cá, cua, nấm, rau dền, đậu Hà lan, đậu hạt các loại. Có thể ăn trứng, sữa, uống bia, hoa quả, thịt chỉ nên ăn dưới 100g/ngày.
Uống nhiều nước (tối thiểu 2 lít/ngày), nên uống các loại nước khoáng có nhiều Bicacbonat, nếu không thì uống dung dịch bicacbonat – Na 3%.
Tránh làm việc quá sức, tránh lạnh.
Không nên dùng thuốc lợi tiểu Cholorothiazid, steroid.
Phẫu thuật: Khi các u cục (tophi) quá to, cản trở vận động (ở ngón chân cái không đi giầy được, ở khuỷu tay khó mặc áo) cần phẫu thuật cắt bỏ.
Nếu có tổn thương thận: Cần chú ý tình trạng nhiễm khuẩn (viêm thận kẽ), tình trạng suy thận tiềm tàng, sỏi thận, tăng huyết áp để xử lý kịp thời