Không phải hành kinh mà ra huyết nhiều, hoặc ra huyết liên tục gọi là băng huyết, rong huyết (băng lậu). Huyết ra cấp tốc chảy xuống như trút, tương tự như núi lở nên gọi là “băng” (băng huyết), huyết ra nhỏ giọt lỉ rỉ không dứt nên gọi là “lậu” (rong huyết). Băng huyết với rong huyết đều là huyết ở tử cung ra, nhưng thế bệnh có hoãn cấp khác nhau rõ rệt, vì trên lâm sàng thường gọi chung là băng lậu, cho nên ở đây trình bày chung làm một mục.

Trong quá trình bệnh băng huyết với rong huyết phát ra có thể cùng chuyển hoá lẫn nhau, nếu băng huyết lâu ngày không khỏi, thế bệnh nhẹ dần thì có thể chuyển thành rong huyết, rong huyết không khỏi, thế bệnh tăng dần thì có thể hoá ra băng huyết, so với rong huyết thì băng huyết nặng hơn, so với băng huyết thì rong huyết nhẹ hơn. Nhưng lúc chữa bệnh, băng huyết hay rong huyết đều phải chú ý như nhau, cũng không nên xem thường chứng rong huyết.

Chứng băng huyết, thế bệnh cấp, huyết ra nhiều là một loại bệnh tương đối nặng trong phụ khoa, nếu bệnh phát vào sau khi sinh nở là lúc khí huyết đều hư thì chứng trạng lại càng nặng hơn, mà dễ thấy hiện tượng hư thoát, lúc chữa bệnh nên chú ý đề phòng và ngăn chặn điểm này.

Phụ nữ tuổi đã cao mà băng huyết, rong huyết trở đi trở lại luôn, hoặc ra nhiều màu sắc lẫn lộn, đó là triệu chứng không tốt, phải chú ý chữa sớm. Nếu thời kỳ có thai mà băng huyết, rong huyết thường là dấu hiệu sắp sẩy thai, không thuộc vào phạm vi bệnh này. Ngoài ra sau lúc đẻ cũng thường thấy băng huyết thì bệnh chứng trị liệu cũng như băng huyết, rong huyết, cho nên cũng bàn luôn vào bài này.

NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân sinh ra bệnh băng huyết, rong huyết chủ yếu là mạch Xung, mạch Nhâm, bị tổn thương, cơ chế bệnh lý nên quy nạp vào hai loại hư và thực.

Khí hư: Làm việc quá mệt, ăn uống không chừng, tổn thương đến khí của tỳ phế. Khí của tỳ, phế bị hư, khí trung tiêu hãm xuống dưới, không thể củng cố điều nhiếp được, hoặc lo nghĩ quá độ, hại đến tâm tỳ khí hư thì không chủ tể, giữ gìn được.

Dương hư: Khí hư lâu ngày không khôi phục làm tổn thêm đến dương khí của hạ nguyên, chân hoả của mệnh môn suy kém, không làm ấm nóng tử cung, và không điều hoà giữ gìn được mạch Xung, mạch Nhâm.

Âm hư: Thời kỳ mới đẻ không kiêng phòng dục, hoặc trong khi hành kinh mà dục tình động lên, đều có thể tổn thương đến huyết hải, làm âm huyết sút kém, mạch Xung, Nhâm không được vững, phần âm của thận kém sút quá không thể giữ được chân âm.

Thực

  • Huyết nhiệt: Do tâm hoả vốn vượng, hoặc ăn đồ cay nồng nóng ráo quá nhiều , đến nỗi làm cho nhiệt đọng ở trong, đẩy huyết đi xuống.
  • Thấp nhiệt: Vì thấp nhiệt mạnh quá đẩy huyết đi sai đường.
  • Huyết ứ: Khi hành kinh hoặc khi đẻ rồi, huyết xấu ngăn trở ở trong làm cho huyết ứ lại, mà huyết mới không quy kinh được.
  • Khí uất: uất ức hại can, can khí không thư thái, phần khí nghịch lên, huyết không đi theo đường kinh.

BIỆN CHỨNG

Chứng băng huyết, rong huyết ngoài việc xem xét lượng huyết nhiều hay ít, máu huyết sẫm hay nhợt, chất huyết đặc hay lỏng để phân biệt hư, thực, hàn, nhiệt; ngoài ra còn chú ý đến vùng bụng xem có biểu hiện trướng đau gì không, chứng trạng toàn thân thế nào, cho đến rêu lưỡi và mạch tượng biến đổi ra sao, để làm căn cứ cho việc biện chứng được cụ thể.

Chứng hư

  • Chứng khí hư: Bỗng nhiên ra huyết rất nhiều, hoặc ra dầm dề không ngớt máu đỏ nhợt mà trong, tinh thần mỏi mệt, ngắn hơi ngại nói, không thiết ăn uống, đại tiện lỏng hoặc sợ lạnh, tự đổ mồ hôi, lưỡi nhợt rêu mỏng mà ướt, mạch đại mà hư, hoặc tế nhược kém sức, nặng hơn thì hai mắt mờ tối, xây xẩm, ngã ra bất tỉnh nhân sự, mạch vi muốn tuyệt; nếu người tâm tỳ đều hư, kiêm sắc mặt vàng úa thì hiện ra các chứng hay quên, hồi hộp, mất ngủ, biếng nhác, thích nằm.
  • Chứng dương hư: Băng huyết, rong huyết lâu ngày không hết, sắc mặt luôn luôn nhợt hoặc xám, bụng dưới lạnh hoặc chỗ rốn bị lạnh đau, ưa chườm nóng đau xương sống lưng, người lạnh sợ lạnh rêu lưỡi trắng nhợt, mạch trầm, tế, trì, nhược.
  • Chứng âm hư: Băng huyết, rong huyết ra huyết nhiều, máu huyết đỏ bầm, thân thể gầy yếu, đầu choáng tai ù, miệng khô, họng ráo, tâm phiền,lưng đau, chiều chiều lên cơn sốt, lòng bàn tay nóng, đêm ngủ không yên, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi tróc ra, mạch tế, hư, sác.

Nếu băng huyết, rong huyết lâu ngày không khỏi, đến nỗi huyết hư thì sắc mặt vàng úa, miệng, môi và móng tay xanh nhợt, đầu choáng, tim hồi hộp, tâm thần hoảng hốt, hoặc có lúc bụng cồn cào như đói, hoặc có gò má đỏ, chất lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi tróc lốm đốm, mạch hư tế.

Chứng thực

  • Chứng huyết nhiệt: Bỗng nhiên ra huyết nhiều, hoặc ra dầm dề, lâu ngày, máu huyết đỏ sẫm, nóng nảy khát nước, tinh thần hoảng hốt, đầu choáng, ngủ không ngon giấc, lưỡi đỏ khô, rêu vàng, mạch hoạt sác.
  • Chứng thấp nhiệt: Băng huyết rong huyết ra nhiều , máu đỏ tía mà hơi dính, nhớt, nặng về thấp thì sắc mặt cáu vàng, mí mắt sưng húp, ngực bực tức, miệng nhớt dính, tiểu tiện không lợi, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch bụng dưới nóng đau, đại tiện bí kết, tiểu tiện vàng đỏ, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi khô nhớt, mạch trầm sác.
  • Chứng huyết ứ: Bỗng nhiên huyết ra rất nhiều, hoặc dầm dề và có mầu sắc đen tím có cục hòn, bụng dưới đau không cho xoa nắn, khi hòn cục ra rồi thì bớt đau, rêu lưỡi bình thường, mạch trầm sáp.
  • Chứng khí uất: Bỗng nhiên băng huyết, hoặc ra dầm dề không dứt màu sắc bình thường, có huyết cục, bụng dưới trướng đau và lan ra sườn ngực, tính nóng hay giận thường muốn thở dài, rêu lưỡi dày, mạch huyền.

CÁCH CHỮA

Chứng băng huyết rong huyết chủ yếu là mất huyết, cách chữa nên nắm vững 3 phép: “Lấp dòng”, “Chữa gốc” và “Khôi phục”.

Căn cứ vào nguyên tắc “Cấp thì chữa ngọn, hoãn thi chữa gốc” mà tiến hành điều trị.

  • Lấp dòng

Tức là chặn huyết lại, là biện pháp quan trọng nhất để chữa chứng băng huyết rong huyết đặc biệt về chứng băng huyết lại càng trọng yếu hơn. Vì tình trạng ra huyết nhiều quá nếu không cấp tốc ngăn huyết lại thì thành ra hư thoát, nguy đến tính mạng, còn như phương pháp chỉ huyết (cầm máu) lại nên căn cứ vào bệnh tình mà quyết định.

Trong tình trạng khẩn cấp huyết ra quá nhiều đến nỗi khí theo huyết thoát thì nên dùng ngay bài “Độc sâm thang” (1) hoặc bài “Sâm phụ thang” (2) để cứu vãn thoát nghịch (1) (băng huyết sau khi đẻ càng nên chú ý hơn), lúc bệnh tình đã hơi hoãn thì nên phân biệt hàn, nhiệt, hư, thực mà chữa, không nên chỉ chuyên về việc chỉ huyết.

  • Chữa gốc

Tức là chữa từ gốc bệnh là khâu trọng yếu trong việc chữa băng huyết rong huyết. Vì chỉ huyết là sử dụng trong lúc cấp cứu, đến khi huyết ra giảm bớt hoặc còn rỏ giọt lỉ rỉ, thì cần phải chú trọng chữa gốc.

Biện pháp cụ thể về chữa gốc vẫn cần biện pháp để chữa. Huyết nhiệt thì nên thanh nhiệt, lương huyết; khí hư thì nên điều can thư uất; huyết ứ thì nên thông huyết tiêu ứ.

Cần phải biện chứng để tìm ra nguyên nhân, xét nguyên nhân mà tính cách chữa, không nên chuyên dùng những thuốc chỉ huyết thanh nhiệt, đến nỗi gây ra tệ hại “hư lại hư thêm, thực lại thực thêm”.

  • Khôi phục

Cách điều lý cho tốt để đảm bảo về sau là cốt ở điều hoà tỳ vị. Vì muốn cho thân thể khôi phục lành mạnh, thì chủ yếu là phải nhờ vào khí huyết đầy đủ, mà sinh ra khí huyết, lại nhổ ở nguồn thuỷ cốc, mà thuỷ cốc hoá sinh được lại phải nhờ vào tỳ vị. Nếu tỳ vị đã bị ảnh hưởng của bệnh tà mà mất hết công năng bình thường, sức thu nạp và vận hoá bị sút kém, không thể nuôi dưỡng được khí huyết, lúc ấy mà bồi bổ mạnh sẽ làm cho khí bị trở ngại, tỳ vị bị nê trệ, ảnh hưởng đến sự hấp thụ của tiêu hoá. Do đó muốn khôi phục nên lấy sự điều lý tỳ vị làm chủ. Trung tiêu vận hoá mạnh, nguồn sinh hoá khôi phục lại thì dù không bổ huyết mà huyết cũng tự nhiên đầy đủ.

Chữa chứng băng huyết rong huyết ngoài dùng các phép trên ra, còn nên chiếu cố đến chồ khác nhau về băng huyết với rong huyết, tức là chữa băng huyết thì nên cố sáp thăng đề vì thời kỳ ra huyết tương đối nhiều, thứ thuốc tân ôn hành huyết, không nên dùng, dù đến Đương quy, Xuyên khung cũng phải kiêng dè nếu bệnh tình phải cần dùng đến, cũng chỉ nên nắm vững tễ lượng cho đúng mà dùng ít thôi.

Chữa chứng rong huyết thì dùng cách cố sáp thăng đề, còn nên thêm vào thứ thuốc dưỡng huyết hành khí nữa.

Phương thuốc chữa bệnh cụ thể như: Khí hư thì nên bổ khí liễm huyết, dùng Bổ trung ích khí thang (3); hư lắm muốn thoát thì dùng Độc sâm thang (1); tâm tỳ đều hư thì dùng Quy tỳ thang (4); dương hư thì nên ôn dương bổ hư, dùng Giao ngải tứ vật thang (5) gia các vị Phụ tử, Hắc khương, Lộc giác giao; âm hư thì nên dùng Lục vị địa hoàng thang (6) gia các thứ thuốc chỉ huyết; huyết hư thì nên bổ huyết cầm huyết, dùng Giao ngải tứ vật thang (5) gia giảm; huyết nhiệt thì nên thanh nhiệt, lương huyết chỉ huyết, dùng Thanh nhiệt cố kinh thang (7) mà chữa; Thấp nhiệt nặng thì nên thanh nhiệt táo thấp, thiên về nhiệt thì dùng Hoàng liên giải độc thang (8), thiên về thấp thì dùng Điều kinh thăng dương trừ tháp thang (9); Huyết ứ thì nên thông ứ để chỉ huyết dùng Thất tiếu tán (10) hoặc Đào hồng tứ vật thang (11); huyết ứ mà băng huyết ra nhiều thì dùng Chấn linh đan (12); khí uất thì điều khí giải uất, dùng Khai uất tứ vật thang (13) mà chữa.

Sau khi đẻ băng huyết, vì dễ sinh ra nguy hiểm về huyết thoát khí hãm xuống, cho nên thường dùng Thập toàn đại bổ thang (14) để chữa, đồng thời để dự phòng khỏi thoát và hãm xuống, nên châm chước gia các vị A giao, thăng ma, Tục đoạn, Sơn thù; nếu vì giận dữ quá thương can thì dùng Tiêu giao tán (15) gia Hắc sơn chi, Sinh địa; nếu bụng dưới trướng đau, là thuộc huyết ứ đọng; thì nên bổ huyết kiêm trục ứ dùng Phật thủ tán (16) lẫn với Thất tiếu tán (10).

Các bài thuốc sử dụng

  • Độc sâm thang (Cảnh nhạc toàn thư)

Nhân sâm 3 đồng (có thể dùng Đảng sâm hoặc Bào sâm mà thay, liều lượng tối thiểu là 1 lạng), sắc đặc uống hết một lần.Nhân sâm

  • Sâm phụ thang (Thế y đắc hiệu phương)

Nhân sâm 1 lạng

Phụ tử 5 đồng cân (nướng bỏ vỏ)

Gia Sinh khương, Đại táo, mỗi lần 5 đồng sắc uống.

  • Bổ trung ích khí thang (Đông viên thập thư)
Hoàng kỳ 4g (tẩm mật nướng) Trần bì 7g
Nhân sâm 4g Thăng ma 2g
Chích thảo 5g Sài hồ 3g
Quy thân 4g (sao rượu) Sinh khương 3 lát
Bạch truật 3g (sao đất) Đại táo 2 quả

Sắc với nước trong, bỏ bã, uống hơi nóng vào lúc xa bữa ăn. (4) Quy tỳ thang (Xem ở mục Kinh nguyệt không đều)

  • Giao ngải tứ vật thang (Kim quỹ yếu lược)

Thục địa 4g Ngải diệp 4g

Đương quy 4g Xuyên khung 4g

A giao 4g (sao với bột Cáp phấn làm viên tròn như hạt châu)

Cam thảo 5g

A giao điều trị rong huyết, băng huyết
A giao điều trị rong huyết, băng huyết

Các vị cắt nhỏ, đổ vào nửa nước nửa rượu sắc uống vào lúc đói bụng.

  • Lục vị địa hoàng hoàn (Phương của tiền ất)

Thục địa hoàng 8 lạng (tẩm Sa nhân và rượu cửu chưng; cửu sái rồi giã thành cao)

Sơn thù du nhục 144g (tẩm rượu sao)

Can sơn dược 144g (sao)

Mẫu đơn bì 108g (rửa rượu sao qua)

Bạch phục linh 108g (tẩm sũa người sấy khô)

Trạch tả 108g (tẩm rượu, nước muối nhạt, sao)

Các vị tán bột hoà với cao Địa hoàng, mật ong mà làm hoàn bằng hột ngô đồng, mỗi lần uống 2-3 đồng với nước muối nhạt hoặc với nước sôi vào lúc đói. Dùng chữa chứng âm hư băng lậu, nên gia các vị như Ô tặc cốt, Long cốt, Mẫu lệ.

  • Thanh nhiệt cố kinh thang (Phương của học viện Trung y nam kinh)
Chích quy bản 32g
Địa cốt bì 20g
Mẫu lệ phấn 20g
Tiên sơn chi 12g
A giao 20g
Địa du 20g
Đại sinh địa 20g
Bẹ móc đốt cháy 12g
Ngẫu tiết 20g
Cam thảo 8g
Hoàng cầm 12g

sắc chia uống 2 lần vào lúc xa bữa ăn.

  • Hoàng liên giải độc thang (Nho môn sự thân)

Hoàng liên Hoàng bá

Hoàng cầm Đại chi tử

Các vị bằng nhau, giã nhỏ như hột vừng, hột đậu mỗi lần dùng 5 đồng sắc với 2 bát nước, lấy 8 phần bát, bỏ bã uống ấm.

  • Điều kinh thăng dương trừ thấp thang (Phương của Lý Đông Viên)
Khương hoạt 4g Thăng ma 4g
Sài hồ (bỏ lông) 4g Cảo bản 4g
Thương truật 4g (ngâm nước gạo) Màn kinh tử 7g
Hoàng kỳ 4g (tẩm mật nướng) Độc hoạt 5g
Phong phong (bỏ râu) 4g Đương quy 5g
Cam thảo 4g

Cắt 1 thang sắc uống.

  • Thất tiếu tán (Cục phương)

Bồ hoàng (nửa sống nửa sao)

Ngũ linh chi

Hai vị bằng nhau tán bột, mỗi lần dùng 2 đồng sắc với rượu và đồng tiện mỗi thứ một nửa mà uống.

Ngũ linh chi trong điều trị rong huyết, băng huyết
Ngũ linh chi trong điều trị rong huyết, băng huyết
  • Đào hồng tứ vật thang (xem ở mục Kinh nguyệt không đều)
  • Chấn linh đan (Cũng gọi là tử Kim đơn)

Chích nhũ hương (nghiền riêng) 72g

Ngũ linh chi 72g

Một dược (nghiền bỏ san đá) 72 g

Châu sa (phi) 36g

Vũ dư lương (nung lửa, tôi vào giấm, tay bóp bở là được)

Tử thạch anh

Đại giả thạch (bào chế như Vũ dư lương)

Xích thạch chi

Các vị Vũ dư lương, Tử thạch anh, Đại giả thạch, Xích thạch chi đều 144g, cùng đập vỡ thành cục nhỏ, bỏ vào nồi, lấy bùn lẫn muối trét kín nồi lại đợi khô, dùng 10 cân than củi đun cho đến khi Kết lửa là được, chôn xuống đất 2 đêm cho ra hết hoả độc.

Tất cả các vị tán bột, lấy bột nếp nấu hồ làm hoàn bằng hột Khiếm thực phơi khô, mỗi lần uống 1 viên với giấm vào lúc đói.

  • Khai uất tử vật thang (Y học chính truyền)
Hương phụ (sao) 12g Xuyên khung 5g
Toàn Đương quy 12g Hoàng kỳ 5g
Bạch thược (sao rượu) 4g Bồ hoàng (sao) 5g
Thục địa hoàng 4g Địa du 5g
Bạch truật 4g Nhân sâm 5g

Sắc nước uống ấm.

  • Thập toàn đại bổ thang (Xem ở mục Kinh nguyệt không đều)
  • Tiêu giao tán (Xem ở mục Kinh nguyệt không đều)
  • Phật thủ tán (Tứ văn trọng)

Xuyên khung 12g

Đương quy (bỏ cuống tẩm rượu) 08g.

Cùng tán bột, mỗi lần dùng 8g, nước 1 chén, rượu 2 phần chén, sắc lấy 7 phần uống ấm.

Xem tiếp

http://thuocchuabenh.vn/dong-y-chua-benh/dong-y-dieu-tri-bang-huyet-rong-huyet.html

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.